Công việc nội trợ và 4 lưu ý an toàn trong mùa dịch

Công việc nội trợ làm sao để đảm bảo an toàn trong những ngày này được chú ý nhiều. Vài tuần trở lại đây, rất nhiều quốc gia đã thực hiện nghiêm túc “social distanding” – giãn cách xã hội để hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. Trong quá trình này, các sinh hoạt hàng ngày của chúng ta bị đảo lộn khá nhiều. Ngoài công việc bị đình trệ thì việc mua sắm nhu yếu, thực phẩm cũng là vấn đề được mọi người rất quan tâm. 

banner ads
Phụ nữ mua rau củ
Mua sắm thực phẩm là phần quan trọng trong công việc nội trợ. Ảnh Internet 

Công việc nội trợ an toàn cũng là một phần quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh và góp phần hạn chế mức độ lây lan. Khi dịch bệnh do COVID 19 gây ra, những vấn đề liên quan như khẩu trang, vắc xin, cách ly, rửa tay,…là những từ khóa “hot” nhất được nhắc đến, cập nhật từng ngày, thậm chí từng giờ.

Vì càng ngày chúng ta càng thấy được mức độ nguy hiểm của loại virus corona chủng mới này, cũng như tốc độ lây lan chóng mặt của nó. Các bà nội trợ vì thế được khuyên nên mua thực phẩm để sử dụng trong ít nhất vài ngày để hạn chế việc phải ra ngoài, hay thường xuyên dọn dẹp nhà cửa để đảm bảo vệ sinh,… Vậy làm thế nào để thực hiện tất cả các công việc trên một cách an toàn và hợp lý, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua 4 lưu ý cần thiết sau đây nhé.

1. Công việc nội trợ bắt đầu với việc ăn uống như thế nào cho lành mạnh và an toàn

Việc đầu tiên cần lưu ý là ăn uống như thế nào cho lành mạnh và an toàn. Liên quan điều này, bạn hãy lưu ý một số nguyên tắc sau để việc ăn uống của gia đình được bảo đảm nhé:

1.1. Duy trì nhiều rau củ và trái cây trong chế độ ăn, đặc biệt là với trẻ nhỏ

Việc mua, bảo quản và chế biến rau cũng như trái cây tươi có thể là một thử thách vì chúng ta đang được khuyến cáo hạn chế ra ngoài hay đến nơi đông người. Tuy nhiên, bất cứ khi nào có thể, bạn hãy tranh thủ mua chúng để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển của mình.

Rau củ và trái cây tươi khi mua về, bạn có thể dùng ngay hoặc đông lạnh trong một khoảng thời gian nhất định mà vẫn giữ được dinh dưỡng và mùi vị. Bạn có thể chế biến lượng lớn các món hầm, súp hay các món ăn khác sau đó cấp đông và sử dụng trong vài ngày đến một tuần. Việc rã đông được thực hiện một cách rất dễ dàng, nhanh chóng giúp bạn và cả gia đình có những món ăn vừa nóng sốt vừa thơm ngon, bổ dưỡng. 

Rau củ quả
Duy trì nhiều rau củ quả trong chế độ ăn hàng ngày. Ảnh Internet

1.2. Có thể lựa chọn thực phẩm khô hay đóng hộp để thay thế, nếu thực phẩm tươi bị thiếu hụt hay khan hiếm

Chúng ta đều biết rằng thực phẩm tươi luôn là lựa chọn ưu tiên của các bà nội trợ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đồ tươi bị thiếu hụt hay khan hiếm thì bạn có thể lựa chọn thực phẩm khô hay đóng hộp để thay thế. Chúng cũng rất giàu dinh dưỡng và lại dễ bảo quản, cất trữ.

  • Các loại đậu đóng hộp như đậu hà lan, đậu gà, đậu trắng,…là những loại thực phẩm bạn sử dụng được trong bữa ăn hàng ngày theo nhiều cách, và bạn có thể cất giữ nhiều tháng, thậm chí cả năm. Điều quan trọng là chúng cũng là nguồn cung cấp khá nhiều dinh dưỡng cho cả gia đình.
  • Các loại cá béo đóng hộp như cá mòi, cá thu, cá hồi rất giàu vitamin, khoáng chất và omega 3. Bạn có thể dùng để chế biến bữa sáng hay bữa ăn chính
  • Các loại rau đóng hộp dù lượng vitamin thấp hơn rau tươi, nhưng cũng là phương án dự phòng tuyệt vời trong trường hợp bạn không thể mua được rau tươi hoặc không thể bảo quản rau trong nhiều ngày
  • Các loại thực phẩm khô như ngũ cốc, các loại đậu cũng là nguồn có thể cung cấp nhiều dinh dưỡng, đồng thời lưu giữ được trong thời gian dài
  • Các loại trái cây khô dù mùi vị không được như trái cây tươi nhưng cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Ngoài ra bạn có thể kết hợp với ngũ cốc thành các món ăn bổ dưỡng cho bữa sáng, bữa xế hoặc tráng miệng 
Các loại đậu
Chọn thực phẩm khô như các loại đậu trong trường hợp thực phẩm tươi thiếu hụt hay khan hiếm. Ảnh Internet 

1.3. Hãy tạo một “kho” dự trữ đồ ăn vặt lành mạnh cho trẻ

Trẻ em thường có nhu cầu ăn vặt hoặc ăn xế giữa các bữa chính để bổ sung năng lượng cho việc chơi đùa, hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng của mình, đặc biệt trong thời gian không đến trường như hiện nay.

Do đó, thay vì cung cấp cho trẻ những loại thực phẩm ăn vặt chế biến sẵn quá ngọt hoặc quá nhiều muối và chất béo, bạn có thể cung cấp cho con những món ăn lành mạnh hơn. Các loại hạt, sữa chua, phô mai, trái cây khô hay trứng luộc đều là những lựa chọn tuyệt vời dành cho trẻ. Chúng không những giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe mà còn giúp trẻ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh không những trong giai đoạn tránh dịch này, mà còn cả cuộc đời sau này của trẻ. 

Trái cây khô
Trái cây khô là đồ ăn vặt lành mạnh bạn có thể chọn cho trẻ. Ảnh Internet 

1.4. Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn

Dù việc sử dụng thực phẩm tươi không phải lúc nào cũng dễ dàng trong lúc này, nhưng bạn cũng nên cố gắng hạn chế thực phẩm chế biến như bữa ăn đóng gói sẵn, đồ ăn nhẹ đóng gói, và các món tráng miệng bán sẵn. Những loại này thường chứa khá nhiều muối, đường và chất béo xấu không có lợi cho sức khỏe. Nếu bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua thực phẩm chế biến, hãy xem xét kĩ thành phần trước khi lựa chọn.

Ngoài ra bạn cũng nên tránh cho trẻ uống các loại nước ngọt, nên khuyến khích con uống thật nhiều nước. Nếu con muốn ly nước của mình có thêm hương vị, bạn có thể giúp bằng cách chuẩn bị trái cây cắt lát như chanh, cam, táo, cherry,… 

Cơm hộp
Hạn chế dùng đồ ăn đóng gói sẵn. Ảnh Internet

1.5. Biến việc nấu ăn trở thành khoảng thời gian vui vẻ, thú vị đối với trẻ và cả gia đình

Nấu nướng và ăn cùng nhau là một cách tuyệt vời để xây dựng lịch trình lành mạnh, thời gian vui vẻ cũng như tăng sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, bạn hãy khuyến khích trẻ tham gia vào việc nấu ăn cùng bạn. Các công việc nhỏ như nhặt rau, rửa rau, dọn bàn ăn,…đều phù hợp với trẻ.

Bạn cũng nên duy trì bữa ăn đúng giờ và đông đủ các thành viên trong gia đình. Việc này sẽ giúp trẻ và chính bạn giảm căng thẳng trong khoảng thời gian này. 

Bé gái phụ mẹ dọn rau
Bé gái phụ mẹ dọn rau. Ảnh Internet 

2. Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm như thế nào cho hiệu quả trong mùa dịch Covid 19

Mặc dù chưa có bằng chứng về việc bao bì thực phẩm là nguồn lây nhiễm virus corona nhưng vẫn có khả năng một người bị nhiễm virus nếu chạm vào bề mặt có chứa virus sau đó chạm vào mặt mình. Việc tiếp xúc gần với người khác trong khi mua thực phẩm cũng có thể làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh. Vì vậy giữ vệ sinh an toàn đối với các vấn đề liên quan đến thực phẩm cũng rất quan trọng với các bà nội trợ.

Để thực hiện điều này bạn nên vứt bỏ các bao bì không cần thiết vào thùng rác có nắp đậy. Những loại bao bì như chai nhựa hay các loại hộp nên được lau, rửa sạch trước khi cất trữ hoặc mở nắp. Bạn cũng nên rửa tay với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc dùng dung dịch sát khuẩn chứa cồn ngay sau khi tiếp xúc với các loại bao bì này.

Đối với những loại thực phẩm không nằm trong bao bì như rau củ và trái cây, bạn nên rửa sạch dưới vòi nước chảy. 

Rửa rau củ
Rửa rau củ kỹ lưỡng dưới vòi nước chảy. Ảnh Internet 

Một số điểm khác bạn cần lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm gồm:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây trước khi chế biến bất kì loại thức ăn nào
  • Dùng dao và thớt riêng cho thực phẩm sống như cá, thịt
  • Nấu thực phẩm chín với nhiệt độ phù hợp
  • Giữ các loại thực phẩm dễ hỏng trong tủ lạnh hoặc tủ đông, và chú ý hạn sử dụng của sản phẩm
  • Tránh tích tụ rác thải có thể thu hút sâu bọ, hãy phân loại, đóng gói rác thải một cách phù hợp và hợp vệ sinh để phục vụ mục đích tái chế hoặc xử lý chất thải thực phẩm
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây trước khi ăn và đảm bảo trẻ cũng làm như vậy
  • Luôn sử dụng đồ đựng thức ăn, dao, muỗng, đĩa,…sạch 
Rửa tay
Ai cũng cần rửa tay sạch trước khi ăn. Ảnh Internet 

3. Bạn làm thế nào để đảm bảo an toàn khi đặt đồ ăn hoặc mua đồ ăn mang đi

3.1. Đảm bảo an toàn khi đặt đồ ăn và nhận tại nhà

Để giảm tối đa khả năng phải tiếp xúc với bề mặt chứa virus và nhiễm bệnh, bạn hãy thực hiện những việc sau khi đặt đồ ăn mang tới nhà:

  • Bạn hãy đặt gói đồ ăn trong bồn rửa chén thay vì bất kì bề mặt nào khác trong nhà bếp hay phòng ăn. Vì đây là nơi bạn có thể dễ dàng chùi rửa, vệ sinh, sát khuẩn sau khi ăn xong và vứt bỏ bao bì đựng thức ăn
  • Bạn hãy dọn thức ăn vào đồ đựng sạch trong nhà bếp của bạn. Trong quá trình này, bạn hãy tránh chạm trực tiếp vào bao bì hay đồ ăn mà hãy dùng một dụng cụ sạch.
  • Bạn cũng không đặt bất kì hộp nhựa, giấy hoặc bìa cứng nào bạn đặt về vào tủ bếp hoặc tủ lạnh. Vì hiện tại không rõ nhiệt độ lạnh có thể vô hiệu hóa virus hay không
  • Bạn hãy rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây trước khi ăn 
Giao hàng
Không đặt hộp đựng thực phẩm mà bạn đã đặt vào tủ lạnh. Ảnh Internet 

3.2. Đảm bảo an toàn khi nhận đồ ăn tại điểm bạn đặt

Khi đặt đồ ăn và nhận để mang đi bạn cần lưu ý những điểm sau:

  • Hãy duy trì khoảng cách xa nhất có thể (tối thiểu là 2m) giữa bạn và người khác, kể cả nhân viên bán hàng hay những khách hàng cùng đợi đồ ăn giống bạn
  • Hãy đeo găng tay vì khi bạn mua đồ ăn ở ngoài, bạn có thể không rửa tay được ngay, đeo găng tay sẽ giúp bạn tránh được tiếp xúc với các bề mặt. Nếu bạn ở trong xe hơi, hãy đặt đơn đặt đồ ăn của bạn trên một mặt phẳng mà không ai chạm trực tiếp vào. Nếu bạn không đeo găng tay, hãy sử dụng dung dịch rửa tay khô để “cầm cự” cho đến khi đến được bồn rửa tay gần nhất. 
Đeo găng tay khi đi mua sắm
Bạn có thể đeo găng tay khi đi mua sắm thực phẩm. Ảnh Internet 
  • Hãy cố gắng sử dụng phương tiện thanh toán không cần đụng chạm về mặt thể lý. Một số ứng dụng trên điện thoại cho phép bạn thanh toán bằng cách quét qua điện thoại mà không cần phải đưa trực tiếp thẻ vào công cụ thanh toán. Nếu bạn có chính xác số tiền mặt cần thanh toán, hãy đặt chúng trên quầy hoặc đưa cho nhân viên thu ngân theo cách hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc bàn tay.
  • Hãy tắm, rửa tay và xử lý các vật dụng đi kèm, quần áo, đồ dùng, và bao bì (trong trường hợp bạn mang chúng về nhà) ngay khi bạn về đến nhà. Việc này thật tẻ nhạt và phiền phức, nhưng chúng sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị nhiễm virus từ nguồn bạn không ngờ đến và giữ an toàn cho gia đình bạn. 
Giặt đồ
Xử lý, làm sạch các vật dụng bạn mang từ ngoàivề nhà. Ảnh Internet 

4. Về vấn đề vệ sinh nhà cửa

Bạn nên lưu ý thường xuyên lau chùi các bề mặt hoặc các vị trí mà mọi người thường tiếp xúc ví dụ như tay nắm cửa, bồn vệ sinh, bề mặt bàn ghế, nền nhà,…đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh và bếp. Các vật dụng bạn cần chú ý lau chùi trong bếp gồm: tủ, tay nắm tủ, tay nắm cửa tủ lạnh, lò nướng, máy rửa chén, máy nướng bánh mì,…

Các vật dụng khác cần được vệ sinh như:

  • Điều khiển tivi, máy lạnh, game
  • Bàn phím và chuột máy tính
  • Điện thoại di động và điện thoại bàn
  • Công tắc đèn và bảng công tắc
  • Tay nắm cửa và cửa ra vào
  • Tay vịn cầu thang 
Lau điện thoại
Thường xuyên lau sạch điện thoại. Ảnh Internet 

Để khỏi bỏ sót khi vệ sinh nhà cửa, bạn hãy thực hiện theo khu vực, theo nhóm vật dụng, từ trên xuống và từ trái qua phải.

Ví dụ bạn có thể lau tất cả các loại công tắc điện và bảng công tắc, sau đó lau các loại tay nắm tủ,…

Đối với các bề mặt có đồ vật ở trên, bạn hãy di chuyển đồ vật và lau bề mặt rộng trước. Sau khi bạn đã lau chùi các vật dụng thì hãy chuyển chúng về vị trí.

Nếu bạn vẫn còn làm việc ở công sở, hãy chú ý khi sử dụng nút bấm thang máy và các vật dụng ở văn phòng. 

Bấm thang máy
Bạn nên chú ý khi sử dụng nút bấm thang máy. Ảnh Internet 

Trên đây là 4 lưu ý quan trọng và rất hữu ích cho công việc nội trợ của chị em phụ nữ trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Bạn hãy cùng gia đình áp dụng ngay, kỹ lưỡng để vượt qua mùa dịch một cách an toàn nhất nhé.

Theo UNICEF, Good House Keeping & Healthline

Lily Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI