1. Trẻ sơ sinh vặn mình khi ngủ là do đâu?
Theo quan niệm dân gian truyền tai nhau thì trẻ sơ sinh vặn mình nhiều chứng tỏ là bé đang phát triển tốt, mau lớn. Vì vậy, khi bé vặn mình nhiều người chủ quan không tìm cách cải thiện cho bé dẫn đến biểu hiện này diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.
Hiện tượng vặn mình khi ngủ ở trẻ sơ sinh có thể là biểu hiện bình thường do trẻ chưa phát triển hoàn thiện hệ thống não bộ, các tế bào thần kinh chưa được biệt hóa, vỏ não và thể vân còn yếu dẫn đến phần dưới vỏ hoạt động mạnh. Điều này làm bé có biểu hiện múa vờn, tay chân hoạt động thường xuyên, vặn mình.
Dấu hiệu vặn mình thường xuất hiện sau sinh vài tuần đến 2 tháng tuổi. Đây cũng có thể được giải thích một phần là do trẻ đã quen với môi trường chật hẹp trong tử cung mẹ nên khi ra ngoài trẻ chưa kịp thích nghi.
Dù thế, vặn mình rướn mình hay gồng mình của trẻ cũng có thể là do bệnh lý. Để phân biệt và tìm cách chữa cho phù hợp cần đến sự quan sát kỹ lưỡng của bố mẹ.
1.1. Vặn mình do sinh lý
Có rất nhiều nguyên nhân sinh lý tác động làm xuất hiện vặn mình, rướn mình ở trẻ sơ sinh như:
- Do trẻ đói : mẹ nên chia khoảng cách giữ các lần bú hợp lý (khoảng 2 - 3 giờ bú 1 lần), vì dạ dày bé rất nhỏ chỉ có thể chứa một lượng sữa vừa đủ. Mẹ nên tránh để bé quá đói hoặc quá no, vì sẽ làm trẻ dễ vặn mình làm ọc sữa sau khi bú.
- Môi trường xung quanh : có thể trẻ vặn mình, rướn mình do môi trường xung quanh bé ồn ào, quá nhiều ánh sáng, phòng ngủ không được ấm áp, thoải mái.
- Vệ sinh : trẻ tè ướt tã , quần áo hoặc mẹ quấn bé quá chật.
- Rặn tiểu, đi ngoài : biểu hiện vặn mình có thể xuất hiện khi bé cố sức rặn tống thứ gì đó ra ngoài.
Đối với vặn mình do nguyên nhân sinh lý trẻ sẽ có những biểu hiện như vặn người, rướn mình, gồng đỏ mặt nhưng chỉ vài phút là hết. Và bình thường, trẻ vẫn tăng cân đều đặn, phát triển tốt. Khi trẻ được 3 - 4 tháng tình trạng này sẽ tự khỏi, nên bố mẹ không cần lo lắng.
1.2. Vặn mình do bệnh lý
- Thiếu canxi : đây là một trong những bệnh lý dẫn đến vặn mình khi ngủ ở trẻ sơ sinh. Khi cơ thể bé thiếu canxi sẽ gây ra kích thích cho hệ thần kinh, đau nhức xương làm bé vặn mình, khó ngủ sâu giấc và quấy khóc.
- Một số bệnh lý khác : da trẻ bị tổng thương và ngứa rát, trẻ bị con trùng cắn, trẻ có tiếng khò khè khó thở, trào ngược dạ dày thực quản ,...
Vặn mình do bệnh lý trẻ sẽ có những biểu hiện như vặn vẹo, rướn mình thường xuyên khi ngủ, kèm theo các biểu hiện khác như đổ mồ hôi trộm, ngủ không sâu giấc hay giật mình, nôn ói, quấy khóc. Nghiêm trọng hơn, khi bị thiếu canxi bé có thể bị tình trạng còi xương, chậm lớn hoặc suy dinh dưỡng.
2. Top 10 cách chữa trẻ sơ sinh vặn mình khi ngủ
2.1. Không gian ngủ
Tạo một môi trường trong lành xung quanh bé là điều cần thiết. Mẹ nên giữ cho nhiệt độ phòng trẻ vừa phải không quá lạnh cũng không quá nóng. Hạn chế ánh sáng lọt vào phòng quá nhiều, giữ không gian yên tĩnh và vệ sinh chăn, ga, gối, niệm sạch sẽ để tránh bé bị ngứa ngáy, rướn mình .
2.2. Thay tã êm ái, quần áo rộng thoải mái
Đây là một trong những cách đơn giản giúp trẻ hạn chế vặn mình khi ngủ, loại bỏ những yếu tố xung quanh tác động giấc ngủ của bé.
Mẹ nên tìm chọn loại tã có khả năng thấm hút tốt, vừa vặn với số cân của bé nhằm tạo cảm giác thoáng mát dễ chịu. Đồng thời, mẹ nên thường xuyên kiểm tra thay tã cho bé khi bị ướt.
2.3. Xoa dịu bé
Trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm, việc bước ra khỏi cơ thể mẹ đến với môi trường bên ngoài có thể bé bất an hoặc mẹ buồn lo cũng làm trẻ cảm nhận được và cảm giác không an toàn theo. Điều đó dẫn đến việc trẻ ngủ hay giật mình, vặn vẹo, khóc thét những lúc như vậy mẹ hãy bế và ôm bé vào lòng, vuốt ve, dỗ dành để xoa dịu bé.
Bên cạnh đó, mẹ cố gắng đừng lo nghĩ, dành nhiều thời gian nói chuyện, hát ru, đùa giỡn cùng bé, massage...giúp bé cảm thấy được yêu thương che chở, an toàn và hạn chế những cơn vặn mình, gồng mình khó chịu.
2.4. Tắm nắng cho trẻ
Thiếu hụt canxi là tình trạng thường thấy ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là đối với những trẻ bú sữa công thức và những trẻ sinh non. Do đó, tắm nắng là một trong những cách giúp bổ sung vitamin D hỗ trợ trẻ hấp thụ canxi hiệu quả nhất.
Nên cho trẻ tắm nắng từ 10 - 15 phút hàng ngày trong khoảng thời gian từ 6 - 8 giờ sáng là tốt nhất. Lúc này, tia nắng mặt trời mang vitamin D đi vào cơ thể trẻ giúp chuyển hóa canxi và phân phối đều đến các bộ phận cần thiết. Do đó, tắm nắng là cách chăm sóc bé sau sinh chu đáo, giúp con tạm biệt tình trạng vặn mình, gồng mình khi ngủ.
2.5. Mẹ cần ăn uống đầy đủ
Ở thời điểm sơ sinh, nguồn dinh dưỡng chính nạp vào người trẻ là sữa mẹ. Vì vậy mẹ cần phải có thực đơn ăn uống đa dạng và chế độ ngủ nghỉ hợp lí để đảm bảo đủ sữa cho con. Đồng thời, để có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, ghẹ, cá hồi, cá ngừ,...và uống các sản phẩm hỗ trợ bổ sung canxi giúp bé giảm bớt vặn mình, uốn éo khi ngủ.
2.6. Quan tâm đến cảm xúc con
Một trong những biện pháp đơn giản giúp trẻ sơ sinh thư giãn gân cốt là vặn mình. Bên cạnh đó, vặn mình cũng có thể là hành động để trẻ thể hiện cảm xúc, báo hiệu cho mẹ khi trẻ không thể nói như khó chịu, đau bụng, ngứa ngáy, buồn ngủ, đói bụng...Do đó, mẹ phải luôn theo dõi, quan sát đáp ứng ngay nhu cầu cho bé để tránh được biểu hiện vặn mình.
2.7. Cho trẻ bú mẹ
Sữa mẹ mang nguồn dinh dưỡng dồi dào và an toàn nhất đối với trẻ sơ sinh. So với sữa công thức, sữa mẹ còn có ưu điểm là có thể tự điều chỉnh lượng canxi thông qua việc ăn uống, bổ sung dinh dưỡng. Do đó, mẹ nên cho con bú sữa mình từ 6 tháng đến một năm, để đảm bảo cung cấp canxi tốt nhất cho trẻ.
2.8. Bổ sung dinh dưỡng
Nếu trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ nên đưa rau xanh vào thực đơn ăn uống hàng của trẻ. Điều này giúp trẻ hạn chế được tình trạng táo bón, khó chịu ở bụng làm giảm các biểu hiện vặn mình , cố rặn khi đi ngoài ở trẻ.
Ngoài ra, mẹ có thể giúp con bổ sung canxi thông qua các loại thực phẩm giàu canxi như cá hồi, trứng, thịt tôm, cua,...
2.9. Bổ sung vitamin D
Nếu tình trạng bé sơ sinh vặn mình, giật mình, khóc thét khi ngủ xảy ra nhiều lần mẹ nên đưa bé đến bệnh viện thăm khám. Trong trường hợp bé cần bổ sung thêm vitamin D để hỗ trợ hấp thụ canxi, mẹ phải cho trẻ uống đúng theo chỉ định của bác sĩ, tránh trường hợp tự tiện mua vitamin D cho trẻ uống tại nhà.
2.10. Quấn bé
Trong giai đoạn 2 tháng đầu sau sinh, để giúp con đỡ chơi vơi và làm quen với môi trường rộng lớn bên ngoài mẹ có thể quấn bé, lấy gối vòng xung quanh để bé có cảm giác an toàn khi ngủ.
3. Bố mẹ không nên chữa vặn mình cho con bằng các mẹo lạ
Bố mẹ không được dùng mẹo lạ truyền miệng trong dân gian để chữa cho con. Chẳng hạn như cách dùng nước cốt chanh trộn với lòng trắng trứng gà để tẩy lông đẹn cho trẻ. Trẻ sơ sinh từ 0 - 12 tháng có làn da vô cùng non nớt và nhạy cảm mà trong nước cốt chanh lại chứa nhiều axit nên rất dễ làm da bé bị mẩn.
Ngoài ra, việc dùng hỗn hợp lòng trắng trứng gà sẽ không đảm bảo vệ sinh, khi bôi vào da bé sẽ có thể gây nhiễm khuẩn, chưa kể trứng gà sống còn mang mầm bệnh cúm gia cầm rất cao.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho biết, lông măng hay còn gọi là lông đẹn, lông tơ hình thành bảo vệ an toàn cho làn da non nớt của trẻ trong những tháng đầu sau sinh. Khi trẻ lớn lớp lông này sẽ tự rụng dần theo thời gian.
Ngoài ra, để chữa vặn mình cho con nhiều mẹ còn sử dụng các mẹo lạ như chườm nóng, xông hơi, đắp lá...mà không có sự kiểm định từ bác sĩ sẽ dẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
4. Khi nào nên đưa con đến bác sĩ
Trường hợp trẻ vặn, rướn mình nhiều kéo dài sau 4 tháng tuổi vẫn chưa hết. Đặc biệt tình trạng này còn kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như bỏ bú, chán ăn, sút cân, tiêu chảy, không ngủ được, hay giật mình, đổ mồi hôi trộm, rụng tóc, nôn ói,...thì bố mẹ nên lập tức đưa con đến bệnh viện khám chữa ngay, tránh để ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này.
Trẻ sơ sinh vặn mình khi ngủ sẽ không còn là nỗi trăn trở nếu mẹ cập nhật đầy đủ thông tin về nó. Hi vọng bài viết sẽ giúp bố mẹ nắm rõ về tình trạng này, tìm được phương pháp cải thiện phù hợp, điều trị khi cần thiết, giúp bé phát triển an toàn và khỏe mạnh.
Ngọc Hân tổng hợp