I. GIỚI THIỆU ĐẢO LÝ SƠN
Lý Sơn trước đây có tên gọi là cù lao Ré, theo lý giải của người dân nơi đây sở dĩ nó có tên gọi như vậy vì ở cù lao này có nhiều cây Ré. Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách xa đất liền khoảng 24 km về hướng Đông Bắc.
Một góc đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao
Theo những chứng tích còn lưu lại, đảo Lý Sơn được hình thành dưới sự kiến tạo của cơn địa chấn phun trào nham, thạch núi lửa cách đây khoảng 30 triệu năm về trước. Đến nay người trên hòn đảo này còn lưu lại chiến tích của 5 núi lửa. Chính sự phun trào núi lửa đã tạo nên những cảnh sắc thiên thiên kỳ thú với những dải đá ngầm và đất đỏ bazan thích hợp nhiều loại cây trồng, điều kiện tốt để phát triển các cây công nghiệp ngắn ngày và phát triển du lịch.
Cách đây 3.000 năm về trước, những cư dân đầu tiên của nền văn hóa Sa Huỳnh đã đến cứ trú, làm ăn sinh sông dọc hai bên dòng suối nước ngọt Cổ (bao gồm suối Ốc và suối Chình). Họ sinh sống bằng nghề đi biển và thức ăn chính là sò ốc và cá.
Đảo Lý Sơn nhộn nhịp tàu thuyền
Từ thế kỷ thứ XVI – XVII những cư dân đầu tiên của người Việt gồm ngư dân vùng An Hải, Sa kỳ của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Gồm 15 dòng họ lớn đã di cư đến đảo và phân chia khu vực cư trú ở phía Đông và phía Tây của đảo Lý Sơn. Trong buổi đầu khai hoang và lập đảo, những cư dân đầu tiên đã phải chống chọi với nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và chống phá của giặc Ô – Trung Quốc.
Đến ngày 1/01/1993 đảo Lý Sơn chính thức được thành lập tách ra khỏi huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi.
II. KINH NGHIỆM DU LỊCH ĐẢO LÝ SƠN
Thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch đảo Lý Sơn là vào mùa hè trong khoảng từ tháng 6-9. Vì lúc này thời tiết ở Lý Sơn rất ôn hòa, thích hợp cho việc đi biển.
III. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
1. Di chuyển từ một số tỉnh thành đến Quãng Ngãi
Máy bay
Sân bay gần nhất di chuyển đến cảng Sa Kỳ để đi đảo Lý Sơn là sân bay Chu Lai (Quảng Ngãi). Mỗi tuần từ Hà Nội có 3 chuyến bay tới sân bay Chu Lai, giá vé khứ hồi dao động trong mức 3 triệu đồng (vé này còn phụ thuộc vào thời điểm và hãng máy bay mà bạn lựa chọn).
Vẻ đẹp hoang sơ trên đảo
Từ Tp.HCM cũng có 3 chuyến bay tới Chu Lai trong tuần với giá khứ hồi dao động ở mức 3,5 triệu đồng (vé này còn phụ thuộc vào thời điểm và hãng máy bay mà bạn lựa chọn). Sau đó bạn phải di chuyển bằng xe để tới cảng Sa Kỳ. Từ sân bay Chu Lai tới cảng Sa Kỳ là 50km.
Xe khách
Từ Tp.HCM ra Hà Nội có nhiều xe khách chất lượng cao đi qua Quảng Ngãi. Vì thế bạn có thể chọn di chuyển bằng xe khách với giá giao động cả khứ hồi là 600 ngàn đồng cho chiều từ Tp.HCM – Quảng Ngãi và ngược lại (giá vé tùy thuộc vào nhà xe và thời điểm mua vé).Hoặc bạn có liên hệ với các hãng xẽ như: The Sinh tourist, Camel hoặc Hoàng Long ở cả Hà Nội và Tp.HCM đều được.
Tàu hỏa
Trung bình mỗi ngày có 5 chuyến tàu Bắc Nam từ Hà Nội đi Tp.HCM và dừng chân tại Quảng Ngãi. Vì thế bạn có thể chọn cách di chuyển bằng tàu hỏa giá cả cũng hợp lý mà an toàn. Giá vé tàu bao gồm cả khứ hồi từ Tp.HCM đi đến Quảng Ngãi khoảng 1,3 triệu đồng (cho ghế cứng không điều hòa – tùy thuộc vào thời gian mua vé và mác tàu).
Nước biển trong xanh
Một số tàu đi Quảng Ngãi như sau:
- Tàu SE1 & SE2 (Hà Nội 19h00 đến Quảng Ngãi 13h23) – (Sài Gòn 19h00 đến Quảng Ngãi 9h03).
- Tàu SE3 & SE4 (Hà Nội 23h00 đến Quảng Ngãi 15h23) – (Sài Gòn 23h00 đến Quảng Ngãi 11h41).
- Tàu SE5 & SE6 (Hà Nội 9h00 đến Quảng Ngãi 4h00) – (Sài Gòn 9h00 đến Quảng Ngãi 23h32)
- Tàu SE7 & SE8 (Hà Nội 6h15 đến Quảng Ngãi 0h36) – (Sài Gòn 6h25 đến Quảng Ngãi 20h22).
- Tàu TN1 & TN2 (Hà Nội 13h15 đến Quảng Ngãi 10h28 – (Sài Gòn 13h15 đến Quảng Ngãi 4h57).
2. Di chuyển ra đảo Lý Sơn
Sau khi đến thành phố Quảng Ngãi bạn có thể thuê taxi đến cảng Sa Kỳ khoảng 20km (giá khoảng 330 ngàn đồng). Hoặc để tiết kiệm hơn bạn có thể chọn di chuyển bằng xe buýt với tuyến số 03 từ bến xe Quảng Ngãi – cảng Sa Kỳ. Nhưng cần lưu ý nếu di chuyển bằng xe buýt bạn cần đi trước 5 giờ sáng, vì nếu đi muộn sẽ không kịp giờ lên tàu ra đảo Lý Sơn (thời gian di chuyển của xe buýt tới cảng Sa Kỳ là 1 giờ đồng hồ).
Di chuyển ra đảo bằng tàu tốc hành
Hiện nay, đã có điểm bán vé tàu ra đảo Lý Sơn ở ngay trung tâm thành phố Quảng Ngãi tại số 379 đường Nguyễn Nghiêm - thời gian bán vé là 13h30 - 15h30.
Mỗi ngày từ cảng Sa Kỳ tới Lý Sơn có duy nhất một chuyến tàu cao tốc ra vào đảo. Thời gian tàu rời cảng là từ 7h30 – 8h00 sáng. Phòng vé mở bán lúc 6h30 sáng, mỗi người được mua tối đa 2 vé, người mua sẽ phải khai báo họ tên, năm sinh, địa chỉ và số CMND.
Bãi biển hoang sơ
Với khách đoàn có thể đăng ký danh sách với các thông tin đầy đủ như trên kèm số điện thoại trường đoàn sau đó fax danh sách về cho ban quản lý cảng chậm nhất trước 15h30 trước khi ra đảo một ngày.
Bạn cũng có thể mua vé trước đó 1 ngày vào lúc 9h - 11h và 13h30 - 15h30. Trong trường hợp nếu bạn không lên tàu kịp cần thông báo cho ban quản lý trước 2 giờ tàu rời cảng sẽ được hoàn 80% tiền vé hoặc di chuyển bằng chuyến kế tiếp với giá phụ thêm là 20%. Giá vé ra đảo dao động trong khoảng 230 ngàn đồng (giá này phụ thuộc vào từng thời điểm khác nhau).
Cánh đồng tỏi xanh mướt trên đảo Lý Sơn
Ngoài tàu tốc hành bạn có thể di chuyển bằng tàu vận tải – tàu gỗ thời gian xuất cảng là 8h00 và đến đảo là 11h00. Tàu từ đảo Lớn sang đảo Bé khởi hành từ 8h – 14h30 hàng ngày.
Để tham quan đảo bạn có thể thuê xe máy giá khoảng 150 ngàn/ngày. Chỉ cần một ngày là bạn có thể tham quan hết các điểm trên đảo Lý Sơn.
IV. ĂN UỐNG, NGHỈ NGƠI TRÊN ĐẢO LÝ SƠN
1. Khách sạn, nhà nghỉ
Khách sạn Lý Sơn là khách sạn lớn nhất ở trên đảo. Ngoài ra bạn cũng có thể chọn các nhà nghỉ bình dân hoặc chọn cách ăn ở với người dân trên đảo. Nếu đi theo đoàn bạn có thể chọn cách dựng lều bạt để ngủ ngoài trời cũng khá thú vị lại vừa tiết kiệm.
Món gỏi tỏi Lý Sơn ngon nức mùi thơm
Một số khách sạn và nhà nghỉ bạn có thể tham khảo: nhà nghỉ Viễn Đông, nhà nghỉ Hoa Biển, nhà nghỉ café Đại Dương… có giá dao động từ 150 - 300 ngàn/phòng/đêm tùy vào thời điểm.
Cua huỳnh đế trên đảo Lý Sơn
2. Món ăn đặc sản của đảo Lý Sơn
Đến Lý Sơn bạn không thể bỏ qua những món ăn đặc sản của huyện đảo này như: bánh ít lá gai, cua huỳnh đế, dưa hấu hắc mỹ nhân, gỏi tỏi Lý Sơn, cháo hoặc gỏi ốc tượng, chả cá Lý Sơn, cá tà ma nướng (nấu lẩu, nấu canh hoặc cháo đều ngon).
V. CÁC ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐẢO LÝ SƠN
1. Âm Linh Tự
Được xây dựng trên một giồng đất cao, thoáng đãng nằm ở phía Tây xã An Vĩnh - Lý Sơn. Mặt tiền Âm Linh Tự nhìn ra hướng nam, trước sân có đài tưởng niệm các chiến sĩ. Đây là nơi thờ cúng các vong hồn, những người vô gia cư, không họ hàng thân thích. Từ năm 2010 đến nơi đây còn dùng để thờ cúng các vị tiền hiền và các tử sĩ Hoàng Sa, Bắc Hải.
Cổng Tò Vò
2. Cổng Tò Vò
Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào Lý Sơn, rẽ trái men theo con đường nhỏ là bạn đến chùa Đục ở đó sẽ xuất hiện một mỏm đá nhỏ nằm sát bờ biển đây được gọi là cổng Tò Vò. Đây là điểm thăm quan hấp dẫn dành cho các bạn ưa thích chụp ảnh, bạn có thể tới đây vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn chiều muộn để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên kỳ thú nơi đây.
3. Chùa Đục và Quan Âm Đài
Nằm giữa chừng núi giếng Tiền du khách vượt qua 100 bậc thang, men theo sườn núi sẽ tới được chùa Đục. Tọa lạc trong danh thắng chùa Đục là tượng Quan Âm Đài với chiều cao 27m. Từ chùa Đục bạn có thể ngắm nhìn cảnh biển xa xa đẹp như một bức tranh.
Chùa Đục và Quan Âm Đài
4. Đình An Vĩnh
Đình An Vĩnh được xây dựng ở thế kỷ thứ XVIII, ban đầu đình được làm bằng tranh và cột tre, gỗ và cây bàng. Đến đời vua Khải Định thứ 5 tức nằm 1920 đình được xây dựng lại theo kiến trúc hình chữ tam gồm đình thượng, đình trung và đình hạ. Năm 2009 nhà nước đầu tư để trung tu lại đình theo kiến trúc cũ nhưng không còn giữ được dấu tích của đội Hoàng Sa trước đây. Hàng năm nơi đây được chọn để làm lễ cầu vong cho những người lính Trường Sa đã bỏ mình trên biển.
5. Đài tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa
Toạ lạc ngay trung tâm huyện đảo Lý Sơn, cụm tượng đài và nhà lưu niệm Hoàng Sa và Bắc Hải đứng hiên ngang trước sóng biển và nắng gió là biểu tượng khẳng địnhh chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
6. Đình Lý Hải
Đình được xây dựng năm 1820 thuộc xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn, theo lối kiến trúc nhà Nguyễn thể hiện qua những nét chạm trổ, điêu khắc độc đáo ở am thờ, kèo, cột đình và cửa đình... cùng với thời gian thì đình cũng bị xuống cấp. Tuy nhiên đến đây du khách có thể chiêm ngưỡng lại những kiến trúc độc đáo từ thời nhà Nguyễn.
7. Chùa Hang
Chùa Hang hay Thiên Khổng Thạch Tự (tức là chùa đá trời sinh) thuộc xã An Hải - Lý Sơn, chùa được xây dựng dưới thời vua Lê Kính Tông bởi ông Trần Công Thành là người khai hoang vùng đất An Hải lập nên. Sở dĩ nó được gọi là chùa hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn ở dãy núi Thới Lới. Hang có màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20m.
Chùa Hang là chùa lớn nhất trên đảo Lý Sơn
Từ sân chùa trước cửa hang bạn có thể phóng tầm mắt ra biển. Giữa sân có một hồ sen và tượng phật lớn. Hang dài 2,4m, trần cao 3,2 m, có diện tích là 480m2. Trong hang thờ Phật Di Đà, Phật Tổ Như Lai, Phật Di Lặc nằm ở chính giữa; bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái; bàn thờ 12 Diêm Vương, 3 vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải. Các bệ thờ được tạo tác từ nhũ đá tự nhiên, sau đó được gia công thành các khám thờ.
Đỉnh Thới Lới
8. Đỉnh Thới Lới
Đỉnh Thới Lới là di tích còn sót lại của một núi lửa đã tắt. Đỉnh có độ cao 149m so với mặt nước biển. Trên đỉnh núi là một hồ nước ngọt, có thể tích khoảng 30.000 m3 cung cấp nước ngọt cho cả đảo Lớn và đảo Bé trên huyện đảo Lý Sơn.
9. Hang Câu
Hang Câu thuộc thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, nằm sát dưới chân núi Thới Lới. Chỉ mất khoảng 15 phút đi bộ từ núi Thới Lới là bạn đã đến được hang Câu. Khung cảnh nơi đây còn khá hoang sơ, đẹp thơ mộng và hút khách du lịch. Đây là địa điểm mà người dân trên đảo thường câu cá và có nhiều rau câu nên người ta mới đặt tên là Hang Câu. Đến đây bạn vừa ngắm cảnh, lặn ngụp để ngắm san hô. Lưu ý không nên đi chân đất nên dùng giày nhựa để tránh bị san hô làm đứt chân.
Hang Câu trên đảo Lý Sơn
10. Cột cờ tổ quốc trên đỉnh Thới Lới
Công trình này được khởi công xây dựng năm 2013, nằm ngay trên đỉnh núi Thới Lới với chiều cao 20m hướng ra quần đảo Trường Sa. Đến đây du khách được thả tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên và biển xa xa.
Cảnh đẹp hoang sơ trên đảo Bé
11. Đảo Bé
Đảo bé hay còn gọi là đảo An Bình, mặc dù có diện tích nhỏ nhưng nơi đây lại có bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp với cát trắng mịn màng, nước biển trong xanh. Được bao bọc bởi cánh cung vách đá cao với những con sóng tung bọt trắng xóa. Từ đảo Lớn bạn có thể di chuyển bằng tàu sang đảo Bé. Tàu khởi hành lúc 8h sáng và quay lại lúc 14h30 cùng ngày.
Nếu đi từ Tp.HCM với 3 triệu đồng (di chuyển bằng tàu hoặc xe khách) bạn hoàn toàn có thể thoải mái du lịch Đảo Lý Sơn từ 1-2 ngày. Và khi về bạn đừng quên mua ít tỏi Lý Sơn để làm quà nhé.
Với những gợi ý nêu trên hy vọng bạn sẽ có một chuyến du lịch tới đảo Lý Sơn đầy kỷ niệm và tiết kiệm nhất.
Yeutre.vn (Tổng hợp)