Trong số đó, rất nhiều vấn đề các mẹ không cần phải lo lắng quá nhiều. Đó là những lo lắng không cần thiết nào?
1. Lo lắng khi trẻ bỏ ăn một vài bữa
Đây hẳn là nỗi lo của rất nhiều bà mẹ. Với các mẹ, con cần phải ăn đủ bữa trong ngày, đủ lượng mà các mẹ đề ra như một chén cơm/cháo/bún/mì. Nếu trẻ ăn thiếu một bữa hoặc ăn ít hơn lượng các mẹ chuẩn bị thì sẽ bị quy kết là biếng ăn. Có thể nói rằng, chính các mẹ tự tạo áp lực cho bản thân mình mà không biết rằng, cơ thể trẻ nhỏ thay đổi mỗi ngày, chuyện chúng bỏ ăn 1 vài bữa là bình thường.
Điều này cũng giống như cơ thể đang tự điều chỉnh nhu cầu của bản thân vậy. Ở mỗi trẻ nhu cầu phát triển khác nhau, có trẻ ăn nhiều, trẻ ăn ít. Tất cả đều do tín hiệu nhu cầu bản thân trẻ, khi cơ thể đưa ra tín hiệu cần ăn bao nhiêu thì trẻ sẽ ăn bấy nhiêu.
Vì vậy, thi thoảng mẹ hãy lắng nghe nhu cầu bản thân trẻ và không nên ép trẻ ăn. Khi đói tự khắc trẻ sẽ tự tìm đồ ăn.
2. Lo lắng không có sữa cho con bú khi mới sinh
Đây là lo lắng phổ biến của tất cả các mẹ đến nỗi, hầu hết các mẹ đều tự cho rằng mình không có sữa sau khi sinh xong. Và vô tình, các mẹ cho con uống sữa công thức, bỏ đi 72 giờ vàng sữa non quý giá.
Khi chào đời, dạ dày của bé chỉ nhỏ như một quả nho, do đó lượng sữa cần thiết là rất ít (nó tương đương với sữa non). Mẹ chỉ cần nằm im để bé tự trườn trên bụng, tìm vú và bú là bé đã có thể tận hưởng những dòng sữa ngọt ngào đầu tiên. Một số mẹ sẽ thấy sữa rất ít (khoảng 2 - 3 giọt) nhưng đó chính sữa non và bé no bụng với vài giọt sữa đó.
Còn vì sao bé khóc? Bé khóc không phải là bé đói như nhiều mẹ lầm tưởng và lo lắng cho bé uống thêm sữa ngoài. Bé khóc vì bé đang cần được mẹ ôm ấp, vỗ vễ. Mẹ hãy thường xuyên da kề da với bé để bé có thể ngủ ngon trên người mẹ.
3. Lo lắng bé chậm tăng cân sau 1 tuổi
Lo lắng là đúng nhưng cần lo lắng đúng cách, đúng thời điểm và đúng việc. Vấn đề bé chậm tăng cân sau 1 tuổi là dấu hiệu bé phát triển bình thường. Theo các chuyên gia y tế, sau 1 tuổi, mỗi tháng bé chỉ tăng khoảng 200gr - 300gr và trung bình 1 năm bé tăng khoảng 1kg - 2kg. Do đó, các mẹ sẽ cảm thấy bé tăng rất chậm so với năm đầu tiên.
Nhiều mẹ lo lắng đến nỗi nhồi nhét cho con ăn để rồi trẻ có nguy cơ béo phì, giãn tĩnh mạch dạ dày...
4. Lo lắng trẻ té ngã
Té ngã là điều mà đứa trẻ nào cũng trải qua trong những năm tháng đầu đời. Với những ai lần đầu làm mẹ hẳn là xót xa và rất lo lắng khi bé ngã lúc tập lẫy, tập bò, tập đi. Lo lắng này là đúng nhưng cần phải dựa trên sự hiểu biết.
Khi trẻ té ngã, việc đầu tiên là cha mẹ hãy theo dõi phản ứng của trẻ. Cách tốt nhất là để trẻ tự khóc, tự đúng và rồi tự nín. Việc tự điều chỉnh hành vi này sẽ tốt cho trẻ sau này. Sau đó, hãy đến an ủi trẻ, kiểm tra vết thương, độ cao khi té và theo dõi trong 2 giờ đồng hồ.
Trong 2 giờ đồng hồ tới nếu trẻ không có dấu hiệu tổn thương, khóc lóc, mệt, ngủ li bì, sốt, co giật thì hoàn toàn yên tâm. Đây chỉ là tổn thương bên ngoài không đáng ngại. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên thì cần cấp cứu.
5. Lo lắng phân của trẻ sệt và thức ăn không được hấp thu
Nhiều mẹ lo lắng đến nỗi cho con uống các loại men tiêu hóa và vô tình khiến con phụ thuộc thuốc, rối loạn men tiêu hóa nặng. Việc trẻ đi phân có lúc sệt hay có vài mẫu thức ăn hấp thu kém là bình thường. Trẻ dưới 2 tuổi, hệ tiêu hóa đang tự hoàn chỉnh. Mỗi loại thức ăn đi vào cơ thể cần phải có thời gian thích nghi và tiêu hóa, nên đôi khi mẹ có thể thấy vài hạt đậu, hạt ngô, rau trong phân của trẻ.
Tình trạng này sẽ mất dần khi trẻ trên 2 tuổi, lúc này cơ hàm đã phát triển tốt, nhai nghiền thức ăn tốt, hệ tiêu hóa tương đối hoàn thiện, đầu ra sẽ nhuyễn và đẹp hơn.
Vậy khi nào nên lo lắng? Hãy lo lắng khi trẻ bị sụt cân liên tục, biếng ăn, ốm sốt... Lúc này, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hợp lý.
Yeutre.vn (Tổng hợp)