1. Những cách làm tỏi ngâm mật ong tại nhà

1.1. Cách làm hỗn hợp tỏi lên men mật ong không dùng nước

Tỏi ngâm mật ong là một hỗn hợp “thần dược” có thời gian ngâm khá lâu. Tuy nhiên, nếu bảo quản đúng cách, tỏi ngâm có thể để được vài năm mà vẫn giữ được những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe. Nguyên liệu chính để làm hỗn hợp này chỉ gồm tỏi (nên chọn loại già để hương vị thơm ngon nhất) và mật ong. Tuy nhiên, trong một số công thức, bạn cần thêm ít nước để thúc đẩy quá trình lên men diễn ra hiệu quả hơn. Trước hết, chúng ta hãy thử cách thực hiện đơn giản nhất mà không dùng nước nhé.

Nguyên liệu bạn cần:

  • Tỏi già: 15 gram
  • Mật ong nguyên chất: 100 ml
  • Dụng cụ: hũ thủy tinh đã tiệt trùng có nắp
bóc vỏ tỏi cho vào hũ thủy tinh có nắp đậy
Chọn tỏi già, bóc sạch vỏ để ngâm lên men có hương vị thơm ngon nhất. Ảnh: Internet

Cách thực hiện:

  • Bạn bóc lớp vỏ ngoài của tỏi cho sạch, xắt lát hoặc đem đập dập.
  • Cho phần tỏi trên vào hũ thủy tinh, rồi đổ mật ong đều lên trên, đậy nắp lại.
  • Đặt hũ tỏi ngâm ở nơi thoáng mát, không có ẩm mốc. Khoảng 2 – 3 tuần sau là có thể sử dụng tỏi ngâm để làm đẹp, dưỡng da hoặc giảm cân.
hũ tỏi đập dập ngâm mật ong
Tỏi đập dập, hoặc xắt nhỏ, lên men với mật ong có vị hòa quyện rất ngon. Ảnh: Internet
  • Muốn bảo quản tỏi ngâm để được lâu dài thì bạn nên cho hũ tỏi vào ngăn mát tủ lạnh nhé. Nếu tiếp tục để ở môi trường bên ngoài, tỏi sẽ tiếp tục lên men đấy.

1.2. Cách làm tép tỏi ngâm mật ong với nước

Nguyên liệu:

  • 1 chén tép tỏi già đã bóc vỏ
  • 1 – 1,5 cốc mật ong nguyên chất
  • Nước lọc (tùy chọn)
  • Dụng cụ: hũ thủy tinh có nắp (đã được tiệt trùng kỹ)

Lưu ý: Nước có tác dụng hỗ trợ quá trình lên men hiệu quả hơn. Ngoài ra, không có tỷ lệ nhất định cho tỏi và mật ong trong công thức này. Tùy khẩu vị, nếu bạn thích vị ngọt mật ong đậm đà hơn, thì có thể sử dụng liều lượng nguyên liệu này nhiều hơn. Tuy nhiên, không nên dùng quá nhiều mật ong. Bởi, điều này sẽ khiến hỗn hợp không đạt được độ ẩm cần thiết (18-20%) để lên men.

Cách ngâm tỏi:

  • Cho toàn bộ tép tỏi và mật ong vào hũ thủy tinh, đậy nắp lại.
cách làm tép tỏi ngâm mật ong
Quá trình lên men tép tỏi trong hỗn hợp mật ong pha nước sau 1 năm (ảnh bên phải).
  • Khuấy hỗn hợp trên, hoặc lật ngược hũ thủy tinh hàng ngày để đảm bảo các tép tỏi được phủ mật ong đều.
úp ngược hũ để tỏi ngấm mật ong
Nhớ úp ngược hũ để tỏi ngấm đều mật ong.

1.3. Cách làm tỏi ngâm thì là đen với mật ong

Nguyên liệu bạn cần:

  • Bình thủy tinh 750 ml đã tiệt trùng
  • Tép tỏi đã bóc vỏ: đủ để đổ đầy 3/4 bình
  • 1 muỗng canh hạt nigella (thì là đen)
  • Mật ong nguyên chất: liều lượng đủ để phủ toàn bộ tỏi
hạt thì là đen nigella
Hạt thì là đen (nigella) chứa nhiều chất xơ, khoáng chất, chất béo thiết yếu để giúp sức khỏe trở nên tốt hơn. Ảnh: Internet

Cách ngâm mật ong:

  • Cho tỏi, mật ong, cùng với hạt thì là đen vào bình thủy tinh, đập nắp lại.
  • Lấy đũa khuấy nhẹ tỏi để ngấm đều mật ong.
  • Nén tỏi ngập mật ong bằng một cái đĩa nhỏ, hoặc nẹp tre, đập nắp lại.
  • Mỗi 24 giờ, mở nắp bình 1 lần để giải phóng khí CO2 bên trong bình.
  • Khoảng gần 2 tuần, kiểm tra hương vị tỏi vừa ý chưa, nếu được thì có thể sử dụng ngay.
hũ tỏi ngâm thì là đen với mật ong
Kết hợp thì là đen để lên men với tỏi, mật ong giúp làm tăng tác dụng của “thần dược” đối với sức khỏe. Ảnh: Internet

1.4. Cách ngâm siro hành, tỏi lên men với mật ong trị ho cho bé

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • Hành tím khô đã bóc vỏ, cắt lát
  • Tỏi già khô đã bóc vỏ, thái lát
  • Gừng gọt vỏ, rửa nước và thái lát
  • Mật ong nguyên chất

Lưu ý: Số lượng thành phần nguyên liệu làm gừng ngâm mật ong với tỏi, hành sử dụng tùy theo khẩu vị.

Cách thực hiện:

  • Cho toàn bộ nguyên liệu đã chuẩn bị vào hũ thủy tinh, đậy nắp kín.
  • Để hỗn hợp trên lên men trong ít nhất 8 tiếng (hoặc 12 giờ) để giảm bớt mùi hăng hành tỏi.
  • Lọc hỗn hợp, chỉ lấy phần nước siro mật ong, đổ qua hũ nhỏ hơn để bảo quản. Thời hạn sử dụng tối đa của siro là 2 – 3 ngày ở nhiệt độ môi trường.
cách ngâm hành tỏi lên men mật ong trị ho cho bé
Cách làm siro từ hành, tỏi gừng, mật ong cho bé từ 1,5 tuổi trở lên uống trị ho.
  • Để trị ho cho bé, mỗi ngày mẹ cho con uống từ 1 – 2 thìa cà phê siro. Với người lớn, có thể uống từ 2 – 4 thìa cà phê để nhanh hết bệnh.

Lưu ý: Hỗn hợp siro ngâm này không dùng cho trẻ dưới 1,5 tuổi.

1.5. Cách ngâm tỏi với mật ong, giấm táo

Những gì bạn cần là:

  • Tỏi khô: 8 tép đã bóc vỏ
  • Mật ong nguyên chất: 200 ml
  • Giấm táo nguyên chất: 200 ml (Xem cách làm giấm táo nguyên chất tại nhà)
  • Bình thủy tinh sạch, có nắp

Các bước ngâm tỏi với giấm táo:

  • Trong một cái tô lớn, trộn mật ong với giấm táo, tỏi.
giấm táo giúp tỏi lên men
Giấm táo giúp tỏi lên men giảm độ pH, an toàn và dễ ăn hơn.
  • Đổ hỗn hợp trên vào máy sinh tố, xay thật nhuyễn.
  • Đổ hỗn hợp vừa xay vào bình thủy tinh, đậy nắp.
  • Khoảng 5 ngày sau là có thể lấy hỗn hợp ra sử dụng.

Giấm táo giúp giảm độ pH của hỗn hợp tỏi lên men. Nhờ đó, giúp làm giảm khả năng gây ngộ độc của tỏi ngâm và làm tăng tác dụng của hỗn hợp này đối với sức khỏe.

2. Dấu hiệu tỏi lên men trong mật ong

  • Sau vài ngày, các bọt bong bóng khí bắt đầu xuất hiện trong hũ. Đây chính là dấu hiệu của quá trình lên men. Mỗi ngày, bạn cũng nên mở nắp bình để giải phóng carbon dioxide dư thừa nhé. Nếu quá trình lên men không bắt đầu, hãy thêm khoảng 1 – 2 muỗng canh nước sạch vào hỗn hợp và lặp lại quá trình ngâm.
tỏi lên men sủi bọt sau vài ngày ngâm mật ong
Dấu hiệu tỏi lên men sủi bọt sau vài ngày ngâm mật ong.
  • Sau giai đoạn trên, quá trình lên men tỏi bắt đầu chậm lại. Khi này, mật ong bắt đầu giải phóng và dấu hiệu sủi bọt không còn, tép tỏi bắt đầu chìm xuống đáy hũ. Để đến bước này, bạn có thể mất 1 tháng. Tại thời điểm này, bạn có thể lưu trữ tỏi lên men trong mật ong với hũ thủy tinh đậy kín khác, không bị biến chất, để hỗn hợp nhanh già đi.
  • Bạn có thể nhận thấy qua những hình ảnh trên, tỏi lên men trong mật ong thay đổi màu sắc theo thời gian. Đồng thời, tép tỏi cũng sẽ dần chìm xuống đáy hũ, màu mật ong dần trở nên tối hơn. Mật ong cũng sẽ loãng hơn theo thời gian do độ ẩm mà tỏi giải phóng ra.
tỏi lên men với mật ong sau 1 năm
Màu sắc tỏi lên men với mật ong thay đổi tối đậm dần theo thời gian. Ảnh: Internet

3. Những ai không nên dùng hỗn hợp tỏi lên men với mật ong?

Mặc dù được xem như là một loại “thần dược” đối với sức khỏe nói chung, lợi ích làm đẹp nói riêng, nhưng tỏi lên men với mật ong được khuyến cáo không sử dụng cho phụ nữ mang thai, hoặc người có tiền sử bệnh tiểu đường. Đồng thời, nếu dùng hỗn hợp này để làm đẹp, bạn cần kiểm tra trước khi bôi lên da, tránh dị ứng. Hãy thử quét một ít hỗn hợp lên da tay, nếu không có vấn đề liên quan đến kích ứng, bạn có thể sử dụng bình thường. Đặc biệt, với trẻ dưới 1 tuổi thì không cho sử dụng hỗn hợp này nhé.

4. Ăn tỏi ngâm mật ong có tác dụng gì?

Tỏi lên men với mật ong có thể được sử dụng như một hỗn hợp hỗ trợ chống cảm lạnh, cảm cúm vào những ngày tiết trời trở lạnh, mùa đông,…Hoặc, đây có thể được dùng đơn giản như một gia vị cho món ăn hàng ngày có vị ngọt dịu hơn. So với cách làm tỏi đen, tỏi lên men cũng có những giá trị dinh dưỡng quan trọng không kém. Dưới đây là những công dụng của mật ong lên men tỏi đã được khoa học chứng minh:

  • Chống virus, vi khuẩn và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể
  • Là một phương thuốc phòng ngừa hoàn hảo cho cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng,…
  • Là một gia vị món ăn vơi hương cay nồng, ngọt dịu độc đáo
  • Phòng ngừa bệnh tim mạch, giảm cholesterol
công dụng của tỏi ngâm mật ong
Tỏi lên men trong mật ong có tác dụng tăng khả năng miễn dịch, kháng viêm,…
  • Giảm dị ứng
  • Ngăn ngừa ung thư và chuyển hóa sắt
  • Giảm huyết áp
  • Chứa lượng lớn mangan, canxi, phốt pho, selen, vitamin B6 và vitamin C tốt cho sức khỏe

5. Những thắc mắc liên quan đến cách dùng tỏi ngâm mật ong

5.1. Tỏi ngâm mật ong bị xanh có độc không?

Nếu bạn dùng hũ chứa làm bằng các chất liệu như sắt, thiếc, thì khi ngâm tỏi lên men sẽ xảy ra phản ứng hóa học, dẫn đến xuất hiện chất lỏng màu xanh lá cây. Hỗn hợp này rất độc, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, trong các công thức hướng dẫn làm món ngâm, webnauan.vn luôn khuyến cáo bạn sử dụng vật chứa làm bằng chất liệu sành, sứ, thủy tinh.

Còn một khả năng khác nếu mật ong lên men tỏi có màu xanh là do trong tỏi có chứa lưu huỳnh – chất có thể phản ứng với đồng để hình thành sunfat (có màu xanh). Lượng đồng cần thiết để xuất hiện phản ứng này rất nhỏ, thường được tìm thấy trong thức ăn, hoặc nước. Với tình trạng này thì tỏi ngâm an toàn khi sử dụng.

Ngoài ra, còn một số nguyên do khác như: axit amin trong tỏi được lên men nên chuyển màu xanh lam. Tình trạng này cũng an toàn, bạn đừng lo lắng quá nhé. Nếu nhận thấy dấu hiệu khác của sự hư hỏng, mùi vị khác thường thì nên bỏ đi, làm lại mẻ mới để sử dụng.

khắc phục tỏi lên men có màu xanh
Tỏi ngâm mật ong bị xanh không do phản ứng hóa học của vật chứa, tình trạng hư hỏng, ẩm mốc, thì vẫn an toàn để sử dụng. Ảnh: Internet

5.2. Tỏi lên men với mật ong bao lâu uống được?

Tỏi lên men không có hại như chúng ta vẫn nghĩ. Quá trình lên men tỏi được thực hiện bởi nấm men sinh ra khi mật ong có đủ độ ẩm cần thiết. Do đó, bạn có thể ăn tỏi kết hợp món ngon hàng ngày hoặc uống mật ong để tận dụng chức năng lợi gan, lợi thận. Để tỏi lên men có hương vị ngon nhất, bạn nên tiêu thụ hỗn hợp này sau khi ngâm khoảng 3 tháng. Hương vị tỏi ngâm là sự quyện hòa giữa tỏi sống và tỏi nướng, rất đặc trưng. Khi viêm họng, hoặc cảm, sổ mũi, mỗi ngày, bạn có thể ăn 1 – 2 tép tỏi ngâm. Hoặc, uống trực tiếp 1 muỗng canh mật ong ngâm để làm giảm triệu chứng viêm nhé.

5.3. Cách bảo quản tỏi ngâm mật ong dùng được bao lâu?

So với các món ngâm lên men khác (như kim chi cải chua, dưa món, kim chi Hàn Quốc) thì tỏi ngâm cần thời gian lên men lâu hơn – từ 2 – 3 tuần, để phát triển tính axit và vị ngọt. Tỏi lên men với mật ong hoàn chỉnh có thể được bảo quản ở nơi thoáng khí, tối, nhiệt độ phòng. Vật chứa tỏi ngâm được làm bằng chất liệu không biến dạng, được tiệt trùng kỹ, có nắp đậy chắc chắn, tránh vi khuẩn ngoài xâm nhập. Thời hạn sử dụng có thể lên đến vài năm tùy cách bảo quản.

cách bảo quản tỏi lên men
Bảo quản tỏi lên men trong hũ thủy tinh có nắp đậy kín để sử dụng được lâu. Ảnh: Internet

5.4. Nên ăn tỏi lên men mật ong lúc nào tốt nhất?

Bạn có thể ăn tỏi ngâm trực tiếp vào mỗi buổi sáng để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, có một số cách ăn tỏi ngâm mật ong kết hợp bữa cơm thường ngày như: Bạn có thể phết một ít tỏi, mật ong lên bánh mì sanwich kèm rau, thịt nướng và thưởng thức như một bữa ăn sáng bổ dưỡng. Hoặc, thêm ít mật ong lên men với tỏi để tăng vị cay nồng cho cách làm salad rau thêm hấp dẫn. Đơn giản hơn, hãy nêm nếm hỗn hợp này với các món xào để tăng hương vị. Còn rất nhiều cách kết hợp tỏi lên men trong mật ong với món ăn hàng ngày. Điều này tùy thuộc khẩu vị và sự sáng tạo của riêng bạn nữa đấy!

cách ăn tỏi lên men trong mật ong
Phết ít hỗn hợp tỏi mật ong lên bánh mì nướng như một món điểm tâm. Ảnh: Internet

Trong nấu ăn, đôi khi, những gia vị mang tính tương phản lại giúp món ăn trở nên hấp dẫn và thực sự ngon miệng hơn. Tỏi ngâm mật ong chính là một trong số những gia vị đặc biệt ấy. Mật ong lên men với tỏi là một sự kết hợp hương vị đặc biệt, thích hợp để ăn kèm các món thịt, nước sốt ướp hoặc nước chấm. Không chỉ là thành phần hữu ích trong nấu ăn, hỗn hợp này còn đem đến nhiều tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe. Do đó, hãy thử thực hiện theo hướng dẫn trên đây, để tự làm một hũ tỏi ngâm tại nhà. Nhớ bảo quản đúng kỹ thuật để sử dụng được vài năm nhé.

Bích Tuyền dịch và tổng hợp