1. Khiến bé phải “mê” phòng ngủ riêng
Điều đầu tiên cha mẹ nên bắt tay vào làm là chuẩn bị phòng ngủ thật xinh, thật đáng yêu cho bé. Cha mẹ nên chọn vật dụng và trang trí phòng ngủ riêng theo sở thích của bé.
Trang trí phòng ngủ theo sở thích của bé
Có rất nhiều cách như sơn màu bé thích, dán hình ảnh nhân vật hoạt hình, “thần tượng” của bé, trang trí chuông gió, mặt trăng, sao lấp lánh, chọn gối có hình con vật bé thích… Ba mẹ nên cho con tham gia chuẩn bị phòng như đưa bé đi chọn chăn, gối, nệm, giấy dán tường… Một khi đã mê tít căn phòng này, bé sẽ rất sẵn sàng ra ngủ riêng.
2. Lên kế hoạch cùng bé
Nếu bạn đột ngột tự mình quyết định cho bé ra ngủ riêng mà không bàn bạc trước với bé thì có thể bé sẽ bị “sốc”, nghĩ rằng ba mẹ ghét mình vì thế bé sẽ không đồng ý. Hãy khéo léo nói với con về việc này, giải thích cho bé hiểu việc ngủ riêng giống như các bạn cùng tuổi khác, chứng tỏ con đã lớn khôn. Khi đó bé sẽ cảm thấy rất tự hào khi không ngủ chung với ba mẹ.
3. Tránh “la cà” bên bé quá lâu
Trước khi bé ngủ, ba mẹ nên qua kể chuyện cho bé nghe, kiểm tra bé đang làm gì… Tuy nhiên, ba mẹ chỉ nên ở bên bé 10 - 20 phút và ra khỏi phòng trước khi bé ngủ thiếp đi để bé không có ý định vòi vĩnh đòi ba mẹ ngủ chung.
Ba mẹ chỉ nên ở bên bé 10 - 20 phút trước khi bé ngủ
4. Câu thần chú “Ba mẹ ở ngay phòng bên cạnh”
Lúc đầu mới ra ngủ riêng, trẻ thường lo sợ nhiều thứ, dễ muốn trở lại phòng ngủ của ba mẹ. Để trấn an con, bạn nên nói với trẻ rằng “Ba mẹ ở ngay phòng bên cạnh, nếu cần con có thể gọi ngay”. Câu nói tưởng chừng đơn giản này sẽ giúp bé yên tâm vì biết ba mẹ luôn ở bên mình.
5. Thỉnh thoảng “ghé thăm” bé
Khoảng 20-30 phút sau khi bảo bé ngủ, ba mẹ có thể thỉnh thoảng vào xem bé đã ngủ chưa. Việc này vừa giúp ba mẹ chỉnh lại tư thế ngủ phù hợp, kéo đắp chăn cho bé đồng thời nhắc nhở trong trường hợp trẻ ham chơi, không ngủ. Trong trường hợp, bé đang thim thíp, thấy ba mẹ quan tâm như vậy, bé sẽ yên tâm và ngủ ngon hơn.
6. Để ánh sáng phòng ngủ hợp lý
Bạn nên trang bị cho phòng ngủ của bé 1 chiếc đèn ngủ xinh xắn để giúp bé xua tan nỗi sợ bóng tối. Nên bố trí đèn ở những vị trí hợp lý để không làm chói mắt bé hay tạo ra những bóng phản chiếu khiến bé sợ hãi, độ sáng nên vừa phải để bé dễ ngủ hơn.
Bố trí đèn ngủ ở góc hợp lý không làm bé bị chói mắt
7. Không mủi lòng
Trong thời gian đầu tập cho con ngủ riêng, bé dễ ôm gối sang phòng ba mẹ xin ngủ chung. Nếu bạn mủi lòng và nghĩ “Chỉ đêm nay thôi…” và cho bé ngủ cùng thì có thể thành thói quen, bé sẽ vòi vĩnh đòi ngủ ở những đêm tiếp theo. Vì thế, ba mẹ nên giải thích vì sao bé nên ngủ riêng, đưa con về phòng kể chuyện cho bé nghe...
8. Khen ngợi và thưởng
Bạn đừng tiết kiệm lời khen khi bé ngủ đúng giờ, ngủ ngoan, không đòi quay trở lại ngủ với ba mẹ. Ngoài ra, thỉnh thoảng bạn có thể mua cho con những món đồ chơi, món ăn mà bé thích như là phần thưởng để bé động lực ngủ riêng tốt hơn.
9. Không nên kể chuyện ma hay hù dọa bé
Để con nhanh chóng nhắm mắt ngủ, một số bậc phụ huynh kể cho con nghe những câu chuyện về ông kẹ, quái vật, ma để hù dọa con. Nhưng đây là việc làm gây phản tác dụng bởi làm vậy trẻ sẽ càng sợ hãi, đòi ngủ chung với ba mẹ.
Không nên kể chuyện ma để dụ bé ngủ
Thay vì vậy, ba mẹ nên kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích thần kỳ, những tấm gương tốt hay nói với bé nếu con nhắm mắt ngủ con sẽ mơ thấy chị Hằng, chú cuội, siêu nhân…
Yeutre.vn