Nằm ở gần như trung tâm của vùng Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, Cappadocia là khu vực được hình thành từ dung nham núi lửa hàng triệu năm trước. Do tác động của các hoạt động địa chất và thời tiết, những cột đá hình cây nấm được hình thành với hình dáng khá nhạy cảm trong mắt du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Để ngắm nhìn những thung lũng hình thành bởi đá núi lửa, một chuyến khinh khí cầu vào sáng sớm là lựa chọn hoàn hảo. Từ trên cao, vùng đất Cappadocia hiện ra với những khe nứt gãy khổng lồ, vươn lên cao là những cột đá sinh động đang bừng lên trong ánh bình minh.
Sự hình thành những cây nấm hay các ống khói khổng lồ bằng đá này bắt nguồn từ dòng dung nham núi lửa phun trào trên bề mặt và bị đông cứng. Lớp bề mặt tiếp xúc ngay với không khí và chuyển màu xám đen, lớp bên dưới gọi là đá mềm và gần như không bị ôxy tác động.
Qua hàng nghìn năm, theo tác động của tự nhiên, nhất là những cơn mưa và gió thổi qua thung lũng đã làm xói mòn lớp đá mềm bên dưới.
Đó là lý do du khách thường xuyên thấy những cột đá cao chia thành 2 lớp, lớp trên màu đậm hơn và to hơn (do đá cứng), lớp dưới nhỏ hơn vì mềm và dễ bị “gọt” bởi gió và mưa.
Khắp các thung lũng nay là những thị trấn nhỏ như Cavusin, Uchisar, Avanos, Goreme và Nevshir … Không khó để du khách nhìn thấy những cột đá nhiều hình thù kỳ lạ thậm chí là nhạy cảm. Ngoài ra do tính chất mềm của đá núi lửa nên người ta đã tạc vào đá núi thành những hang động nhân tạo để làm nơi trú ngụ hình thành nên cả thành phố trong vách núi.
Cappadocia xuất hiện trên bản đồ văn minh từ thời Hittite khoảng năm 1800 – 1200 TCN sau khi nhà vua thống nhất các quốc gia nhỏ.
Tiếp tục phát triển dưới sự kiểm soát của người Ba Tư rồi La Mã, thời Byzantine (thế kỉ 4-14), Cappadocia trở thành một trong những trung tâm đầu tiên của Cơ Đốc giáo. Cuối thế kỷ thứ 2, Cơ Đốc giáo nơi đây có cộng đồng lớn bậc nhất Cappadocia.
Thời kỳ quân đội Ba Tư, Ả Rập xâm chiếm, để giữ gìn đức tin Cơ Đốc Giáo của mình, người dân nơi đây đã đào xuống lòng đất và dựng nên những đô thị sâu 20 – 30 m.
Theo VNE