Bí quyết giúp mẹ "chữa" chứng hay ganh tỵ của con

Ở tuổi lên 4-6, hẳn bé yêu nhà bạn đã biết “nổ” hay “khoe khoang” với bạn bè là mình có cái này cái kia, ngược lại, khi bé thấy bạn bè có thứ mà mình không có, bé sẽ tỏ ra ganh tỵ, so kè và chất vấn, đòi hỏi ba mẹ. Làm sao bây giờ?

banner ads

Thật ra, hầu như mọi đứa trẻ đều ít nhiều có tính ganh tỵ, và theo các chuyên gia tâm lý, điều này cũng rất bình thường vì ngay cả người lớn cũng không tránh khỏi điều này. Biết ganh tỵ đôi khi còn là dấu hiệu cho thấy trẻ đang phát triển về nhận thức, biết so sánh, đánh giá, phán xét… Việc trẻ ganh tỵ chỉ trở nên bất thường khi điều đó diễn ra thái quá, trẻ hở chút là khóc lóc, đòi hỏi ba mẹ phải đáp ứng yêu cầu của mình.

Khi đó, những lưu ý dưới đây sẽ giúp ba mẹ xoa dịu tính ganh tỵ của bé với những trẻ khác, kể cả với các em của mình:

Nhẹ nhàng với trẻ

16646-ganh-ty-2.jpg

Không nên quát mắng hay nạt nộ khi trẻ có những đòi hỏi thái quá

Ba mẹ không nên nạt nộ, la mắng hay thậm chí đánh đập trẻ khi trẻ cứ lu loa khóc lóc, đòi hỏi ba mẹ phải mua cho mình thứ mà bạn bè đang có cho bằng được. Làm vậy sẽ càng khiến trẻ không được thỏa lòng, ấm ức mà còn không hiểu lý do tại sao mình không được ba mẹ đáp ứng.

Cách tốt nhất, ba mẹ nên nhẹ nhàng trò chuyện với con, lắng nghe con nói lên suy nghĩ của mình từ đó giải thích cho con hiểu chuyện này tuy thường gặp nhưng không phải là điều tốt, con nên từ bỏ thì mới ngoan.

Cho trẻ hiểu sự đa dạng

Những khác biệt, đa dạng trong cuộc sống là điều đương nhiên, vì vậy, trẻ ở từng gia đình cũng sẽ có những khác biệt nhất định, từ quần áo, dày dép đến đồ chơi, nhu cầu ăn uống, tiêu pha, bánh kẹo... Ba mẹ nên giải thích cho con hiểu điều đó, rằng con có cái này thì bạn bè của con có cái khác, và ngược lại. Đó mới là cuộc sống và con không nên ganh tỵ với các trẻ khác, con và bạn bè có thể chia sẻ, trao đổi hay thậm chí tặng cho nhau những thứ có thể.

Vẫn còn nhiều trẻ kém may mắn khác

16647-ganh-ty-3.jpg

Mẹ hãy luôn giúp trẻ hiểu rằng mình may mắn hơn rất nhiều người

Thật không quá khó để ba mẹ cho con biết rằng trong cuộc sống còn có rất nhiều mảnh đời kém may mắn hơn con rất nhiều, thông qua các chương trình trên tivi, phim ảnh hay đời thực. Khi trẻ ít nhiều biết rằng mình còn may mắn, đủ đầy hơn nhiều trẻ khác, thì trẻ sẽ bớt ganh tỵ và càng hiểu giá trị cuộc sống hơn.

Nếu có điều kiện, ba mẹ cũng nên cho con tham gia các chuyến đi từ thiện, đến những trung tâm nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ để trẻ “mở rộng tầm mắt. Đây là những bài học thực tế rất sâu sắc mà ba mẹ có thể dạy dỗ con mình.

Nếu trẻ ghen tỵ với em nhỏ trong nhà

Trong nhiều gia đình, khi ba mẹ có thêm em bé mới, những trẻ lớn hơn có thể sẽ ngấm ngầm ganh tỵ với em. Sự ganh tỵ đó sẽ lớn dần qua thời gian nếu ba mẹ không kịp thời nhận ra và cân đối lại mọi thứ. Giải pháp là, trước tiên ba mẹ cần giải thích cho con hiểu về việc con đã hay sặp được “lên chức” anh/chị, mà đã là anh chị thì phải biết thương và nhường nhịn em.

16648-tre-ganh-ty-1.jpg

Không vì quá chăm em bé mà ngó lơ trẻ, hãy cho trẻ thấy mình cũng được yêu thương

Ba mẹ cũng cần cho trẻ hiểu ba mẹ thương các anh em đồng đều như nhau, nhưng vì em bé còn nhỏ, chưa tự lo cho mình được nên ba mẹ cần quan tâm, chăm sóc em nhiều hơn… Thỉnh thoảng, ba mẹ cũng nên mua tặng con đồ chơi, bánh kẹo mà con thích hay đưa con đi chơi…, tránh ngó lơ con thái quá con sẽ càng ganh tỵ với em mình.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI