Tuổi yêu nào cho con?

Kỳ 1: Tuổi yêu nào cho con?

banner ads

Sau những cơn “say nắng” tuổi thiếu nhi, sẽ đến lúc con bạn bước vào tuổi thiếu niên và có những rung động đầu đời. Bạn cùng con đối mặt với thay đổi này như thế nào?

Cách đây hai năm, nhà báo Jenn Savedge - một blogger nổi tiếng, tác giả của những cuốn sách về nuôi dạy con - bỗng nảy ra câu hỏi này khi con của hai người bạn bắt đầu chuyện hẹn hò. Cũng giống như bạn cô, Jenn cố tìm hiểu xem cha mẹ sẵn sàng cho phép con có người yêu ở độ tuổi nào, 16 hay 12?

Tuổi yêu - bao nhiêu thì sớm?

Cùng mối quan tâm của Jenn, trang parentingteens.com đã thu hút hơn 300 bình luận quanh câu hỏi khi nào nên cho tuổi ô mai được phép yêu.

1504-rnl1cwhb.jpg

Ảnh minh họa

Đa số ý kiến đề xuất nên bắt đầu khi 16 tuổi để những đứa trẻ có sự trưởng thành về cảm xúc. Nổi lên trong các phản hồi là lo lắng về sự tò mò giới tính sẽ sinh ra những bố - mẹ - trẻ - con, hàm ý tình trạng mang thai ngoài ý muốn của trẻ vị thành niên.

Đặt vấn đề trẻ yêu sớm, phương Tây nhìn vấn đề dưới góc độ xã hội. Hai đứa trẻ yêu nhau, đó là chuyện của các gia đình. Nhưng hai đứa trẻ phải nuôi con của chúng thì đó là gánh nặng xã hội. Những nghiên cứu đều chỉ ra trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn có nhiều khả năng chịu sự thiếu thốn về vật chất, nghiện ngập, bạo lực, dẫn đến một thế hệ tổn thương khác lớn lên (rất có thể giẫm vào vết xe đổ của cha mẹ).

Yvonne Roberts của The Guardian trong một bài báo năm 2013 nêu lên thực tế của những người bố ở tuổi 16-17 tại Anh. Khi những thiếu nữ trở thành mẹ bất đắc dĩ, sa chân vào nghiện ngập, thì những ông bố đấu tranh để được quyền nuôi con.

Thực tế mà bài báo nêu ra cho thấy do việc học ngừng trệ, những thanh niên này chỉ làm được lao động giản đơn và cực kỳ chật vật để lo cho cuộc sống của đứa con.

Những kết cục này cũng có thể xảy ra tại Việt Nam. Dù hoàn cảnh xã hội, mức thu nhập tại Việt Nam có thấp hơn các nước phương Tây thì những trẻ vị thành niên có con ngoài ý muốn vẫn phải đối diện với sự kỳ thị từ bạn bè đồng tuổi, hàng xóm xung quanh. Họ cũng bị giới hạn trong tìm việc làm có thu nhập cao vì hạn chế học vấn.

Đây là vấn đề chung của cha mẹ từ Đông sang Tây, và có lẽ là mấu chốt lý giải thái độ ngăn cấm của cha mẹ khi con bước vào tình yêu.

Tuổi yêu - bao nhiêu cũng vẫn sớm

Thật khó đặt ra một tuổi yêu cứng nhắc vì mỗi đứa trẻ có sự phát triển thể chất và tâm lý khác nhau. Nếu các phụ huynh phương Tây bảo họ hi vọng con họ sẽ bắt đầu hẹn hò khi đã chín chắn (ở tuổi 16) thay vì mới 11-12 tuổi, buộc họ phải để mắt đến mọi cuộc đi chơi có chữ “hẹn hò” của chúng; thì phụ huynh Việt dường như đặt giới hạn cho đến 18 tuổi.

Kết quả khảo sát năm 2013 của Hãng Georgette Tan trên 7.678 người tại 16 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy các gia đình dành đến 14% thu nhập cho việc học hành của con.

Với các quốc gia đi lên từ nền văn hóa Khổng giáo thì suy nghĩ tiến thân bằng con đường học vấn không thể bỏ đi trong một sớm một chiều. Cho nên chẳng có gì khó hiểu khi cha mẹ sẽ dùng hết sức để bật mọi chướng ngại vật xuất hiện trên con đường học vấn của con mình cho đến khi chúng đến đích.

Nhà tôi có đứa cháu. Một ngày cháu về nhà háo hức khoe rằng: “Con có bạn gái rồi! Bạn gái con đẹp lắm!”. Sau đó, một cô bạn khác đăng trên Facebook một bức thư viết tay của con, có đoạn: “Bạch Tuyết à, mình yêu cậu!”. Các thông điệp tình yêu này đều khiến chúng tôi buồn cười, đơn giản vì chủ nhân của chúng chưa đầy 6 tuổi.

Nhưng 10 năm sau, rất có thể bạn tôi sẽ hét ầm ĩ lên khi biết có một cô gái tên là Bạch Tuyết đang làm con trai mình sao nhãng. Mẹ của cháu tôi rất có thể sẽ thì thào tìm tư vấn từ đồng nghiệp, rồi mắng cháu: Ăn chưa no lo chưa tới, yêu đương gì!

Tại sao chúng ta có thể thoải mái nói về chuyện tình yêu của một đứa bé 5 tuổi, nhưng lại không đủ bình tĩnh với một đứa bé 15 tuổi?

Tại sao chúng ta khuyến khích người trưởng thành yêu, lập gia đình trong khi lại đặt biển cấm với đứa bé 15 tuổi? Liệu phản ứng quyết liệt của chúng ta xuất phát từ lo lắng thật lòng cho sự phát triển của con, hay chúng ta đang lo lắng về sự thất thoát đầu tư cho tương lai sau này của chúng ta?

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng khi con cái thổ lộ về những mối quan hệ ngoài tình bạn. Tuy nhiên, cha mẹ lại không chỉ ra đâu là độ tuổi thích hợp. Sự không rõ ràng tạo ra những hố sâu ngăn cách, khiến trẻ thu mình lại, gây khó khăn hơn khi cha mẹ cần tìm hiểu trẻ.

Giải pháp tốt nhất có lẽ vẫn là sự chia sẻ chân thành để trẻ ý thức được việc nên và không nên khi bước vào một mối quan hệ.

Nhiều ý kiến cho rằng thật khó để con trẻ nghe lời người lớn, nhất là ở lứa tuổi ẩm ẩm ương ương. Nhưng tôi tin rằng đó là biểu hiện tạm của việc cha mẹ chưa tìm ra phương cách thích hợp để đối thoại với chúng.

Những đứa trẻ được giáo dục thành người suy nghĩ độc lập sẽ không chấp nhận những áp đặt vô lý từ cha mẹ chúng! Vì vậy đối thoại cởi mở về tình yêu vẫn là phương pháp tốt nhất để trẻ sống đúng với sự phát triển tâm lý, thể chất của mình, nhưng cũng không làm cha mẹ phải bận tâm nhiều.

___________________

Cấm "cả gói" cho tiện?

Việc cấm con yêu sớm phản chiếu nhận thức của người lớn đối với lứa tuổi thiếu niên và ngược lại, trong đó có nhiều vấn đề sau:

Về phía cha mẹ: Đó là một cách thể hiện tính áp đặt, tính lạm quyền, hay nói đúng hơn là sự bất lực. Bất lực do kém nhận thức, thiếu kỹ năng giáo dục, và đáng sợ hơn là thiếu cảm thông, thiếu trách nhiệm.

Rất nhiều cha mẹ cho rằng việc cấm con yêu sớm là thể hiện trách nhiệm, nhưng thật ra họ chỉ mong cấm “cả gói” cho tiện (!) và rất lười động não tìm hiểu cặn kẽ vấn đề hay thật sự nhìn nhận sự việc theo hướng thấu đáo.

Không thể loại trừ cả nguyên nhân do thất bại hoặc thất vọng nhiều trong tình yêu nên họ có tâm lý cấm tiệt những tình cảm tuổi mới lớn, cứ như thể đó là một trò vớ vẩn, giẻ rách và hại não vậy.

Rất ít cha mẹ chịu trao đổi với con về tình yêu và đề cao nó như một tình cảm cao đẹp, một giá trị tích cực, một thứ đáng để vun đắp trong cuộc sống.

Về phía con cái: Hiếm khi có đứa trẻ nào chịu nhìn nhận cha mẹ đang lo lắng thật sự cho tương lai của mình, việc nhanh nhất mà con cái có thể làm trong trường hợp này là... chống chỉ định trước đã.

Hiếm có đứa con nào nhìn thấy việc khám phá những kỹ năng sống hay trau dồi kiến thức là thật sự có giá trị, đơn giản vì chúng chưa có nhiều trải nghiệm nên chưa thấy được kết quả của việc trau dồi đó. Nếu có thừa nhận thì cũng chỉ là hình thức để cha mẹ khỏi nói nhiều nữa.

Cũng hiếm có đứa trẻ nào dũng cảm tự nhận là mình yêu theo phong trào, yêu cho bằng chúng bạn. Chúng cũng chưa đủ sức nhận ra đó là tình cảm rung động lứa tuổi hay tình yêu đầu đời. Thay vì thừa nhận là mình thiếu hiểu biết, chúng phải đổ thừa và trách móc cha mẹ trước đã.

Trong vấn đề này, cha mẹ đáng trách hơn con cái vì cha mẹ là người đi trước, có vai trò hướng dẫn và chịu trách nhiệm trước con cái nên lẽ ra cha mẹ phải chủ động tìm kiếm những phương cách giáo dục thích hợp, chứ không chỉ gói gọn trong việc cấm đoán.

Bên cạnh đó, thói đạo đức giả của người lớn đang hủy hoại cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề yêu sớm nơi giới trẻ. Làm sao cấm con tìm hiểu về tình yêu khi ở tuổi đó mình cũng tò mò chuyện con trai con gái? Tại sao lên án tình yêu khi chính mình cũng từng tôn thờ và mê muội vì nó?

Tại sao dám khẳng định tình yêu của mình là chín chắn khi có lúc lại than thở mình gặp phải một người vợ/chồng chẳng ra gì? Tại sao lại hoài nghi và chụp mũ tình yêu của con là xấu xa khi bản thân mình ứng xử với tình cảm này một cách vô nguyên tắc?

Và có công bằng không khi cấm con yêu sớm chỉ vì mình từng thất vọng về tình yêu?

Dĩ nhiên, mỗi thời yêu mỗi khác, không sai khi nói rung động đầu đời của giới trẻ hiện nay đã trở thành... tăng động rồi!

Rất nhiều... nghi thức đã bị đốt giai đoạn với tốc độ điện toán, một số hành vi còn bị bỏ qua, ví dụ như xin phép cha mẹ đưa bạn gái đi chơi, chuyện gửi thư qua chim xanh hay bồ câu (tức bạn bè) cũng không còn, cũng chẳng có nhiều thi sĩ tự phát vì tình nữa và nhiều trường hợp đi từ ánh mắt đến cái nắm tay chỉ là vấn đề thời gian ngắn hạn.

Vì vậy làm cha mẹ hiện nay không dễ chút nào, nhưng chính vì thế càng phải cố gắng thực thi vai trò của mình một cách nỗ lực hơn bằng cách đối diện với vấn đề, chứ không phải chỉ chăm chăm rúc đầu vào những biện pháp cấm đoán.

Kỳ 2: "Cận cảnh" yêu hay không yêu

Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống “Rung động đầu đời của con tôi”, nhóm các giáo viên cấp III ở Phú Yên đã thử nghiên cứu để có cái nhìn về chuyện tình yêu của học trò mình.

1505-c3lprzrj.jpg

Ảnh minh họa

TTCT cảm ơn các tác giả và xin giới thiệu bài viết về cuộc “thăm dò bỏ túi” này.

Để quý phụ huynh có thêm cái nhìn cận cảnh về “rung động đầu đời” của con em mình, chúng tôi (giáo viên ở Phú Yên) tiếp xúc với nhiều nhóm học sinh lớp 11, tách riêng nam nữ, của các trường THPT Trần Quốc Tuấn, THPT Trần Bình Trọng, Trung tâm GDTX-HN Phú Hòa, nơi chỉ cách phố phường chừng 7km.

Chúng tôi đặt các câu hỏi trong không khí chuyện trò khá tự nhiên, cởi mở.

“Ba mẹ cấm yêu là đúng”

* Các em biết để ý, biết mắc cỡ trước bạn khác giới khi học lớp mấy?

Lúc đầu các em cho là biết “để ý” khi học lớp 9. Sau được khuyến khích “hãy nhớ lại coi và đừng ngại gì cả” thì các em khẳng định lớp 6 đã biết mắc cỡ với bạn khác giới, còn ở lớp dưới nữa thì vô tư không biết gì.

* Làm cách nào biết người mình để ý có để ý đến mình? Người mình để ý lại đi quen người khác thì mình tính sao?

- Coi bạn có liếc nhìn mình không, có quan tâm mình hay không, hay phải nhờ bạn hoặc anh chị đáng tin cậy trò chuyện thử xem bạn ấy có “mến” mình không.

- Nói chung là khó biết bạn ấy có để ý đến mình. Bó tay.

Vế sau của câu hỏi trên thì các em trả lời là buồn, ghen tức hoặc ghét không thèm quan tâm nữa.

* Mình và người bạn đó có thường rủ nhau đi chơi hay chủ yếu chuyện trò qua điện thoại, Facebook...?

- Khi đã thân nhau thì chuyện cùng đi chơi với liên lạc qua điện thoại, qua mạng ở mức độ tương đương nhau.

- Rủ đi chơi riêng thì ngại lắm, thường chơi với nhóm bạn đông đông thôi. Khi đã quen thật thân thì sẽ đi riêng uống nước, ghế đá sân trường, thư viện, rạp phim...

* Thấy các bạn có người yêu, mình chưa có, mình có buồn có nôn nao không?

- Không. Đời còn dài lo gì (cười).

- Đôi khi thấy mấy bạn cứ kè kè chăm sóc nhau, cùng nhau học tập cũng có đôi chút ganh tị nhưng rồi thôi, còn nhiều thứ phải quan tâm hơn mà.

* Khi yêu hoặc yêu thầm, các em có thấy mình học giỏi lên hoặc dở đi một chút?

Đa số các em thấy khá xao lãng chuyện học hành, kết quả học tập trồi sụt theo diễn biến chuyện tình.

* Nếu người mình yêu có tính xấu như là không thật thà, lường gạt... thì mình làm sao? Tiếp tục yêu hay lo học hành trước đã?

Một nửa học sinh cho là mình phải uốn nắn bạn. Nửa còn lại nói bỏ.

- Em tin là tình yêu có thể thay đổi được bạn ấy.

- Người như vậy không đáng để yêu, lỡ sau này cưới nhau rồi làm sao sống hạnh phúc được, ly dị thì buồn chết (cười).

* Các em có thấy phim ảnh, truyện... tác động đến suy nghĩ, tình cảm của mình hay không?

Đa số câu trả lời đều thích hoặc đã từng mơ ước chuyện tình của mình như trên phim vậy.

- Những chuyện tình đẹp, lãng mạn trên truyền hình hay trong truyện không biết từ lúc nào đã trở thành mơ ước của tụi em.

- Ngày trước, xem những cảnh tình cảm em không hề thấy gì nhưng dạo gần đây khi những đôi lứa không thể đến với nhau họ khóc mà em ngồi xem cũng nức nở theo luôn.

- Nhờ xem phim tình cảm em biết rằng tình tay ba chẳng thể nào thành, dù mình có dùng cách nào chăng nữa.

- Người ta yêu mình thì tốt, không yêu thì nên chúc phúc ạ.

* Khi ba mẹ phát hiện, ba mẹ thu điện thoại, cấm tiệt gặp nhau, la rầy, theo dõi... Theo các em, ba mẹ làm vậy có đúng không? Có em nào dám chắc rằng ba mẹ không thể nào phát hiện được mình đang yêu?

Gần như trăm phần trăm các em cho là ba mẹ la rầy, theo dõi, cấm yêu là đúng, ngay cả những em đang có người yêu. Một hai em không nói gì.

Vế thứ hai của câu hỏi các em cho là trước sau gì cũng bị ba mẹ phát hiện, không thể giấu được. Vài em nói được ba mẹ cho phép “quen” nhưng vẫn không cảm thấy tự do.

Yêu hay không yêu không quan trọng

Sau trò chuyện, chúng tôi phát cho các em phiếu trả lời dưới đây, khoảng hơn 100 học sinh:

Khi còn đi học, các bạn có nên yêu không?

Nên - Không nên - Ý kiến khác

(Gợi ý mục Ý kiến khác: Nên dừng ở mức cảm tình bạn khác giới hoặc yêu cũng được mà không yêu cũng chẳng quan trọng gì)

Chúng tôi thống kê được kết quả: 32% cho là nên yêu, 28% không nên yêu và 40% chọn ý kiến khác.

Tuy nhiên, nếu tính riêng nhóm học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn, trường chọn toàn học sinh khá giỏi từ lớp 9, thì chỉ có 18% chọn nên yêu, trong khi nhóm của Trường THPT Trần Bình Trọng có đến 47% chọn nên yêu.

Đặc biệt nhóm học sinh Trường Trần Quốc Tuấn chọn “ý kiến khác” khá cao đến 62%, tức yêu hay không yêu không quan trọng gì.

Qua phép thử, chúng tôi cũng nhận thấy học sinh khá giỏi thì ít yêu và ngược lại. Nếu thầy cô, quý phụ huynh có sự kiểm soát thì chuyện tình cảm của các em nếu có cũng không đến nỗi lo lắm.

Theo TTCT

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI