Cô Phan Kim Oanh ở Hà Nội được biết đến như một hot blogger với những chia sẻ về quan điểm, kinh nghiệm sống, các mối quan hệ gia đình hay cách chăm sóc, nuôi dạy con, cháu. Bài viết của cô Oanh thường nhận được nhiều quan tâm của phụ huynh và vợ chồng trẻ. Các bài chia sẻ đều được cô đúc rút từ vốn sống, quan sát và câu chuyện thực tế.
Niềm hạnh phúc của cô Oanh hiện giờ là chơi đùa cùng các cháu nội
Bài "tránh nguy hiểm gì khi trông trẻ nhỏ" đăng trên trang cá nhân của cô Oanh mới đây nhận được nhiều bình luận "bổ ích" và "cần thiết". Một số người còn đóng góp thêm những kinh nghiệm nuôi con nhỏ của bản thân.
"Tôi muốn chia sẻ này càng nhiều phụ huynh biết càng tốt bởi không ít bố mẹ trẻ hiện nay thiếu các kỹ năng chăm sóc con. Đây là thực tế xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và các trường hợp tôi nhắc tới đều có thật, có điều tôi không nêu tên cụ thể", cô Oanh nói.
Cô Oanh kể cách đây 10 năm, một người bạn chia tay con gái ba tuổi khi đưa đến nhà bác liên hoan. Chủ nhà dùng nồi cơm điện hầm xương, xách qua để đổ nước vào nồi ăn lẩu thì bị bung nắp gài khiến cháu bé bị bỏng nặng dạng mỡ nóng.
Năm 2013, trong một lần đi đổ rác, cô Oanh gặp một bé trai 4 tuổi lạc nhà. Ngày nghỉ không có loa phường, cô buộc phải nhờ người bán ve chai và than tổ ong toả đi tìm gia đình lạc con. Nhìn cách ăn mặc của đứa trẻ, cô đoán bé ở xa đến. Bé nhìn và theo cô Oanh vì "bác không giống người bán trẻ em cho Trung Quốc". Em nhỏ được đưa tới đồn công an rồi về nhà cô Oanh. Bốn tiếng sau, bố mẹ bé mới tìm tới được để đón con về. Trước đó, đứa trẻ cùng bố mẹ tới nhà người thân chơi và trong lúc người lớn mải nghe điện thoại, bé ra cổng rồi không nhớ lối về.
Cũng có hai "cậu ấm", cô Oanh dạy con các kỹ năng sống ngay từ khi còn nhỏ. Hiện, các con của cô đã lập gia đình và có cháu nhỏ. Họ trở thành những ông bố kỹ tính và cẩn thận với hành trang mẹ trang bị.
"Bây giờ vợ chồng tôi ở nhà bế cháu cho con trai và con dâu đi làm. Tôi cũng mừng vì chúng tin tưởng giao cháu cho mình trông nom", cô Oanh tâm sự.
Dưới đây là bài viết "Tránh nguy hiểm gì khi trông trẻ nhỏ" của cô Phan Kim Oanh:
1. Bỏng cháo: Trong lúc ăn dặm, bé hay khua tay rất nhanh. Một đĩa cháo nóng gây bỏng sâu hơn rất nhiều cốc nước nóng vì thế, mẹ cần hết sức chú ý để đồ ăn xa tầm tay bé. Nếu con bị bỏng, hãy mút thật nhanh chỗ cháo đó. Nước bọt trong miệng bạn nhanh chóng giúp con tránh bỏng sâu. Sau đó, mẹ dùng đá viên bọc khăn sạch chườm thật nhanh để tránh nhiễm trùng vết thương. Nếu bị nặng, hãy đưa con đến ngay cơ sở y tế uy tín.
2. Bỏng nước sôi, canh nóng hay bỏng hơi. Đang bò trên sàn nhà, trẻ làm đổ phích nước sôi khiến ruột phích vỡ ra. Lúc này, bàn tay và bụng bé đang tiếp xúc sàn nhà là vị trí dễ bị bỏng nặng nhất.
Từng có trường hợp trẻ nông thôn ngã ngồi vào nồi canh nóng do người lớn bất cẩn đặt xuống sàn, dưới gầm giường để dọn bữa ăn. Các bậc phụ huynh chú ý tuyệt đối không để phích nước, ấm siêu tốc, bình thuỷ tinh, canh nóng, nồi cơm điện dưới nền nhà hoặc mép bàn ăn, bệ bếp nấu, tránh trẻ tò mò sờ vào nút xả hơi nồi cơm hoặc vít kéo xem. Bỏng dạng này rất nguy hiểm.
3. Điện: Ổ cắm, thiết bị điện, dây dẫn trên sàn nhà và bãi tè có thể truyền điện.
4. Ngã khi ngủ: Khi trẻ bắt đầu lẫy, việc đặt ngủ nên chú ý nằm ngang giường để con không bị lật xuống sàn. Bố mẹ cần để mắt tới con nếu đặt bé trong nôi hay xe đẩy vì trẻ hay leo, bò ra ngoài khi chợt tỉnh ngủ mà không có người bên cạnh.
5. Kẹp cửa: Trẻ biết đi men luôn thích vịn cánh cửa. Lực kẹp ở cánh cửa dễ làm bé gãy xương ngón tay, nát cơ. Cách phòng tránh: Không cho trẻ tiếp xúc với cánh cửa và dạy con nhận biết nơi nguy hiểm. Người lớn cũng cần chú ý khi trẻ ra vào nơi đó.
Nếu bị kẹp, cần bình tĩnh gỡ thuận chiều cho tay bé. Nhiều người cuống quýt càng làm con kẹp mạnh hơn gây biến dạng hoặc gãy các ngón. Việc chườm lạnh cần khẩn trương để tránh cơ bị tổn thương.
6. Kẹp chân vào bánh xe: Trẻ nhỏ ngồi sau xe luôn hiếu động muốn nghiêng ngó để nhìn. Chính tư thế vặn vẹo ấy khiến chân con dễ bị cuốn vào bánh xe. Chấn thương này đôi khi rất nặng vì người đạp xe không biết. Nếu gặp tình huống ấy, cần dừng khẩn cấp để nhẹ nhàng đưa chân bé ra khỏi bánh xe, tránh lùi hoặc tiến khi bị kẹp.
7. Mảnh kính vỡ: Ngày càng nhiều tai nạn về kính vỡ xảy ra do hầu như các gia đình hiện được phủ kín 100 % kính. Không nên cho trẻ chơi đùa cạnh bàn kính, cốc thuỷ tinh, cánh cửa bởi nếu chẳng may ngã hoặc bị người khác xô ngã sẽ rất nguy hiểm.
8. Bị lạc khỏi nhà: Các gia đình san sát nhau thường có cổng giống nhau, nhất là ở chung cư. Điều này khiến các bé vô tình ra khỏi nhà vài phút có thể bị lạc phương hướng không thể quay về. Từng có trường hợp mẹ mải nói chuyện điện thoại không để ý con ra khỏi nhà rồi quên lối về. Khi được hỏi, em bé nói không nhớ nhà có đặc điểm gì vì các căn hộ xung quanh đều giống nhau về thiết kế.
9. Đuối nước: Nhiều gia đình trang trí nhà bằng bể cảnh, bể phong thuỷ hay bể cá. Điều này đôi khi vô tình trở thành bẫy cho trẻ. Ngoài ra, chậu nước, xô ngâm quần áo đều rất nguy hiểm cho trẻ chứ không hẳn là sông hồ. Hãy dạy từ sớm nhất có thể để con biết mối nguy hiểm hơn là lo che chắn hoặc chủ quan.
10. Ngạt khí, hóc đồ ăn, dị vật: Ở các nước tiên tiến, túi đựng đồ khô luôn có lỗ thoát khí. Tại Việt Nam, túi ni lon được sử dụng tràn lan. Có trường hợp trẻ chơi với nhau rồi chụp túi vào đầu. Khi chúng hít vào rồi cuống lên rất dễ bị ngạt.
Bố mẹ cho trẻ ăn thạch, nhãn, bánh trôi, bánh dày, kẹo que cần lưu ý vì những thứ này đều có thể bít đường thở của con. Trẻ chưa thể biết cách cố nuốt như người lớn. Thẻ nhớ, sim điện thoại không dùng nên vứt gọn hoặc cất nếu nhà có trẻ nhỏ. Do tò mò và nghịch ngợm, trẻ có thể bị hóc các mảnh nhỏ này.
Theo ngoisao