Giận dữ, hay la hét là hành vi phổ biến ở trẻ lên 2, 3
Cơn thịnh nộ, giận dữ của bé gây không ít phiền phức cho ba mẹ nhất là khi ở những nơi đông người, dự tiệc, đi ngoài đường… Hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để hạ hỏa cơn tức giận của bé hiệu quả nhé.
1. Làm bé xao nhãng cơn giận
Ở giai đoạn từ 2 - 3 tuổi, trẻ hoàn toàn có thể quên ngay cơn tức giận của mình khi có một thứ gì đó thu hút sự chú ý của bé. Vì vậy, khi trẻ đang tức giận, la khóc, hét, ba mẹ có thể thu đánh lạc hướng chú ý của bé tùy vào từng hoàn cảnh. Chẳng hạn, nếu đang ở ngoài đường, ba mẹ có thể chỉ bé những chiếc xe ô tô, xe buýt chạy ngang qua, bong bóng bày bán ngoài đường, chú công an… Khi ở nhà, có thể cho bé xem ti vi hay những quyển truyện có hình ảnh ngộ nghĩnh, vui vẻ, xe đồ chơi… Khi đang ở siêu thị, nhà sách, nếu trẻ giận vì ba mẹ không mua cho món đồ gì đó thì có thể đánh lạc hướng chú ý bé ở những bộ quần áo, giày dép, món ăn bày bán…
2. Lắng nghe ý kiến của con
Bé tức giận, nổi nóng có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trước hết ba mẹ cần tìm hiểu vì sao con có hành vi như vậy. Mặc dù còn nhỏ nhưng đối với trẻ em, khi cảm thấy có người “hiểu” ý mình, đang chia sẻ với mình, cảm thấy mình luôn được an toàn nên bé sẽ không nổi giận nữa. Lúc này, ba mẹ nên ôm chặt bé vào lòng và khuyến khích để bé nói ra nguyên nhân tức giận cũng như cảm xúc của bé lúc đó. Bé cũng sẽ cảm nhận được sự quan tâm của ba mẹ dành cho mình. Tuy nhiên, ba mẹ không nên quá “lạm dụng” biện pháp này vì dễ tạo thói quen xấu cho bé.
3. Ba mẹ cần bình tĩnh, không quát mắng bé
Khi trẻ hư hỏng ba mẹ tuyệt đối không nên quát nạt bé
Khi đối mặt với những cơn giận dữ của bé, nếu ba mẹ yêu cầu bé phải nín ngay thì có thể bé sẽ vì sợ hãi mà la hét to hơn hoặc không nổi giận nữa nhưng trẻ sẽ có ấn tượng xấu và ghét ba mẹ. Điều này còn ảnh hưởng đến hiệu quả dạy dỗ con bởi trẻ sẽ “noi gương” theo hành vi của ba mẹ. Vì thế, trước tiên, ba mẹ cần kiềm chế cảm xúc của mình, không la mắng con. Ba mẹ có thể hít thở sâu để giúp bản thân bình tĩnh lại.
4. Giúp con trút cơn giận
Không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng sẽ thấy khó chịu, bực tức khi nổi giận. Để giúp hạ hỏa cho bé, ba mẹ có thể tìm cho con chỗ để trút giận như: gối bông, búp bê, gối, giường, ghế sofa...
5. Có thể phớt lờ đi
Một trong những nguyên nhân làm trẻ nổi giận là muốn thu hút sự chú ý của người lớn. Vì vậy khi không có người để gây chú ý, quan tâm đến mình, tự trẻ sẽ nhanh chóng hạ hỏa cơn tức giận của mình. Theo đó, khi thấy trẻ sắp giận, ba mẹ hãy phớt lờ, bỏ ra khỏi phòng và chỉ quay lại khi trẻ đã bình tĩnh trở lại.
6. Đừng quên bảo vệ con
Một số bé khi nổi giận sẽ la hét, quẫy đạp lung tung, ném đồ đạc… Ba mẹ nên dời hết những đồ vật có thể gây nguy hiểm ra khỏi tầm tay của trẻ để bảo vệ con.
7. Không nhân nhượng
Nếu bé tức giận, lá hét vì bé muốn một làm một điều gì đó, muốn ba mẹ mua cho một món đồ nào đó, nếu không hợp lý, ba mẹ không nên chiều chuộng theo mong muốn của bé. Bởi nếu ba mẹ đáp ứng 1 lần, trẻ sẽ ngầm hiểu là chỉ cần ăn vạ, nóng giận là ba mẹ sẽ chiều ngay. Điều này sẽ tạo thành 1 thói quen xấu cho tính cách của trẻ.
8. Làm lành
Khi cơn giận của trẻ qua đi ba mẹ nên cho trẻ biết đó là hành vi không tốt
Khi trẻ hết giận dữ, cha mẹ nên nhẹ nhàng giải thích cho trẻ hiểu rằng sự giận dữ là một điều tự nhiên của cảm xúc. Ba mẹ cũng không quên nói rõ thông điệp “ba mẹ vẫn rất yêu thương con nhưng không bao giờ thích kiểu hành xử như thế của con bởi tính cách này không tốt chút nào”. Đồng thời, ba mẹ nên khen ngợi mỗi lần bé biết kiềm chế cảm xúc, cơn tức giận của mình.
Yeutre.vn
Những nguyên nhân khiến trẻ nổi giậnDưới đây là những nguyên nhân dễ khiến trẻ nổi giận mà ba mẹ cần biết để đề phòng, ngăn chặn sớm:
- Thất vọng: Chẳng hạn bé buồn vì ba mẹ không cho làm việc gì đó, ba mẹ bắt làm điều gì đó mà trẻ không muốn, ba mẹ không cho bé món đồ mong muốn, anh chị không cho chơi chung…
- Thu hút sự chú ý của mọi người: Trẻ em luôn muốn mình là trung tâm của sự chú ý vì vậy đôi khi bé cáu giận, ném đồ đạc, la hét là để mọi người quan tâm đến mình hơn.
- Mệt, đói bụng, buồn ngủ: Đây cũng là những nguyên nhân dễ làm bé cáu giận, mất bình tĩnh.
- Bắt chước: Có thể do bé bắt chước người lớn hay anh chị, những đứa trẻ khác…