Một ngày khám phá núi Bà Đen

Núi Bà Đen (Tây Ninh) được xem là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ với độ cao 986 mét. Cách TP.HCM 100km, nên đây được xem như địa điểm du lịch trong ngày của không ít bạn trẻ.

banner ads

Đến đây, bạn có thể chìm đắm trong khung cảnh núi non, thoát ra khỏi thành phố chật chội, bụi bặm và chật chội chỉ với vài tiếng đồng hồ đi xe.

Phương tiện di chuyển

Bạn có thể đi xe máy hoặc xe buýt để đến đây, mất khoảng 3 giờ đồng hồ.

7668-nui-ba-den.jpg

Nhiều người lên núi Bà Đen thắp hương cúng Bà.

banner ads

Nếu đi xe máy bạn chỉ cần chạy theo hướng An Sương – Củ Chi – Tây Ninh. Tuy nhiên đoạn đường có nhiều chỗ đang sửa chữa trong địa phận tỉnh Tây Ninh khá khó đi, nhưng lộ trình thì đơn giản, khó bị lạc.

Nếu bạn đi xe buýt thì bắt xe buýt đến bến xe Củ Chi, rồi từ đây bắt tiếp xe buýt Long Hoa đi Tây Ninh. Tuy nhiên, xe buýt không đưa bạn trực tiếp đến chân núi nên bạn sẽ phải đi một lượt xe ôm để đến được núi Bà. Giá xe ôm khoảng 40.000 đồng/ lượt.

Leo núi hoặc đi cáp treo

Núi Bà Đen có hai điểm dừng chân là chùa Bà và đỉnh. Thường du khách nếu muốn đi dâng hương cầu phúc thì chỉ đi đến chùa Bà.

Đường lên chùa Bà dễ đi với các bậc thang bằng đá được quét dọn sạch sẽ. Hai bên đường đi có nhiều hàng quán bán các đặc sản địa phương và đồ ăn, thức uống.

Để đi đến chùa, bạn có thể đi theo các bậc thang đá hoặc đi cáp treo.Giá vé cáp treo:

Vé người lớn:

Một lượt : 50.000 đồng/vé

Khứ hồi: 100.000 đồng/vé

Vé trẻ em:

Một lượt: 30.000 đồng/vé

Khứ hồi: 60.000 đồng/vé

Nếu bạn muốn leo lên đỉnh núi, nơi cao nhất của núi Bà Đen thì phải đi thêm 7km đường núi đá nữa. Đoạn đường này bạn phải tự thân vận động vì cáp treo không lên đến đỉnh. Theo đó, bạn có thể lên núi bằng hai đường chính.

7669-nui-ba-den-2.jpg

Khung cảnh nhìn từ trên núi Bà Đen xuống.

Một đường đi theo hướng dây cáp điện. Đường này dễ đi nhất, bạn chỉ cần đi theo các cột điện là đến đỉnh, nhưng dài hơn. Đường dốc thoai thoải, đá gồ ghề lởm chởm và hơi nắng nóng vì thiếu bóng cây to. Nếu đi đường này bạn phải xuất phát ngay từ dưới chân núi mà không đi vào cổng chính. Đường này hơi khó tìm nên bạn có thể hỏi người dân địa phương để được chỉ dẫn.

Đường thứ hai lên đỉnh là đoạn đường tiếp nối từ chùa Bà. Đường này chủ yếu là đường rừng, rất khó đi, độ dốc cũng rất lớn. Bạn có thể tránh bị lạc bằng cách đi theo các mũi tên được đánh dấu trên các phiến đá và thân cây. Ở những khoảng cách nhất định trên đường còn có các biển báo về độ cao.

Tùy theo tốc độ leo núi của bạn mà bạn có thể mất từ 4 đến 5 giờ đồng hồ để chinh phục đỉnh núi cao nhất miền Đông Nam Bộ này.

Chuẩn bị khi leo núi:

Khi leo núi bạn nên chuẩn bị những vật dụng sau:

- Nước: khoảng 1 lít là ít nhất. Bạn không thể chinh phục ngọn núi này nếu thiếu nước.

- Đèn pin: Nếu bạn không ước lượng được chính xác thời gian mình lên và xuống núi, hãy mang theo một chiếc đèn pin vì có thể bạn sẽ xuống núi vào lúc trời chạng vạng.

- Giày: Giày thể thao là phù hợp nhất.

- Thức ăn: Một ít thức ăn nhẹ để bạn hồi phục năng lượng là cần thiết vì chắc chắn bạn sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng khi chinh phục đỉnh núi.

- Quần áo: Bạn nên mặc quần áo nhẹ và thoáng. Bạn cũng nên có áo khoác phông để tránh gió lạnh khi leo núi.

- Gậy: Một cây gậy là cần thiết dù bạn muốn lên đỉnh núi bằng đường nào vì gậy sẽ hỗ trợ bạn khi đi qua các vách đá cao và giữ sức cho bạn.

- Sức bền: Thật khó để bạn chinh phục đỉnh núi này nếu bạn không có sức khỏe tốt. Vì vậy nếu muốn chuyến đi thành công mỹ mãn bạn hãy tập luyện sức bền cho mình trước bằng cách chạy bộ mỗi ngày nhé.

Truyền thuyết về núi Bà Đen:

Câu chuyện thứ nhất về Bà Đen được lưu truyền trong dân gian như sau: Vào khoảng nửa cuối thế kỉ XVIII, những cuộc xâu xé nhau giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã đẩy nhân dân lâm vào cảnh khốn khổ lầm than. Nguyễn Huệ dấy lên cao trào Tây Sơn dẹp thù trong giặc ngoài. Bấy giờ có người thanh niên tên Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (tức huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày nay) tài cao, chí lớn, vì nước nhà nên chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước. Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp với làn da bánh mật và có đức hạnh. Người yêu lên đường vì nghĩa lớn, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Vì không muốn làm tì thiếp cho bọn quan lại, nên bà quyết định lên núi đi tu và bị cọp ăn thịt. Sau khi chết, bà rất linh thiêng và phù hộ cho nhiều người trong vùng. Vì thế, thi thể bà được đem về mai táng, phụng thờ. Nhà chùa cũng đã cho lập đền thờ riêng để nhân dân đến cúng bái. Ngày nay, mỗi khi xuân về người dân khắp nơi lại đến đây hành hương, cúng bái.

Một truyền thuyết khác: Có một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là "Linh Sơn Thánh Mẫu".

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI