Dạy con lòng tự hào dân tộc bằng những điều giản dị.
Yêu quê hương là giúp con trải nghiệm khác biệt của những vùng miền địa lý khác nhau, hiểu đất nước hình chữ S phong phú đa dạng ra sao.
Giáo dục lòng yêu nước là bài học kỹ năng sống tất cả mọi người quanh trẻ cần hướng dẫn cho bé ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, để khi lớn lên trẻ đã có một kim chỉ nam cho mình. Yêu quê hương trước tiên là ông bà bố mẹ phải nói tiếng Việt chuẩn, nhưng chuẩn vẫn chưa đủ mà nói tiếng Việt hay cho con nghe. Từ khi mang thai, bố mẹ đã có thể hát ru con, đọc sách, kể chuyện cho con nghe, về tháng tư mùa hoa loa kèn, tháng năm hoa phượng bằng lăng nở rộ, và lũ ve bắt đầu ca lên bài ca mùa hè náo nức... Cứ như thế ngay từ nhỏ con đã ngấm được một vốn từ giàu có của tiếng Việt.
Yêu quê hương là giúp con trải nghiệm ẩm thực Việt Nam.
Yêu quê hương là giúp con trải nghiệm ẩm thực Việt Nam với những món ăn khắp mọi miền đất nước và không chê bai đồ ăn vùng này vùng kia không ngon vì không hợp khẩu vị. Món ăn ở đâu sẽ mang theo ảnh hưởng bởi khí hậu, thực phẩm, văn hóa, nếp sinh hoạt... của người vùng đó. Nếu mỗi khi ăn một món lạ, bạn được ai đó giải thích cặn kẽ để hiểu được những điều sâu xa đằng sau, không ai là không muốn thử món ăn đó.
Yêu quê hương là giúp con trải nghiệm tất cả sự khác biệt của những vùng miền địa lý khác nhau.
Yêu quê hương là giúp con trải nghiệm tất cả sự khác biệt của những vùng miền địa lý khác nhau, để từ bé con hiểu đất nước hình chữ S của mình phong phú đa dạng ra sao. Treo bản đồ Việt Nam lên tường ở mức con có thể nhìn thấy để ngay từ khi lọt lòng con đã có thể nhìn thấy Việt Nam. Kể cho con nghe về những chuyến đi công tác, những điều bạn đọc được về em bé ở các vùng, về cả những điều tốt đẹp và những khó khăn. Như em bé đi học bằng túi ni lông, phải kéo dây, chèo đò, lội suối nhưng vẫn vui vẻ hồn nhiên và cười rạng rỡ. Yêu quê hương là giúp con từ nhỏ biết Việt Nam chỉ là một đất nước trên bản đồ thế giới, nhưng Việt Nam nằm ở đây, chỗ này con yêu, và con đang sống ở đó với gia đình mình.
Yêu quê hương là giúp con học về những họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà khoa học, các nghệ nhân làng nghề... nổi tiếng của Việt Nam để con thấy tự hào đất nước mình cũng có những người tài ba lỗi lạc. Đưa con đi xem triển lãm tranh, thăm các bảo tàng, đi thăm các làng nghề truyền thống để tự tay làm một món đồ, nghe các nghệ nhân nói chuyện...
Yêu quê hương là luôn làm mẫu và giúp con thực hành văn hóa Việt Nam, biết chia sẻ, biết kính trên nhường dưới, biết lễ phép, biết chăm sóc mọi người, thân thiện, hiếu khách, yêu lao động và luôn luôn vươn lên.
Yêu quê hương là hiểu và sử dụng sáng tạo những nguyên vật liệu thể hiện văn hóa Việt Nam thay vì đồ đi nhập. Mỗi quyết định tiêu dùng của bạn có thể tạo việc làm cho người Việt Nam khác và để duy trì dược các làng nghề truyền thống cho muôn đời sau. Thật đáng tiếc khi ra nước ngoài nhìn thấy nhiều đồ sản xuất tại Việt Nam bán hơn là trong một ngôi nhà của người Việt Nam, ngay giữa Việt Nam.
Yêu quê hương là cùng chơi những trò chơi dân gian với con để không phụ thuộc vào đồ chơi nhựa.
Yêu quê hương là cùng chơi những trò chơi dân gian với con để không phụ thuộc vào đồ chơi nhựa, mà bất cứ cái gì cũng có thể thành trò chơi thú vị cho con. Yêu quê hương là biết bảo vệ môi trường, tiêu dùng tiết kiệm mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên. Biết trân trọng những gì đất nước mình đang có. Ngay từ nhỏ hãy nói cho con biết rằng nước ngọt, không khí sạch, khí đốt, dầu mỏ... đều là những nguồn tài nguyên có hạn. Hình thành các thói quen bảo vệ môi trường, vứt rác đúng chỗ, không sử dụng những đồ có hóa chất độc hại, không mua, bán, ăn những động vật quý hiếm khi đi du lịch...
Yêu quê hương là giúp con nhìn ra những điểm mạnh và cả những điểm yếu của quê hương mình nhưng không phán xét, không chê bai mà chỉ cho con biết thực trạng là như vậy. Đất nước nào cũng như bất cứ cá nhân nào đều có điểm mạnh và điểm yếu. Để bé tự hỏi mình sau này lớn lên sẽ làm gì để thay đổi những điểm yếu đó. Em bé 3 tuổi rưỡi hỏi “Mẹ ơi, sao con ông lão ăn mày không nấu cơm cho ông lão hả mẹ?”; “Mẹ không biết con yêu, nhưng mẹ con mình có thể mời ông gói bánh con mang trong ba lô có được không?”; “Con đồng ý ạ.”. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, lớn mới làm được việc lớn.
Làm cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta là nuôi dạy con để độc lập, mỗi một công dân đều có thể tự lập, cả dân tộc chúng ta sẽ tự lập. Nếu người Việt Nam không yêu đất nước Việt Nam, không cố gắng xây dựng phát triển Việt Nam thì trông chờ ai làm điều đó?
Hãy giúp con học cách yêu thương quê hương mình để sau này bé có thể tự hào nói “Tôi là người Việt Nam. Tôi tự hào là người Việt Nam” khi ra cộng đồng quốc tế.
Lê Mai Hương - Giáo viên Montessori (Theo Vnexpress)