Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết, bé trai nhập viện trong tình trạng co gồng tím tái và đã hôn mê. Bệnh nhi lập tức được các bác sĩ thông đường thở, hút đàm nhớt, cho dùng thuốc chống co giật, song mọi cố gắng không giúp bé khỏi hôn mê.
Đây được xem là trường hợp ngạt nước được cứu sống hy hữu bởi bé ngâm đầu trong nước quá lâu. Ảnh: TC
Theo lời kể của gia đình, bé ở nhà với mẹ, mẹ lo làm việc nhà, đến khi không thấy bé đâu đi tìm thì phát hiện bé ngã cắm đầu vào xô nước, chân chổng lên trời. Hốt hoảng nghĩ con uống nước nên thay vì ấn ngực giúp kích thích tim, người mẹ lại ấn bụng. Mãi đến khi hàng xóm đến giúp bé mới được đưa đi cấp cứu. Đây là nguyên nhân khiến bé ngạt nặng hơn. Ước tính tổng thời gian ngạt nước khoảng 10 phút.
Bệnh nhân được điều chỉnh chỉ số natri máu, dùng thuốc chống co giật, thuốc chống phù não. Đến hơn một tuần, bệnh nhi bắt đầu có dấu hiệu tỉnh táo. "Đây là trường hợp hy hữu bởi thông thường chỉ cần chìm trong nước 5 phút là có thể tử vong", bác sĩ Tiến nói.
Đến trưa 6/10, sức khỏe của bé ổn định, bệnh nhi có thể bú, biết khóc, biết đòi mẹ. Tuy nhiên theo bác sĩ Tiến, bé cần phải được theo dõi những di chứng ở não có thể xảy ra do tình trạng ngạt quá lâu.
Tai nạn ở trẻ em thường xảy ra trong tích tắc lơ là chủ quan, nhất là những trường hợp chưa biết đi mà biết bò, các bé hay táy máy. Bệnh viện từng tiếp nhận một bé 14 tháng tuổi ngã cắm đầu vào hòn non bộ, bé nhập viện trong tình trạng đã hôn mê phải điều trị gần một tháng. Ông Tiến lưu ý các vật dụng chứa nước trong nhà, hố nước, hòn non bộ, tắm sông hoặc tắm hồ bơi là những nơi thường gây ngạt nước cho bé.
Thổi ngạt và ấn tim là cách tốt nhất để cứu người bị ngạt. Cách xử trí sai lầm thường thấy là ấn bụng gây nôn ói thay vì ấn ngực; nhiều người sốc nước sai cách, cho nạn nhân vào lu đốt lửa hơ khiến bị bỏng. Đuổi người thân đi nơi khác vì cho rằng người ngạt nhìn thấy sẽ chết...
Theo ngoisao