Với những người trẻ ưa du lịch nhưng không rủng rỉnh tiền bạc, để có trải nghiệm đến những vùng đất mới việc tiết kiệm chi phí là điều đặc biệt được chú ý tới. Những tín đồ của xê dịch có nhiều cách để giảm chi phí cho những chuyến đi như săn vé máy bay giá rẻ, đặt phòng khách sạn được giảm giá trên các trang web như agoda hay các trang web mua theo nhóm như muachung. Và một nguyên tắc ai đi du lịch giá rẻ cũng đều biết là không bao giờ sử dụng đồ ăn, thức uống trong tủ lạnh khách sạn bởi chúng có giá “cắt cổ”.
Để chào giá tốt hơn cho những khách hàng nhạy cảm với giá, khách sạn phải tìm cách tăng thêm nguồn thu từ những thứ khác
Bạn phải trả tới 20 nghìn đồng cho chai nước khoáng Lavie hay Aquafina loại loại 500ml mua tại khách sạn 3-4 sao. Nhưng nếu chịu đi bộ xuống cửa hàng tạp hóa hay siêu thị mini cách khách sạn không xa, bạn có thể mua chai nước này với giá chỉ từ 4-5 nghìn đồng. Vì sao những mặt hàng để sẵn trong tủ lạnh phòng khách sạn lại đắt như vậy?
Lý do đầu tiên là một cửa hàng chuyên doanh bán lẻ có thể bán phần lớn mặt hàng với giá thấp hơn giá của các nhà cung cấp không chuyên như khách sạn. Bởi lẽ các cửa hàng này bán với số lượng lớn và có thể tận dụng ưu thế chuyên môn hóa cũng như được hưởng ưu đãi trực tiếp từ đại lý phân phối. Điều này giúp lý giải vì sao các khách sạn thường tăng giá bán lên để bù đắp chi phí bán chai nước vốn chỉ đáng giá 5 nghìn đồng tại các cửa hàng bán lẻ ngoài. Tuy nhiên, mức phí của khách sạn cũng không thể nào cao đến mức phi lý- gấp 4 lần mức giá của các cửa hàng bên ngoài.
Một lý do thuyết phục hơn là mức phí cao của những mặt hàng này gián tiếp giúp khách sạn có thể giảm giá cho những khách hàng nhạy cả với giá, những khách hàng săn tìm dịch vụ với giá thấp hơn. Để đạt tỷ lệ phòng đặt cao, khách sạn luôn chịu áp lực phải giữ giá phòng ở mức cạnh tranh. Ví dụ nhiều khách sạn tính giá thấp hơn cho những khách hàng đặt phòng qua mạng, hay các trang web mua theo nhóm. Và những khách hàng đặt phòng qua mạng thường nhạy cảm với giá hơn so với những khách khác.
Vì ngành kinh doanh khách sạn cạnh tranh gay gắt nên các khách sạn không thu được lợi nhuận biên quá cao. Để chào giá tốt hơn cho những khách hàng nhạy cảm với giá, khách sạn phải tìm cách tăng thêm nguồn thu từ những thứ khác. Các khách sạn hiểu rất rõ nếu tính giá đồ ăn thức uống tại phòng cao thì nhiều khách sẽ chẳng mua gì tại khách sạn cả.
Tuy nhiên có những khách ít nhạy cảm với giá, thu nhập cao sẽ chẳng quan tâm đến mức giá cao (và vẫn mua hàng). Lợi nhuận tăng thêm từ những vị khách này giúp khách sạn áp dụng mức chiết khấu giá phòng cao hơn. Điều kiện giảm giá trong trường hợp này là khách phải chịu khó không dùng đồ ăn thức uống tại phòng dù nó rất tiện lợi. Khi đó hóa đơn khách sạn của họ sẽ rẻ hơn, và điều này có được do giá đồ ăn thức uống trong phòng tính cao hơn bên ngoài.
Theo Trí Thức Trẻ