1. Ý nghĩa của các loại mứt trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Trước khi biết cách làm các loại mứt Tết ngon, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của các loại mứt này nhé. Các loại mứt nói chung là một trong những món đặc sản không thể thiếu trong những dịp lễ Tết cổ truyền Việt Nam từ xưa đến nay. Đây không chỉ là món ăn vặt bình thường mà còn ấp ủ trong nó những ý nghĩa cho một năm mới thật sung túc và tràn đầy may mắn. Mỗi dịp Tết đến xuân về, bên cạnh bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ và cành mai vàng, mứt Tết cũng là một món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam.

ý nghĩa món ăn truyền thống
Mứt là món ăn truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Ảnh: Internet.

Mứt Tết được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau với đủ màu sắc và hương vị. Nếu mứt dừa mang ý nghĩa quây quần, sum họp thì mứt gừng lại mang ý nghĩa một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, các loại mứt bí, mứt hạt sen, mứt tắc cũng mang nhiều ý nghĩa như cầu mong sức khỏe, mang lại may mắn và thịnh vượng… Tất cả đã tạo nên một hương vị đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Hiện nay các loại mứt được bày bán ở khắp mọi nơi bạn có thể dễ dàng mua được. Tuy nhiên nếu không chắc chắn về nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn vệ sinh, bạn cũng có thể tự tay làm những món mứt truyền thống này. Sau đây bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách làm các loại mứt Tết thơm ngon, đơn giản tại nhà mà không tốn nhiều sức.

2. Cách làm các loại mứt tết ngon

2.1. Mứt dừa truyền thống

Ý nghĩa của mứt dừa ngày Tết

Mứt dừa là một trong những loại mứt truyền thống không thể thiếu mỗi dịp xuân sang. Có rất nhiều cách làm mứt dừa từ mứt dừa khô, mứt dừa dẻo cho đến mứt dừa dạng viên. Để món mứt dừa có nhiều màu sắc đẹp mắt, người ta cũng đã dùng những nguyên liệu tự nhiên để tạo màu cho mứt dừa.

Mứt dừa nhiều màu, nhiều hương vị sẽ tạo nên sự bắt mắt và ngon miệng hơn cho người thưởng thức. Loại mứt này mang ý nghĩa quây quần, sum họp gia đình ngày Tết. Mứt thơm ngon, ngọt bùi và vô cùng dễ làm. Sau đây là cách làm mứt dừa truyền thống ai cũng phải biết nếu là con dân Việt Nam.

dừa khô
Loại mứt không thể không nhắc đến mỗi dịp Tết đến chính là mứt dừa. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt dừa truyền thống gồm có:

  • Cùi dừa: 2 trái
  • Đường trắng: 200gam
  • Vani: 1 ống
các bước làm dừa truyền thống
Các bước làm mứt dừa. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt dừa:

  • Bước 1: Rửa sạch và cắt đôi cùi dừa, sau đó bào thành những sợi nhỏ với độ dày từ 1 – 2mm cho vào trong thau nước ngâm
  • Bước 2: Xả sạch dừa với nước lạnh đến khi thấy nước trong là được. Sau đó để ráo dừa trong khoảng 10 phút
  • Bước 3: Cho đường đã chuẩn bị vào trộn đều với dừa. Có thể xóc lên cho đường tan hết và thấm đều vào từng sợi dừa
  • Bước 4: Bắc chảo lên bếp cho nóng, sau đó cho dừa vào chảo và bắt đầu sên dừa ở lửa lớn. Đảo dừa nhẹ tay đến khi nước đường sôi lên thì mở lửa vừa và tiếp tục đảo nhẹ. Khi đường trong chảo sệt lại, thấy nặng tay thì mở nhỏ lửa xuống mức thấp nhất.
  • Bước 4: Tiếp tục đảo nhẹ tay đến khi thấy trong chảo có bột màu trắng bám xung quanh rìa chảo thì tắt bếp. Lúc này bạn vẫn tiếp tục đảo đều tay cho dừa khô hẳn nhưng phải thật nhẹ nhàng để sợi dừa không bị đứt vụn.
  • Bước 5: Rắc vani lên sợi dừa để tạo mùi thơm và đảo đều thêm một lần nữa là xong.

Vậy là bạn đã hoàn thành món mứt dừa truyền thống vô cùng đơn giản và dễ làm này rồi. Ngày Tết, gia đình quây quần bên tách trà nóng, cùng nhâm nhi những sợi mứt dừa ngọt thơm quả thật không còn gì hạnh phúc hơn.

2.2. Cách làm mứt bí thơm ngọt ngày Tết

Ý nghĩa của món mứt bí ngày Tết

Mứt bí đao là món mứt Tết đã có từ rất lâu và vẫn còn được nhiều người duy trì món ăn cổ truyền này cho đến ngày nay. Không chỉ đơn thuần là một món mứt Tết, mứt bí còn được làm nguyên liệu trong các loại bánh như bánh pía, bánh trung thu.

Bí đao mang ý nghĩa cầu mong sức khỏe trong năm mới và sự phát triển trong năm. Mứt bí thơm ngon, ngọt, giòn và rất dễ ăn. Có thể bạn chưa biết, món mứt này còn có công dụng rất tốt cho sức khỏe. Mứt bí đao giúp thanh nhiệt cơ thể, là bài thuốc có tác dụng lợi tiểu, tiêu độc và giải khát rất tốt.

bí đao
Bí đao là món mứt rất phổ biến ở miền Bắc. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt bí đao:

  • Bí đao: 1,5kg
  • Đường trắng 400gam
  • Vôi bột: 1 muỗng canh
  • Nước hoa bưởi: 1 muỗng cà phê
cách làm các loại mứt tết ngon mứt bí đao
Các bước làm mứt bí đao trắng truyền thống. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt bí:

  • Bước 1: Hòa tan vôi bột vào 1,5 lít nước lạnh và lọc lấy nước vôi trong.
  • Bước 2: Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột và cắt thành khúc vừa ăn. Sau đó rửa sạch bí và ngâm vào nước vôi trong khoảng 8 tiếng hoặc để qua đêm.
  • Bước 3: Sau khi bí đao đã ngâm đủ thời gian, bạn đổ ra rổ và rửa bằng nước lạnh nhiều lần cho sạch. Tiếp đến, đem bí để vào một cái khay hoặc đĩa và hong khô. Tốt nhất nên phơi ngoài nắng khoảng 4 – 5 tiếng.
  • Bước 4: Chuẩn bị một cái nồi và cho vào nước lạnh cùng đường trắng. Bắc nồi lên bếp đun trên lửa nhỏ đến khi nước đường sôi thì cho bí đã phơi nắng vào.
  • Bước 5: Sên bí đến khi thấy nước đường hơi sánh lại thì cho thêm nước hoa bưởi vào. Tiếp tục sên bí cho đến khi đường kết tinh lại, bám trên bí và khô ráo thì tắt bếp.
  • Bước 6: Đổ mứt ra một cái khay và để nơi thoáng gió để mứt khô ráo hơn.

Món mứt bí thơm ngon, bổ dưỡng đã hoàn thành. Vậy là bạn đã có thêm một món ngon đãi khách trong dịp Tết này rồi.

2.3. Cách làm mứt cà rốt

Ý nghĩa của mứt cà rốt ngày Tết

Nếu trong bếp nhà bạn đang có rất nhiều cà rốt, bạn cũng có thể tận dụng nguyên liệu này để làm mứt cho ngày Tết. Cà rốt giàu vitamin có lợi cho sức khỏe, tốt cho thị giác và hạn chế các bệnh về tim mạch, chống lão hóa… Vào ngày Tết, cà rốt còn được dùng làm mứt. Theo quan niệm của dân gian, cà rốt giống như những miếng vàng. Do đó mứt cà rốt ngày Tết tượng trưng cho sự giàu có trong năm mới.

cà rốt
Mứt cà rốt được biến tấu theo nhiều cách khác nhau: Mứt cà rốt sợi, mứt cà rốt cắt lát hay tỉa hình hoa… Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt cà rốt giòn:

  • Cà rốt: 1kg
  • Đường trắng: 500gam
  • Vôi bột: 2 muỗng canh
  • Phèn chua: 1 muỗng canh
Cách làm các loại mứt Tết ngon cà rốt
Các bước làm mứt cà rốt hình bông hoa. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt cà rốt ngon:

  • Bước 1: Pha vôi bột vào 1,5 lít nước lạnh và lọc lấy nước vôi trong.
  • Bước 2: Cạo lớp vỏ bên ngoài cà rốt rồi rửa sạch, cắt thành hình tùy ý. Có thể cắt thành hình tròn rồi tỉa bông hoa. Sau đó đem cà rốt ngâm vào nước vôi trong khoảng 30 phút.
  • Bước 3: Sau khi ngâm xong, vớt cà rốt ra rổ và rửa lại với nước cho thật sạch và hết mùi hôi
  • Bước 4: Bắc nồi nước lên bếp và cho phèn chua vào cùng. Sau đó cho cà rốt vào chần trong khoảng 2 phút rồi vớt ra rửa lại với nước, để ráo.
  • Bước 5: Trộn cà rốt với đường trắng đã chuẩn bị. Đợi trong khoảng 3 – 4 tiếng để đường ngấm hết vào miếng cà rốt
  • Bước 6: Cho cà rốt lên chảo sên với lửa vừa. Khi thấy mứt sôi lên trong chảo khoảng 5 phút, đường sánh lại thì mở lửa ở mức nhỏ nhất. Tranh thủ đảo nhanh tay và liên tục đến khi đường kết tinh, bám vào miếng mứt và khô thì tắt bếp.
  • Bước 7: Sau khi tắt bếp bạn tiếp tục đảo nhẹ cho miếng mứt khô hoàn toàn là được.

Sau khi làm mứt xong, bạn để cho mứt nguội vào bảo quản trong lọ kín. Mứt cà rốt nếu được bảo quản cẩn thận có thể dùng được lâu dài mà không lo bị mốc.

2.4. Cách làm mứt khoai lang dẻo thơm, ngọt bùi

Ý nghĩa của mứt khoai lang ngày Tết

Khoai lang không còn là món ăn xa lạ đối với mỗi người Việt Nam từ xưa đến nay. Đây là thức ăn chứa nhiều chất xơ, tinh bột và các loại vitamin như A, B6, C và mangan tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó trong loại củ này còn chứa rất hàm lượng lớn protein có tác dụng chống lão hóa rất tốt.

Vào những ngày Tết, khi nạp quá nhiều loại thực phẩm, cơ thể sẽ dễ rơi vào tình trạng khó tiêu do có quá nhiều chất béo trong những món ăn. Vì vậy ăn khoai lang hoặc các sản phẩm làm từ khoang lang như mứt khoai lang là một trong những cách giúp cho hệ tiêu hóa của bạn hoạt động tốt hơn.

khoai lang vàng cắt lát
Mứt khoai lang tốt cho hệ tiêu hóa vào những ngày Tết phải nạp nhiều chất béo vào cơ thể. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt khoai lang:

  • 1kg khoai lang
  • 500gam đường trắng
  • Vani
  • Muối
  • 30gam vôi
Cách làm các loại mứt tết ngon khoai lang
Hướng dẫn các bước làm mứt khoai lang vàng thơm ngọt. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt khoai lang dẻo thơm:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Rửa sạch khoai, gọt vỏ bên ngoài và thái thành từng miếng dày khoảng 0,5cm. Sau đó đem khoai ngâm vào một chậu nước muối pha loãng.
  • Pha vôi bột với 1 lít nước, lọc lấy phần nước vôi trong ra một cái chậu. Sau đó cho khoai vào nước vôi trong và ngâm khoảng 4 tiếng.

Bước 2: Rửa sạch khoai

  • Sau 4 tiếng ngâm khoai với nước vôi trong, bạn vớt khoai ra ngoài.
  • Đem khoai đi rửa lại nhiều lần với nước để hết mùi hôi và để khoai ráo nước.

Bước 3: Ướp khoai lang

  • Cho 500gam đường đã chuẩn bị vào khoai lang.
  • Trộn đều và ướp trong khoảng 3 tiếng cho đường tan hết và ngấm vào khoai.

Bước 4: Sên mứt

  • Dùng một chảo sâu lòng bắc lên bếp, sau đó chắt nước đường trong khoai bỏ vào chảo đun với lửa vừa. Khi nước đường có hiện tượng sôi lăn tăn thì cho một ít muối và khoai lang vào.
  • Đảo đều tay cho đến khi thấy đường sánh lại và bám vào miếng khoai thì mở nhỏ lửa. Tiếp tục đảo cho đến khi đường kết tinh và bám vào miếng khoai thì tắt bếp.
  • Cuối cùng, nên đảo nhẹ tay đến khi miếng khoai khô hoàn toàn là được.

Mứt khoai lang vàng ươm, dẻo ngọt nhâm nhi cùng tách trà nóng ngày Tết sẽ giúp không khí trong gia đình thêm ấm áp và sung túc hơn.

2.5. Mứt hạt sen ngọt bùi, thanh mát

Ý nghĩa của mứt hạt sen ngày Tết

Hạt sen mang vị thanh mát, bùi bùi và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đây là một trong những nguyên liệu không thể thiếu khi làm các loại mứt ngày Tết. Mứt hạt sen ngọt vừa, không quá béo và ăn có vị bùi sẽ giúp cho người thưởng thức cảm thấy lạ miệng và thích thú. Theo quan niệm xưa, mứt hạt sen mang ý nghĩa một năm mới sum họp, con cháu đầy nhà. Mứt hạt sen tuy khó mà dễ, chỉ cần bạn thực hiện theo cách làm dưới đây.

hạt sen
Mứt hạt sen thanh mát, ngọt dịu sẽ kích thích vị giác nơi đầu lưỡi và có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt hạt sen:

  • 600gam hạt sen tươi
  • 300gam đường trắng
  • 1 muỗng cà phê Vani
Cách làm các loại mứt tết ngon hạt sen
Các bước làm mứt hạt sen thanh mát. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt hạt sen:

  • Bước 1: Lọc bỏ tâm sen ra ngoài để món mứt không bị đắng. Sau đó đem sen đi rửa sạch, để ráo.
  • Bước 2: Bắc nồi nước lên bếp và cho hạt sen vào luộc đến khi sen vừa chín tới. Sau đó vớt hạt sen ra ngoài và xả qua nước lạnh, rồi ngâm với nước vài phút nữa cho sen nguội hẳn.
  • Bước 3: Vớt sen ra và để ráo nước rồi cho hạt sen cùng đường vào một cái tô, đảo đều. Chờ trong khoảng 1 – 2 tiếng cho đường tan hết và ngấm vào hạt sen.
  • Bước 4: Chắt nước đường trong tô hạt sen vào chảo và bắc lên bếp. Đun sôi nước đường đến khi sánh lại thì cho hạt sen vào đảo nhẹ tay.
  • Bước 5: Sên sen thật nhẹ nhàng, tránh làm vỡ hạt sen. Sau đó cho thêm vani hoặc dầu hoa bưởi vào để tạo mùi thơm cho món mứt.
  • Bước 6: Khi đường bắt đầu sánh lại và kết tinh bám vào hạt sen thì tắt bếp. Đảo nhẹ tay thêm vài phút đến khi hạt sen khô và có lớp trắng bám xung quanh lại là được.

Trong dịp Tết cổ truyền, nhâm nhi những hạt sen bao đường cùng tách trà ấm nóng sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.

2.6. Cách làm mứt vỏ bưởi độc đáo cho ngày Tết

Ý nghĩa của mứt vỏ bưởi

Quả bưởi ngoài những giá trị dinh dưỡng từ những múi bưởi căng mọng, ngọt nước thì vỏ bưởi cũng có nhiều công dụng không kém. Khi ăn bưởi, bạn đừng vội vứt bỏ vỏ bưởi đi vì nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều đấy.

Trong vỏ bưởi có chứa một lượng lớn vitamin C giúp chống lại quá trình lão hóa. Nên từ vỏ bưởi người ta có thể điều chế ra tinh dầu vỏ bưởi dùng để làm đẹp. Ngoài ra, vỏ bưởi cũng có thể được dùng để làm món mứt độc đáo cho những ngày tết Nguyên Đán cận kề. Mứt vỏ bưởi màu xanh mang ý nghĩa là sự khởi đầu cho một năm mới tràn đầy may mắn.

vỏ bưởi
Mứt vỏ bưởi có vị cay cay, the the nồng ấm và màu xanh tươi mát. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt vỏ bưởi thơm ngon, lạ miệng:

  • 500gam vỏ bưởi
  • 300gam đường
  • 1 muỗng muối
  • 1 bát nước vôi trong
cách làm các loại mứt tết ngon vỏ bưởi
Hướng dẫn làm mứt vỏ bưởi dễ ăn, không bị đắng. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt vỏ bưởi:

  • Bước 1: Cắt bớt phần thịt trắng ra khỏi vỏ bưởi rồi sửa sạch, thái sợi khoảng 1cm.
  • Bước 2: Bỏ vỏ bưởi vào một cái tô lớn, cho thêm ít muối rồi bóp vài phút cho vỏ bưởi mềm. Sau đó đem rửa lại với nước, khi rửa nên kết hợp bóp mạnh tay để vỏ bưởi ra hết chất đắng.
  • Bước 3: Ngâm vỏ bưởi trong nước vôi trong khoảng 4 tiếng rồi vớt ra.
  • Bước 4: Luộc vỏ bưởi cùng 1 muỗng cà phê muối khoảng 3 phút. Sau đó vớt ra, thay nồi nước khác để luộc tiếp. Lặp lại khoảng 2 – 3 lần rồi lấy thử một miếng bưởi cắn thử, thấy bớt đắng là được.
  • Bước 5: Sau khi luộc vỏ bưởi, ngâm vào chậu nước lạnh khoảng 5 phút rồi vớt ra, bóp cho ráo nước. Sau đó cho đường vào trộn đều. Để khoảng 4 tiếng cho đường tan và ngấm hoàn toàn vào vỏ bưởi.
  • Bước 6: Bắc chảo lên bếp, cho vỏ bưởi và nước đường vào nấu sôi lên với mức lửa vừa. Đảo đều tay đến khi nước đường cạn bớt thì vặn lửa nhỏ. Tiếp tục đảo đều tay đến khi mứt khô thì tắt bếp. Đảo thêm khoảng 2 – 3 phút nữa cho mứt khô hoàn toàn.

Theo một nghiên cứu, vỏ bưởi có khả năng ức chế các tế bào ung thư và giảm lượng cholesterol xấu trong máu. Vì vậy mứt vỏ bưởi được xem là thực phẩm tốt cho sức khỏe vào dịp Tết này.

2.7. Cách làm mứt gừng ngon nhất

Ý nghĩa món mứt gừng ngày Tết

Vào tiết trời se lạnh đầu năm, mứt gừng được xem là một trong những lựa chọn hoàn hảo. Mứt gừng có vị cay nồng ấm cùng vị ngọt của đường sẽ giúp làm ấm người hiệu quả. Vào ngày Tết, món mứt gừng thường rất được ưa chuộng, nó mang ý nghĩa một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc trong một năm mới. Ngoài ra mứt gừng còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như kích thích tiêu hóa, giảm chứng đầy bụng, khó tiêu khi phải ăn quá nhiều dầu mỡ vào ngày Tết. Hãy cùng bắt tay làm món ăn vừa nhiều ý nghĩa lại tốt cho sức khỏe ngay thôi nào.

gừng khô
Mứt gừng là món mứt yêu thích của đa số những người lớn tuổi. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt gừng:

  • 1kg gừng tươi (chọn gừng bánh tẻ, không quá non cũng không quá già)
  • 1 quả chanh
  • 500gam đường trắng
  • 1 muỗng to muối
Cách làm các loại mứt tết ngon mứt gừng
Các bước làm mứt gừng khô truyền thống. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt gừng truyền thống đơn giản:

Bước 1: Sơ chế gừng

  • Rửa sạch hết lớp đất bám ngoài củ gừng rồi dùng một con dao cạo lớp ngoài củ gừng.
  • Thái gừng thành từng lát mỏng, vừa ăn.
  • Ngâm gừng vào một thau nước pha muối khoảng 30 phút rồi vớt ra, rửa lại nhiều lần với nước sạch.

Bước 2: Luộc gừng

  • Đun sôi một nồi nước rồi cho gừng thái lát vào.
  • Trong khi luộc, vắt chanh vào nồi nước để giảm bớt mùi cay nồng của gừng, đồng thời giúp gừng thêm vàng hơn.
  • Chờ gừng sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp, vớt ra và rửa qua nước lạnh nhiều lần.
  • Tiếp tục luộc gừng thêm 2 – 3 lần nữa.

Bước 3: Ướp gừng

  • Cho đường vào gừng trộn đều và để khoảng 30 phút cho ngấm.

Bước 4: Sên gừng

  • Bắc chảo lên bếp, đổ gừng đã ướp vào chảo sên với lửa vừa và đảo nhẹ tay.
  • Khi thấy nước đường sôi, vặn lửa nhỏ và tiếp tục đảo đều tay.
  • Khi thấy đường khô lại và bám vào miếng gừng thì tắt bếp.

Để tránh mứt gừng bị hỏng, khi sên mứt xong, chờ mứt nguội bạn nên bảo quản thật kỹ trong túi kín. Miếng gừng vàng thanh với những lớp đường trắng bám bên ngoài vô cùng thơm ngon và hấp dẫn. Đây là món mứt không thể thiếu dành cho bố mẹ, ông bà mỗi dịp Tết về.

2.8. Cách làm mứt me chua ngọt dễ ăn

Ý nghĩa của mứt me

Mứt me là một loại mứt mới nhưng nó lại khá phổ biến và được ưa chuộng trong các dịp Tết những năm gần đây. Mứt me có vị chua, ngọt khiến cho người thưởng thức cảm thấy lạ miệng và vô cùng thích thú. Bên cạnh đó trái me còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như phòng ngừa đau họng, điều trị táo bón, đẹp da, ngăn ngừa ung thư… Nếu đã quá chán ngán với những món ăn đầy dầu mỡ, tại sao bạn không thử làm món mứt này để đãi gia đình? Món mứt me chắc chắn sẽ thu hút cả trả em lẫn người lớn khi đến chúc Tết nhà bạn.

me nguyên trái
Mứt me dễ ăn, lạ miệng sẽ rất thu hút người thưởng thức. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt me nguyên trái:

  • 1kg me xanh (nên chọn me tươi, to và da căng)
  • 800gam đường trắng
  • 2gam muối
Cách làm các loại mứt tết ngon mứt me
Hướng dẫn cách làm mứt me chua ngọt. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt me:

  • Bước 1: Ngâm trái me vào chậu nước nóng khoảng 80 độ C để dễ gọt vỏ. Sau đó vớt ra và cạo lớp vỏ ngoài đi.
  • Bước 2: Sau khi me đã bóc vỏ, ngâm vào một chậu nước muối đậm đặc trong khoảng 3 ngày để giảm vị chua của me. Sau thời gian trên, vớt me ra và dùng một con dao rạch một đường thẳng bên hông quả me để lọc bỏ hạt me ra ngoài.
  • Bước 3: Ngâm me trong một thau nước lạnh thêm 1 ngày nữa để giảm bớt vị mặn do ngâm muối trước đó. Tiếp đến vớt me ra và dùng một chiếc nĩa hoặc tăm nhọn chọc nhẹ vào me để me dễ thấm đường hơn.
  • Bước 4: Cho đường, nước vào một cái nồi và đun sôi, quấy đều tay cho đường tan ra. Bỏ me vào nồi nước đường và mở lửa vừa, quấy nhẹ tay khoảng 5 – 6 phút.
  • Bước 5: Vớt me ra một cái vỉ rồi đem phơi nắng vào ban ngày, ban đêm bạn đem vào ngâm với nước đường ở trên. Lặp lại nhiều lần đến khi thấy me vàng và trong hơn là được.
  • Bước 6: Gói me vào giấy bóng kính cho đẹp mắt rồi cất vào lọ kín để bảo quản.

Cách làm mứt me này tuy mất nhiều thời gian nhưng hứa hẹn sẽ là món hấp dẫn trong khay mứt Tết nhà bạn đấy.

2.9. Cách làm mứt tắc (mứt quất, mứt hạnh)

Ý nghĩa của mứt tắc

Tắc là loại quả thường ra hoa kết trái vào đúng dịp tết Nguyên đán. Điều này mang ý nghĩa một năm mới bội thu và đem lại sự may mắn và thịnh vượng cho cả gia đình trong năm mới. Bên cạnh đó màu vàng của mứt tắc còn mang ý nghĩa tiền tài, dự báo một năm làm ăn thuận lợi. Mứt tắc có vị chua của của múi tắc và vị ngọt của đường sẽ tạo cảm giác ngon miệng cho người ăn.

tắc vàng
Mứt tắc hay còn có tên là mứt hạnh, mứt quất là món ăn tượng trưng cho tiền tài và bội thu trong năm mới. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt tắc vàng:

  • 1,4kg tắc
  • 800gam đường trắng
  • 2 lít nước vôi trong
  • 1 muỗng cà phê muối
các bước làm mứt tắc
Hướng dẫn các bước làm mứt tắc vàng. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt tắc:

  • Bước 1: Rửa sạch quả tắc và ngâm nước muối trong khoảng 20 phút rồi rửa lại với nước. Sau đó dùng một con dao khứa quả tắc thành 4 hoặc 5 cạnh để khi sên xong mứt có hình bông hoa rất đẹp. Dùng tay ấn nhẹ hai đầu để lấy nước và hạt trong quả tắc ra. Nếu hạt chưa ra hết, bạn có thể dùng tăm để lấy hạt ra.
  • Bước 2: Ngâm tắc trong nước vôi trong khoảng 18 tiếng rồi vớt ra, xả lại với nước nhiều lần đến khi nước trong và để cho ráo nước.
  • Bước 3: Trộn đều tắc cùng với đường và để trong khoảng 8 tiếng để đường tan hết, ngấm đều vào tắc.
  • Bước 4: Bắc chảo lên bếp cho nóng rồi bỏ phần tắc và đường vào đảo nhẹ tay. 10 phút đảo một lần cho đến khoảng 30 phút.
  • Bước 5: Vớt tắc ra khỏi chảo, chừa lại phần nước đường. Tiếp tục để nước đường trong chảo đun sôi với lửa lớn cho đến khi sánh lại.
  • Bước 6: Cho tắc vào chảo lại và mở lửa nhỏ, tiếp tục đảo đều tay cho đến khi đường khô lại và bám vào tắc rồi tắt bếp. Sau khi mứt nguội, bảo quản trong hộp kín và bỏ tủ lạnh dùng dần.

Mứt tắc không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn có công dụng giải cảm, chữa ho, kích thích tiêu hóa. Có thể dùng quanh năm để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

2.10. Cách làm mứt mãng cầu

Ý nghĩa của mứt mãng cầu vào ngày Tết

Mãng cầu xiêm là một trong những loại quả thường có trong mâm ngũ quả ngày tết. Mãng cầu mang ý nghĩa cầu sự may mắn cho mỗi gia đình. Ngoài việc là một loại trái cây hàng ngày hoặc dùng để giải khát, mãng cầu xiêm còn được dùng để làm mứt trong các ngày Tết cổ truyền.

mãng cầu
Mứt mãng cầu thơm ngon, béo ngây và đẹp mắt. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu và dụng cụ làm mứt mãng cầu:

  • 1 quả mãng cầu xiêm (khoảng 1kg)
  • 500gam đường cát trắng
  • Chảo, thau, giấy bóng kính…
cách làm các loại mứt tết ngon mãng cầu
Các bước làm mứt mãng cầu xiêm. Ảnh: Internet.

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế mãng cầu

  • Rửa sạch quả mãng cầu, để ráo rồi gọt bỏ vỏ và tách hạt ra

Bước 2: Ướp mãng cầu với đường

  • Cho mãng cầu xiêm đã tách hạt vào một cái tô rồi cho đường vào (Cứ 1kg mãng cầu xiêm sẽ cho 500gam đường và có thể điều chỉnh độ ngọt tùy thích).
  • Trộn đều mãng cầu với đường và để trong vòng 2 tiếng cho đường thấm hết vào mãng cầu xiêm

Bước 3: Sên mứt

  • Bắc chảo lên bếp cho nóng rồi cho mãng cầu ướp đường vào sên. Chú ý đảo đều và nhẹ tay đến khi mãng cầu mịn là được.
  • Sên mứt trong khoảng 40 phút thì tắt bếp

Bước 4: Gói mứt

  • Mứt mãng cầu xiêm sau khi sên xong thì để nguội hoàn toàn. Sau đó cắt giấy kính thành nhiều tờ có kích thước 5×10 (cm) và gói mãng cầu vào. Chú ý xoắn hai đầu viên mứt lại thành hình kẹo là được.

Vậy là bạn đã hoàn thành món mứt mãng cầu siêu đơn giản này rồi. Nên bảo quản trong tủ lạnh, hạn sử dụng của mứt có thể được khoảng 1 – 2 tháng.

2.11. Cách làm mứt lạc

Ý nghĩa của mứt lạc trứng chim

Lạc hay còn gọi là đậu phộng là một loại hạt rất tốt cho sức khỏe. Không chỉ là một món ăn vặt đơn thuần, hạt lạc còn có tác dụng cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể, chống lão hóa và rất nhiều công dụng khác…  Người ta thường sử dụng lạc để làm mứt lạc trứng chim trong dịp tết Nguyên đán.

Đây là món yêu thích của nhiều trẻ em và là một món ăn gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Mứt lạc trứng chim mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trường thọ, dồi dào sức khỏe trong năm mới. Để tìm lại hương vị tuổi thơ, Tết năm nay bạn hãy thử bắt tay làm món mứt quen thuộc này nhé.

kẹo trứng chim
Mứt lạc hay còn được gọi là mứt trứng chim là món yêu thích của nhiều trẻ em. Ảnh: Internet.

Nguyên liệu làm mứt lạc:

  • 300gam hạt lạc
  • 300gam đường trắng
  • 100gam bột nếp
cách làm các loại mứt tết ngon mứt lạc
Các bước làm mứt lạc trứng chim. Ảnh: Internet.

Cách làm mứt lạc trứng chim:

  • Bước 1: Rang lạc trên chảo đến khi chín thì tắt bếp và đổ ra chén
  • Bước 2: Rang bột nếp trên chảo cho chín, chú ý rang sao cho bột không bị cháy vàng khi làm mứt sẽ không đẹp.
  • Bước 3: Bắc chảo không lên bếp, cho thêm 100ml nước vào chảo. Sau đó cho vào chảo 300gam đường, khuấy đều tay.
  • Bước 4: Khi đường trong chảo sánh lại bạn cho lạc vào sên với đường.
  • Bước 5: Rắc bột nếp lên khắp chảo để bột bám xung quanh từng hạt lạc. Cuối cùng, cho lạc vào một cái rây rắc cho vụn bột rơi ra hết là xong.

Với vài bước đơn giản, bạn đã hoàn thành món món mứt lạc trứng chim tuổi thơ rồi. Đây là món ăn lạ mắt, thu hút nhiều trẻ em và là một món ăn tuổi thơ không thể quên của mỗi người.

3. Kết luận

Mứt Tết là món ăn không thể thiếu trong khay bánh kẹo của mỗi gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta cần được lưu giữ và truyền đạt lại cho các thế hệ mai sau. Nếu bạn là một người trẻ hiện đại, tại sao bạn không thử một lần tự tay làm nên một món ăn mang đậm bản sắc dân tộc này? Hi vọng cách làm các loại mứt Tết ngon mà chúng tôi giới thiệu trên đây sẽ giúp cho bạn trổ tài khéo tay của mình cho cả gia đình cùng thưởng thức. Với những bước đơn giản cùng nguyên liệu dễ tìm, bạn có thể dễ dàng làm nên những món mứt thơm ngon trong chính căn bếp của gia đình mình rồi.

Hồng Ngọc tổng hợp