Đầu xuân, nhiều ngôi chùa trong thành phố, nhất là những ngôi chùa cổ luôn tấp nập khách thập phương đến vãn cảnh chùa, khấn cầu bình an và sức khỏe cho gia đình.
Tổ đình Giác Lâm
Đầu xuân, một trong những ngôi chùa Sài Gòn đông người đến viếng nhất là tổ đình Giác Lâm. Được xây dựng từ năm 1744, đến nay đã 270 năm, chùa Giác Lâm là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Sài Gòn, mang đặc trưng kiến trúc tôn giáo ở Nam Bộ. Đây là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam, với kiến trúc chữ Tam, gồm 3 dãy nhà ngang nối liền nhau: chính điện, giảng đường và trai đường.
Tổ đình Giác Lâm
Tổ đình tọa lạc tại đường Lạc Long Quân, có khuôn viên khá rộng, nhiều cây xanh thoáng mát. Với lịch sử lâu đời cùng kiến trúc tiêu biểu, đây là một trong những ngôi chủa rất nổi tiếng tại TP.HCM, dù là ngày thường hay mùng một, rằm đều đông người đến viếng.
Bước vào bên trong chùa, du khách cảm nhận được không gian hài hòa với thiên nhiên, sự u tịch của thiền môn. Trước chùa có Bảo tháp Xá Lợi hình lục giác, tầng 7 tháp thờ Xá Lợi Phật. Sân chùa có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát dưới bóng cây bồ đề. Đây là cây bồ đề do Đại đức Narada mang từ Sri Lanka (Tích Lan) sang trồng vào năm 1953.
Hiện nay, chùa còn là một bảo tàng nhỏ, lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được chạm trổ tinh xảo. Chùa có 113 pho tượng cổ, hầu hết là bằng gỗ. Những cột chính bên trong điện đều được chạm khắc câu đối, thiếp vàng công phu.
Chùa Giác Viên
Cũng nằm trên đường Lạc Long Quân, lịch sử chùa Giác Viên (còn có tên là chùa Hố Đất) gắn liền với tổ đình Giác Lâm. Vị trí của chùa là nơi để gỗ trùng tu chùa Giác Lâm (năm 1798), ban đầu là am nhỏ, sau đó vài năm thì được xây thành chùa.
Chùa Giác Viên
Giác Viên cũng là chùa cổ nổi tiếng tại TP.HCM, mang kiến trúc tương tự Giác Lâm, với Phật điện giữa chùa, hai bên là hai dãy nhà. Như những ngôi chùa lớn khác, khuôn viên chùa cũng có những dãy nhà phụ làm lớp học, trai đường, nhà bếp…
Chùa có 153 pho tượng, đa số bằng gỗ, vì là chùa cổ nên những tượng này cũng có lịch sử lâu đời, được xem là tương chân dung sớm ở Nam Bộ. Ngoài ra còn 57 bao lam (cửa võng) và 60 bức phù điêu, hầu hết đều là cổ vật quý.
Chùa Bà Thiên Hậu
Tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, chùa Bà Thiên Hậu (còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn) là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở TP.HCM, được khởi công xây dựng từ khoảng năm 1760.
Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu mang đậm kiến trúc đặc trưng của người Hoa, được xây theo hình ấn, với 4 ngôi nhà liên kết nhau. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được kiến trúc này, từ thiết kế bên ngoài cho đến bài trí bên trong.
Là ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất tại quận 5, chùa Bà Thiên Hậu hàng ngày vẫn đón tiếp người đến cúng lễ khá đông. Nhất là vào các ngày mùng một và rằm hàng tháng, các ngày lễ Tết trong năm của người Hoa như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan Ngọ...
Lễ hội lớn nhất của chùa là lễ vía bà Thiên Hậu (23 tháng 3 Âm lịch) hàng năm, thu hút không chỉ người Hoa, người Việt ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh về dự.
Chùa Phụng Sơn
Chùa Phụng Sơn
Chùa Phụng Sơn tọa lạc trên đường 3 tháng 2 quận 11, do thiền sư Liễu Thông tạo lập vào đầu thế kỷ 19. Ban đầu chùa chỉ là am nhỏ, được xây trên gò đất cao nên được người dân quanh vùng gọi là chùa Gò. Tương truyền có một con chim phụng đến đậu trên cây ngô đồng trước am cất tiếng gáy, thiền sư cho đó là điềm lành nên đổi tên chùa là Phụng Sơn.
Năm 1904, am được xây cất lại. Trải qua hơn 200 năm, với 2 lần trùng tu lớn, chùa vẫn giữ kiến trúc cổ với khung gỗ và mái ngói âm dương. Chùa có 40 pho tượng sơn son thiếp vàng, trong đó có một số tượng quý như bộ Di Đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật bằng đá, tượng Tiêu Diện...
Chùa Sùng Đức
Chùa Sùng Đức
Một ngôi chùa cổ khác cũng đông khách thập phương đến viếng đầu xuân là chùa Sùng Đức ở Thủ Đức. Chùa được xây dựng từ năm 1806, trải qua hơn 200 năm, chùa vẫn giữ được phong cách và kiểu dáng của ngôi chùa cổ với kiểu nhà tứ trụ cột gỗ, mái ngói âm dương, được xây theo thế chữ tam như trước kia.
Với lịch sử lâu đời, chùa hiện nay còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như: đại hồng chung bằng đồng cao 1m30, tượng đức Phật Thích Ca bằng gỗ cao 1m30, chiếc trống cổ bằng gỗ dài 1m 34, 8 pho tượng cổ, 3 cặp liễn đối bằng gỗ quý… Ngoài cổ vật, chùa còn có nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật khác được các nghệ nhân điêu khắc, chạm trổ rất công phu.
Theo PN