1. Vài nét về món củ kiệu muối nước mắm ngày Tết

Cách làm củ kiệu ngâm nước mắm là một trong những công thức nấu ăn đặc trưng cho ngày Tết ở Việt Nam. Chỉ cần nhìn thấy lọ kiệu ngâm thôi là chúng ta có thể cảm thấy không khí Tết đang đến rất gần. Dịp cuối năm là lúc gia đình cùng quây quần bên nhau để chuẩn bị nguyên liệu cho một lọ kiệu ngâm nước mắm thật to. Cách làm món củ kiệu ngâm nước mắm cũng cần phải có những bí quyết riêng thì mới có được những miếng kiệu ngâm tròn vị đưa cơm.

Các loại dưa chua và hành kiệu muối luôn là món ăn truyền thống trên mâm cơm hàng ngày. Củ kiệu là một loại rau có vị thơm ngon, thường dùng để ngâm nước mắm, muối chua, ăn với gỏi hoặc cuộn cùng bánh tráng và thịt nướng để tạo nên món ăn có hương vị hấp dẫn, kích thích vị giác của con người. Cách làm củ kiệu ngâm nước mắm đặc biệt được các bà nội trợ ưa dùng trong dịp tết. Bởi, món ngon ngày Tết này giúp chống ngán trong khi mâm cơm đã có rất nhiều thịt cá, thức ăn dầu mỡ.

dưa món củ kiệu
Củ kiệu ngâm nước mắm là món ăn đặc trưng cho ngày Tết ở Việt Nam. Ảnh Internet

2. Bí quyết giúp củ kiệu ngâm trở nên thật ngon cho mâm cỗ Tết

Cách làm củ kiệu ngâm nước mắm rất đơn giản nhưng nếu không cẩn thận thì sẽ khiến món kiệu bị thâm và mềm, không được giòn miếng. Bí quyết ngâm kiệu ngon trước tiên nằm ở khâu chọn củ kiệu. Theo đó, bà nội trợ nên chọn những củ kiệu ta có thân tròn, lá mảnh và thắt eo ở giữa củ. Tránh chọn những củ to, mong nước vì khi ngâm nước mắm sẽ làm củ kiệu bị mềm ra và có mùi hăng.

Nếu các bà nội trợ muốn món kiệu ngâm nhanh chín thì nên chọn loại hành kiệu bánh tẻ, chỉ cần sau khoảng 2 tuần là có thể ăn được ngay. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị ngâm kiệu cho Dịp Tết sắp tới và muốn để bảo quản kiệu ngâm được lâu thì chị em nên chọn loại củ già, thay vì loại bánh tẻ nhé.

Khi sơ chế kiệu, cần cẩn thận cắt rễ và lá của củ kiệu để tránh động vào phần thân của kiệu. Việc động dao vào phần thân sẽ làm nước dễ ngấm vào trong kiệu, mất đi độ giòn ngon của món ăn này. Mọi người phải lưu ý điều này trong cách muối củ kiệu nước mắm để đảm bảo độ ngon của củ kiệu.

cắt rễ củ kiệu
Bạn cắt rễ củ kiệu rồi lột bỏ lớp vỏ bên ngoài. Ảnh Internet

3. Hướng dẫn cách làm củ kiệu ngâm nước mắm kiểu miền Trung

3.1. Chuẩn bị nguyên liệu

Để làm món kiệu ngâm nước mắm, chúng ta cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

  • 1 kg củ kiệu
  • 2 củ cà rốt
  • Nửa quả đu đủ xanh
  • 1 bát con nước mắm ngon
  • 1 bát con đường trắng
  • 1 thìa cà phê muối
  • 4 trái ớt ( muốn có vị cay nhiều thì dùng nhiều ớt hơn)
  • Hành lá
nguyên liệu làm củ kiệu ngâm nước mắm
Nguyên liệu cơ bản để làm củ kiệu ngâm nước mắm. Ảnh Internet

3.2. Cách làm củ kiệu ngâm nước mắm miền Trung

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
  • Đầu tiên, chúng ta sơ chế đu đủ, cà rốt, kiệu, ớt thật sạch vỏ. Ngâm các loại rau củ trên vào nước lạnh để giữ độ giòn sau khi sơ chế.
  • Sau đó, chúng ta thái miếng đu đủ, cà rốt, và ớt. Cho 1 thìa cà phê muối vào một chậu nước khoảng 2 lít rồi cho kiệu và tất cả rau vào ngâm. Chị em cũng có thể ngầm bằng nước đá cho rau được tươi và giòn hơn.
cắt rễ kiệu
Củ kiệu được gọt vỏ, cắt ngọn và rễ sạch sẽ. Ảnh Internet
Bước 2: Phơi nguyên liệu rau củ muối củ kiệu
  • Sau khi ngâm rau củ trong một đêm thì đổ tất cả kiệu và rau củ ra rổ cho ráo nước.
  • Đợi rau củ khô thì dàn đều chúng ra mâm và măng phơi nắng một ngày để có độ héo.
  • Bạn lưu ý chỉ nên phơi vừa héo, nếu héo quả sẽ làm cho kiệu bị dai, mất độ giòn.
phơi củ kiệu
Cách làm củ kiệu ngâm nước mắm cần phơi kiệu ngoài nắng cho đến khi vừa héo. Ảnh Internet
Bước 3: Cách ngâm củ kiệu với nước mắm
  • Để làm củ kiệu ngon ngày Tết, chúng ta hòa tan nước mắm với đường. Sau đó, đun nước mắm với lửa nhỏ trên bếp khoảng 15 – 20 phút cho hỗn hợp sệt lại. Khi nước mắm nguội thì hớt sạch bọt nước mắm.
  • Tiếp đó, chị em tráng sạch lọ thủy tinh bằng nước sôi để tiệt trùng và lau khô.
  • Cho tất cả rau củ đã phơi héo vào lọ thủy tinh, đổ nước mắm từ từ cho ngập rau củ.
  • Sau đó, dùng thanh tre phù hợp với miệng lọ đè lên trên để tránh cho kiệu bị nổi. Bạn đậy thật kín nắp để tránh không khí lọt vào trong lọ kiệu ngâm.
cách làm củ kiệu ngâm nước mắm đường
Cách làm củ kiệu ngâm nước mắm đường mặn ngọt hòa quyện. Ảnh Internet
  • Sau 3 ngày, nước trong kiệu sẽ làm loãng nước mắm. Bạn cần đổ mắm ra và đun cho keo lại. Để thật nguội thì mới đổ lại vào lọ kiệu. Đây là cách muối củ kiệu đơn giản giúp kiệu được bảo quản trong thời gian dài ở điều kiện thường.

Không chỉ là món ăn, kiệu ngâm mắm còn mang đậm nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Việt. Mỗi năm, cứ thấy nhà nhà phơi kiệu ngoài trời là biết Tết sắp về. Trên đây là cách làm củ kiệu ngâm nước mắm đơn giản giúp chị em tiết kiệm thời gian mà vẫn có món ngon cho gia đình. Tết là dịp để chị em thể hiện tài nội trợ đảm đang của mình. Hãy thử làm một lọ kiệu ngâm nước mắm để gia đình thưởng thức tài nghệ bếp núc của chị em nhé!

Hoài Thương tổng hợp