Vì sao trẻ dưới 3 tuổi hay nhõng nhẽo, khóc đòi bế mỗi khi thấy mẹ?

Đây chắc hẳn là băn khoăn của rất nhiều bà mẹ bỉm sữa, vì sao khi ở cùng bố hay ông bà, đi học trẻ rất ngoan, nhưng khi gặp mẹ trẻ ngay lập tức nhõng nhẽo, mè nheo, khóc lóc…?

banner ads

Cùng tìm hiểu sự thú vị này nhé.

1. Vì sao trẻ hay nhõng nhẽo khi gặp mẹ?

tre me nheo
Trẻ thường có xu hướng nhõng nhẽo khi gặp mẹ

Theo các chuyên gia, trẻ từ 11 tháng – 3 tuổi thường có xu hướng nhõng nhẽo khi gặp mẹ mặc dù trước đó, trẻ ở nhà rất ngoan. Tuy nhiên, chỉ cần mẹ bước qua cánh cửa vào nhà, lập tức trẻ sẽ “bắt sóng” thấy mẹ và khóc lóc, đòi ôm hôn, cưng nựng, nhõng nhẽo ngay.

Lý giải hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân cho việc nhõng nhẽo mẹ là do não trẻ đang chuyển sang một giai đoạn độc lập và tự điều chỉnh hành vi.

Điều này có nghĩa rằng, trẻ hoàn toàn có thể vui chơi, tự lập mà không cần mẹ ở bên. Tuy nhiên, một phần não bộ của trẻ vẫn lưu lại những ký ức “tuyệt vời” về người mẹ như khi mẹ tắm cho trẻ, mẹ cho trẻ bú, cho trẻ ăn, âu yếm trẻ… những ký ức này ngay lập tức sẽ “xâm chiếm” vùng não còn lại khi trẻ nhìn thấy hình ảnh của mẹ trở về nhà. Vì vậy, trẻ bỗng nhiên sẽ nhớ tới những cảm xúc mẹ dành cho trẻ và những cảm xúc này trở lên to hơn, lớn hơn trong não bộ trẻ, đó là lí do trẻ sẽ đòi mẹ phải âu yếm, cưng nựng trẻ ngay lập tức. Đồng thời, mẹ cũng chính là “vùng an toàn cảm xúc” đối với trẻ. Trẻ đã giữ những cảm xúc bực bội, khó chịu suốt cả ngày, khi gặp mẹ, trẻ muốn được “xả” hết tất cả những cảm xúc đó, muốn được mẹ yêu thương vỗ về. Điều này nghe có vẻ gây phiền hà cho mẹ, nhưng thực sự đó là những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa trong hành trình làm mẹ.

Cũng theo các chuyên gia tâm lý, đây là quá trình phát triển hoàn toàn bình thường khi trẻ dưới 3 tuổi vì độ tuổi này, song song với việc phát triển và hình thành tính cách độc lập, não bộ trẻ vẫn phát triển phần cảm xúc và điều chỉnh hành vi cảm xúc.

2. Tác hại của việc trẻ nhõng nhẽo quá nhiều

Nhõng nhẽo là một phần tính cách của bất kỳ đứa trẻ nào và tùy theo từng tính cách của trẻ, có trẻ nhõng nhẽo nhiều, có trẻ nhõng nhẽo ít. Tuy nhiên, mặt trái của điều này là trẻ sẽ khó học được tính cách độc lập và tự chủ trong cuộc sống nếu cha mẹ xử lý không đúng cách. Điều này cũng khiến trẻ dễ rơi vào ma trận cảm xúc và không tự điều chỉnh được hành vi cảm xúc của mình.

Ngoài ra, nếu trẻ nhõng nhẽo quá lâu, quá trình hình thành tính độc lập của trẻ sẽ bị trì hoãn, điều này hoàn toàn không tốt cho sự phát triển tính cách lâu dài của trẻ.

3. Cha mẹ nên cử xử thế nào với hành vi nhõng nhẽo ở trẻ?

tre khoc loc
Cha mẹ nên khéo léo xử lý hành vi nhõng nhẽo này ở trẻ

Việc trẻ nhõng nhẽo nhiều, quá lâu, thậm chí khi trẻ 7 – 8 tuổi vẫn nhõng nhẽo là do cha mẹ chưa cử xử đúng cách với trẻ như chiều theo ý thích của trẻ, chấp nhận sự nhõng nhẽo ở trẻ và không uốn nắn trẻ ngay khi trẻ còn nhỏ.

Để hạn chế tình trạng nhõng nhẽo ở trẻ, cha mẹ nên chủ động điều chỉnh cảm xúc của trẻ thay vì bị trẻ điều chỉnh cảm xúc của mình bằng cách:

- Ngay khi gặp trẻ, cha mẹ hãy chủ động ngay lập tức tới nói chuyện và hỏi han trẻ hoặc kéo sự chú ý của trẻ sang những hoạt động vui chơi khác. Hầu hết các bậc cha mẹ thường để trẻ khóc lóc, mè nheo đòi bế mới tới bắt chuyện với trẻ, điều này khiến trẻ hiểu rằng, chỉ cần trẻ khóc lóc thì sẽ được quan tâm.

- Sau khi nói chuyện với trẻ (hỏi han trẻ ở nhà vui không, làm được những gì…), quá trình này chỉ cần diễn ra khoảng 6 – 10 phút. Sau đó, mẹ có thể cho trẻ đi tắm, thay quần áo hoặc chơi cùng trẻ. Trong khoảng thời gian 6 – 10 phút, cha mẹ đang điều chỉnh hành vi cảm xúc của trẻ, giúp trẻ luôn cảm thấy an toàn và không cần phải khóc lóc cũng được mẹ yêu thương, đồng thời xây dựng tính độc lập của trẻ và giúp trẻ điều chỉnh hành vi cảm xúc của mình.

- Khi trẻ đòi bất kỳ điều gì, thay vì quát mắng trẻ hãy kiên nhẫn giải thích cho trẻ, và nếu mẹ nói không mua cho trẻ thì tuyệt đối không mua. Nếu trẻ khóc lóc, ăn vạ hãy lờ trẻ đi. Nhiều cha mẹ than phiền đau đầu vì tiếng khóc của trẻ hoặc sợ hãi khi trẻ khóc tím tái người hay ngại với mọi người xung quanh nên chiều theo yêu cầu của trẻ  - chính điều này khiến trẻ luôn nghĩ rằng, khi trẻ đòi hỏi điều gì, trẻ chỉ cần khóc, ăn vạ là được.

Theo các chuyên gia tâm lý, dưới 3 tuổi trẻ nhõng nhẽo là bình thường, nhưng ở độ tuổi lớn hơn, sự nhõng nhẽo kéo dài là do cha mẹ không biết cách xử lý tình huống sao cho hợp lý. Do đó, ngoài sự kiên trì trong việc giáo dục con, cha mẹ cần phải cứng rắn để dạy trẻ nên người.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Đã có 4 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI