Khám phá 8 món ăn đậm bản sắc ẩm thực Mai Châu

Đến Mai Châu, bạn không những được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của vùng đất này mà bạn còn được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc ẩm thực riêng, đặc sắc.

banner ads

1. Cơm lam Mai Châu

8521-com-lam-mai-chau.jpg

Cơm lam là món ăn nổi tiếng của người Mai Châu

Nguyên liệu làm cơm lam bao gồm gạo, ống nứa (tre), lá chuối. Ngoài ra có thể còn có nước cốt dừa, vừng trộn lẫn gạo trước khi nướng. Tre non được cắt ra từng ống, bỏ gạo nếp vào trong, đổ nước cho ngập hết gạo được khoảng 3 - 4h đồng hồ thì dùng lá dong, lá chuối nút chặt miệng ống rồi đưa vào bếp nướng.

Cơm lam không được đốt trên lửa mà phải xoay đều trên than vì ống nứa mỏng nếu đốt trên lửa sẽ bị cháy, cơm không kịp chín. Ăn cơm lam ngoài muối vừng còn không thể thiếu một loại gia vị truyền thống của người Thái là “chẩm chéo”.

2. Xôi nếp Mai Châu

Xôi nếp là món thay thế cơm phổ biến ở vùng cao Tây Bắc. Đến Mai Châu, thưởng thức được xôi nếp do chính người Thái nấu mới có thể cảm nhận hết vị ngon đặc biệt.

8522-xoi-nep-mai-chau.jpg

Xôi nếp Mai Châu có hương vị rất đặc biệt

Nếp được ngâm nhiều giờ cho mềm trước khi đồ xôi rồi chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không nấu. Sau khi có mùi thơm lừng thì lấy xôi ra, cho vào một cái rổ. Xới đều xôi trong rổ một lúc rồi cho vào chõ gỗ và đồ tiếp cho đến khi xôi chín. Xôi chín có mùi thơm nức mũi, thường ăn cùng với các món thịt gà đồi, cá suối hay heo bản nướng. Nhưng người Thái chuộng nhất là ăn xôi với vừng, vì ăn như vậy mới cảm nhận hết được vị thơm và ngọt của nếp.

3. Nhộng ong rừng rang măng chua

Đây là một món ăn độc đáo mà dân dã của đồng bào Mường. Họ nhặt những con ong già màu nâu đem ngâm rượu, còn những con ong non màu trắng béo tròn mập mạp thì để chế biến thành món ăn. Phi thơm mỡ hành rồi cho ong vào đảo đều đến khi ngả sang màu hơi vàng thì nhấc ra trút vào đĩa, sau đó cho măng vào xào chín thì cho ong đã rang vào đảo cùng, thêm một chút cay cay của ớt và nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Dùng cùng củ kiệu và có thêm ly rượu ngô thì càng tuyệt vời.

4. Thịt ướp chua

Chủ yếu làm bằng thịt trâu, bò. Thịt thái lát mỏng, da trâu bò đem thui cháy cho vào ngâm nước, cạo sạch thấy miếng da vàng óng thì thái thành từng miếng nhỏ cho lẫn vào thịt. Riềng giã nhỏ, gạo rang giã thành bột cho vào trộn đều, cho vào lọ sành đậy kín, ba ngày sau thịt chua là dùng được.

5. Cá suối nướng

8517-den-mai-chau-an-gi-5.jpg
Cá suối nướng xuất hiện trong các lễ hội truyền thống

Trong các lễ hội truyền thống của người Thái, những con cá suối nặng từ 4-6 lạng ướp gia vị gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt, bột canh, bột ngọt… Sau khi làm sạch vảy, cá được mổ từ lưng vứt bỏ mật và ruột, rồi gập ngang cá lại, tẩm gia vị vào giữa dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than nóng chừng 15 phút, chấm với chẩm chéo thì ngon tuyệt vời.

6. “Hay phắc” của người Thái

Dụng cụ để “xôi” gọi là “hay phắc” được làm bằng ống bương “mạy phiêu”. Khi “xôi” chín rau vẫn xanh ngắt, mềm và tỏa hương thơm dịu. Món này khi ăn chấm với mắm cá hoặc chẩm chéo.

7. Món cá suối ướp chua

Đây là một món ăn có từ xa xưa và là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết của người Thái. những con cá “pa vá” được bắt từ suối đem về rửa sạch, mổ và cắt thành nhiều khúc rồi trộn với các loại gia vị muối, ớt bột, tỏi, gừng, lá sả, thính và một chút rượu. Cá đã được ướp cho vào một đoạn ống măng mai bịt kín, đợi nửa tháng là có thể dùng được. Món ăn này ăn kèm với lá sung, cơm nếp và chút rượu thì không có gì đậm đà hơn.

8. Rượu Mai Hạ

Rượu Mai Hạ vốn nức tiếng thơm ngon khắp tỉnh và các vùng lân cận. Rượu được chưng cất từ men lá, không bị pha trộn gì thêm nguyên liệu từ bên ngoài ngoài việc pha nước rượu đầu và rượu cuối, rượu đặc.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI