Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bố mẹ phát hiện ra khả năng đặc biệt ở con mình để có thể bồi dưỡng, giúp bé phát triển năng khiếu của bản thân một cách tốt nhất.
Ảnh minh họa
"Năng khiếu" là gì?
Thuật ngữ "năng khiếu" được sử dụng ở các trường học, các tổ chức và các nền văn hóa theo nhiều cách khác nhau. Một số người sử dụng thuật ngữ trên để chỉ những người có trí thông minh nổi trội, vượt trên mức trung bình so với đa số mọi người và được đo bằng chỉ số IQ. Một số người khác thì hiểu “năng khiếu” theo nghĩa rộng hơn.
Có thể hiểu "năng khiếu cá nhân” là một khả năng đặc biệt để lý luận và tìm hiểu trong một hoặc nhiều lĩnh vực, ví dụ như toán học, âm nhạc, ngôn ngữ và các kỹ năng khác như vẽ tranh, khiêu vũ, thể thao. Năng khiếu là những tiền đề bẩm sinh, những khuynh hướng đầu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành năng lực và tài năng phát sinh. Nó bao gồm những đặc điểm tâm sinh lý giải phẫu của hệ thống thần kinh và khuynh hướng tâm lý đầu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một năng lực nào đó.
Tuy nhiên không phải trẻ nào có năng khiếu cũng là thiên tài. Một em có năng khiếu đối với hoạt động nào đó không nhất thiết sẽ trở thành tài năng trong lĩnh vực ấy và ngược lại.
Điều này cho thấy rằng năng khiếu chỉ là dấu hiệu ban đầu của tài năng chứ không phải là tài năng. Tuy nhiên, phát hiện sớm năng khiếu ở trẻ để bồi dưỡng kịp thời, giúp năng khiếu phát triển chính là một trong những bước đầu tiên để nuôi dưỡng thiên tài.
Bên cạnh việc kiểm tra IQ và một số đánh giá khác có thể giúp xác định năng khiếu ở trẻ tuổi đi học, cũng có thể xác định trẻ có khả năng đặc biệt nào đó hay không từ các quan sát của người thân trong gia đình, thầy cô và bạn bè.
Dưới đây là một số đặc điểm đặc trưng cho thấy trẻ có năng khiếu về khả năng trí tuệ. Lưu ý là không có một năng khiếu nào ở trẻ thể hiện đầy đủ tất cả những đặc điểm nhận biết này.
1. Học bài nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả.
2. Có vốn từ vựng đặc biệt lớn so với tuổi.
3. Thể hiện khả năng lập luận hiếm có.
4. Có trí nhớ mạnh mẽ khác thường, nhưng lại chán với việc ghi nhớ và phải nhắc lại (kể chuyện, đọc thuộc lòng).
5. Ít cần đến sự kiểm soát bên ngoài - áp dụng kỷ luật do tự bản thân đưa ra.
6. Có sở thích với những thứ liên quan đến kết cấu, cấu trúc, trật tự và tính nhất quán.
7. Linh hoạt trong suy nghĩ về mô hình; nảy sinh ra các ý tưởng mới lạ, độc đáo.
8. Cho thấy sự tò mò rất lớn về các đối tượng, sự vật, tình huống, hoặc các sự kiện; hỏi những câu hỏi lớn liên quan thú vị, ý nghĩa.
9. Đạt điểm tốt ở hầu hết các môn.
10. Có sự tập trung cao độ, một sự chú ý đặc biệt vào một số thứ nhất định mà không bao gồm tất cả các thứ.
11. Khả năng suy đoán, phán xét, trả lời nhanh các câu hỏi.
12. Tháo vát, giải quyết vấn đề bằng phương pháp khéo léo.
13. Có niềm đam mê, khao khát với khoa học hay văn học.
14. Suy nghĩ độc đáo trong diễn đạt bằng lời nói và bằng văn bản.
15. Có lối tư duy trừu tượng, hiểu các khái niệm và tổng hợp vấn đề.
16. Giữ kín về mặt cảm xúc.
17. Có xu hướng chiếm ưu thế, nổi bật, là “thủ lĩnh” trong bạn bè cùng trang lứa hoặc trong các tình huống.
18. Ứng xử hợp tình hợp lý.
19. Cho thấy thái độ sẵn sàng để chấp nhận thử thách phức tạp, khó khăn.
20. Nhận thức rộng mở với môi trường sống của mình.
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: Popsuga