Lẩu Thái mà món lẩu được khá đông người yêu ẩm thực ưa chuộng. Nguyên liệu của món ăn này vô cùng đa dạng và phong phú, bạn có thể tự do thêm bớt một vài nguyên liệu tùy thích. Cách làm nước lẩu thái không hề khó, chỉ cần chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và tiến hành theo cách làm dưới đây, chắc chắn bạn sẽ sở hữu một nồi nước lẩu Thái thơm ngon, đúng vị.

1. Cách làm nước lẩu Thái ngon chuẩn vị

Chuẩn bị nguyên liệu nấu nước lẩu Thái:

  • Tôm đất: 500gam
  • Mực: 400gam
  • Nghêu: 1kg
  • Cá hồi: 500gam
  • Thịt bò: 400gam
  • Các loại rau thường ăn với lẩu Thái: Rau muống, bắp chuối bào, cần tây, cải thảo, cải thìa, nấm tuyết, nấm mèo, bắp non, nấm đông cô, nấm đùi gà, nấm rơm, cà chua, thơm…
  • Me chín: 200gam
  • Đường: 40gam
  • Nước mắm: 20ml
  • Muối: 1 muỗng canh
  • Bột ngọt: 1 muỗn canh
  • Tương ớt: 2 muỗng canh
  • Tương cà: 2 muỗng canh
  • 5 cây sả, 8 lá chanh, 6 trái ớt
  • Tỏi, hành tím, dầu ăn
cách làm nước lẩu thái nguyên liệu
Nguyên liệu làm nước lẩu Thái. Ảnh: Internet.

Các bước làm nước lẩu Thái:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Tôm rửa sạch, cắt bớt râu và chân tôm.
  • Đầu cá hồi rửa sạch, chặt nhỏ.
  • Lấy râu mực ra khỏi phần thân và loại bỏ phần mực cứng ở giữa các râu mực. Sau đó bóc bỏ đi phần da đen bên ngoài, rút xương sống và cạo phần còn lại bên trong bụng. Rửa mực với nước lạnh rồi để ráo, cắt thành từng miếng vừa ăn.
  • Nghêu rửa sạch dưới vòi nước mạnh, chà vỏ cho sạch rồi ngâm với nước gạo, nước sả hoặc nước ớt cho nhả hết bùn ra.
  • Cá hồi rửa sạch, để ráo.
  • Thịt bò rửa sạch, thái miếng vừa ăn.
cách làm nước lẩu thái sơ chế hải sản
Sơ chế các loại hải sản. Ảnh: Internet.
  • Các loại rau củ đem rửa sạch, thái nhỏ thành từng miếng vừa ăn.
sơ chế rau
Công đoạn sơ chế rau. Ảnh: Internet.

Bước 2: Nấu nước dùng

  • Bắc nồi nấu lẩu lên bếp, cho dầu ăn vào rồi bỏ hành tỏi vào phi thơm. Sau đó cho lá chanh vò hơi nát vào chảo rồi cuối dùng là cho sả cây vào xào cho dậy mùi thơm.
  • Tiếp tục cho vào nồi ớt trái, 2 quả cà chua và thơm đã thái miếng vào nồi đảo đều.
  • Sau khi thơm và cà chua chín sơ thì cho vào nồi 1 lít nước nấu sôi, lúc này bạn vớt lá chanh và sả bỏ ra ngoài.
nấu nước dùng
Nấu nước dùng lẩu Thái. Ảnh: Internet.

Bước 3: Tạo vị chua cho nước lẩu

  • Lẩu Thái bao giờ cũng phải có đầy đủ vị chua, cay, mặn ngọt nên công đoạn làm nước me để tạo vị chua cũng rất quan trọng. Bạn tiến hành như sau:
  • Sau khi vớt sả và lá chanh ra, bạn chờ cho nồi nước lẩu Thái sôi lại thì cho một cái rây vào nồi.
  • Đổ phần me đã chuẩn bị vào rây, tận dụng nước lẩu nóng lọc nước cốt me xuống nồi nước. Phần hạt me bạn nên giữ lại nhé.
  • Sau khi đã lọc được nước me, bạn cho thêm vào nồi 20ml nước mắm, 2 muỗng canh tương ớt, 2 muỗng canh tương cà, 1 muỗng canh bột ngọt, 1 muỗng canh muối và 40gam đường.
làm nước me
Tạo vị chua cho lẩu bằng nước me. Ảnh: Internet.

Bước 4: Tạo màu, vị ngọt và nêm nếm cho nước lấu

  • Nước lấu Thái có thường có màu đỏ đặc trưng của cà chua. Công đoạn tạo màu này cũng rất quan trọng, nó giúp món ăn thêm đẹp mắt và hấp dẫn hơn.
  • Để tạo màu cho nồi nước lẩu bạn dùng một cái chảo khác thêm dầu ăn vào. Chờ chảo nóng lên thì cho tỏi vào phi thơm rồi cho cà chua vào xào cho nhuyễn rồi tắt bếp. Trút hết cà chua này vào nồi nước lẩu.
  • Để nước lẩu Thái ngọt tự nhiên, thông thường người ta thường hầm với các loại xương gà, xương heo. Tuy nhiên hải sản mà chúng ta đã chuẩn bị bên trên cũng có thể làm cho lẩu thêm ngọt nước.
  • Sau khi cho cà chua vào nồi, bạn cũng cho lần lượt các hải sản tôm, mực, nghêu, cá hồi vào nồi lẩu.
cách làm nước lẩu thái cho hải sản vào
Cho hải sản vào để lẩu ngọt nước. Ảnh: Internet.
  • Bạn nên nếm gia vị cho phù hợp với khẩu vị của gia đình. Hoặc để món nước lẩu chuẩn vị hơn bạn có thể sử dụng những gói nước lẩu Thái mua ngoài cửa hàng để cho them vào rồi nêm nếm thêm vị cho vừa ăn.

Bước 5: Thưởng thức

  • Khi ăn lẩu Thái, bạn cho các loại rau vào nồi lẩu rồi nhúng ăn. Thịt bò nhanh chín nên khi ăn tới đâu bạn nhúng tới đó sẽ không bị dai. Nước lẩu Thái có thể ăn cùng bún, mì gói rất ngon mà không bao giờ ngán.
cách làm nước lẩu thái cho rau vào
Cho rau vào rồi nước lẩu. Ảnh: Internet.
  • Vậy là với những bước làm đơn giản, bạn đã chuẩn bị xong cho gia đình một nồi nước lẩu Thái thơm ngon nức mũi. Lẩu Thái thích hợp cho những dịp tụ tập bạn bè hoặc ăn vào dịp cuối tuần rảnh rỗi.

2. Thành phẩm của nước lẩu Thái

Nước lẩu Thái phải có màu “nóng” đặc trưng của cà chua, có hương vị từ mùi thơm của sả, lá chanh. Vị của nước lẩu phải đảm bảo được đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị đậm đà, thơm ngon nức mũi.

cách làm nước lẩu thái
Lẩu Thái sau khi hoàn thành có màu đỏ đẹp mắt và chứa đầy ắp các loại nguyên liệu. Ảnh: Internet.

3. Mẹo chọn nguyên liệu tươi ngon và những lưu ý khi nước lẩu Thái

Để có được nước lẩu ngon, điều đầu tiên bạn phải chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Không chỉ để tâm đến những nguyên liệu nhúng, các loại gia vị, thảo mộc nấu nước cũng phải tươi và ngon.

Các hải sản nấu trong nước lẩu như cá hồi, cá diêu hồng, nghêu, sò, tôm, mực nên chọn những con còn tươi và đem về sơ chế cho thật kĩ để giữ nguyên được vị ngọt tự nhiên của nó. Các loại hải sản có vỏ nên chà rửa sạch sẽ, ngâm qua nước gạo hoặc ớt cho nhả hết bùn đất ra.

hải sản tươi sống
Nên chọn hải sản còn tươi sống. Ảnh: Internet.

Các loại rau ăn kèm với lẩu Thái như rau muống, bắp chuối bào, cải thảo, cần tây, nấm rơm,… đều phải tươi ngon và đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là rau muống và bắp chuối, bạn nên chọn mua rau muống phần cọng, mua nguyên hoa cuối về tự bào và rửa sạch. Muốn rau muống và bắp chuối được trắng và giòn thì chỉ cần ngâm qua nước chanh pha chút muối rồi với ra để ráo là có ngay.

4. Cách làm nước chấm ăn với lẩu Thái

Lẩu Thái là món ăn có nhiều nguyên liệu và gia vị khác nhau. Tuy nhiên món ăn này cũng cần đến nước chấm để chấm các đồ nhúng trong lẩu. Mỗi món ăn lại có một công thức pha nước chấm riêng và nước chấm cũng là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng của món lẩu này.

Nguyên liệu để làm nước chấm lẩu Thái:

  • 2 muỗng canh nước tương
  • 2 thìa cà phê
  • 2 quả ớt
  • 1 muỗng cà phê dầu mè
  • 20gam mè rang

Cách pha nước chấm ăn lẩu Thái:

  • Bước 1: Ớt rửa sạch, chẻ ớt ra bỏ phần hạt bên trong và bỏ đầu đi. Sau đó thái ớt thành từng lát nhỏ.
  • Bước 2: Cho vào một cái chén 2 muỗng nước tương, 2 muỗng đường, 1 muỗng dầu mè, ớt thái nhỏ và mè rang vào trộn đều.
nước chấm ăn lẩu
Nước chấm để chấm các nguyên liệu trong lẩu. Ảnh: Internet.

Vậy là công đoạn pha nước chấm ăn lẩu Thái đã hoàn thành. Thật đơn giản và dễ thực hiện đúng không nào? Nước chấm ngon sẽ làm cho nồi lẩu thêm phần thơm ngon và hấp dẫn hơn.

5. Những lưu ý khi ăn lẩu Thái

Vì đặc trưng của lẩu Thái là chua và cay nên sẽ không phù hợp với những người đang mắc các bệnh về dạ dày. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh dạ dày thường có đường tiêu hóa yếu, do đó việc ăn lẩu có quá nhiều chất đạm và hải sản cũng rất ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những người bị tiểu đường, cao huyết áo hay bị máu nhiễm mỡ cao thì hạn chế hoặc không ăn lẩu có chứa nhiều đạm và mỡ.

Trong lẩu Thái có chứa nhiều nguyên liệu và thực phẩm khác nhau, do đó bà bầu nên hạn chế ăn loại lẩu này. Vì đôi khi chúng ta không biết được các nguyên liệu này có gây độc hại cho bà bầu hay không.

Lẩu Thái rất thích hợp để ăn vào những ngày trời se lạnh. Dịp tết sắp đến, không khí lạnh cũng đã bắt đầu tràn về. Hãy cùng học cách làm nước lẩu Thái để chiêu đãi gia đình thôi. Lẩu Thái chua cay, cùng hương thơm ngào ngạt của sả sẽ làm cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng và đủ đầy hơn. Bên cạnh việc chế biến nước lẩu cho thật ngon, bạn cũng nên chú ý đến công đoạn làm nước chấm nữa nhé. Nước chấm ngon cũng góp phần tạo nên một món lẩu ngon. Chúc các bạn thành công!

Hồng Ngọc tổng hợp