Bàn về chuyện uống thuốc Bắc trước lúc mang thai

Từ trước đến nay, Đông dược nói chung và thuốc Bắc nói riêng đều được coi là loại thuốc lành cho tất cả mọi người. Vậy, với người chuẩn bị mang thai, nó có thực sự lành như nhiều người vẫn nghĩ?

banner ads

Thuốc Bắc là thuốc lành?

Trước đây, khi chưa có Tây y, ông bà ta vẫn dùng thuốc Bắc hoặc thuốc Nam để điều trị bệnh và bồi bổ cơ thể.

Đến nay, theo kinh nghiệm dân gian, nhiều người vẫn tin dùng các loại thuốc này để khắc phục những vấn đề về sức khỏe nói chung.

Thuốc Bắc chỉ được coi là thuốc tốt khi nó có tác dụng chữa bệnh hoặc bồi bổ cơ thể.

Thực chất, thuốc Bắc là tên gọi để chỉ các loại thuốc có nguồn gốc từ phương Bắc (tức Trung Quốc). Nhìn chung, chúng cũng chỉ là một loại Đông dược bao gồm các loại cây, cỏ, lá, rễ, củ, hạt… được tìm thấy trong tự nhiên. Chúng chỉ được coi là thuốc tốt khi nó có tác dụng chữa bệnh hoặc bồi bổ, tăng cường sinh lực. Và loại thuốc tốt nhất là thuốc hợp với con người ở vùng đất nó được tìm thấy, chứ không riêng gì thuốc Bắc.

Thuốc, bất kể là thuốc Tây hay thuốc Nam, thuốc Bắc nếu sử dụng sai mục đích, sai liều lượng, sai đối tượng đều có thể trở thành mối nguy cho người dùng.

Nhiều người tin rằng uống thuốc Bắc cũng như chuyện “vô thưởng vô phạt”, không bổ đằng này cũng bổ đằng khác, chẳng có độc hại cho ai bao giờ. Chính vì quan niệm này mà thuốc Bắc được sử dụng tràn lan, thậm chí không cần qua bắt mạch. Thuốc được dùng cho người chuẩn bị mang thai và cả thai phụ đều được coi là chuyện thường.

Nguy cơ tiềm ẩn từ thuốc Bắc

Thuốc Bắc trôi nổi trên thị trường hiện nay đều không rõ nguồn gốc nên rất nguy hại.

Hiện nay, tuy chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác hại của thuốc Bắc nhưng có thể thấy được những mối nguy trước mắt như:

- Không giống như thuốc Tây được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt ở một mức độ nhất định, các thành phần thuốc Bắc trôi nổi trên thị trường hiện nay đều không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định chất lượng, không ghi rõ chỉ định và không rõ thành phần. Vì thế, chúng trở nên một mối nguy hại tiềm ẩn.

- Là những loại cây cỏ chỉ qua sao, sấy, thuốc Bắc có thể bị hư hỏng trong quá trình bảo quản trước khi đến được với người bệnh.

- Đa phần thuốc Bắc ngày nay đều qua xử lý sấy bằng diêm sinh (lưu huỳnh), hoặc tẩm ướp hóa chất độc hại trong quá trình chế biến và bảo quản. Chúng có thể gây nên những tác dụng phụ ngược lại rất nguy hại cho người dùng.

- Một đơn thuốc có thể được truyền tay cho nhiều người dùng mà không qua bắt mạch.

- Thuốc Bắc được dùng tùy tiện như ngâm rượu, hầm canh…

Có nên dùng thuốc Bắc trước lúc mang thai không?

Bạn muốn cơ thể khỏe mạnh hơn trước khi bước vào thai kỳ có thể uống thêm những thang thuốc bổ phù hợp.

Bạn cần đến tận nơi để được bác sĩ bắt mạch trước khi dùng thuốc Bắc.

Tuy nhiên, bạn cần phải chọn những nơi uy tín, có tiếng và phải đến tận nơi để được bắt tận mạch. Có như thế, bác sĩ mới có thể chỉ định các vị thuốc phù hợp với bạn để phòng trường hợp bạn có mang trong lúc đang theo liệu trình. Bởi lẽ, có những vị thuốc Đông dược gây ra những tác dụng phụ có thể nguy hiểm cho thai phụ như làm đau bụng, khiến đi ngoài nhiều, gây dị ứng hoặc ngộ độc. Một số vị thuốc khác còn có thể làm sẩy thai, trục thủy, phá huyết...

Bên cạnh đó, bạn cần nhớ một số lưu ý sau:

- Trước khi sắc, nên rửa sạch các vị thuốc cho trôi hết chất bẩn bám bên ngoài.

- Uống thuốc khi vẫn còn ấm, không uống vào những lúc quá đói hay quá no.

- Tuân thủ theo liều lượng sắc và uống đúng liệu trình, không lạm dụng.

- Nếu bạn mắc bệnh tim, không nên dùng thuốc Đông dược dù chỉ là thuốc bổ.

- Khi đã bước vào thai kỳ, nếu không có một bệnh lý nào đặc biệt, bạn không nên tự ý dùng thuốc Bắc dù chỉ để bồi bổ cơ thể.

- Có thể uống một vài thang và theo dõi. Nếu thấy bất thường nào phải ngưng ngay việc sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ.

Biết thêm về những vị thuốc Đông dược có hại cho người mang thai

Dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, các bác sỹ Đông y đã chỉ ra hơn 100 loại cấm dùng cho thai phụ. Trong đó, chủ yếu có:

Cấm tuyệt đối: Xà thanh, phụ tử, thiên hung, ô dầu, dã cát, thủy ngân, ba đậu, nguyên hoa, đại kích, nao sa, địa đảm, ban miêu…

Cấm tương đối: Thủy chí, manh trùng, ngô công, hùng hoàng, khiên ngưu tử, can tất, giải trảo giáp, xạ hương…

Hạn chế dùng: Các vị thuốc có tác dụng thông huyết, có thể dẫn đến trụy thai như mao căn, mộc thông, cù mạch, thông thảo, ý dĩ nhân, đại giả thạch, mang tiêu, đào nhân, mẫu đơn bì, tam lăng, ngưu tất, can khương, nhục quế, chế bán hạ, tạo giác, nam tinh, hòe hoa, thiền thoát (xác ve)…

Những vị thuốc bào chế tổng hợp: Ngưu hoàng giải độc hoàn, đại hoạt lạc, tiểu hoạt lạc đan đan, lục thần hoàn, tô hợp hương hoàn, ngưu hoàng thanh tâm hoàn, tử tuyết đan, hắc tích đan, khai hung thuận khí hoàn, phục phương đương quy, chú xạ dịch, thập trích thủy, tiêu kim đan, ngọc châu tán. Ngoài ra, hoắc hương chính khí hoàn, phòng phong thông thánh hoàn, xà đảm họ mạt, cũng cần thận trọng khi sử dụng.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI