Phân tích nhân vật Bá Kiến chi tiết

Mở bài

Nửa đầu thế kỉ XX, trường phái văn học hiện thực nổi lên trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy văn học này và đã có không ít tác phẩm đặc sắc, giá trị. Trong đó, Nam Cao được xem là cây bút nổi bật của dòng văn học này, đặc biệt là tác phẩm “Chí Phèo”. Trong đó, tầng lớp bóc lột được khắc họa rõ nét thông qua các nhân vật tuyến phản diện. Phân tích nhân vật Bá Kiến trong “Chí Phèo”, ta sẽ thấy được quan niệm nhân sinh, sự xót xa, thấu hiểu của tác giả đối với con người xã hội bấy giờ.

Thân bài phân tích nhân vật Bá Kiến

  • Khái quát tác giả, tác phẩm

Nam Cao (1915/1917 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ra tại Lý Nhân, Hà Nam trong một gia đình công giáo bậc trung. Được cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn, Nam Cao đi theo con đường văn chương nghiêm túc với niềm say mê nghề nghiệp. Trải qua những thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp, ông quan niệm văn chương “phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng”. Đó là quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh”, gắn liền với hiện thực, không rời xa cuộc đời. Chính vì vậy mà các tác phẩm của Nam Cao đều đi sâu vào đời sống tinh thần của con người, khám phá những góc khuất bên trong mỗi số phận khác nhau. Do đó mà dù chỉ là một câu nói vu vơ của nhân vật, một miếng trầu, một bữa cơm,… cũng đều chứa đựng nhiều triết lí sâu sắc về con người, cuộc đời. Với những đóng góp lớn lao, năm 1996, Nam Cao được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật.

Nam Cao là tác giả nổi bật với quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh”

“Chí Phèo” được Nam Cao sáng tác năm 1941, lấy nhan đề ban đầu là “Cái lò gạch cũ”, sau đó in báo lần đầu với tên “Đôi lứa xứng đôi”. Đến năm 1946, khi in trong tập “Luống cày” Nam Cao đã lấy tên nhân vật chính là Chí Phèo để đặt lại tên cho tác phẩm. Tác phẩm là lời tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến thuở trước với đầy những bất công. Nó đã đẩy con người đến bờ vực thẳm, không còn một con đường sống, không thể quay trở về với bản chất lương thiện của mình. Đồng thời, tác phẩm cũng là lời tố cáo, lên án của tác giả đối với sự xảo quyệt, gian manh của tầng lớp thống trị. Trong đó, nổi bật nhất là nhân vật Bá Kiến

  • Luận điểm 1: Nguồn gốc xuất thân

Bá Kiến là điển hình cho tầng lớp thống trị của xã hội cũ. Lão sinh ra trong một gia đình giàu có, mấy đời nối tiếp nhau làm chánh tổng, bá hộ. Từ nhỏ, lão đã sống trong cảnh giàu có, sung túc, đất đai, của cải nhiều vô kể. Với xuất phát điểm nhiều thuận lợi, cộng thêm sự mưu mô, gian manh của mình, Bá Kiến đã từng bước leo lên đỉnh cao của danh vọng. Lão đã trở thành tiên chỉ của làng Vũ Đại cùng với một loạt chức danh khác như: Bá hộ, Chánh hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ nhân dân đại biểu… Hắn đã vượt ra khỏi lũy tre làng mà trở nên khét tiếng trong hàng huyện.

Không chỉ được giới thiệu với vị thế xã hội cao, Bá Kiến còn được xem là “con cá lớn” của làng Vũ Đại. Lão ta nắm trong tay nhiều đất đai, của cải, kẻ hầu người hạ, tay sai,… nhiều vô kể. Với những điểm trên, Bá Kiến hiện lên với đầy sự quyền uy trong làng Vũ Đại.

  • Luận điểm 2: Sự xuất hiện của Bá Kiến

Có thể nói, Bá Kiến là nhân vật nổi bật trong truyện chỉ sau Chí Phèo. Chính vì vậy, Nam Cao đã khắc họa sự xuất hiện của lão dưới một hoàn cảnh đặc biệt, làm lộ rõ bản chất của nhân vật này. Bá Kiến xuất hiện trong hoàn cảnh Chí Phèo đến ăn vạ, vòi tiền. Giữa sự ồn ào, tò mò của dân chúng, lão xuất hiện với sự quyền uy, lấn át tất cả: “Cụ cất tiếng rất sảng, hỏi: Cái gì mà đông thế này?”. Và chỉ mới loáng thấy bóng dáng, dân làng đã nhún nhường, đứng dãn ra và kính cẩn: “chỗ này lạy cụ, chỗ kia lạy cụ”. Còn Chí Phèo khi đó nằm dài, bất động, không còn kêu gào như lúc trước nữa. Chỉ với vài nét khắc họa nhỏ, Nam Cao đã cho thấy vị thế, quyền uy của Bá Kiến đối với làng Vũ Đại. Cho thấy đây là nhân vật có bề thế, khó đụng vào.

Nhân vật Bá Kiến được khắc họa rất rõ nét

Đối mặt với cảnh ăn vạ của Chí Phèo, Bá Kiến cũng hành xử vô cùng khéo léo. Trước tiên, lão quát mấy bà vợ, sau đó quay sang dân làng, dịu giọng để họ tản ra, không còn xúm đông xúm đỏ vào nữa. Với Chí, lão lay gọi với một giọng hết sức thân mật, ngọt ngào. Lão còn quát Lý Cường – con trai của mình, mắng hắn vì đã để xảy ra sự vụ như vậy. Điều đó đã cho thấy Bá Kiến là một tên cường hào có nghệ thuật thống trị, lọc lõi, nham hiểm và thâm độc.

  • Luận điểm 3: Con người nham hiểm, thủ đoạn

Bá Kiến được Nam Cao khắc họa là một tên cường hào có thủ đoạn thống trị người nông dân rất khôn ngoan, khéo léo. Với những kẻ khó trị, lão sử dụng cách thức “mềm nắn, rắn buông”, “Lấy đầu bò trị thằng đầu bò”. Trị không được, lão lôi kéo họ về làm tay sai cho mình để tiện sai khiến, phục vụ sự thống trị của lão. Để khiến người khác phải nể phục, phục tùng, lão “ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn”, tạo dựng sự tin tưởng và mang ơn của người khác. 

Đối với tầng lớp cùng đinh, lão tìm cách bóp nặn, đưa những người dân hiền lành vào những vụ thuế và thu dụng thêm những tên “bạt mạng” để làm tay sai cho mình. Lão đã đẩy không biết bao con người vào cảnh cùng quẫn, bế tắc, để rồi sa ngã, trượt dài trong những tội lỗi. Trong đó, Chí Phèo là một số phận điển hình nhất.

Đối với kẻ thù, lão “ngấm ngầm cho nhau ăn bùn”, ngoài mặt thì vui tươi, hòa thuận, bên trong lại tìm cơ hội hãm hại nhau. Lão luôn ở trong tâm thế xâu xé, tranh giành quyền lực với những kẻ cùng tầng lớp của mình. Còn trong gia đình, lão nhiều vợ, hay ghen nhưng bản thân lại qua lại với vợ của Binh Chức. Đó là con người ích kỉ, đồi bại, lời nói và hành động trái ngược hoàn toàn.

Với nghệ thuật độc thoại nội tâm, sự nham hiểm, không từ thủ đoạn của Bá Kiến hiện lên vô cùng chân thực, sinh động. Đó không phải là cái nhìn chủ quan từ người khác mà do chính nhân vật nói ra trong tâm tưởng, cho thấy lão là kẻ mưu mô, nhiều toan tính.

  • Luận điểm 4: Cái chết của Bá Kiến

Xuyên suốt tác phẩm, Nam Cao đã khắc họa Bá Kiến là kẻ lọc lõi, khéo léo, gian manh. Thế nhưng cuối truyện, hắn hiện lên là kẻ cũng hồ đồ như người khác. Khi Chí Phèo đến đòi “lương thiện”, lão chỉ cười và nói: “Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ”. Thái độ đó của lão đã làm tăng sự đau đớn, bế tắc cho Chí Phèo, để rồi chính lão đã đẩy Chí vào con đường cùng. Hắn thét lên: “Không được! Ai cho tao lương thiện?…chỉ còn một cách này là…biết không?”. Và Chí đã kết liễu cuộc đời của tên cường hào, ác bá một cách như vậy.

Ở tình huống truyện này, Nam Cao miêu tả Chí Phèo tìm đến nhà Bá Kiến dường như chỉ là một sự “quen chân”. Thế nhưng sự thật không phải như vậy. Chí muốn được lương thiện, thì phải tìm đến kẻ đã đẩy hắn vào con đường bất chính, kẻ đã vu oan, tống hắn vào tù rồi dùng hắn làm tay sai cho mình. Trong cơn say, Chí đã đi theo bản năng và nhận thức sâu thẳm của chính mình. Chính Bá Kiến đã khiến cuộc đời của một anh nông dân như hắn lâm vào cảnh sa cơ, chính Bá Kiến đã vùi nhân cách và lương thiện của hắn xuống bùn lầy. Bá Kiến chết, như một lẽ tất yếu, và cũng là lời nhắn nhủ của tác giả, đó là cái ác phải được diệt trừ, phải ngăn chặn từ tận gốc, thì mới có thể ngăn ngừa được những xấu xa, bất công của xã hội.

Kết bài

Phân tích nhân vật Bá Kiến Với nghệ thuật xây dựng câu chuyện, khắc họa nhân vật đặc sắc bằng những chi tiết điển hình, nghệ thuật độc thoại nội tâm cùng giọng điệu sâu cay, Nam Cao đã tạo dựng lên một Bá Kiến điển hình cho tầng lớp thống trị lúc bấy giờ. Đằng sau sự tố cáo mạnh mẽ, tác giả cũng lên tiếng đòi quyền sống, quyền được làm người lương thiện của nhân dân. Tất cả điều đó đã tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm, cho thấy tấm lòng yêu thương con người, nâng niu vẻ đẹp của mỗi số phận của tác giả.