Hải sản tươi ngon hòa quyện cùng nước lẩu đậm đà sẽ khiến cho bất kỳ ai đã nếm qua cũng phải ngây ngất. Cùng tham khảo các cách làm lẩu hải sản đơn giản dưới đây ngay nhé.

1. Cách làm lẩu hải sản thập cẩm

Nguyên liệu:

Tùy vào sở thích cũng như đặc sản theo từng vùng sinh sống mà bạn có thể chọn nguyên liệu hải sản cho món lẩu của mình.

  • 500 gram xương ống (xương heo hoặc xương gà)
  • 300 gram tôm sú
  • 300 gram mực
  • 500 gram ngêu
  • 300 gram thịt cá hồi
  • 200 gram thịt bò
  • 300 gram nấm các loại (nấm kim châm, nấm rơm, nấm đông cô, nấm đùi gà,…)
  • Hành, sả, tỏi, rau thơm
  • Các loại rau ăn lẩu: rau muống, rau cần, cải thảo, rau nhút
  • 500 gram bún tươi
  • Các loại gia vị thông thường
Món lẩu hải sản ngọt được ưa chuộng vì hương vị tươi mát
Món lẩu hải sản ngọt được ưa chuộng vì hương vị tươi mát. Ảnh Internet.

Cách làm lẩu hải sản thập cẩm:

Bước 1: Sơ chế hải sản

  • Tôm mua về rửa sạch, vệ sinh phần đầu và rút bỏ phần chỉ đen trên lưng tôm. Tùy vào sở thích mà bạn có thể lột vỏ tôm hoặc không.
  • Mực sau khi rửa sạch thì chẻ một đường dọc thân để loại bỏ phần túi mực. Lột bỏ phần da ngoài và bỏ phần mắt mực. Khử mùi tanh của mực bằng chanh hoặc muối. Thái mực thành từng khoanh nhỏ vừa ăn hoặc để nguyên con nếu muốn.
  • Ngao mua về chà sạch phần vỏ trước. Tiếp đến, ngâm ngao trong nước vo gạo trong 1 – 2 giờ để làm sạch cát và chất bẩn trong ngao. Bạn có thể thay nước vo gạo bằng nước muối loãng có cho thêm vài trái ớt.
  • Cá hồi rửa và vệ sinh sạch, sau đó thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu khác

  • Xương ống sau khi rửa sạch thì chần qua nước sôi để loại bỏ mùi hôi. Chặt xương ống thành từng đoạn nhỏ.
  • Thịt bò mua về rửa sạch, thấm khô hoặc để ráo rồi thái mỏng.
  • Rửa sạch nấm bằng nước ấm pha chút muối, thái nhỏ miếng vừa ăn nếu là loại nấm to.
  • Hành, tỏi bóc vỏ rồi băm nhuyễn.
  • Sả rửa sạch, đập dập rồi thái nhỏ.
  • Rau thơm nhặt xong thì rửa sạch rồi để ráo.
Rau ăn kèm lẩu hải sản phải còn tươi và được làm sạch
Rau ăn kèm lẩu hải sản phải còn tươi và được rửa sạch. Ảnh Internet.

Bước 3: Nấu nước lẩu

  • Đun nóng chảo với ít dầu ăn, cho hành, tỏi và sả vào phi cho vàng thơm.
  • Bắc một nồi nước sôi với một thìa muối. Cho xương ống vào, đợi nước sôi lại thì hớt bỏ phần bọt, ninh xương trong khoảng 1 tiếng thì vớt phần xương bỏ đi.
  • Thả nấm vào nồi, ninh cho đến khi nấm chín.
  • Cho hành, tỏi, sả và vừa phi thơm lúc nãy vào nồi. Nêm nếm gia vị nước lẩu cho vừa ăn rồi tắt bếp.

Bước 4: Trình bày và thưởng thức

  • Bày bún, hải sản và rau ăn kèm lẩu ra đĩa.
  • Bật bếp mini, cho nồi nước lẩu lên. Đợi nước lẩu sôi thì cho hải sản và thịt vào, nhúng rau ăn kèm với bún.
Trong quá trình nấu, thường xuyên hớt bọt để nước dùng được trong
Trong quá trình nấu, thường xuyên hớt bọt để nước dùng được trong. Ảnh Internet.

2. Cách làm lẩu hải sản chua cay kiểu Thái

Vào những ngày trời trở lạnh hay những dịp đặc biệt cùng gia đình, tụ tập cùng bạn bè, lẩu hải sản chua cay đích thị là món ăn không thể phù hợp hơn. Cùng bắt tay vào chuẩn bị chế biến món lẩu ngon tuyệt này nhé.

Nguyên liệu:

  • 500 gram xương ống
  • 300 – 500 gram hải sản mỗi loại: tôm, mực, ngao, cua,…
  • 200 gram nấm đông cô
  • 300 gram nấm kim châm
  • Hành tím, sả, lá chanh
  • Cà chua
  • Ớt
  • Gia vị lẩu Thái
  • Sa tế
  • Bún hoặc mỳ ăn kèm lẩu
  • Các loại rau ăn kèm với lẩu: rau muống, bắp chuối, rau nhút,…
  • Các gia vị thông thường
Lẩu hải sản chua cay kiểu Thái nên được chế biến sao cho giữ vị cay đặc trưng
Lẩu hải sản chua cay kiểu Thái nên được chế biến sao cho giữ vị cay đặc trưng. Ảnh Internet.

Cách làm lẩu hải sản chua cay:

Bước 1: Sơ chế hải sản

  • Rửa sạch phần vỏ ngao, cho ngao vào thau nước vo gạo ngâm khoảng 1 tiếng để ngao ra hết chất bẩn. Sau đó rửa ngao lại một lần nữa bằng nước sạch.
  • Mực mua về rửa sạch, bỏ phần túi mực và mắt mực. Cắt khoanh tròn hoặc để nguyên con và khứa đường vảy rồng/chéo để mực dễ ngấm gia vị.
  • Tôm sau khi rửa thì làm sạch phần đầu và rút bỏ phần chỉ đen trên lưng tôm.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu khác

  • Rửa sạch xương ống, chần qua nước sôi cho bớt mùi hôi rồi cắt thành từng đoạn nhỏ.
  • Hành tím và tỏi bóc vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ.
  • Sả rửa sạch, đập dập rồi thái mỏng.
  • Cà chua rửa sạch, thái múi cau.
  • Rau nhặt xong thì rửa sạch, để ráo rồi cắt thành từng khúc vừa ăn.
Tùy vào sở thích mà bạn có thể thay đổi nguyên liệu để nhúng lẩu
Tùy vào sở thích mà bạn có thể thay đổi nguyên liệu để nhúng lẩu. Ảnh Internet.

Bước 3: Nấu nước lẩu

  • Cho xương ống vào nồi nước sôi, ninh trong khoảng 1 tiếng thì vớt hết xương ra. Ninh lửa nhỏ và thường xuyên hớt bọt để nước dùng được trong.
  • Phi thơm hành tỏi và sả cùng ít dầu. Cho cà chua và ớt vào, đảo đều tay trong khoảng 3 phút.
  • Cho nguyên liệu đã xào thơm vào nồi nước dùng. Cho thêm khoảng 2 thìa bột lẩu Thái, vài lá chanh. Sau đó nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Cho ít sa tế để nồi lẩu thơm và có màu đẹp mắt.

Bước 4: Trình bày và thưởng thức

  • Cho tất cả hải sản và các loại rau ăn kèm ra đĩa.
  • Đặt bếp vào chính giữa, bắc nồi lẩu lên nấu cho đến khi sôi lại.
  • Lần lượt nhúng thịt hải sản và rau để thưởng thức cùng bún hoặc mỳ tùy thích.
Cho nấm và thịt vào trước để nước lẩu có vị ngọt thanh
Cho nấm và thịt vào trước để nước lẩu có vị ngọt thanh. Ảnh Internet.

3. Lưu ý khi chọn nguyên liệu để có món lẩu hải sản an toàn và thơm ngon

Hải sản là loại thực phẩm rất dễ bị hỏng do phải đánh bắt ở môi trường xa bờ. Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều cơ sở sử dụng hàm lượng chất bảo quản vượt mức cho phép đối với loại thực phẩm này. Việc chọn mua hải sản tươi ngon ở những nơi uy tín là vô cùng quan trọng không chỉ với chất lượng món ăn mà còn tốt cho sức khỏe của mỗi người.

  • Tôm: Tốt nhất nên chọn tôm còn sống, nhảy khỏe. Tôm còn tươi có thịt săn và chắc, vỏ tôm còn cứng và có màu trắng trong. Đầu và càng tôm vẫn còn nguyên, dính chặt vào thân, tôm không có mùi ươn khó chịu.
  • Mực: Có rất nhiều loại mực, bạn nên chọn những con mực dày mình và chắc thịt. Mực còn nguyên túi và phần đầu mực dính chặt vào thân. Mực chuyển màu xanh, thịt bị nhão và có mùi quá tanh là mực không còn tươi.
  • Ngao: Chọn những con ngao không bị hở miệng. Ngao hở miệng là ngao chết, không còn tươi, có mùi rất khó chịu khi cho vào nồi lẩu.
  • Cá hồi: Bạn nhìn vào mang cá, nếu thấy mang cá có màu đỏ tươi, miệng mang khép chặt thì đó là cá vừa mới bắt lên. Cá tươi không có mùi hôi, không bị nhớt, ấn vào không bị mềm nhão.
Nguyên liệu tươi ngon chính là bí quyết giúp món lẩu hải sản ngon hơn
Nguyên liệu tươi và sạch chính là bí quyết giúp món lẩu hải sản ngon hơn. Ảnh Internet.

Cách làm lẩu hải sản ngon phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn chuẩn bị nguyên liệu và có thể điều chỉnh nước lẩu theo khẩu vị người dùng. Món ăn này bạn có thể chế biến vào bất cứ dịp nào cũng được. Đặc biệt là vào những khi tiết trời se lạnh như dịp Tết, cả gia đình cùng quây quần bên nồi lẩu thơm ngon nghi ngút khói thì còn gì bằng. Chúc bạn thành công khi chế biến món lẩu hải sản hấp dẫn để thưởng thức cùng cả nhà nhé.

Nguyễn Diệp tổng hợp