Nghĩ về anh, chị thấy đau nhói. Cả hai lần hòa giải anh đều không đến, vậy mà anh bảo không muốn mất mẹ con chị. Giờ đây, khi phiên tòa kết thúc, chị không biết phải tiếc cho anh hay tiếc cho chính mình. Giá như chỉ một lần anh bảo vệ chị, bảo vệ hạnh phúc của mình thì đâu đến nỗi…
Bi kịch từ nhà chồng
Hơn nửa đời người, chị Nguyễn Anh T. (Q.Tân Bình, TP.HCM) và anh Cao Khiết C. (Q.10, TP.HCM) mới có duyên gặp nhau. Khi ấy, cả hai đều đã có sự nghiệp vững vàng, ổn định. Anh là con trai một trong một gia đình giàu có, còn chị là cô con gái duy nhất trong gia đình quyền quý có ba anh em. Môn đăng hộ đối nên hai bên gia đình nhiệt tình ủng hộ, vun vén cho anh chị. Trong mắt bạn bè, họ hàng, anh và chị như một cặp đôi hoàn hảo. Ngẫm nghĩ anh đã qua cái tuổi bồng bột, mình cũng không còn trẻ để kéo dài thời gian hẹn hò nên chỉ sau sáu tháng tìm hiểu, chị gật đầu “theo chàng về dinh”.
Sau 6 tháng tìm hiểu chị đã vội vã theo chồng về dinh
Thế nhưng, ngay những ngày đầu làm dâu, chị đã nhanh chóng nhận ra sự khác biệt của anh khi ở nhà. Anh như một đứa trẻ, một điều cũng mẹ, hai điều cũng mẹ, bất cứ vấn đề gì liên quan đến anh đều do mẹ quyết định. Anh không có chút chính kiến nào của riêng mình. Con người ấy, khác xa với hình ảnh một người đàn ông lịch lãm, giỏi giang, một lãnh đạo quyết đoán mà chị thường thấy. Chị buồn bã, thở dài: “Lúc đó, tôi cảm thấy thất vọng vô cùng, những tưởng chồng sẽ là chỗ dựa cho mình, nào ngờ anh như chàng công tử bột sau lưng mẹ. Trong khi đó, ba mẹ anh lại xen vào đời sống riêng tư của con cái quá nhiều khiến tôi luôn cảm thấy bức bối”.
Chị kể, ngày đầu về nhà chồng, chị đã được ba chồng dạy cho bài học về “đạo làm dâu” theo nền nếp của gia đình anh. Nào là trong cái nhà này đàn ông là trên hết, chồng nói vợ phải nghe. Đàn ông có thể đi dọc về ngang nhưng đàn bà thì phải thẳng một đường mà đi. Mỗi việc lớn nhỏ trong nhà đều phải xin phép ông bà, kể cả việc vợ chồng chị đi chơi riêng với nhau.
Thời gian của chị, ba mẹ chồng cũng quản lý nghiêm ngặt. Đều đặn mỗi ngày, đúng giờ chị tan sở, mẹ chồng gọi điện nhắc nhở chị phải về nhà. Hôm nào chị về muộn, không ba chồng nặng nhẹ thì mẹ chồng cũng đá thúng đụng nia. Phần anh đi đâu, làm gì, chỉ có ông bà mới được phép tra hỏi, còn chị thì phải thuộc nằm lòng quy tắc “vợ không được quyền tra hỏi chồng”.
Ngột ngạt, chị khuyên anh ra ngoài ở riêng. Thương vợ, anh hứa nhưng vì sợ cái uy của mẹ, anh cứ lần lữa. Sau nhiều lần chồng “hứa lèo”, chị giận dỗi xin phép về nhà mẹ ruột. Mỗi ngày anh đều ghé qua thăm vợ, năn nỉ chị trở về. Chị biết anh yêu vợ nhưng vì không qua được cái “ải” của mẹ nên phải thất hứa với chị. Đúng lúc này, chị phát hiện mình mang thai. Thương con, thương chồng, chị đành trở về.
Càng yêu… càng giận
Sau khi chị trở về, ba mẹ chồng càng đối xử với chị hà khắc hơn. Chị bầu bì, ăn uống khó khăn nhưng vẫn phải ăn theo ý mẹ chồng. Chuyện bạn bè, công việc của chị, cha mẹ chồng cũng can thiệp vào. Anh như người ngoài cuộc. Chẳng phải anh vô tâm mà vốn dĩ anh đã quen tuân theo sự quyết định của ba mẹ mình. Chị bùi ngùi nhớ lại: “Lúc ấy thương ba mẹ mình, tôi thường trút giận qua chồng, tôi chì chiết, khóc lóc trách mắng anh thậm tệ. Nhưng mặc tôi làm gì, anh đều nhẫn nhịn, cam chịu. Thái độ của anh khiến tôi vừa uất ức vừa thấy thương anh hơn”.
Giận nhà chồng tôi trút giận qua chồng và lần nào cũng vậy anh đều nhẫn nhịn chịu đựng
Từ lúc chị sinh con cho đến thằng bé tròn năm tháng tuổi, vì ngại “đụng chạm” với sui gia, ba mẹ chị chưa một lần sang thăm cháu. Mỗi lần nhớ con, nhớ cháu, ông bà chỉ gọi điện.
Hôm đó, chị xin phép đưa con về nhà mẹ ruột, dù hai gia đình chỉ cách nhau vài ba cây số, nhưng ba mẹ chồng chị vẫn viện lý do thằng bé còn non ngày tháng, cương quyết không cho chị bế con ra khỏi nhà. Không chịu được sự vô lý của ba mẹ chồng, chị vẫn lẳng lặng bế con về thăm ngoại. Khi chị vừa về đến nhà thì ba mẹ chồng cũng vừa đến nơi. Từ ngoài ngõ, ông bà đã mắng nhiếc chị thậm tệ, thậm chí còn mắng cả ba mẹ chị không biết dạy con. Bẽ mặt với chòm xóm, láng giềng, ba mẹ chị khuyên chị về nhà chồng. Chị gọi điện cho chồng cầu cứu, anh ậm ự, an ủi đôi ba câu rồi lờ đi như không có chuyện gì.
Đêm đó, chị cầm tờ đơn ly hôn đưa cho chồng. Chị khóc, anh cũng khóc… Anh không muốn mất vợ, xa con, chị cũng không muốn chia tay chồng…, nhưng chị không còn chịu đựng được nữa. Chị mong anh hãy lựa chọn hoặc vợ chồng đưa nhau ra ngoài sống, hoặc ly hôn để cuộc sống của mẹ con chị được bình yên. Anh im lặng. Chị thưa chuyện với ba mẹ chồng rồi đưa con rời khỏi nhà chồng.
Chị ngậm ngùi nhớ lại: “Họ khóa cửa không cho tôi ra ngoài, nguyền rủa mẹ con tôi thậm tệ, ném hết quần áo của tôi ra đường. Ba mẹ tôi đến đón tôi về mà đứng cách xa nhà chồng hơn 100m vì sợ ông bà nhìn thấy sẽ chửi lây. Còn anh, anh chỉ đứng lặng trên lầu nhìn theo tôi bế con đi. Tôi vừa đau vừa xót, nhưng càng thương lại càng giận, giá như anh…” chị bỏ lửng câu nói, lau dòng nước mắt đang chực rơi.
Hai tháng trời chị bỏ đi, anh không một lần đến thăm con. Chị biết anh không đến chỉ vì không dám cãi lời cha mẹ. Buồn tủi lẫn mệt mỏi, chị đơn phương nộp đơn xin ly hôn. Buổi hòa giải đầu tiên, anh không đến, đêm đến anh gọi điện van xin chị đừng bỏ anh. Buổi hòa giải thứ hai, anh lại vắng mặt; rồi tòa đưa ra xét xử, cũng chẳng thấy anh đâu.
Giờ đây, trong lòng chị, hình bóng anh vẫn còn nguyên vẹn. Chị thừa nhận, dù chị thất vọng rất nhiều về cách cư xử của anh nhưng chưa bao giờ chị hết yêu anh. Chị vẫn cần anh như con chị cần có cha trong cuộc đời nhưng… Chị thầm tiếc: “Giá như anh biết định đoạt và bảo vệ hạnh phúc của mình, thì tôi và anh đâu đến nỗi chia ly”.
Theo Như Phong
Nguồn PNO