1. Bệnh thủy đậu là gì?

Thủy đậu là một loại bệnh truyền nhiễm ở da do virus Varicella Zoster (VZV) gây nên. Biểu hiện ban đầu của bệnh chỉ là các mụn nước trên da và niêm mạc, sau đó cơ thể sẽ sốt cao, suy nhược và  mệt mỏi. Thủy đậu có tốc độ lây lan khá nhanh, truyền nhiễm trực tiếp từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời.

Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn sau 1 – 2 tuần nếu được điều trị và chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, nếu không được phát hiệu và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi.

bệnh thủy đậu
Thủy đậu là một loại bệnh truyền nhiễm ở da do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Ảnh Internet

Cơ thể sẽ tự tạo miễn dịch với bệnh, vì thế những người đã từng bị thủy đậu rất hiếm khi tái phát bệnh trở lại. Tuy nhiên, virus Varicella Zoster (VZV) sẽ xâm nhập, tồn tại ở hệ thống rễ dây thần kinh và tái hoạt động gây bệnh zona khi hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh thủy đậu hay còn được gọi là bệnh phỏng dạ là một bệnh truyền nhiễm thường gặp trên người. Bệnh này do một chủng virus herpes là Varicella Zoster virus (VZV) gây ra và chiếm trên 90% đối với người chưa tiêm phòng vacxin.

Bệnh rất dễ lây lan từ người bệnh sang người lành, đặc biệt là khi người bệnh nói, hắt hơi, chảy nước mũi… Vi khuẩn theo đó bắn ra ngoài và người lành hít phải sẽ bị lây bệnh. Thông thường thời gian từ lúc nhiễm phải vi khuẩn đến lúc phát bệnh khoảng 2 tuần.

nguyên nhân gây bệnh thủy đậu
Virus Varicella Zoster là “thủ phạm” gây ra bệnh thủy đậu. Ảnh Internet

3. Triệu chứng của thủy đậu qua từng giai đoạn

Thông thường, bệnh thủy đậu có 4 giai đoạn phát triển, ở mỗi giai đoạn sẽ có các dấu hiệu khác nhau. Cụ thể:

3.1. Giai đoạn ủ bệnh

Đây là giai đoạn nhiễm virus, thời kỳ virus trong người và phát bệnh. Giai đoạn này kéo dài từ 10 – 20 ngày. Người mắc bệnh sẽ không có bất kỳ dấu hiệu gì và rất khó để nhận biết.

3.2. Giai đoạn khởi phát (phát bệnh)

Thời điểm phát bệnh sẽ đi kèm với những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi. Cơ thể bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 – 48 giờ đầu. Một số bệnh nhân còn có hạch sau tai, kèm theo viêm họng.

giai đoạn khởi phát thủy đậu
Ở giai đoạn khởi phát, người bệnh bắt đầu nổi ban đỏ, sốt và mệt mỏi. Ảnh Internet

3.3. Giai đoạn toàn phát

Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau các cơ. Những nốt ban đỏ bắt đầu hình thành nên những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 – 3 mm. Các mụn nước này gây ngứa và rát, rất khó chịu cho người bệnh. Và chúng xuất hiện ở toàn thân, mọc kín trên cơ thể và ở cả niêm mạc miệng gây khó khăn trong việc ăn uống.

giai đoạn toàn phát
Giai đoạn toàn phát các nốt mụn nước này xuất hiện toàn thân. Ảnh Internet

Một số trường hợp thủy đậu, người bệnh còn bị nhiễm trùng mụn nước. Lúc này, chúng sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ.

3.4. Giai đoạn hồi phục

Sau 7 – 10 ngày phát bệnh thủy đậu, nếu không có biến chứng hay nhiễm trùng xảy ra, các mụn nước này sẽ vỡ, khô lại, bong vảy và dần hồi phục.

Thời gian phục hồi ở giai đoạn này sẽ kéo dài từ 3 – 4 ngày, vị trí da bị nổi mụn nước sau khi bong vảy sẽ bị thâm sạm. Vì vậy, người bệnh nên sử dụng một số loại thuốc bôi ngoài da để hạn chế để lại sẹo thâm, sẹo rỗ trên da.

Lưu ý: Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc bôi nào.

Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn hồi phục các mụn nước đóng vảy và bắt đầu khô lại. Ảnh Internet

4. Biến chứng của bệnh thủy đậu

Tuy là căn bệnh lành tính nhưng bệnh thủy đậu vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Những biến chứng thường gặp của bệnh thủy đậu gồm có:

  • Nhiễm trùng, gây lở loét: Các vết mụn nước sau khi vỡ, gây chảy máu bên trong. Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do không kiêng giữ được như dùng tay để gãi ngứa.
  • Gây viêm não, viêm màng não (xuất hiện sau 1 tuần mọc mụn nước): Là biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, tuy nhiên người lớn dễ gặp phải biến chứng này hơn. Các triệu chứng đi kèm gồm
    sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
  • Viêm phổi thủy đậu: Biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 – 5 sau khi phát bệnh. Biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, khó thở và tức ngực.
  • Gây viêm thận, viêm cầu thận cấp: Các triệu chứng của biến chứng này là tiểu ra máu và suy thận.
  • Lây nhiễm nguy hiểm ở phụ nữ mang thai: nếu bị thủy đậu 5 ngày trước khi sinh hoặc 2 ngày sau khi sinh có thể lây nhiễm thủy đậu từ mẹ sang con, bé có thể bị khuyết tật hoặc tử vong.
  • Gây viêm tai giữa, viêm thanh quản: Do các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này gây lở loét, nhiễm trùng gây sưng tấy.
viêm phổi
Nếu không phòng chống kĩ có thể gây ra một số biến chứng như viêm phổi thủy đậu. Ảnh Internet

5. Cách điều trị và phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả

Bệnh thủy đậu hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, song người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng cách tuân thủ theo sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Riêng một số trường hợp nếu có dấu hiệu viêm nhiễm ở các mụn nước, bệnh nhân cần được điều trị nội trụ tại bệnh viện để theo dõi và có cách xử lý phù hợp.

Để điều trị nhanh khỏi và không để lại sẹo, người bệnh cần kết hợp chăm sóc tại nhà và điều trị thuốc như sau:

5.1. Chăm sóc tại nhà

  • Bệnh nhân cần mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước và cần hạn chế ra gió nhiều.
  • Không được gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc dùng nước quá nóng.
  • Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám chữa kịp thời.
  • Cần chủ động cách ly tránh gây lây truyền bệnh sang cho người khác.
bệnh thủy đậu
Nên để bệnh nhân mắc thủy đậu nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát. Ảnh Internet

Chú ý, để tránh xảy ra những biến chứng không đáng có, người bệnh cần:

  • Người bệnh không nên tự ý dùng các loại lá cây… bôi đắp lên nốt phỏng.
  • Không tự ý dùng thuốc uống hay bôi lên da nếu không có chỉ định của bác sỹ.

5.2. Điều trị bằng thuốc

  • Với các nốt mụn nước trên cơ thể, bạn có thể dùng thuốc tím để bôi lên nốt mụn nước nhằm kháng viêm và ngăn ngừa vết sẹo hình thành.
  • Khi mụn nước bị vỡ ra, có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ.
  • Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
điều trị thuốc
Khi bóng nước vỡ sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Ảnh Internet

5.3. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu

Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, bạn hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định. Lịch tiêm gồm:

  • Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
  • Mũi 2: Trẻ từ 1 – 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
tiêm vacxin để ngăn ngừa thủy đậu
Tiêm Vacxin để ngăn ngừa thủy đậu cho trẻ. Ảnh Internet

Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm ngừa vắc xin thủy đậu, cần phải tiêm chủng ngừa trong vòng 3 ngày sau đó. Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu. Người bệnh cần được cách ly với người thân cũng như cộng đồng, để tránh lây nhiễm bệnh rộng rãi.

6. Người bị bệnh thủy đậu nên và không nên ăn gì?

6.1. Những thực phẩm người mắc bệnh thủy đậu nên ăn

  • Người bệnh cần bổ sung nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin và khoáng chất trong các bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, các loại rau củ quả dồi dào vitamin A, vitamin C, bio-flavonoid như cà rốt, dưa chuột, bông cải…
  • Thực phẩm giàu kẽm, magie, canxi như ngũ cốc nguyên hạt, mầm lúa mì, rau chân vịt, nấm, các loại hạt, yến mạch, hạt bí ngô, socola đen…
  • Nên ăn các món ăn thanh đạm, thức ăn dạng lỏng, mềm dễ tiêu hóa như cháo, soup: cháo đậu xanh, cháo gạo lứt, cháo tiểu mạch, cháo củ năng…
  • Uống đủ nước mỗi ngày. Nên bổ sung thêm các loại nước ép trái cây để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
rau củ
Người mắc thủy đậu nên bổ sung nhiều rau xanh. Ảnh Internet

6.2. Những thực phẩm người mắc bệnh thủy đậu nên kiêng ăn

  • Người bệnh nên kiêng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng như ớt, gừng, tiêu, mù tạt, tỏi, hành tây… hoặc những thực phẩm quá mặn gây nhiệt miệng, đau họng.
  • Các thực phẩm chứa chất béo bão hòa như thịt, sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai, yogurt có thể sưng viêm và khiến mụn đỏ xuất hiện lâu hơn.
  • Các loại thịt có tính ấm, nóng như thịt gà, thịt chó có thể tăng nguy cơ bội nhiễm.
  • Hải sản chứa nhiều histamine sẽ gây dị ứng, ngứa.
  • Cam, chanh, cà phê, socola là những thực phẩm giàu axit, gây sưng tấy, tổn thương ở vùng da nổi mụn nước.
  • Các món ăn từ nếp như: xôi, bánh chưng … sẽ gây ngứa và lâu lành ở những vết mụn nước.
  • Tránh ăn các thực phẩm có hàm lượng arginine cao như đậu phộng, các loại hạt, nho khô …
  • Nhục quế là thực phẩm kỵ nhất khi bị bệnh thủy đậu, bởi nhục quế có tính đại nhiệt, ôn nhiệt trợ hỏa, tổn hại âm chất, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Trên đây là những chia sẻ về căn bệnh thủy đậu rất mong mọi người quan tâm và tìm hiểu. Để phòng tránh bệnh và các biến chứng không đáng có, chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa, tiêm chủng, đặc biệt là cho trẻ em. Hãy theo dõi thêm nhiều bài viết mới lạ về chủ đề sức khỏe, cách làm đẹp, mẹo hay trong chuyên mục Phụ nữ của Topnews.com.vn nhé.

Gia Vĩ tổng hợp