1. Tổng quan về chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính thuộc núi Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Toàn bộ diện tích của quần thể chùa Bái Đính lên tới 539 ha, trong đó bao gồm khu chùa Bái Đính cổ 27 ha, khu chùa Bái Đính mới hơn 80 ha và các khu vực lân cận như công viên cảnh quan, khu hồ phóng, công viên văn hóa và học viện Phật giáo…
Chùa Bái Đính nằm ở địa thế rất đẹp, trên sườn núi giữa mênh mông núi đá và hồ nước. Cùng với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ (đặc biệt là khu chùa Bái Đính mới) khiến quần thể chùa này trở thành một điểm nhấn trong hệ thống chùa chiền cả nước và được xác lập nhiều kỷ lục trên thế giới như: tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, bảo tháp cao 100m - cao nhất châu Á, hành lang La Hán dài 3 cây số - dài nhất châu Á, chùa có 100 cây bồ đê - nhiều nhất Việt Nam…
Về kiến trúc tổng thể, chùa Bái Đinh mang nét đẹp của kiến trúc chùa cổ xưa ở Việt Nam. Có thể thấy điều này ở mái chùa chánh điện được thiết kế 3 tầng với 12 mái cong kiểu đuôi phượng, lợp ngói men Bát Tràng. Bên cạnh đó, hệ thống cột, kèo ở cổng và bên trong điện được làm bằng gỗ tứ thiết, hoặc bê tông giả gỗ (với công trình sau này).
Bên trong điện chính của chùa Bái Đinh là nơi thờ Phật. Nổi bật là Điện Quan Âm với 7 gian, trong đó gian giữa đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay. Liền kề đó là Điện Pháp Chủ gồm 5 gian, và Điện Tam Thế.
Chùa Bái Đính còn có Bảo Tháp cao hơn 100 mét, với 13 tầng và 72 bậc thang. Đây cũng chính là nơi trưng bày xá lợi Phật được thỉnh về từ Miến Điện và Ấn Độ.
2. Những địa điểm tham quan nổi bật tại chùa Bái Đính
Vì quần thể chùa Bái Đính rất rộng nên bạn cần có kế hoạch cụ thể trước khi đặt chân đến nơi này. Dưới đây là một số địa điểm nổi bật tại chùa Bái Đính mà bạn có thể “ưu tiên” trong hành trình của mình.
2.1. Khám phá hang sáng, động tối
Để đặt chân lên tới hang sáng, động tối bạn phải vượt qua 300 bậc đá. Đầu tiên là hang sáng có chiều sâu khoảng 25 mét, cao 2 mét, rộng khoảng 15 mét, nơi đây luôn có đầy đủ ánh sáng tự nhiên như tên gọi. Hang sáng là nơi thờ Thần và Phật nên ngay ở cửa bạn sẽ gặp tượng 2 vị thần uy nghiêm, và phía sâu trong cùng là nơi thờ Phật.
Trong khi đó, động tối là nơi thờ mẫu và tiên, nơi đây luôn tối như tên gọi nên nhà chùa phải lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Khi bước vào động tối bạn sẽ được khám phá khung cảnh huyền ảo của hệ thống thạch nhũ lâu năm, bên cạnh đó trong động tối còn có giếng nước nên tạo không khí luôn mát mẻ.
2.2. Thăm đền thờ thánh Nguyễn
Thánh Nguyễn (hay đức thánh Nguyễn) là tên gọi của nhân dân đối với thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không - người sáng lập nên chùa Bái Đính cổ. Tương truyền, thời nhà Lý, thiền sư Nguyễn Minh Không lên khu vực núi Đính (nay là chùa Bái Đính) để tìm cây hái thuốc và thấy cảnh vật, hang động nơi đây đẹp nên dựng chùa đồng thời tạo dựng vườn thuốc cho người dân chữa bệnh.
Thánh Nguyễn còn nổi tiếng là người hay giúp đỡ dân thường, và là ông tổ của nghề đúc đồng. Vì thế, khi ông mất, người dân nơi đây đã tạc tượng thờ ông trên chùa Bái Đính.
Về kiến trúc, đền thờ thánh Nguyễn được thiết kế theo kiểu tựa lưng vào núi nên rất vững chãi. Bên cạnh đó, bên trong đền thờ còn được chạm khắc nhiều hình rồng, lân tuyệt đẹp, sinh động.
2.3. Ghé giếng Ngọc lớn nhất Việt Nam
Giếng Ngọc được xây theo hình bán nguyệt với đường kính lên đến 30 mét và độ sâu của nước là 6 mét. Giếng nằm trong khu đất hình vuông với diện tích 6.000m2, và được bao phủ bởi hệ thống cây xanh tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, điều thú vị của giếng Ngọc là chưa bao giờ cạn nước, dù trong mùa khô hạn. Tương truyền, chính thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy nước giếng Ngọc để sắc thuốc chữa bệnh ngày xưa.
Giếng Ngọc được xác lập kỷ lục là giếng nước lớn nhất Việt Nam vào năm 2007.
2.4. Ngắm chuông đồng lớn nhất nước
Chùa Bái Đính là quần thể nổi tiếng với nhiều hạng mục đồ sộ, xác lập nhiều kỷ lục trong và ngoài nước. Trong danh sách nổi tiếng này có chuông đồng lớn nhất Việt Nam với chiều cao 5,5 mét, nặng 36 tấn và rộng 3,5 mét. Chuông đồng tại chùa Bái Đính còn được chạm khắc hình rộng rất đẹp bên cạnh nhiều Hán tự cổ.
2.5. Tham quan đền thần Cao Sơn
Sau khi đi hết hang sáng bạn sẽ đi qua rừng sưa để tham quan đền thần Cao Sơn - vị thần trấn giữ cửa ngõ thành phía Tây trong Hoa Lư tứ trấn. Tương truyền, thần Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân - Âu Cơ.
3. Nên đến chùa Bái Đính vào thời gian nào?
Thời điểm thích hợp nhất để đến chùa Bái Đính chính là mùa xuân (tháng 1 đến tháng 3 âm lịch). Đây cũng là thời gian diễn ra lễ hội chùa Bái Đính nên thu hút rất nhiều du khách hành hương. Nếu bạn có dịp đi du lịch Ninh Bình mùa này, đừng bỏ qua hành trình đến thăm chùa Bái Đính để biết đến lễ hội rất lớn ở đây nhé.
Lễ hội chùa Bái Đính gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm nghi thức dâng hương thờ Phật, tưởng nhớ đức thánh Nguyễn, tế thần Cao Sơn… Còn phần hội gồm rất nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động như vãn cảnh, thưởng thức nghệ thuật Xẩm, Chèo…
Nếu đến chùa Bái Đính vào thời điểm này, bạn vừa có thể vãn cảnh chùa, vừa có dịp tham gia các trò chơi dân gian cũng như cầu may tại ngôi chùa rất linh thiêng này. Tuy nhiên, cần cân nhắc vì thời điểm tháng 1 đến tháng 3 âm lịch có rất nhiều du khách đổ về đây, vì thế không thể tránh khỏi tình trạng chen chúc, quá tải. Do đó, nếu bạn chỉ muốn khám phá chùa Bái Đính thì nên cân nhắc đi vào các thời gian còn lại trong năm nhé.
4. Đi tham quan chùa Bái Đính Ninh Bình cần lưu ý điều gì?
Để có một hành trình tuyệt vời bạn cần có kế hoạch cụ thể. Riêng với hành trình đến chùa Bái Đính Ninh Bình bạn cần nhớ một số lưu ý nho nhỏ sau nhé:
- Không nên đi giày cao gót : Đơn giản vì bạn phải leo núi, đi hàng ngàn bậc thang. Do đó lời khuyên trước khi đến chùa Bái Đình là hãy đi giày thể thao nhé.
- Mặc quần áo lịch sự : Đây là lời khuyên cho tất cả những bạn muốn tới chùa Bái Đính cầu may, vãn cảnh, tham quan…
- Mang theo ô (dù) khi đi vào tháng 1 đến tháng 3 : Do thời gian này miền Bắc đang là mùa xuân và thường có mưa phùn.
- Hạn chế mua đồ lưu niệm ngay tại chùa Bái Đính : Theo kinh nghiệm của nhiều người từng đến đây thì nên hạn chế mua đồ lưu niệm lẫn đặc sản tại chùa Bái Đính vì thường bị “hét giá”. Thay vào đó, bạn có thể mua các cửa hàng dưới núi nhé.
- Mang theo tiền lẻ : Để quyên góp công đức khi tới chùa Bái Đính. Bên cạnh đó, bạn cần tránh việt “nhét tiền vào tay Phật” nha.
- Cảnh giác móc túi ở các điểm đông người : Mùa cao điểm của lễ hội chùa Bái Đính rất đông du khách, do đó bạn cần cảnh giác tình trạng móc túi, trộm cắp nhé. Nhất là ở những điểm đông người như chỗ mua soát vé các bến thuyền, các cửa hàng lưu niệm, các khu tập vui chơi ăn uống…
Sau cùng, nếu bạn chưa một lần đến với chùa Bái Đính, nhất là những ai đang theo hoặc mến mộ Đạo Phật, hay đang có kế hoạch du lịch cuối năm đầu xuân ở miền Bắc, thì theo Chuyên mục Du lịch của Yeutre.vn, bạn hãy lên lịch trình đến đây ngay từ bây giờ. Bởi, hành trình tới chùa Bái Đính luôn là một hành trình đặc biệt, ở đó bạn không chỉ được vãn cảnh chùa liền chùa, núi liền núi mà còn là dịp hành hương đến một địa điểm tâm linh tuyệt vời, để thắp một nén hương bái Phật cầu bình an.
Đức Lộc tổng hợp