1. Giá trị dinh dưỡng từ dạ dày lợn
Dạ dày lợn là một trong những bộ phận tiêu hóa và thực hiện 2 chức năng chính: nghiền thức ăn, thấm dịch vị và phân hủy thức ăn nhờ hệ enzyme tiêu hóa trong dịch vị. Trong 100g dạ dày lợn thì có khoảng 82,3% là nước, 14,6% đạm, 2,9% chất béo và nhiều khoáng chất khác như canxi, photpho, sắt, vitamin B1...
Theo dân gian, dạ dày lợn có công dụng trong việc trị chứng đau bao tử (Đông y gọi là tỳ vị hư hàn), chứng bệnh về tiêu hóa như ăn uống khó tiêu, đầy bụng, đầy hơi, tức ở vùng chấn thủy, đi tiêu phân lỏng trong nhiều ngày... Đặc biệt món ăn dạ dày lợn hầm tiêu có công dụng rất hiệu quả.
Cũng theo Y học cổ truyền, dạ dày lợn có vị ngọt, tính ấm, công dụng kiện tỳ ích vị, bổ hư nhược, ngoài việc trị được các bệnh lý về dạ dày, dạ dày lợn còn có thể trị chứng suy nhược cơ thể, thiếu máu, viêm gan vàng da, xơ gan, đái đường, rối loạn tiểu tiện, sa tử ung,di tinh, suy dinh dưỡng, đổ mồ hôi trộm...
Như vậy, dạ dày lợn nhìn từ góc độ Đông y có rất nhiều công dụng trong việc điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày, hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai ăn dạ dày có tác động đến hệ tiêu hóa của thai nhi không?
2. Bác sĩ nói gì về việc bà bầu ăn dạ dày lợn?
Trong khi chị em truyền tai nhau về công dụng thần kỳ của dạ dày lợn đối với hệ tiêu hóa của thai nhi, bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội khẳng định, quan niệm ăn dạ dày hầm tiêu khi mang thai tuần 32 - tuần 33 để con sinh ra có hệ tiêu hóa khỏe mạnh là sai lầm, không có cơ sở khoa học.
Thậm chí, món ăn này nếu ăn nhiều một lúc không hề tốt cho bà bầu vì đây là bộ phận dễ nhiễm vi khuẩn ở lợn, hạt tiêu có vị nóng nên ăn nhiều có thể khiến bà bầu khó chịu. Ngoài ra, dạ dày lợn nhiều đạm ăn nhiều cũng không tốt cho sức khỏe bà bầu.
Theo đó nếu các mẹ thấy món này ngon có thể ăn nhưng nên ăn với lượng vừa phải và không nên tin theo tin đồn để "ép" mình ăn quá nhiều dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng nhé!
Yeutre.vn (Tổng hợp)