Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Tiến ở H.Chương Mỹ, Hà Nội, ngày 12/10, gia đình đưa bé Nguyễn Hoàng Bảo A. (sinh ngày 2/1/2015, Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương do bé khóc nhiều, dụi mắt liên tục, mắt trái đỏ, có đốm vàng trong con ngươi.
Bé Nguyễn Hoàng Bảo A - Ảnh: Vnexpress
Tại BV Mắt Trung ương, bé A. được xếp khám tại phòng E402. Sau khi thăm khám, bác sĩ (BS) Diệu Linh yêu cầu gia đình đưa bé sang phòng E404. Tại phòng E404, BS Nguyễn Thị Thu Thủy khám và kết luận: bé bị viêm giác mạc và kê đơn thuốc nhỏ mắt, hẹn tái khám sau năm ngày.
Bệnh nhi được tra thuốc theo hướng dẫn nhưng tình trạng không cải thiện, thậm chí mắt trái còn sưng tấy. Chưa hết năm ngày dùng thuốc, gia đình đưa bé A. quay lại BV Mắt Trung ương. Tại phòng khám H204, BS chẩn đoán bé bị viêm nội nhãn - bệnh lý rất nguy kịch, mắt có nhiều mủ. Bé A. được chuyển vào phòng cấp cứu. Trải qua ba lần phẫu thuật, BS thông báo mắt trái cháu đã hỏng hoàn toàn, không thể giữ được.
Gia đình anh Tiến yêu cầu BV làm rõ quy trình khám và điều trị cho bé A.; bệnh viêm nội nhãn có điều trị được không? Thời gian ủ bệnh bao lâu? Đồng thời gia đình đề nghị làm rõ trách nhiệm của các BS.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với báo chí, BS Minh Anh, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp, BV Mắt Trung ương cho biết: "Viêm giác mạc và viêm nội nhãn là hai bệnh khác nhau, một là tổn thương ở bên ngoài còn trường hợp kia là tổn thương từ bên trong. Không có chuyện BS chẩn đoán sai trong trường hợp con anh Tiến".
Nói thêm về quy trình khám bệnh, BS Minh Anh cho rằng: "Khi vào BV, bé A. được BS Diệu Linh, khoa Đáy mắt - màng bồ đào (nơi điều trị bệnh viêm nội nhãn) khám. Vì thấy tổn thương trên giác mạc, không thuộc lĩnh vực chuyên môn khám chính của mình nên BS Diệu Linh chuyển bệnh nhi sang phòng khám của BS Nguyễn Thị Thu Thủy".
Theo BS Thủy, tại thời điểm thăm khám cho bệnh nhi A. không thấy tổn thương nội nhãn mà chỉ phát hiện tổn thương ở giác mạc. Nếu có viêm nội nhãn ngay từ đầu thì việc chẩn đoán không khó.
Tại sao không phát hiện ra bệnh sớm cho bệnh nhi? BS Minh Anh cho rằng: "Có thể bệnh nhi mắc hai bệnh ở hai thời điểm khác nhau, bệnh viêm nội nhãn xuất hiện sau. Viêm nội nhãn là tình trạng viêm tổ chức bên trong nhãn cầu, gây hoại tử các tổ chức này, dẫn đến hình thành mủ.
Đây là bệnh lý hết sức nặng nề và nguy kịch. Bệnh có thể gây mất thị lực trầm trọng cho khoảng 20% bệnh nhân, chỉ có khoảng 55% đạt được thị lực 1/10 hoặc kém hơn, với điều kiện được điều trị kịp thời, toàn diện".
Như vậy, vì sao bệnh nhi bị viêm nội nhãn mà BS không thể chẩn đoán ra vẫn là câu hỏi chưa được giải thích rõ ràng.
Theo PNO