1. Cách làm lạp xưởng từ ruột heo ăn liền, không cần phơi

Cách làm lạp xưởng từ ruột heo tươi mà không cần phơi nắng kiểu truyền thống cũng khá đơn giản và không khó như bạn đã nghĩ. Tất cả những gì bạn cần làm là thực hiện theo các công đoạn được hướng dẫn sau đây để món lạp xưởng làm ra được thơm ngon lại đảm bảo an toàn vệ sinh.

1.1. Nguyên liệu làm lạp xưởng không cần phơi nắng tại nhà

  • Thịt nạc heo (chọn loại đùi – vai – nạc dăm có lẫn chút mỡ)
  • Mỡ heo (Tỉ lệ giữa mỡ và thịt là 1:3)
  • Ruột heo tươi đem phơi hoặc sấy khô (loại dùng để làm vỏ lạp xưởng)
  • Nước mắm ngon
  • Rượu Mai Quế Lộ
  • Mật ong
  • Gia vị chế biến: muối, bột nêm, đường, ớt bột (loại không cay) hoặc vài giọt chất tạo màu thực phẩm, tiêu hạt, tiêu xay….
nguyên liệu làm lạp xưởng
Thành phần nguyên liệu chính cần chuẩn bị làm lạp xưởng tại nhà. Ảnh: internet.

1.2. Hướng dẫn cách làm lạp xưởng từ ruột non heo không cần phơi nắng ngay tại nhà

1.2.1. Khâu sơ chế ruột ngon và tẩm ướp các nguyên liệu

  • Thịt lợn xắt thành từng lát mỏng dày khoảng 0,5mm và có độ dài, rộng 3-4 cm. Thịt càng mỏng thì gia vị càng ngấm đều.
  • Mỡ heo rửa sạch, cắt hạt lựu, trụng qua nước sôi, vớt ra để ráo. Sau đó ướp cùng đường, rượu Mai Quế Lộ trong khoảng 3-4 tiếng.
  • Dùng ruột heo sấy khô thì bước sơ chế sẽ đơn giản hơn ruột heo tươi, bạn chỉ cần trụng vài lần bằng nước sôi rồi để ráo.
  • Trộn đều thịt và mỡ đã ướp đường cùng với nhau. Cho thêm tiêu, đường, nước mắm, mật ong, muối, ớt, bột nêm, rượu Mai Quế Lộ vào rồi đảo đều.
  • Thời gian ướp thịt càng lâu thì lạp xưởng càng ngon.
  • Bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm để bảo quản lạp xưởng đang ướp và cất trong ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 5-7 tiếng hoặc qua đêm cho thấm gia vị, khi ăn sẽ càng đậm đà hơn.
Các bước làm lạp xưởng
Các bước sơ chế và tẩm ướp nguyên liệu làm lạp xưởng. Ảnh: internet.

1.2.2. Cách nhồi thịt vào ruột heo làm lạp xưởng ăn liền không cần phơi nắng

  • Dùng túi kem làm bánh hoặc phễu để dồn thịt vào ruột heo. Hoặc bạn có thể tận dụng phần đầu của chai nước suối hay máy dồn thịt để thực hiện dễ dàng hơn.
  • Khi dồn thịt nên chú ý vuốt nhẹ, chậm để nhân dồn vào được đều. Tránh nhồi cùng lúc quá nhiều nhân dễ làm lạp xưởng bị bung, vỡ.
  • Khi nhồi nhân vào, cứ mỗi đoạn khoảng 10-15 cm, bạn dùng chỉ hoặc dây nhỏ để buộc thành từng đoạn. Cuối cùng, trụng lạp xưởng vừa làm qua nồi nước sôi và nhanh tay vớt ra. Dùng kim đâm thủng vài lỗ trên bề mặt để thoát hơi.
 nhồi nhân thịt lạp xưởng
Các bước nhồi nhân thịt lạp xưởng vào ruột heo. Ảnh: internet.

1.2.3. Cách sấy khô lạp xưởng không cần phơi nắng tiện lợi

Có 2 cách làm lạp xưởng sấy khô mà không cần phơi nắng, chính là:

  • Dùng lò nướng: Nướng lạp xưởng vừa làm xong trong lò nướng ở nhiệt độ 40 độ C. Khoảng 15 phút, bạn nên kiểm tra và lập mặt để sản phẩm khô và lên màu đều, không bị cháy xém.
  • Dùng máy sấy: Xếp lạp xưởng lên vỉ máy sấy khô. Thời gian sấy khoảng 6-8 tiếng tùy vào kích thước và độ khô của thành phẩm.
lạp xưởng không cần phơi nắng
Món lạp xưởng thơm ngon và đảm bảo vệ sinh dễ làm tại nhà. Ảnh: internet.

2. Cách làm lạp xưởng không cần ruột heo và không phơi nắng

Bạn cũng có thể làm lạp xưởng ăn liền mà không cần ruột heo theo cách truyền thống. Hiện nay, ở nhiều quốc gia với công nghệ chế biến thực phẩm tiên tiến như Châu Âu, Nhật Bản đã dùng vỏ collagen làm từ đạm bò vào quá trình chế biến lạp xưởng, xúc xích, dồi…nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng, vì nó đã được diệt khuẩn 100% cũng như không mất nhiều thời gian sơ chế.

So với ruột heo, vỏ collagen đạm bò dùng trong chế biến xúc xích hay lạp xưởng sở hữu nhiều ưu điểm như: dai hơn ruột heo, không dễ bị rách trong quá trình nhồi hoặc hấp. Nếu bạn dùng ruột heo mà không sơ chế kỹ sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm và nguy hại cho sức khỏe. Vỏ collagen hiện có loại sản xuất tại Việt Nam (ngâm trong túi có muối) và loại của Đức, bạn có thể dùng một trong hai loại này. Về ưu điểm thì loại vỏ của Đức sẽ dễ thao tác bằng tay hay bằng máy hơn.

Vỏ collagen làm từ đạm bò
Vỏ collagen là sản phẩm làm từ đạm bò và công dụng không khác nhiều so với ruột non. Ảnh: internet.

2.1. Thành phần nguyên liệu làm lạp xưởng từ vỏ collagen

  • Thịt heo xay: 500 gram
  • Mỡ heo: 120 gram
  • Vỏ collagen: 1 cuộn
  • Rượu trắng (hoặc rượu rum): 10 ml
  • Ngũ vị hương: 1 gói 5 gram
  • Giọt tạo màu đỏ: khoảng 3 giọt
  • Gia vị: tiêu, đường, muối, dầu hào, bột gừng, bột tỏi, bột hành (hoặc dùng gừng, hành và tỏi tươi băm nhuyễn)….
  • Dụng cụ: dao, thớt, tô, âu trộn, dụng cụ nhồi…..

2.2. Cách làm lạp xưởng từ vỏ collagen đạm bò không cần ruột non và không cần phơi nắng

2.2.1. Sơ chế mỡ lợn và trộn gia vị

  • Đầu tiên, bạn rửa sạch mỡ lợn với nước, thái thành hạt lựu rồi để sang một bên.
  • Thịt lợn trước khi xay nên chọn loại tươi có cả mỡ lẫn nạc để món lạp xưởng không bị khô.
  • Làm hỗn hợp gia vị gồm: 1/2 muỗng tiêu + 2 muỗng đường + 1 muỗng muối + 2 muỗng ngũ vị hương + 10ml rượu trắng + 1/2 muỗng bột gừng + 1/2 muỗng bột tỏi + 1/2 muỗng bột hành + 3 giọt phẩm đỏ rồi khuấy đều hỗn hợp.
  • Tiếp theo, trộn thịt xay + mỡ heo với hỗn hợp các gia vị vào âu, dùng bao tay nhào trộn để thịt thấm đều gia vị.
Công đoạn sơ chế và trộn nhân lạp xưởng
Công đoạn sơ chế và trộn nhân lạp xưởng trước khi nhồi. Ảnh: internet.

2.2.2. Các bước nhồi lạp xưởng vào vỏ collagen

  • Dùng 1 cái phễu và 1 chiếc đũa rồi dùng dao cắt một đoạn vỏ collagen tầm 2 cm.
  • Sau đó, lồng vào phía đuôi của phễu rồi thắt nút hoặc buộc một đầu của vỏ collagen lại.
  • Cho thịt vào phễu rồi dùng đũa đẩy thịt xuống phía dưới. Bạn dồn cho đến khi thịt đến gần đầy phần vỏ collagen đã được lồng vào phễu.
  • Tiếp theo bạn rút phễu ra, dồn xuống phần dưới và nắn thịt để không khí bên trong thoát ra ngoài.
Các bước nhồi lạp xưởng
Các bước nhồi lạp xưởng vào vỏ collagen tại nhà. Ảnh: internet.
  • Sau đó, vặn xoắn để chia lạp xưởng thành các phần nhỏ.
  • Bạn lưu ý không dồn thịt quá căng mà nên để hở một đầu, sau khi chia nhỏ rồi mới thắt lại để tránh lạp xưởng bị nứt.
  • Dùng một chiếc kim nhọn đâm thủng những chỗ có không khí bên trong vỏ lạp xưởng để thịt được lấp kín.
  • Cưới cùng, dùng tay miết nhẹ cho phần vỏ ôm sát vào phần thịt.
làm lạp xưởng không cần phơi nắng
Không dồn thịt quá căng tránh làm nứt lạp xưởng. Ảnh: internet.

2.2.3. Cách sấy khô lạp xưởng tự làm mà không cần phơi nắng

  • Dùng lò nướng: Nướng lạp xưởng vừa làm vào trong lò nướng ở 40 độ C khoảng 15 phút sau đó kiểm tra và lật mặt để lạp xưởng lên màu được đẹp, không bị cháy xém.
  • Dùng máy sấy: Đặt lạp xưởng lên vỉ máy sấy khô trong khoảng từ 6 đến 8 giờ tùy theo kích thước và độ khô của lạp xưởng mà bạn thích.
  • Lạp xưởng sau khi được làm khô nên cất vào túi kín và bảo quản trong tủ lạnh để có thể giữ được lâu hơn. Khi dùng thì đem rã đông rồi chế biến luộc, hấp hoặc chiên tuỳ ý thích
Món lạp xưởng thơm ngon
Món lạp xưởng thơm ngon hấp dẫn ngay tại nhà không cần mất thời gian phơi nắng. Ảnh: internet.

Với 2 cách làm lạp xưởng không cần phơi nắng từ ruột heo và vỏ collagen đạm bò chắc hẳn sẽ khiến các bạn cảm thấy việc vào bếp càng dễ dàng và thú vị hơn. Tết sắp đến gần, hãy trổ tài làm những món ngon mỗi ngày từ lạp xưởng mà cả nhà bạn yêu thích. Để từ nay, cùng nhau sum vầy bên bữa cơm ngày Tết miền Nam ấm cúng đón năm mới các bạn nhé!

Bích Tuyền