Cẩm nang hướng dẫn chi tiết dành cho người đi du lịch Bắc Ninh

Bắc Ninh vùng đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa. Nhắc đến Bắc Ninh là nhắc những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào đã đi vào tiềm thức của người dân đất Việt bao đời nay.

banner ads

23002-lien-anh-lien-chi.jpg

Liền anh liền chị hát quan họ Bắc Ninh trong ngày hội Lim

Không chỉ thế, đây còn là vùng đất nổi tiếng với hội Lim, diễn ra vào tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống lâu đời, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham gia. Ngoài ra, Bắc Nình còn có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử lâu đời cùng nhiều món ăn ngon, độc đáo. Đây hứa hẹn là địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu cuộc sống và văn hóa truyền thống của làng quê Bắc bộ xưa.

Dưới đây là những thông tin du lịch Bắc Ninh dành cho bạn!

I. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

Bắc Ninh nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 31km, vì thế bạn có thể đi về trong ngày. Từ Hà Nội bạn có thể chọn cách di chuyển bằng xe khách, xe bus, xe máy đều được. Lịch trình như sau:

22978-dinh-chua-bac.jpg

Kiến trúc chùa chiền nổi bật ở Bắc Ninh

  • Tuyến 1: Xe bus số 204 lịch trình: Bến xe Lương Yên (Hà Nội) – Thuận Thành.
  • Tuyến 2: Xe bus số 54 lịch trình: Long Biên Hà Nội – Bắc Ninh – Đền Đô – Đình Bảng - Lim/ Xe bus số 203 lịch trình: Bến xe Lương Yên – Hà Nội – Bắc Giang – Bắc Ninh. Hoặc bạn cũng có thể đón xe khách từ bến xe Lương Yên – Bắc Ninh đều được.
  • Tuyến số 3: Phù Lãng có thể đi xe khách hoặc xe máy đều được.

II. NHỮNG ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN HẤP DẪN TẠI BẮC NINH

1. Chùa Phật Tích

22969-chua-phat-tich-1.jpg

Một góc chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích tọa lạc trên núi Lạn Kha, thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, chùa mang đậm kiến trúc thời nhà Lý. Đặc biệt bên trong khuôn viên của chùa có một tượng Phật bằng đá tọa lạc trên tòa sen lớn nhất Việt Nam. Trải qua những biến cố của lịch sử và thời gian, chùa đã nhiều lần được tu sửa. Đến năm 1959 chùa được xây mới hoàn toàn và được công nhận và di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lễ hội chùa Phật Tích diễn ra vào ngày 4 âm lịch tháng giêng hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương về lễ Phật và vãn cảnh chùa.

2. Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp tên chữ là Ninh Phúc tự, là ngôi chùa cổ có tượng Phật Bà Quân Âm nghìn mắt, nghìn tay được làm bằng gỗ lớn nhất nước ta. Nhìn từ xa chùa giống như một cây bút nên được goi là chùa Bút Tháp. Chùa có khuôn viên khá rộng và được đánh giá là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc hoàn chỉnh nhất.

22971-chua-but-thap-1.jpg
22972-chua-but-thap.jpg

Khung cảnh chùa Bút Tháp

Chùa nằm bên tả ngạn sông Đuống, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chùa đã được tu sửa lại và được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Chùa Bút Tháp thờ Hòa thượng Chuyết Chuyết (1590 - 1644) nổi tiếng Trung Hoa xưa sang Việt Nam truyền đạo Phật.

3. Chùa Dâu

Chùa Dâu từng được mệnh danh là “Đệ nhất cổ tự trời Nam”, thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa nằm trong khuôn viên di tích lịch sử văn hóa của Kinh Bắc gồm: thành cổ Luy Lâu, lăng mộ Sĩ Tiếp cùng nhiều chùa chiền, đền thờ, dinh thự và bảo tháp khác. Khu di tích này được xây dựng vào những năm đầu Công Nguyên.

22973-chua-dau.jpg

Chùa Dâu

Chùa Dâu được xem là ngôi chùa về Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Chùa thờ Phật Pháp Vân – Nữ Thần Mây. Chùa được xây dựng theo kiến trúc độc đáo và khá cầu kỳ trong từng chi tiết. Toàn bộ kiến trúc của chùa gồm: gian thiên hương, chính điện, vườn tháp, 4 dãy hành lang xung quanh chùa. Đây là điểm tham quan dành cho những ai tín ngưỡng thờ Phật hoặc đơn giản đến đây để tìm sự bình an, thanh tịnh trong tâm hồn.

4. Đình Đình Bảng

Đình Đình Bảng thuộc làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Binh. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất ở Bắc Ninh, được xây dựng ở thế kỷ XVIII. Đình Đình Bảng thờ Cao Sơn Đại Vương (tức là thần Núi), Thủy Bá Đại Vương (thần Sông) và Bách Lệ Đại Vương (thần Đất). Ngoài ra đình còn là nơi thờ cụ tổ của những dòng họ chính trong làng.

22975-dinh-chua.jpg

Đình Đình Bảng

Toàn bộ kiến trúc của đình đều được làm hoàn toàn bằng gỗ. Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử, đình vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu gồm một tòa đại đình lớn, hậu cung phía sau được thiết kế theo dạng mặt hình chuôi vò – giống chữ đinh. Mái đình là thiết kế theo hình đầu đao lớn, được lợp bằng ngói hài, bên trong có nhiều câu đối, hoành phi lớn được sơn son thếp vàng.

5. Đền Đô - đền Lý Bát Đế

Đền Đô nằm ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Là ngôi đền thờ 8 vị hoàng đế thời nhà Lý gồm: vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Thần Tông, Lý Huệ Tông và Lý Cao Tông.

22977-den-do.jpg

Đền Đô nơi thờ 8 vị vua nhà Lý

Đền được xây dựng có quy mô lớn và kiến trúc đặc sắc phía trước là hồ bán nguyệt, điện chính đặt 8 bức tượng các vị vua nhà Lý, bên cạnh điện chính là gian thờ mẫu – những vị hoàng thái hậu đã có công sinh thành ra các vị vua nhà Lý.

Hội đền Đô thường diễn ra giữa tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan và hành lễ.

6. Đền Bà Chúa Kho

Đền Bà Chúa Kho tọa lạc ở lưng chừng núi Kho, thuộc địa phận phường Vũ Ninh, Tp.Bắc Ninh. Đền gắn liền với tên tuổi người phụ nữ làm nghề giữ kho lương thực dưới thời nhà Lý. Khi bà mất người dân nơi đây lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của bà. Ngoài thờ Bà Chúa Kho, đền còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu.

22976-den-ba-chua-kho.jpg
22974-chua-kho.jpg

Lễ hội đền Bà Chúa Kho

Đầu xuân năm mới, những người làm ăn, kinh doanh, buôn bán thường đến đấy xin lộc, vay lộc. Người ta tin rằng vay lộc ở đền Bà Chúa sẽ làm ăn phát đạt.

7. Hội Lim

Hội Lim là lễ hội văn hóa nghệ thuật đặc sắc lâu đời của đất Kinh Bắc. Gắn liền với hội là dân ca quan họ - đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hội Lim được tổ chức vào tháng giêng âm lịch hàng năm từ ngày 13 -15. Địa địểm chính diễn ra lễ hội là thị trấn Lim.

23001-le-hoi.jpg
22999-hoi-lim.jpg

Lễ rước và hát quan họ trong ngày hội Lim

Hội được chia làm 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Từ ngày 12 các xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim, dâng hương tế lễ ở đình, đền chùa theo nghi thức truyền thống. Sáng ngày 13, các làng thuộc xã Nội Duệ tập trung ở đình thôn Đình Cả, tổ chức đoàn rước về lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn nằm trên đồi Lim, tiếp đến dâng hương tại chùa Hồng Ân và nhiều đình chùa khác ở Nội Duệ, thị trấn Lim.

Phần hội diễn ra ở thị trấn Lim với nhiều hoạt động nghệ thuật truyền thống độc đáo như: hát quan họ, đánh đu, đập niêu, bịt mắt bắt dê…

8. Làng tranh Đông Hồ

Làng tranh Đông Hồ là làng nghề làm tranh dân gian nổi tiếng, thuộc xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 35km. Nằm bên bờ phía Nam dòng Sông Đuống, cạnh bến đò Hồ.

22998-dong-ho.jpg
23003-tranh-dong-ho.jpg

Tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ là dòng tranh dân gian có từ lâu đời ở nước ta, được khắc trên giấy gió. Trước kia tranh Đông Hồ được bán trong dịp tết Nguyên Đán để phục nhu cầu chơi tranh của người dân vùng nông thôn.

Đến với làng tranh Đông Hồ bạn sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình làm tranh độc đáo của dòng tranh dân gian nổi tiếng một thời. Tuy nhiên cùng với thời gian nghề làm tranh Đông Hồ đang dần mai một, hiện nay ở Bắc Ninh chỉ có 2 gia đình duy nhất còn duy trì nghề.

9. Làng gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu, thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách sông Lục Đầu khoảng 4km. Nơi đây có nhiều bến đò ngang qua lại. Gốm Phù Lang được làm từ đất sét có màu hồng nhạt có ở làng Thống Vát, Cung Kiệm. Qua nhiều công đoạn nhào trộn đất sét trở nên mịn dẻo, sau đó được người nghệ nhân tạo hình trên bàn xoay bằng tay.

22979-gom-1.jpg

Gốm Phù Lãng

Sản phẩm chính của gốm Phù Lãng là chum vại, ấm đất, chậu, nồi, chậu sành. Đặc biệt gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn, rất thanh nhã lại vừa bền đẹp.

Ngoài ra, ở làng Phù Lãng có nhiều ngọn núi đẹp tạo cho nơi đây phong cảnh hữu tình. Đến Phù Lãng du khách sẽ được tham quan làng gốm, ngắm cảnh đẹp và chụp hình lưu niệm.

III. MÓN NGON - ĐẶC SẢN BẮC NINH

1. Bánh phu thê Đình Bảng

Bánh phu thê được làm từ bột gạo nếp xay bằng cối nước, sau đó lọc lấy tinh bột, ép cho ráo nước rồi phơi khô. Khi bột khô người ta dùng nước quả dành dành để nhào bột nhằm tạo màu tự nhiên. Bột được nhào chung với đu đủ thái nhỏ ngâm đường phèn để bánh có độ giòn cần thiết. Nhân bánh được làm từ đậu xanh nấu chín, đường trắng, cùi dừa nạo sợi, hạt sen và ngũ vị hương. Bánh được gói bằng lá dong, rồi đem luộc chín.

22967-banh-phu-the.jpg

Bánh phu thê

Sau khi luộc chín bên ngoài bánh có màu vàng, được rắc thêm vừng đen. Khi ăn bánh có độ dẻo của nếp, giòn của đu đủ, độ ngậy của đậu xanh, vị béo của dừa, bùi của hạt sen và vị ngọt của đường… tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đặc trưng rất riêng.

2. Tương Đình Đỗ

Nghề làm tương ở làng Đình Đỗ có từ lâu đời, nguyên liệu để làm tương bao gồm ngô, đỗ tương, gạo nếp cái hoa vàng. Tất cả được ủ và lên men tự nhiên không sử dụng bất cứ hóa chất nào. Để có mẻ tương ngon người chế biến phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ.

23004-tuong-dinh-do.jpg

Tương Đình Đỗ

Đầu tiên phải chọn ngô đỏ, hạt mẩy, căng, đỗ tương và gạo nếp cũng phải chọn loại hảo hạng nhất, hạt to, chắc đều. Ngô sau khi được phơi khô sẽ được đồ chín rồi ủ lên men. Đỗ tương rang chín cho vào chum sành, đổ nước cho ngập và ngâm. Trong quá trình ngâm, ủ người ta phải thường xuyên kiểm tra, khuấy đều, vớt bỏ bọt để tương có độ sánh, mịn đạt tiêu chuẩn.

Một mẻ tương được ra lò phải được ngâm ủ trong vòng 15 ngày, sau đó mới đem xay tạo thành tương thành phẩm. Tương Đình Đỗ có màu đỏ nâu, đặc sánh, mùi thơm, vị ngọt bùi, béo ngậy của gạo nếp, ngô. Đây là đặc sản rất giàu dinh dưỡng được dùng để làm nước chấm rau luộc, thịt luộc, cá nướng, bánh đúc, bánh tẻ, kho cá, kho thịt và chấm bún.

3. Bánh tro Đình Tổ

Bánh tro Đình Tổ được làm từ gạo nếp, nước tro, một ít vôi, bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong và mật mía. Để có được nước tro trong, có mùi thơm nhẹ người ta dùng rơm nếp đốt lấy tro, rồi đổ tro vào chậu, hòa với nước vôi để lắng nước trong, sau đó chắc lấy nước trong, bỏ cặn. Gạo nếp được vo sạch, ngâm trong vòng từ 3-4 giờ, rồi vớt ra, để ráo nước. Lá chuối hoặc lá dong được rửa sạch, hấp chín mềm, rồi lau khô, sau đó dùng để gói bánh.

22983-banh-tro.jpg

Bánh tro Đình Tổ

Bánh tro Đình Tổ mềm, có vị thanh mát, ngọt ngào. Một lần được thưởng thức thứ quà quê dân dã này sẽ khiến bạn luôn nhớ mãi dư vị của nó.

4. Cháo thái Đình Tổ

22986-chao.jpg

Cháo thái Đình Tổ

Cháo thái Đình Tổ được chế biến không quá cầu kỳ, gạo được xay nhuyễn, được nhào thành cục to. Nước nấu cháo được hầm từ xương, thịt gà, thịt lợn. Khi nước dùng sôi, người ta dùng dao mỏng thái từng miếng bột cho vào nồi cháo. Cháo chín cho thêm hành hoa, tiêu xay, nêm nếm gia vị vừa ăn bắc xuống là dùng được.

5. Bánh khúc làng Diềm

Bánh khúc là được làm gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt mỡ, hạt tiêu, lá khúc, răm, mộc nhĩ. Công đoạn làm bánh khúc không khó nhưng nó đòi sự tỉ mỉ và tốn khá nhiều thời gian. Gạo sau khi ngâm và vo sạch được đem giã nhuyễn với lá khúc. Tỷ lệ gạo và lá khúc thường phải đồng đều nhau. Nếu mất cân đối món ăn sẽ mất đi hương vị đặc trưng của bánh và không có độ dẻo cần thiết.

22966-banh-khuc-1.jpg

Bánh khúc

Bánh khúc làng Diềm có 2 loại nhân hành và nhân đậu xanh. Bánh nhân đậu có vị bùi của đậu xanh, béo của thịt mỡ, thơm đặc trưng của tiêu xay. Còn bánh khúc nhân hành được làm từ hành khô, mộc nhĩ, tiêu, răm, thịt ba chỉ băm nhỏ. Khi ăn bánh khúc làng Diềm có vị mặn, bùi, béo vừa phải.

5. Nem Bùi

Nem Bùi có nguồn gốc từ làng Bùi Xá, xã Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh. Nghề làm nem ở đây đã có hàng trăm năm. Hiện nay nem Bùi đã mặt ở nhiều nơi và trở thành món quà quê ý nghĩa dành cho người thân, bạn bè mỗi lần có dịp ghé qua Bắc Ninh.

23000-nem-bui-1.jpg

Nem Bùi

Nguyên liệu làm nem Bùi được làm từ thịt thăn và mỡ gáy của giống lợn ỉ đen. Công đoạn làm nem khá công phu và đòi hỏi cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thịt cắt được cắt thành chỉ, rồi trộn chung với tỏi, ớt, giấm với thính gạo, sau đó nắm chặt rồi gói bằng lại bằng lá chuối.

Sau ba ngày nem sẽ tự chín, lúc này có thể ăn được. Nem Bùi có màu hồng nhạt, mùi thơm của thính gạo, vị béo ngậy, chua chua của thịt. Món này được ăn kèm với lá sung, chấm tương ớt.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI