Cẩm nang hướng dẫn chi tiết dành cho người đi du lịch Yên Bái

Ai về thăm Yên Bái đều không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp say lòng người của những ruộng bậc thang vàng óng trải dài đến ngút mắt.

banner ads

24326-ruong-bac-thang-2.jpg

Ruộng bậc thang ở Yên Bái đẹp đến ngỡ ngàng.

Về Yên Bái còn là về với vùng đất của những điệu xoè Thái dập dìu, của những hớp rượu thóc say nồng để nghe mùi nếp Tú Lệ lan toả trên từng nương lúa và đắm mình trong làn nước mát của dòng thác Mơ. Và còn đó rất nhiều những điều đang đợi bạn khám phá .

I. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

Từ các tỉnh thành khác nếu đến Yên Bái bạn có thể chọn di chuyển bằng xe khách, tàu lửa, máy bay ra Hà Nội và từ Hà Nội di chuyển đến Yên Bái bằng một số hãng xe khách uy tín bạn có thể chọn như:

banner ads

Xe Mười Hoa (tuyến Hà Nội - Yên Bái) - Điện thoại: (029) 386.5926 - 0973.527.215 - 0948.068.877.

  • Từ Yên Bái: 11h15
  • Từ bến xe Mỹ Đình: 13h15.

Xe Hùng Liên(tuyến Hà Nội - Yên Bái) - Số nhà 168, tổ 5, phường Nguyễn Tái Học, Tp.Yên Bái (cách bến xe Yên Bái 50m về phía ga). Điện thoại: (029) 386.3656 - 0915.914.407.

  • Từ Yên Bái: 8h45 và 10h45
  • Từ bến xe Mỹ Đình: 16h và 16h15

Xe Dũng Thảo(tuyến Hà Nội - Nghĩa Lộ (Yên Bái)) - Điện thoại: (029) 387.1055 - 0979.704.288 - 0912.016.756

  • Từ Nghĩa Lộ: 7h15
  • Từ bến xe Mỹ Đình: 13h20

II. LƯU TRÚ TẠI YÊN BÁI

Dưới đây là một số khách sạn bạn có thể tham khảo. Lưu ý khi chọn đến Yên Bái vào đúng mùa du lịch, bạn nên gọi điện đặt phòng trước từ 1 tháng để tránh tình trạng không có phòng nghỉ.

Khách sạn Hồng Nhung

  • Địa chỉ cơ sở 1: Số 04, đường Trần Phú, phường Đồng Tâm, Tp. Yên Bái - Điện thoại: 0293 501 152 – 0293 852 054.
  • Địa chỉ cơ sở 2: Số 04 Trần Phú, Tp. Yên Bái - Điện thoại: 0293 385 2054

Khách sạn Hào Gia

  • Địa chỉ: Số 08, Trần Phú, Tp. Yên Bái
  • Điện thoại: 0293 385 4977

Khách sạn Nghĩa Lộ

  • Địa chỉ: Số 232, Điện Biên, phường Tân An, Thị xã Nghĩa Lộ, Tp. Yên Bái
  • Điện thoại: 387 0106

Khách sạn Mường Lò

  • Địa chỉ: Tổ 1, Điện Biên, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ, Tp. Yên Bái
  • Điện thoại: 0293 387 9666

Khách sạn Hoa Viên

  • Địa chỉ: Km 0, Quốc lộ 70, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, Tp. Yên Bái
  • Điện thoại: 0293 388 5244

Khách sạn Xổ Số

  • Địa chỉ: Số 882 Điện Biên, TP. Yên Bái
  • Điện thoại: 0293 385 2544

Khách sạn Đồng Tâm

  • Địa chỉ: Số 937 Yên Ninh, TP. Yên Bái
  • Điện thoại: 0293 385 2966/ 385 3155

Khách sạn Như Nguyệt

  • Địa chỉ: 485 Điện Biên, TP. Yên Bái
  • Điện thoại: 0293 355 5666

Khách sạn Thùy Quang

  • Địa chỉ: Số 96, Trần Hưng Đạo, TP. Yên Bái
  • Điện thoại: 0293 386 2484

Khách sạn Ánh Nguyệt

  • Địa chỉ: Số 479 Nguyễn Tất Thành, Thị trấn Lục Yên
  • Điện thoại: 0293 384 5588

III. DANH SÁCH NHỮNG ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NỔI TIẾNG Ở YÊN BÁI

1. Mù Cang Chải

24338-khau-pha.jpg

Ruộng bậc thang nhuộm màu vàng óng ở Mù Cang Chải

Nếu từ Hà Nội, bạn có thể theo hướng Quốc lộ 32 để đến với Mù Cang Chải, một huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái. Trên đường đi, bạn sẽ cơ hội khám phá một trong “tứ đại đỉnh đèo” đèo của vùng núi Tây Bắc - Khau Phạ.

Nhắc đến Mù Cang Chải không thể không nhắc đến những ruộng bậc thang ngút mắt, nhuộm một màu vàng óng dưới nắng mai suốt từ đèo Khau Phạ đến thị trấn trung tâm. Với vẻ đẹp mê hoặc lòng người này, vào năm 2007, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia.

2. Thác Pú Nhu

24335-thac-pu-nhu.jpg

Thác Pú Nhu tung bọt trắng xoá

Trong huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm về phía Tây khoảng 10km là thác Pú Nhu với cột nước cao khoảng 20m. Đây là thác đổ về từ các con suối đầu nguồn Than Uyên tạo thành nhiều bậc thác nước tung bọt trắng xóa, vẽ nên cảnh tượng kỳ vỹ của thiên nhiên.

3. Thác Mơ (Mù Cang Chải)

24334-thac-mo.jpg

Vẻ đẹp của thác Mơ

Một con thác khác cũng rất nổi tiếng ở Mù Cang Chải đó chính là thác Mơ. Điểm khiến thác Mơ trở nên ấn tượng hơn cả đối với người thưởng ngoạn đó chính là 7 điểm thác tuyệt đẹp trong hành trình khám phá. Khi đi bộ đến chân thác, bạn sẽ đến được điểm thác 1 tầng. Nơi đây có dòng nước chảy theo hình xoắn ốc rất đặc biệt. Tiếp tục lội ngược dòng, bạn sẽ đến được điểm thác 4 tầng. Đây chính là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt mỹ của thác Mơ.

4. Bản Lìm Mông

24299-ban-lim-mong.jpg

Bản Lìm Mông nằm gần con suối Nậm Có

Bản Lìm Mông nằm gần con suối Nậm Có, đúng như tập tục định cư của người Thái. Mặc dù dọc bản Lìm Mông là những con đường đã được bê tông hóa nhưng bên kia suối, người dân bản vẫn giữ những tập tục sinh hoạt của mình với đàn trâu, đàn ngựa và những những căn nhà sàn đơn sơ, giản dị. Vào đến mùa lúa chín, ruộng bậc thang nơi đây nhuộm một màu vàng óng reo vui trước gió. Người ta gọi đây là mảnh đất vàng của ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

5. Suối Giàng

24297-2014610234122.jpg

Biển lúa Mường Lò

Nằm sâu trên dãy núi Phanxipăng, xã Suối Giàng là nơi sinh sống của hơn 300 hộ đồng bào Mông. Nơi đây có loại chè shan cổ thụ danh tiếng, có rừng Pơ Mu, thác Tập Lang, và có cả biển lúa Mường Lò với những vạt lúa nương theo triền núi, những cánh đồng cải xanh nõn và những nương ngô rì rào theo dáng mây bảng lảng bên trời.

6. Hồ Thác Bà

24310-ho-thac-ba.jpg

Vẻ đẹp nên thơ của hồ Thác Bà

Vẻ đẹp của hồ Thác Bà với diện tích gần 23.500 ha và hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ được ví von như “Hạ Long trên núi”. Hệ thống hang động nơi đây ẩn mình sâu trong lòng những dãy núi đá vôi đã tạo ra cảnh quan kỳ bí và huyền ảo.

Đi thuyền trên hồ Thác Bà là một trong những thú vui mà du khách khó có thể bỏ qua. Mênh mông giữa trời xanh, nước biếc và hít hà không khí mát lành từ thiên nhiên bao la quả thật đã mang đến nhiều cảm xúc cho du khách.

Đến nơi đây, bạn có thể viếng đền Mẫu, trút bỏ muộn phiền và tiếp tục hành trình khám phá quần thể hang động đá vôi với nhũ thạch độc đáo từ các hang động: Thuỷ Tiên, Xuân Long, Bạch Xà,…

7. Núi Cao Biền

Trong thắng cảnh Thác Bà, núi Cao Biền là dãy núi cao và dài nhất. Đứng trên đỉnh Cao Biền, bạn có thể thu vào tầm mắt muôn ngàn vẻ đẹp của thiên nhiên từ cảnh bình minh đến chiều tà hoàng hôn cho đến sắc nước gương trời soi cả một vùng Tây Bắc yên bình. Bạn có thể tìm đến đây để được thăm chợ Ngọc, chợ Ngà sầm uất; để được xuôi dòng sông Chảy thăm thú vùng đất Ngọc Lục Yên với động Chùa São, đền Đại Cại…; được chiêm ngưỡng những bàn tay thợ làm tranh đá quý tài hoa và được tham dự các lễ hội truyền thống, nếp sinh hoạt của từng tộc người nơi đây.

8. Bản văn hóa Ngòi Tu

24300-ban-ngoi-tu.jpg

Bản Ngòi Tu nằm tiếp giáp mặt hồ nước mênh mông.

Ngòi Tu có một phần là đất liền và phần còn lại tiếp giáp với mặt hồ nước mênh mông. Đây chính là nơi hội tụ của nhiều sắc thái văn hóa của các dân tộc Dao, Cao Lan, Nùng. Chính bức tranh văn hóa đa dạng này đã thu hút nhiều du khách đến đây, hòa mình vào cuộc sống và những phong tục truyền thống của đồng bào với điệu múa làm chay, xúc tép, rước dâu truyền thống …

9. Đèo Lũng Lô

24309-deo-lung-lo.jpg

Đèo Lũng Lô đã từng là con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nằm trên quốc lộ 37, đèo Lũng Lô với chiều dài 15km từ km349 đến km364, độ dốc 10% đã từng là con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp. Đây là một địa danh lịch sử gợi nhắc niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.

10. Cánh đồng Mường Lò

24320-mu-cang-chai1.jpg

Cánh đồng Mường Lò

Từ Quốc lộ 32, qua những vực sâu, và cây rừng, lau lách, bạn sẽ đến một cánh đồng bằng phẳng với những sóng lúa dạt dào, đó chính là Mường Lò. Đây chính là cánh đồng lúa lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, sau Mường Thanh (Điện Biên). Tộc người sinh sống chủ yếu ở nơi đây là người Thái Đen. Những buổi chiều thoáng thấy dáng người con gái Thái gánh lúa trên vai rẽ qua con suối Nậm Thia về bản cũng đủ khiến bạn mê đắm vùng đất này.

Đến đây bạn sẽ có cơ hội được nghe hát mời rượu, uống rượu trong tiếng hát say sưa và cùng dập dìu bên điệu Xòe Thái dưới ánh lửa bập bùng.

11. Căng đồn Nghĩa Lộ

24303-cang-don-nghia-lo.jpg

Hình ảnh từ căng đồn Nghĩa Lộ

Căng và đồn Nghĩa Lộ là địa danh lịch sử gắn với thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX. Đây là trại “lao động đặc biệt” được dựng lên nhằm dập tắt phong trào yêu nước sau khi căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể. Căng có 3 dãy nhà dài. Trong đó, hay dãy giam giữ chính phạm là nam và một để giam chính phạm là nữ. Toàn khu căng đồn đều được bọc hàng rào dây thép gai. Bên ngoài hàng rào này còn có cả những hầm chông sâu để ngăn ngừa chính phạm trốn chạy.

12. Bản Hốc

Bản Hốc nằm ngay trung tâm của huyện Văn Chấn. Nơi đây, có đến 80% đồng bào là người Thái với những nét văn hóa đặc trưng từ những ngôi nhà sàn, những nghề thủ công, những điệu xòe dập dìu, những câu hát và những chén rượu lá, rượu cần say đắm.

Đến bản Hốc, bạn còn có cơ hội tắm suối khoáng nóng tự nhiên hay chinh phục những dãy núi đá, khám phá hang Dơi, tham gia đốt lửa trại….

13. Chợ đá quý Lục Yên

24305-cho-da-quy.jpg

Một góc chợ đá quý Lục Yên

Chợ đá quý Lục Yên họp ở góc hồ nước đẹp lung linh ở thị trấn Yên Thế. Mỗi sáng, chợ chỉ họp vài ba tiếng khoảng từ sáu giờ sáng. Các mặt hàng bày bán nơi đây đều là đá quý. Đá có thể còn thô, cũng có thể đã được chế tác thành nhẫn, hoa tai, dây chuyền… và cả những bức tranh lung linh sắc màu.

14. Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu

Trải dài suốt 4 xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu như một lòng chảo với những dãy núi cao bao bọc. Tổng diện tích quy hoạch của Nà Hẩu là 16.950 ha, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250 ha, phân khu phục hồi sinh thái: 9.700 ha.

Nơi đây hệ lá rộng còn tương đối nguyên vẹn. Suối, thác chảy đều quanh năm. Hệ sinh thái nơi đây khá đa dạng với các loại cây gỗ như Chò nâu, Giổi, Trám…, Gội, De, Giẻ…, Dương sỉ, Cau rừng…Trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như Lát Hoa, Pơ mu… với chiều cao lên đến 700m. Các loài thú Chồn, Cầy hương, Lợn rừng, Rắn… và một số loài chim vẫn chọn nơi đây làm nhà.

Bên cạnh đó, bản sắc dân tộc của những dân tộc H’Mông và Dao cũng tạo nên nét đẹp cho vùng đất hoang sơ này.

15. Hồ Chóp Dù

Chóp Dù là một hồ nước rất đẹp, tĩnh lặng và rất nên thơ. Quanh hồ là hệ sinh thái đa dạng với nhiều khu rừng tự nhiên xen lẫn. Bạn có thể tìm đến đây để nghỉ ngơi, câu cá và tận hưởng bầu không cao xanh của đất trời.

16. Di tích đền Đại Cại

24308-den-dai-cai.jpg

Đền Đại Cại

Di tích đền Ðại Cại nằm dưới chân núi Vua áo đen là một quần thể các di tích lịch sử bao gồm đền Ðại Cại, đình Bến Lăn, chùa tháp đất nung Hắc Y và thành nhà Bầu.

Các vị thần được thờ ở nơi đây đều là những người có công khai hoang lập địa như bà Vũ Ngọc Anh, người có công xây lũy đắp thành, lập ra các chợ; hai anh em Vũ Văn Mật và Vũ Văn Uyển, những người có công lớn trong việc chống quân nhà Mạc. Ðền được lập từ thời hậu Lê, có lối kiến trúc đẹp, ngai thờ sơn son thếp vàng, đề có trạm trổ tứ quý làm từ gỗ tứ quý như chò chỉ, vàng tâm, lõi thọ, đinh hương. Ðặc biệt, những tảng đá kê cột đình, cột đền được chạm trổ hình mặt trăng, hoa sen, lá đề, mỗi tảng nặng hơn 100 kg. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy nhiều nghệ thuật trạm khắc tinh xảo từ các cột đá có ở nơi đây cùng nhiều giá trị kiến trúc, nghệ thuật khác.

17. Tây Yên Bái

Với những phượt thủ có lẽ không ai còn xa lạ với Tà Sì Láng, Háng Tề Chơ (Làng Nhì), Phình Hồ, Chế Tạo, Mù Cao… Những ai muốn đi phượt, ưa mạo hiểm mà không đặt chân đến những nơi này một lần quả thật rất uổng phí.

18. Tà Sì Láng

24332-ta-li-sang.jpg

Góc yên bình nơi Tà Sì Láng

Tà Sì Láng, huyện Trạm Tấu là nơi sinh sống của chỉ riêng người H’Mong. Đường vào Tà Sì Láng vốn rất hiểm trở nên thường chỉ có dân bản và những người ưa mạo hiểm tìm đến đây.

19. Háng Tề Chơ – Làng Nhì

Háng Tề Chơ được biết đến nhờ ngọn thác Háng Tề Chơ, một trong những ngọ thác đẹp của vùng Tây Bắc. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông đen.

20. Chế Tạo

Cũng giống như Tà Sì Láng, Chế Tạo là một điểm đến vô cùng hiểm trở và chỉ có những người ưa offroad mạo hiểm tìm đến.

IV. ẨM THỰC VÀ ĐẶC SẢN YÊN BÁI

1. Cốm nếp Tú Lệ

24306-com-nep-tu-le.jpg

Cốm nếp Tú Lệ

Hương thơm của cốm nếp Tú Lệ khiến những ai đã một lần ngửi thấy, đã dùng qua một lần đều bị quyến rũ đến say mê.

Nếp Tú Lệ với đặc trưng hạt to, trong và dẻo thơm có thể được dùng để chế biến thành nhiều món ngon như cháo, cốm, xôi cho đến cơm lam hoặc rượu… Nhấp chén rượu Tú Lệ trên tay nghe câu mời “Khắp mời lẩu” để thấm hơn cái hồn của vùng đất Thái này.

2. Xôi ngũ sắc

24311-img2375-1.jpg

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc mang cả triết lý âm dương trong ẩm thực lẫn quan niệm nhân sinh. Xôi đỏ với cái tên “khẩu cắm lanh” là biểu trưng cho niềm khát vọng. Xôi vàng được gọi là “khẩu cắm hương” biểu trưng của sự ấm no. Xôi xanh với tên gọi “khẩu khiêu” tượng trưng cho rừng xanh núi thẳm. Xôi tím “khẩu cắm lăm” lại tượng trưng cho sự trù phú. Sau cùng, xôi trắng tức “khẩu nón” là biểu trưng cho một tình yêu son sắt.

24337-xoingusac.jpg

Xôi ngũ sắc

Để tạo ra được màu xôi đậm sắc và thơm ngon, người nấu xôi phải trải qua nhiều khâu chế biến tỉ mỉ và cầu kỳ. Đầu tiên, nếp được chọn nấu xôi phải là nếp Tú Lệ, loại nếp thơm ngon nhất vùng. Màu sắc để nhuộm nếp được lấy từ những loại lá rừng vừa đủ độ, không non cũng không già. Nước nấu lá và nước đồ xôi cũng phải được lấy từ suối Mường Lò. Trước khi đồ, nếp phải được ngâm trong nước suối qua đêm và để ráo. Sau đó, sẽ được đem đồ trong Mỏ Lửng – Tay Lung (loại chõ xôi truyền thống của người đồng bào). Trong quá trình đồ, than phải luôn được giữ đều để khi xôi chín, dù nóng hay nguội đều nắm không bị dính tay.

Món xôi này trước khi chỉ dọn trong những dịp lễ tết hoặc trong lễ cưới hỏi. Ngày nay, khách quý đến thăm nhà, chủ nhà vẫn làm món này để tỏ lòng hiếu khách.

3. Mật ong nhãn Văn Chấn

24318-mat-ong.jpg

Mật ong nhãn

Văn Chấn là nơi nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn lớn nhất vùng. Đến đây vào cuối tháng tư, bạn có thể chọn cho mình những lọ mật ong nhãn thơm ngon.

4. Táo mèo

24333-tao-meo.jpg

Táo mèo

Sơn Tra hay còn gọi là táo mèo được xem là đặc sản của vùng Tây Bắc nói chung. Đây là một loại quả rất tốt cho sức khoẻ. Vào cuối xuân, sơn tra bắt đầu ra hoa và quả chín rộ vào khoảng tháng 9-10. Sơn tra ngon có màu hồng trắng hoặc vàng sáng, khi ăn có vị chan chát, chua ngọt hài hoà. Bạn có thể dùng sơn tra để làm ô mai, ủ rượu hoặc ngâm làm nước giải khát đều rất ngon và có lợi cho sức khoẻ.

5. Lạp xưởng Yên Bái

24298-am-thu-yen-bai-nap-xuong.jpg

Lạp xưởng

Cũng với từng ấy nguyên liệu với thịt ba chỉ, mật ong, rượu, đường… nhưng bí quyết của người làm nghề mới thực sự tạo ra những thanh lạp xưởng ngon nức tiếng. Từ thời gian ướp gia vị đến việc canh lửa, sấy thịt… đều phải tuân thủ những quy chuẩn rất nghiêm ngặt để lạp xưởng sau khi làm không bị hỏng nhanh. Đến Yên Bái, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những thanh lạp xưởng thơm ngon khó nơi nào sánh bằng.

6. Rượu thóc La Pán Tẩn

24330-ruoulaphantan.jpg

Rượu thóc La Pán Tẩn

Ruộng bậc thang ở xã La Pán Tẩn cũng là một trong những địa danh đã được xếp hạng danh thắng quốc gia. Đến nơi đây, bạn không chỉ tận hưởng không khí trong lành và cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn được uống một loại rượu rất đặc biệt nơi đây. Và đó chính là rượu thóc. Ngày trước, chỉ người người khách rất quý mới có cơ hội được người Mông mời uống thứ rượu này. Bạn có thể uống say sưa và lăn ra sàn ngủ ngon lành cùng chủ nhà mà không hề bị đau đầu và nôn mửa. Ngày nay, rượu thóc đã được bán với giá chỉ 30.000 nghìn 1 lít và bạn có thể dễ dàng mua ở bản.

7. Hạt mắc khén

24315-mac-khen.jpg

Hạt mắc khén

Mắc khén là một loại gia vị. Nhiều người gọi nó là tiêu rừng. Thực ra, mắc khén thuộc họ hồi, có hương và tinh dầu. Nó được dùng để làm gia tăng hương vị cho các món ăn của dân vùng Tây Bắc. Khi mắc khén đậu quả, nó mọc thành từng chùm quả nhỏ như những chùm hạt rau mùi già. Khi dùng mắc khén, chỉ việc cho một nắm vào bát và bỏ than hồng đượm cháy vào nướng. Khi hương vị bay toả là lúc người ta lấy mắc khén ra giã nhỏ hạt thành bột. Mắc khén gắn chặt với ẩm thực của đồng bào vùng Tây Bắc đến nỗi người ta nói rằng thiếu mắc khén trong món ăn của người Tây Bắc là coi như món ăn đó chưa được hoàn thành.

8. Muồm muỗm rang Mường Lò

24321-muom-muom-rang-muong-lo.jpg

Muồm muỗm rang Mường Lò

Muồm muỗm rang giòn tan, béo ngậy quyện trong vị thơm nồng tựa như lúa nếp Mường Lò sẽ là một trải nghiệm ẩm thực mà bạn không thể nào quên được. Món ăn đặc sản này được chế biến rất công phu. Đầu tiên, người ta phải bỏ hết cánh, chân, đầu và ruột của con muồm muỗm. Sau đó nó được om liu riu với nước măng chua. Khi nước măng đã cạn, lập tức cho mỡ vào đảo thật đều. Khi nghe thấy tiếng tanh tách nổ giòn là lúc muồm muỗm đã sẵn sàng dọn ra dĩa. Chỉ cần áo đều với ít ớt và gia vị, bạn có thể thưởng thức món ăn được xem là đặc sản này.

9. Dế chiên giòn

24307-de-chien.jpg

Dế chiên giòn

Người dân bắt dế vào tháng 7 âm lịch, khi mưa ngâu bắt đầu về, cỏ non mọc rậm và những con dễ trở nên múp míp, béo ngậy. Bắt dế hầu như không có gì khó khăn với người dân bản và có lẽ vì vậy một lạng dế mua ở chợ cũng chỉ độ 5-7 nghìn.

Sau khi đem dế về, người ta bỏ hết chân, rút túi hôi nơi gáy và để nguyên con ngâm vào trong măng chua hoặc rửa qua với nước sôi. Kế đến, dế được ướp với tỏi, hành, nước mắm và đem chiên với ít dầu sôi. Việc còn lại, chỉ là đợi dế vàng giòn và dọn ra dùng.

Dế chiên giòn với phần đầu giòn tan, phần bụng dai dai, béo ngậy và dậy bùi. Cảm giác này có lẽ chỉ những ai đã dùng mới có thể cảm nhận được hết.

10. Bánh chưng đen Mường Lò

24301-banh-chung-den-2.jpg

Bánh chưng đen Mường Lò

Cũng giống như ý nghĩa chiếc bánh chưng của người miền xuôi, bánh chưng đen được làm để dâng kính ông cha và đất trời mỗi độ xuân về.

Cách làm và gói bánh cũng giống với bánh chưng của người Kinh nhưng nếp được nhuộm với bột than của cây núc nác hoặc hoa cây vừng đen (đốt những món này thành than và giã thành bột).

Bánh có mùi thơm đặc biệt của núi rừng với nếp dẻo Tú Lệ và hương núc nác quyện trong vị beo béo của thịt, vị bùi của đậu xanh dường như đã gói trọn cả tinh hoa của đất trời Tây Bắc.

11. Rau dớn Mường Lò

24324-rau-don.jpg

Rau dớn

Rau dớn hay phác pút thuộc họ quyết, có cành dài, lá nhỏ và xòe trên đầu cây như chiếc ô lớn.

Chỉ có nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng ẩm ướt mới có thể tìm thấy loại rau này. Người dân tộc gọi nó là “vua” của các loại rau. Họ dùng nó cho các dịp lễ hội và hái đến đâu dùng đến đó.

Có thể dùng rau dớn để chế biến rất nhiều món ngon như nộm, luộc, muối chua, nấu canh, xào… Ngoài ra, nó còn được chế biến thành món rau xôi, xào măng chua,…

12. Ruốc tôm Mường Lò

Người dân vùng Tây Bắc rất khéo nấu ăn. Họ có thể chế biến món ruốc tôm rất ngon từ thịt thăn, tôm nõn và ít dầu ăn. Đây là món đi kèm với xôi ngũ sắc thơm ngon.

Để làm ra món ngon này, người ta chọn tôm suối mình mẩy, đều, đem đi rửa sạch và rút chỉ. Sau đó cho tôm giã tơi ra và đem rang khô. Thịt lợn đem băm nhỏ và rang với dầu, nước mắm cho đến khi khô. Cả hai trộn lại với nhau và sao đến khi khô hẳn là có thể dùng.

13. Măng vầu cuốn thịt

24314-ma7ng.jpg

Măng vầu

Măng vầu mọc rừng, thân nhỏ và không có gai. Vào tháng 12 đến khoảng giữa tháng 3, những củ măng vầu to, tròn và rất ngọt. Hầu như ở miền núi Tây Bắc vùng nào cũng có loại măng này.

15. Rêu suối Mường Lò

24325-reu-suoi.jpg

Rêu suối Mường Lò

Rêu ở suối Mường Lò thường trộn cùng mắc khén, dổi, sẻn, lá chanh, ớt, tỏi, gừng, củ sả, và thêm ít thịt mỡ. Sau đó gói tất cả vào lá dong, buộc túm lại, bẻ gập mép lá thành hình và treo trên một thanh nẹp tre vùi vào trong tro ấm. Đến khi dong tí tách cháy thì láy ra hơ trên than hoa. Món ăn được dọn ngay khi còn nóng. Hương các loại củ quyện trong vị rêu mát ngọt và vị béo của thịt làm nên vị ngon không gì sánh bằng. Các cô dâu Thái thường túm rêu nướng mời mẹ chồng để tỏ lòng hiếu thuận.

16. Măng chua héo

24317-mang-heo.jpg

Măng chua héo

Măng chua héo “nó xổm héo” được chế biến đơn giản từ măng tre, bương, giang, nứa, vầu… là một đặc sản nổi tiếng của đồng bào Tày, Thái ở tỉnh Yên Bái.

Những chiếc măng trắng, he he do vừa hái được lọt vỏ, rửa sạch, thái vát và đem ngâm trong nước chum nước lã gần một tháng sẽ thành măng chua. Đem măng này phơi héo trong nắng, sau đó tiếp tục phơi khoảng 2-3 sương là có thể dùng. Đây là một đặc sản quý của người dân Yên Bái.

17. Trứng kiến

24336-xoi-trung-kien.jpg

Xôi trứng kiến

Vào tháng ba, trứng kiến nở rộ. Đàn ông lên rừng mang trứng kiến về nhà để phụ nữ chế biến thành món ngon. Khi lấy trứng kiến, người ta chị lấy gọng dao gõ nhẹ để kiến bỏ đi và bổ đôi để trứng kiến rơi ra. Người dân không lấy hết để kiến còn tiếp tục sinh sản. Trứng kiến to bằng hạt cám, bóng mẩy, trắng đục và hương thơm dịu nhẹ được đem về để gói lá dong nướng than hoặc nấu canh hay trộn trứng rán. Nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là xôi kiến.

18. Món mọoc

24319-mooc.jpg

Món moọc

Hoa chuối rừng đúng thời kì nở 5, 6 lá ngoài, trông tròn lẳn đem về thái mỏng, ngâm muối cho bớt chát và vắt ráo. Cá suối, thịt, tôm đem giã nhuyễn và trộn với bột nếp cùng ít muối và các gia vị đặc trưng lá lốt rừng, lá bánh tẻ, hạt dổi, xả, gừng. Tất cả là công đoạn để tạo ra món moọc nổi tiếng của người Yên Bái.

Moọc này được gói trong lá dong thành từng nắm và đem chõ xôi khoảng 1 tiếng với ngọn lửa thật đều.

Moọc chín ăn kèm với nước mắm và rau sống là món ăn ngon vô cùng mà bạn nên thử một lần.

19. Vịt Lục Yên

Vịt bầu Lục Yên cho thịt chắc và thơm. Người dân có thói quen mổ vịt xong là phải có bát tiết canh và đĩa mọc.

Để làm mọc vịt, đầu tiên trộn 1/3 gạo nếp với 2/3 gạo tẻ, rang chín vàng, nghiền nhỏ rây mịn. Sau đó nướng hạt dổi giã nhỏ, trộn với rau răm, sả băm, thêm ít nước và bóp vắt lấy nước. Cuối cùng thêm nước mắm, bột ngọt và bột hạt dổi vào nước này.

Với phần thịt vịt, người ta róc lấy thịt nạc, băm nhỏ và trộn với thính cùng nước gia vị. Sau khi trộn, hỗn hợp này dẻo như bột bánh dày. Nó sẽ được gói vào trong lá dong và đem hấp chõ khoảng 3 tiếng.

20. Thịt mắm cơm đỏ của người Tày ở Lục Yên

Cây cơm đỏ được dùng để làm ra loại cơm đỏ cho món ăn này. Người ta lấy nó về phơi nắng và thái nhỏ. Sau đó, dùng nó để trộn với riềng, rau răm và rượu nếp cái. Hỗn hợp này được đem ủ trong chum kín với phần thịt ba chỉ thái nhỏ. Sau 1 tuần, thịt sực nức mùi thơm và có thể dùng. Bạn có thể cảm nhận được vị chua, cay, ngọt và nồng đến khó tả khi thưởng thức món ăn này.

21. Cá sỉnh nậm thia

24304-ca-sinh.jpg

Cá sỉnh nậm thia

Cá sỉnh chỉ ăn rêu đá ở suối Mường Lò. Nó có thân đỏ, môi đen xanh và dày. Bộ lườn cá rất săn chắc và béo ngậy của cá sỉnh đã làm nao lòng bao du khách khi đến Mường Lò thưởng thức món ăn này.

22. Pà mẳm

24323-pa-mam-cua-nguoi-thai.jpg

Mắm cá của người Thái

Pà mẳm là tiếng Thái, có nghĩa là mắm cá. Pà mẳm ngon nhất là được làm từ cá chép ao. Sau khi đem về thả bể 3 ngày cho bớt bùn, người ta sẽ giẫy với ít muối, rượu vào bụng cá đến khi cá chết. Sau đó trộn các gia vị thính gạo nếp, hạt sẻn, ớt tươi băm nhỏ, xả, riềng, quế chi… lại với nhau và đem xào thơm trước cho vào chum ủ cùng cá chép. Sau một ngày, nước cá được chắt ra và đun sôi. Sau đó lại để nguội và cho vào chum cá tiếp tục ủ. Mãi đến 3 năm sau, cá chép mới được đem ra để dùng.

23. Mắm tép hồ Thác Bà

Thác Bà được xem là vựa tôm tép của cả vùng. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi món mắm tép nức tiếng cũng từ nơi này mà ra. Mắm tép Thác Bà thơm ngon và giàu chất đạm đã trở thành một đặc sản riêng có của vùng.

24. Bánh chuối Lục Yên

24302-banh-chuoi-nuong-209282.jpg

Bánh chuối Lục Yên

Với người Tày Lục Yên, cây chuối có nhiều ý nghĩa. Vì thế, họ đã dùng chuối để làm ra món bánh thơm ngon được nhiều người biết đến.

Người ta đem chuối chín sấy khô và để vào trong những nậm bí khô. Khi lấy chuối ra làm bánh, người ta đem ngâm cho mềm và xay thành bột, trộn với bột gạo, bột chuối và đường. Nếu thích người ta còn cho thêm cả nhân đậu xanh và đậu phộng.

25. Chè suối Giàng

24296-41497651.jpg

Những cây chè shan cổ thụ có từ 200 - 300 tuổi.

Chè suối Giàng đều là những cây chè shan cổ thụ có từ 200 - 300 tuổi với đường kính thân đến hàng mét. Điều đáng nói ở đây là rừng chè bạt ngàn đến ngút mắt.

Chè shan tuyết càng già, thân càng trắng mốc, xù xì thì lá càng xanh ngắt khiến ai cũng thích mê.

Búp chè có màu trắng xám, như lớp bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết. Khi pha chè, mùi thơm ngon, vị đậm đà, và nước xanh biếc có thể nói vào loại hảo hạng bậc nhất. Điều đặc biệt là loại chè này đến nay vẫn được người Mông chế biến thủ công qua bao đời.

V. ĐỊA ĐIỂM ĂN UỐNG

  • Nhà Hàng Minh Đức - Địa chỉ: Số 381 Lê Hồng Phong, Tp. Yên Bái
  • Bánh Cuốn Thu Hà - Địa chỉ: Số 92 Đinh Tiên Hoàng, Tp. Yên Bái
  • Nhà Hàng Hoàng Long - Địa chỉ: Tổ 12B, P. Yên Thịnh, Tp. Yên Bái
  • Bún Chả Lan Phương - Địa chỉ: Số 37 Lê Văn Tám, Tp. Yên Bái
  • Phở và cơm Thu Ngọc - Địa chỉ: Ven Chợ Mường Lò, Thị xã Nghĩa Lộ
  • Cơm Mường Lò Nhà Hàng Hưng Vân - Địa chỉ: Thị xã Nghĩa Lộ, Tp. Điện Biên
  • Phở Phượng - Địa chỉ: Đường Bao Chợ Mường Lò, Tổ 13, P. Trung Tâm, Thị xã Nghĩa Lộ
  • Ẳm Thực Vùng Miền Tây Bắc - Địa chỉ: Thôn 6, Xã Hợp Minh, Tp. Yên Bái
  • Nhà Hàng Nổi Thùy Vân - Địa chỉ: Phường Đồng Tâm, Tp. Yên Bái
  • Quán ăn Duyên Quý - Địa chỉ: Tx. Yên Bái, Tp. Yên Bái
  • Quán ăn Mai Linh - Địa chỉ: 375 Điện Biên, Tp. Yên Bái
  • Quán ăn Tâm Băng - Địa chỉ: Số 144 Đinh Tiên Hoàng, Tp. Yên Bái

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI