Tổng hợp cách nấu 10 món cháo thơm ngon, bổ dưỡng

Tùy theo mỗi mùa trong năm, bạn có thể chọn cho mình những nguyên liệu tươi ngon từ thịt, tôm, sò, ốc… để nấu ra những món cháo béo ngậy, thơm ngon. Hôm nay, bạn sẽ được biết tất tần tật về cách nấu những món cháo với các nguyên liệu kể trên. Cùng theo dõi nhé!

banner ads

1. Cháo vịt

23652-chao-vit.jpg

Cháo vịt

Chuẩn bị:

  • 1 lon gạo (hãy trộn thêm ít gạo nếp để nồi cháo dẻo hơn)
  • 1 con vịt cỏ (loại vịt này nhìn bên ngoài nhỏ nhưng thịt chắc và thơm)
  • 4 củ gừng: 2 củ đập dập và 2 củ còn lại giã nhuyễn
  • 2 củ tỏi: lột vỏ và băm nhuyễn
  • 50g củ hành tím: lột vỏ và thái mỏng 2/3, giữ lại 1/3 đem nướng
  • 10 trái ớt: băm nhỏ
  • 1 chén rượu
  • 3 trái chanh: cắt miếng
  • 1 bó rau răm, rau húng lủi, rau húng quế: nhặt và rửa sạch
  • 3 nhánh hành lá, 1 nhúm rau mùi: rửa sạch và thái nhỏ
  • 2 củ hành tây: lột vỏ, thái mỏng, ngâm qua nước lạnh và vớt ra để ráo
  • Gia vị: nước mắm, tiêu, đường, hạt nêm và muối

Cách làm:

Bước 1: Dùng rượu và ½ phần gừng đập dập chà xát nhiều lần quanh con vịt để khử mùi hôi tanh đặc trưng. Tiếp theo đem rửa vịt lại với nước và để ráo. Sau đó, cho vịt vào nồi nước và luộc. Lưu ý, nước cần phải ngập hết con vịt để vịt luộc không bị đen.

Bước 2: Cho gừng đập dập còn lại vào nồi nước luộc vịt cùng với phần hành tím nướng sau khi nước này sôi. Đồng thời, vớt hết bọt trong nồi nước này.

Bước 3: Vo sạch gạo và cho vào nồi rang đến khi gạo hơi vàng.

Bước 4: Khi vịt trong nồi đã chín, bạn vớt ra và trút gạo rang vào nồi nấu đến khi gạo nở búp thì nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.

Bước 5: Trong lúc chờ đợi, bạn pha nước chấm với 2 muỗng canh nước mắm, 4 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê mỗi loại gia vị: tỏi, ớt và gừng giã nhuyễn. Khuấy đều hỗn hợp này lên, bạn sẽ có tô nước mắm gừng thơm ngon để ăn kèm.

Bước 6: Chặt vịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn và dọn cùng các loại rau ăn kèm gồm rau răm, rau húng lủi, rau húng quế và hành tây.

Bước 7: Múc cháo ra tô, cho thêm hành xanh, hành phi, ít tiêu đen. Dọn cháo cùng dĩa thịt vịt đã sắp , vài lát chanh và chén nước mắm gừng dẻo cay.

Việc sau cùng của bạn và gia đình là xì xụp bát cháo vịt nóng hổi và chuyện trò.

2. Cháo gà

23653-chao-ga.jpg

Cháo gà

Nguyên liệu:

  • 1 con gà
  • 1 lon gạo (trộn thêm ít gạo nếp)
  • 1 củ gừng: gọt vỏ và đập dập
  • 3 quả chanh: rửa sạch và cắt miếng
  • 3 nhánh hành lá: rửa sạch và thái nhỏ
  • 1 nhúm rau húng lủi: rửa sạch và để ráo
  • 2 trái ớt: thái lát nhỏ hoặc bằm nhuyễn
  • Gia vị: muối, tiêu, đường

Cách chế biến:

Bước 1: Rửa gà thật sạch với nước muối pha loãng và đem luộc với ít gừng.

Bước 2: Vo gạo sạch và đem rang đến lúc hơi vàng.

Bước 3: Khi gà đã chín, vớt ra, xé phay và trút phần gạo rang vào nồi nấu nhừ. Sau khi xé xong phần thịt gà, tiếp tục cho xương gà vào nồi cháo, nấu thêm khoảng 15 phút và nêm nếm lại gia vị.

Bước 4: Múc cháo ra tô, sắp thịt lên trên mặt và cho thêm ít hành, rau mùi và vài cọng rau húng lủi. Nếu thích, bạn có thể rắc thêm tiêu đen lên trên mặt.

3. Cháo cá chép

23654-chao-ca.jpg

Cháo cá chép

Nguyên liệu:

  • 1 con cá chép
  • 1 lon gạo (trộn thêm ít gạo nếp)
  • 3 củ hành tím: đập dập
  • 6 củ nén: đập dập
  • 1 mớ rau răm, hành, ớt: rửa sạch và thái nhỏ
  • Gia vị: muối, hạt nêm, tiêu, bột ngọt và dầu điều

Cách làm:

Bước 1: Vo gạo sạch và đem rang cho hơi vàng.

Bước 2: Làm sạch cá và cho vào nồi luộc chín. Khi cá chín, vớt cá ra, lóc thịt và trút phần gạo rang vào nấu nhừ thì nêm nếm gia vị cho vừa miệng.

Bước 3: Đập dập phần củ nén và cho vào chảo dầu nóng với ít dầu điều phi thơm. Khi hành đã dậy mùi thơm, cho thịt cá đã lóc vào đảo nhanh tay và nêm nếm với ít muối, bột ngọt, tiêu và hạt nêm.

Bước 3: Múc cháo ra tô, cho phần cá lên trên mặt, rắc thêm ít hành và tiêu. Có thể dọn thêm một chén nước mắm ớt để tăng hương vị cho món ăn.

Như vậy là bạn đã có món cháo cá thơm ngon để cùng cả nhà thưởng thức rồi đấy!

4. Cháo nghêu

23658-chao-ngheu-2.jpg

Cháo nghêu

Nguyên liệu:

  • 1kg nghêu
  • 1 lon gạo (đã trộn ít gạo nếp)
  • 500g dừa nạo: lấy nước dão và cả nước cốt dừa
  • 1 mớ hành ngò: rửa sạch và thái nhỏ
  • 50g giá sống: rửa sạch và để ráo
  • 2 trái chanh tươi: cắt miếng
  • ½ bát hành phi
  • 1 muỗng cà phê tỏi và ớt băm
  • Gia vị: ớt sa tế, nước mắm, muối, tiêu, bột ngọt, hạt nêm

Cách làm:

Bước 1: Vo gạo và rang vàng.

Bước 2: Đem nghêu rửa sạch cho bớt cát và luộc. Sau khi thấy nghêu mở miệng, bạn tắt bếp. Vớt hết nghêu ra ngoài và chắt lấy nước trong. Phần nghêu, bạn tách lấy thịt. Phần nước bắc lại lên bếp, nấu sôi và trút phần gạo vào nấu đến nhừ.

Bước 3: Cho hành, tỏi băm vào chảo phi thơm và cho phần nghêu vào xào với phần nước cốt dừa, ít muối, tiêu và hạt nêm cho đậm đà. Khâu này bạn chỉ xào trong khoảng 5 phút để thịt nghêu không bị dai và mất chất.

Bước 4: Khi cháo nở búp, cho nước dão dừa lên trên mặt và nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Cháo sôi lại, bạn cho phần nghêu xào dừa vào nồi nấu thêm khoảng 2 phút và tắt bếp.

Bước 5: Múc cháo ra tô và rắc thêm hành ngò, hành phi lên trên mặt cùng một ít ớt sa tế hoặc tiêu đen.

Nồi cháo nghêu chẳng những ngọt nước mà còn có vị beo béo của nước dừa, vị dai dai của nghêu. Xì xụp một bát cháo nghêu khi còn nóng hổi thật không gì tuyệt hơn phải không?

5. Cháo hến

23655-chao-hen.jpg

Cháo hến

Nguyên liệu:

  • 500g thịt hến (bạn có thể mua sẵn)
  • 1 lon gạo (đã trộn thêm nếp)
  • Hành ngò, hành tây: thái nhỏ
  • Gia vị: ớt sa tế, hạt nêm, muối, bột ngọt

Cách làm:

Bước 1: Đãi thịt hến trong một chiếc rổ dày và cho vào nồi nước sôi chần sơ qua.

Bước 2: Vo gạo và rang hơi vàng.

Bước 3: Phi hành tây với ít dầu nóng và cho hến vào xào cùng với ít sa tế, muối, tiêu, hạt nêm, bột ngọt. Xào khoảng 3 phút tắt bếp.

Bước 4: Khi thấy cháo nở bung, cho phần hế xào vào nồi, nấu thêm khoảng 5 phút, nêm nếm lại gia vị và tắt bếp.

Bước 5: Múc cháo ra tô và rắc thêm hành ngò cùng một ít tiêu.

6. Cháo sò huyết

23659-chao-so.jpg

Cháo sò huyết

Nguyên liệu:

  • 1 lon gạo dẻo
  • 500g thịt sò huyết (tách thịt sẵn)
  • 100g xương heo
  • 150g nấm bào ngư: cắt đôi và ngâm với nước bột năng
  • 3 củ hành tím nướng
  • Rau ăn kèm: Hành phi, hành ngò, rau răm: tất cả đem thái nhỏ
  • Gia vị: muối, bột ngọt, tiêu, đường.

Cách làm:

Bước 1: Cho xương lợn vào nồi nước khoảng 2,5 lít và hầm với vài củ hành tím nướng.

Bước 2: Vo gạo và rang hơi vàng. Khi hầm xương khoảng 30 phút thì cho gạo vào nấu cùng.

Bước 3: Phi thơm hành và cho sò huyết vào xào với ít muối, bột ngọt và hạt nêm. Tắt bếp ngay sau khi sò huyết vừa chín tới.

Bước 4: Khi cháo nở bung, vớt xương heo ra tô riêng và cho sò huyết vào cùng và nêm nếm lại gia vị. Nấu thêm khoảng 3 phút, bạn tắt bếp.

Bước 5: Múc cháo ra bát và rắc thêm hành ngò, tiêu.

7. Cháo sườn

23662-chao-suon-2.jpg

Cháo sườn

Nguyên liệu:

  • 500g sườn non
  • Nửa lon gạo
  • 250g nấm bào ngư: cắt đôi và ngâm nước bột năng
  • 1 củ gừng: gọt vỏ và đập dập
  • Hành ngò: thái nhỏ
  • Gia vị: muối, tiêu, bột ngọt

Cách làm:

Bước 1: Chần sơ sườn qua nước sôi, sau đó rửa sạch lại và hầm với 2,5 lít nước. Cho thêm gừng vào nấu cùng để thịt không bị hôi.

Bước 2: Vo gạo và rang hơi vàng.

Bước 3: Phi tỏi thơm và xào nấm bào ngư.

Bước 4: Khi gạo nở bung, cho nấm vào nồi cháo, nêm nếm lại gia vị và tắt bếp.

Bước 5: Múc cháo ra tô với đủ phần nấm, sườn và rắc thêm hành, tiêu.

8. Cháo lươn Nghệ An

23657-chao-luon-2.jpg

Cháo lươn

Nguyên liệu:

  • 1kg lươn đồng
  • Nửa lon gạo dẻo
  • Hành ngò, rau răm: thái nhỏ
  • 6 củ nén: đập dập
  • 2 muỗng cà phê nước cốt nghệ
  • 1 muỗng cà phê bột ớt
  • Gia vị: hạt nêm, muối, tiêu, đường, bột ngọt, dầu điều,

Cách nấu:

Bước 1: Xóc muối phần lươn và tuốt cho sạch nhờn. Sau đó đem lươn luộc hín và chắt lấy nước.

Bước 2: Vo gạo và rang hơi vàng. Dùng nước luộc lươn nấu sôi và trút gạo vào nấu cùng.

Bước 3: Dùng một chiếc đũa gắp một đầu lươn và từ từ tuốt thịt từ trên xuống. Phần xương tiếp tục cho vào nồi cháo để ngọt nước.

Bước 4: Phi thơm củ nén và cho thịt lươn vào xào cùng nước cốt nghệ, bột ớt, dầu điều và nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Khi lươn đã chín, bạn cho thêm nước sôi vừa xâm xấp vào và nấu thêm khoảng 10 phút.

Bước 5: Khi gạo nở bung, bạn vớt xương lươn ra và nêm lại gia vị.

Bước 6: Múc cháo ra tô, cho một muỗng thịt lươn lên trên mặt và rắc thêm tiêu, hành lá.

Cách chế biến này giúp lươn không bị tanh, ngược lại còn rất thơm và có màu đẹp mắt.

9. Cháo mực khô

23661-chao-muc-3.jpg

Cháo mực khô

Nguyên liệu:

  • 300g mực cơm khô
  • Nửa lon gạo dẻo
  • 100g tiết lợn: luộc chín và cắt miếng vuông
  • 1 củ gừng: cạo vỏ và thái sợi nhuyễn
  • 5 tép tỏi: bóc vỏ và đập dập
  • 1 chén rượu
  • Hành ngò: thái nhỏ
  • Giá: rửa sạch và để ráo
  • Ít quẩy và 1 cái trứng bách thảo
  • Gia vị: muối, tiêu, hạt nêm và nước mắm

Cách làm:

Bước 1: Rửa sạch mực và đem ngâm vào rượu trắng khoảng 30 phút.

Bước 2: Vo gạo và rang hơi vàng.

Bước 3: Nấu nước sôi và cho gạo rang vào nồi.

Bước 4: Lấy mực ra, vắt ráo và đem xào qua với phần tỏi phi thơm trên chảo nóng cùng ít nước mắm đường và gừng thái sợi.

Bước 5: Khi gạo đã nở búp, bạn cho phần mực vào nồi, nêm nếm gia vị và khuấy đều. Nấu thêm khoảng 5-8 phút cho mực tiết ra chất ngọt. Sau đó cho phần tiết heo vào nồi và tắt bếp.

Bước 6: Sắp giá dưới tô, múc cháo vào và cho thêm 2 miếng trứng bách thảo, ít hành ngò và 1 thanh quẩy.

Cháo mực có vị ngọt rất đặc trưng của khô mực và thú vị hơn khi ăn những con mực dai dai tan dần trong miệng.

10. Cháo lòng

23656-chao-long.jpg

Cháo lòng

Nguyên liệu:

- Cho phần cháo lòng:

  • 200g phèo non
  • 200g dồi trường
  • 300g cuống họng heo (chú ý lấy phần dính nhiều thịt)
  • 150g gan heo
  • 1 quả tim heo
  • 1 cái bao tử heo
  • 150g huyết hậu (phần huyết còn lỏng)
  • 150g huyết heo luộc
  • 1 lon gạo nếp
  • Rau ăn kèm: giá sống, hành, rau húng lủi, ớt băm

- Cho phần dồi:

  • 150g ruột già
  • 150g huyết hậu heo
  • 50g mỗi loại: mỡ heo và da heo: băm nhỏ
  • Một ít lá chanh, sả, hành lá, tía tô, tỏi và ớt: rửa sạch và thái nhuyễn
  • Gia vị: nước mắm, muối, tiêu, đường, bột ngọt.

Cách làm:

Cho phần dồi:

  • Lộn trái ruột heo, chà thật sạch với muối, giấm nhiều lần. Sau đó rửa lại với nước.
  • Dồn hết nguyên liệu cho phần dồi đã chuẩn bị trước đó vào ruột heo và cột chặt hai đầu bằng chỉ. Có thể đâm vào lỗ nhỏ trên dồi để thoát nước trong lúc luộc, nếu không ruột bên trong sẽ bung.
  • Cuối cùng, đem dồi đi luộc với nước sôi và để nguội.

Luộc lòng:

  • Tất cả các loại lòng đều phải chà kỹ với muối và giấm để làm sạch và khử mùi. Riêng phần bao tử, lộn ngược lại khi sơ chế và quay sơ với ít nước mắm trong chảo. Sau đó lấy ra, cạo sạch lớp nhớt và rửa lại nhiều lần cho thật sạch.
  • Để lòng được trắng khi luộc nên cho vào khi nước đã sôi và vớt bọt liên tục khi nước đang sôi. Sau khi lòng chín, vớt ngay ra thau nước có vắt ít nước chanh để lòng được giòn.

Nấu cháo:

  • Vo gạo và rang hơi vàng. Sau đó trút vào phần nước luộc lòng nấu đến khi gạo nở nhừ thì cho huyết hậu vào, nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
  • Để tô cháo dọn ra ngon hơn, khi dùng bạn bắt đầu cắt từng lòng và dồi, cho lên mặt tô cháo đã sắp giá và rắc thêm hành, tiêu, ớt băm.
  • Nấu cháo lòng hơi kỳ công nhưng đây lại là món ưa thích của nhiều ông chồng và các bé.

Bí quyết nấu cháo ngon

23660-chao-suon.jpg

Để có nồi cháo ngon, bạn cần rang gạo trước khi nấu.

- Khi nấu cháo bạn phải canh lửa cho đều, khi cần lửa nhỏ và có lúc lại cần lửa lớn để nấu nhanh.

- Việc rang gạo giúp bạn nấu cháo mau nhừ hơn, đồng thời gạo thơm hơn.

- Nếu nấu cháo trắng, bạn cho 3 nước: 1 gạo. Với cháo có thêm nguyên liệu chính bạn cho 4 nước: 1 gạo thì phần cháo thành phẩm sẽ vừa ngon, không quá đặc mà cũng không quá lỏng.

- Với các nguyên liệu nấu cháo cần ướp sơ qua để giữ được vị ngon riêng có.

- Muốn cháo không trào trong lúc nấu, bạn không cho gạo vào ngay khi nước còn lạnh và cho ít muối vào cùng. Khi nấu, cho đôi đũa gỗ gác lên trên miệng nồi để ngăn không cho cháo trào.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI