Nhiều nghiên cứu cho thấy, 6 tháng tuổi và 12 tháng tuổi là hai trong số các cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của não bộ ở trẻ. Cụ thể, từ lúc 6 tháng tuổi não của trẻ đã phát triển rất nhanh, đến 12 tháng tuổi, não bé phát triển gấp ba lần so với khi mới sinh ra, hệ thống thần kinh chằng chịt, dày hơn với nhiều liên kết. Lúc này, trẻ đã hiểu và bắt đầu thể hiện cảm xúc của mình. Nếu được ba mẹ quan tâm chăm sóc, dạy dỗ phù hợp, bé sẽ nhanh nhạy, khéo léo và thông minh hơn rất nhiều.
Dạy chung cho trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi
Siêng đưa bé đi dạo
Bố mẹ nên thường xuyên đưa trẻ đi dạo.
Thế giới xung quanh vốn rất tiềm ẩn nhiều cái đẹp phong phú chờ đợi bé khám phá. Bố mẹ không nên mượn cớ bận việc hay thậm chí sợ phiền phức hoặc mệt mỏi mà ngần ngại đưa trẻ ra ngoài để thưởng thức cái đẹp muôn màu của cuộc sống. Nhiều bố mẹ khác lại lo lắng thái quá, lúc nào cũng sợ con bệnh nên chỉ biết khư khư giữ con trong nhà. Quanh bốn bức tường chật kẹp, trẻ vì thế cũng hạn chế những hoạt động vận động cần thiết cho sự phát triển toàn diện.
Do vậy, các bố mẹ hãy cho con nhiều hơn khoảng thời gian và tình yêu thương của mình bằng cách cùng bé tận hưởng ngày nghỉ ngoài trời. Chẳng cần đi đâu xa, bạn chỉ việc đưa con dạo mát công viên, ngắm cảnh hồ hoặc tận hưởng không gian lý tưởng của sân vườn nếu gia đình có điều kiện. Hoàn cảnh sống có thể kích thích sự phát triển trí tuệ của trẻ rất tốt.
Gợi mở trí tò mò
Khi được 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mở rộng tầm khám phá của mình. Với trí tò mò có sẵn, trẻ như một cỗ máy sẵn sàng lao vào thế giới vạn vật để được cầm nắm và hưởng nếm tất cả. Các bé bắt đầu nhận thấy thế giới không chỉ có ti mẹ mà còn nhiều điều kỳ diệu khác. Ngay cả cái bình sữa chúng cầm nắm hàng ngày giờ đây cũng trở nên một vật dụng chứa đầy kho báu bí mật. Nếu được khơi gợi, trẻ sẽ càng thích thú để khám phá bằng được. Đó là lý do tại sao ở độ tuổi này, bạn càng cố cấm trẻ cầm nắm, mút mút vật gì thì trẻ càng cố để giành được chúng cho kỳ được. Do đó, nếu muốn phát triển óc khám phá của trẻ, bố mẹ nên chuẩn bị sẵn những đồ chơi hoặc vật dụng đa dạng và an toàn nhất có thể để trẻ được thỏa trí tò mò của mình.
Dạy con bằng đồ chơi
Những gì bé cầm nắm hàng ngày chính là những bước khám phá đầu tiên của trẻ.
Những gì bé cầm nắm hàng ngày chính là những bước khám phá đầu tiên của trẻ. Chúng giúp trẻ phát triển các giác quan bao gồm việc cầm, nắm, mút, nhìn ngắm, lắng nghe,... Và đồ chơi chính là những công cụ đắc lực nhất trong các hoạt động sơ khởi này.
Hiện nay, trên thị trường rất đa dạng các loại đồ chơi khác nhau từ dạng truyền thống đến hiện đại. Điều quan trọng là bố mẹ cần thấy con mình tỏ ra thích thú với điều gì. Không nên quá đặt nặng vấn đề vui chơi phải kết hợp với việc phát huy trí tuệ. Đôi khi, trẻ thoải sức chơi món đồ mà chúng thích, có thể hoàn toàn mang tính giải trí sẽ giúp trẻ nhiều hơn so với việc lúc nào cũng ép buộc chúng vận dụng trí não. Chuyện chọn đồ chơi cho trẻ phải phù hợp về độ tuổi cũng như sự tương tác. Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi có thể dùng xe đẩy tập đi, chơi xúc xắc, bóng, xe nhạc, ...
Dạy theo từng tháng tuổi cụ thể
Bé 6-7 tháng:
Các bé ở tuổi này đã có thể cầm, nắm các vật dụng khác nhau. Bố mẹ có thể sắp đặt sẵn đồ chơi trên sàn đã vệ sinh sạch sẽ và cho trẻ tự nhặt các vật dụng này. Sau mỗi lượt, có thể thay đổi vị trí ở khoảng cách xa hơn để trẻ tự tìm lấy vật mình thích. Bài tập này sẽ giúp trẻ thành thạo hơn trong thao tác cầm, nắm và rèn sự khéo léo của đôi tay.
Bé rất thích cười mỗi khi ai đó tạo sự bất ngờ cho trẻ. Bạn có thể thử chơi cùng bé trò "ú òa" để phát hiện sự thích thú của bé như thế nào khi gặp điều bất ngờ. Bố cũng có thể giấu đi món đồ chơi mà trẻ yêu thích để bé tự tìm về. Tất nhiên, đừng giấu quá kỹ nơi mà óc phán đoán của trẻ không thể tìm đến được. Cách khác, bạn có thể gây sự chú ý của trẻ bằng cách tạo ra âm thanh lóc cóc trên nền hoặc bất cứ vật dụng nào. Ở tuổi này, bé đã có thể bắt chước để tập nói ê a hoặc làm theo một hành động nào đó. Vì thế, bạn hãy dạy bé vỗ tay, vẫy tay, mi gió, ném bóng...
Bé 8- 9 tháng:
8 tháng tuổi, bé bắt đầu tập tự lập trong ăn uống dù ban đầu có thể vây bẩn nhiều.
Lúc này khả năng ngôn ngữ của trẻ đã tiến tới chặng đường đầu tiên. Bố mẹ có thể trò chuyện nhiều hơn với bé để trẻ quen với ngôn ngữ giao tiếp. Ban đầu, trẻ sẽ bập bẹ một đôi từ "ba ba" , "ma ma". Tiếp đến, bạn có thể dạy cho trẻ nhận biết tên của một số đồ vật chúng hay chơi thông qua một câu chuyện thú vị. Hãy lặp lại khẩu hình và thu hút sự chú ý của bé vào món đồ bạn muốn bé gọi tên.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm trẻ nên tự lập trong chuyện ăn uống dù chúng có thể vây bẩn thời gian đầu. Hãy sắm cho trẻ một chiếc ghế ăn phù hợp để cùng dùng cơm chung với ba mẹ trong mỗi bữa ăn.
Các động tác vận động khác có thể tăng dần lên như dạy trẻ vòng tay dạ thưa, dùng tay ra tín hiệu "không muốn"....
10 tháng tuổi:
Lúc này, đôi tay bé đã thành thục các kỹ năng cơ bản. Để tăng lực cảm nhận đối với nhiều dạng đồ dùng khác nhau, bạn nên dạy trẻ tự bóc kẹo, vặn nút chai, chơi ghép hình, xếp hộp nhỏ vào hộp lớn, xây hình khối...
Đồng thời, trẻ sẽ rất thích thú nếu được bóp nắn để tìm hiểu vật liệu. Thông thường, nếu bạn đưa cho trẻ miếng rau câu mềm, trẻ sẽ nếm trước để cảm nhận mùi vị. Ngay sau đó nó sẽ bóp nát chúng ra sàn. Và cuối cùng là trét đầy nhà. Bạn có thể bực bội vì điều này, nhưng với trẻ lại chẳng có gì to tát hơn một trò chơi thú vị vừa kết thúc.
Bạn nên chỉ cho trẻ lứa tuổi này nhận biết một vài bộ phận trên cơ thể trẻ như đầu, tai, bụng, mắt... để trẻ học hỏi thêm.
11 tháng tuổi:
Bé 11 tháng tuổi bắt đầu điều khiển hoạt động có ý thức của mình.
Cùng với sự phát triển của đôi bàn tay, não bộ của trẻ cũng bắt đầu điều khiển hoạt động có ý thức của mình. Bé có thể mở nắp hộp sữa mà không cần người lớn chỉ dạy, có thể lật trang sách, xếp đồ vật vào vị trí, chỉ tay và đọc tên một số đồ vật mà bố mẹ đưa ra.
Thêm vào đó, bố mẹ cũng có thể giúp trẻ điều khiển các ngón tay hoạt động độc lập bằng cách cho trẻ dùng đất sét nhét đầy vào các lỗ của viên gạch.
12 tháng tuổi:
Ở tuổi này, ba mẹ đã có thể bắt đầu cho con làm quen với những đồ chơi kích thích tư duy. Nếu con đã muốn dùng bút để tô vẽ, bố mẹ nên chuẩn bị sẵn cho bé một không gian thực hành riêng để tránh mẹ mệt mỏi lau chùi những vết bẩn trên tường ở mọi nơi trong nhà.
Yeutre.vn (Tổng hợp)