Trẻ từ 0 - 2 tuổi
Chính vì trẻ còn trong giai đoạn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào mẹ nên sự mất mát tình cảm đối với trẻ vào lúc này sẽ là một sang chấn tinh thần rất mạnh.
Tất nhiên trong đầu của những đứa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi khái niệm gia đình vẫn còn là điều quá xa lạ và dường như không liên quan gì đến nhu cầu của bản thân. Lúc này, các bé chỉ cần có người luôn ở bên chăm sóc, vui đùa bất kể ngày đêm. Song cũng chính vì trẻ còn trong giai đoạn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào mẹ nên sự mất mát tình cảm đối với trẻ vào lúc này sẽ là một sang chấn tinh thần rất mạnh.
Giấc ngủ của trẻ cũng trở nên bất an hơn khi dường như trẻ có thể phát hiện ra cả những xung đột của bố mẹ. Mỗi lúc mở mắt ra không thấy có ai bên cạnh trẻ sẽ luôn khóc thét hãi hùng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
Trẻ từ 3 - 5 tuổi
Khá nhiều trường hợp trẻ sẽ quy kết nguyên nhân ly hôn của bố mẹ về phía mình và đâm ra trách móc bản thân, mặc cảm về tội lỗi và sống thu mình.
Dù vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của bố mẹ nhưng ở độ tuổi này, trẻ đã bắt đầu nhận thức bằng tư duy và biểu lộ cảm xúc bằng lời nói. Các bé sẽ trở nên vô cùng nhạy cảm trước một lời trách mắng, chỉ trích mà người này dành cho người kia và ngược lại.
Có khá nhiều trường hợp trẻ sẽ quy kết nguyên nhân ly hôn của bố mẹ về phía mình và đâm ra trách móc bản thân, mặc cảm về tội lỗi và sống thu mình.
Trẻ từ 6 - 8 tuổi
Đa phần các bé đều cảm thấy mất phương hướng, không phân định được chuyện đúng sai và luôn cảm thấy bối rối trước mọi hành động dự định.
Trẻ đã có thể nói lên suy nghĩ và cảm xúc của mình trước biến cố ly hôn. Trong đầu trẻ lúc nào cũng tưởng tượng ra cảnh bố mẹ làm hòa với nhau và trở về chung sống yêu thương như trước kia. Từ những khao khát này, trẻ sẽ thay đổi bản thân, biết quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn cho bản thân và cho cả bố mẹ.
Thông qua những hoạt động của trường, bạn sẽ biết thêm về cách trẻ tiếp nhận và phản ứng với chuyện bố mẹ ly hôn. Đa phần các bé đều cảm thấy mất phương hướng, không phân định được chuyện đúng sai và luôn cảm thấy bối rối trước mọi hành động dự định.
Trẻ từ 9 - 11 tuổi
Trong những trường hợp thuận lợi, trẻ sẵn sàng làm cầu nối để hóa giải mối quan hệ không thể níu giữ của bố lẫn mẹ.
Đối với một số trẻ ở giai đoạn này, ngôn ngữ để bộc lộ cảm xúc có thể được “nuốt” ngược vào trong. Trẻ trở nên lầm lì, ít nói và thường chống đối bằng những hành động cụ thể. Trong khi đó, những trẻ khác lại thẳng thắn bộc lộ cảm xúc riêng tư của mình cho người khác, thậm chí có thể chọn bố mẹ làm đối tượng để “chất vấn” và giãi bày.
Thực ra bằng thực tế và bằng những kinh nghiệm sống ít ỏi, trẻ phần nào có thể hiểu được câu chuyện mang tên “Ly hôn”. Do đó, trong những trường hợp thuận lợi, trẻ sẵn sàng làm cầu nối để hóa giải mối quan hệ không thể níu giữ của bố lẫn mẹ.
Trẻ từ 12 - 18 tuổi
Chuyện ly hôn của bố mẹ như một “giọt nước tràn ly” cho tất cả những chuyển biến phức tạp được dồn nén trong tâm hồn trẻ.
Bản thân trẻ ở lứa tuổi vị thành niên đã có những chao đảo lớn trong chuỗi tâm sinh lý phát triển theo tuổi. Do vậy, thật không ngoa khi nói rằng chuyện ly hôn của bố mẹ như một “giọt nước tràn ly” cho tất cả những chuyển biến phức tạp được dồn nén trong tâm hồn trẻ.
Bạn không thể đòi buộc ngay lập tức trẻ phải cho bạn biết rõ cảm xúc thật. Muốn biết được, bạn cần cho trẻ thêm thời gian, thậm chí cùng trẻ đi qua cả những chuỗi ngày chống đối kịch liệt và chịu cả những căm ghét trút lên bạn. Thời gian cùng sự trưởng thành sẽ giúp trẻ mở lòng để đón nhận.
Yeutre.vn (Tổng hợp)