Ta không xứng là "má Tư"

Con kêu ta là “má Tư”, theo cách gọi phổ biến người dân vùng đất ấy, nơi ta đã gặp và hứa giúp đỡ con học hành, công việc, dù thực sự, tuổi ta không đủ để sinh ra con. Và hôm nay, khi con đã rời khỏi ta, ta mới chợt nhận ra rằng, mình chưa xứng đáng với tiếng “má” mà con đã thật lòng xưng hô ấy…

banner ads

Ta mở cửa bước vào, bếp núc lạnh tanh, việc nhà bừa bộn. Theo thói quen, ta buột miệng kêu tên con bằng chất giọng có phần cáu bẳn, xong mới chợt nhớ ra, con đã đi rồi. Gần mười năm được con phụ đỡ, ta hầu như chẳng phải mó tay vào việc gì, để giờ đối mặt với vô số chuyện không tên sau giờ tan sở, ta mới nhận ra mình khổ sở và mỏi mệt biết chừng nào.

Hồi ấy, con học xong phổ thông, lên đây thi đại học. Sẵn mối quan hệ bạn bè xưa cũ, ta cho con ở nhờ, nuôi cơm, sẵn tiện con phụ ta rửa chén, quét nhà. Ta xin cho con làm một công việc bán thời gian, lòng thầm cho mình cái quyền đã “ban ơn”, và con có nhiệm vụ phải báo đáp. Bằng cách quán xuyến nhà cửa, chăm bẵm hai đứa trẻ. Có món gì ngon, ta dặn, phần cho em. Em lỡ va vấp té ngã hay biếng ăn, ấm sốt, là con bị la rầy. Có vẻ như biết thân biết phận của mình, nên con luôn nhường em, phần cho má Tư những gì ngon nhất.

5780-status-buon377-1.jpg

Mười năm, con từ cô gái đôi mươi đã trở thành phụ nữ...

Mười năm, con từ một cô gái mười tám đôi mươi vụng dại, đã trở thành một phụ nữ nhạy cảm với chữ “ế”, trải qua vài mối tình dấm dớ không đến đâu. Từng ấy tuổi rồi, con chẳng sở hữu cái gì riêng, không tài sản, chưa gia đình, nghề nghiệp chuyên môn càng không có. Cũng có đôi lần, ta nghĩ đến điều đó, thấy thương con và muốn bù đắp, nhưng rồi lần lữa mãi, càng không đủ một tấm lòng để cương quyết làm gì đó cho con. Thời buổi này, kiếm người giúp việc đâu có dễ! Đồng nghiệp của ta vẫn thường rỉ tai nhau như thế. Nên tự dưng, có một đứa con biết rõ gốc gác, tin cậy và hiểu việc trong nhà, ngu gì mà không giữ cơ chứ! Ta cứ dỗ ngọt con mãi, khi vài lần con ngỏ ý muốn đi làm, hoặc trở về quê sinh sống. Má Tư và hai em thương con như vậy, đối đãi với con chỗ nào không tốt, mà con còn chẳng ưng lòng? Trước câu hỏi khó trả lời ấy, con cười thật hiền, phảng phất một chút buồn thì phải.

Số tiền hàng tháng ta cho, con chắt bóp gởi về cho cha mẹ ruột. Ta vin vào đó để mà bực bội mỗi khi cơm canh chẳng vừa miệng, hay con lỡ bê trễ việc nhà. Ta vốn không định coi con là “người ở”, danh từ mà lúc xin phép bước đi, con đã rơi nước mắt nói ra. Nhưng chính cách đối xử có phần vô tâm, mà bản thân ta cũng biết nhưng không sửa được, thậm chí ngày càng “lên đô” ấy, đã khiến con bị tổn thương mất rồi…

Má Tư ơi, con chẳng qua chỉ là đứa ở trong nhà… Câu nói ấy làm ta giật mình. Ừ thì, má Tư đã vô tình với con nhiều quá, đã không chăm lo được gì cho con như từng hứa hẹn. Ta đã thờ ơ không nhận ra, con cũng cần được trò chuyện, được chia sẻ, được quan tâm, được chăm sóc… chứ không phải chỉ để ta dặn dò con nấu món này hay món khác, chiều nhớ đón em sớm một tý, đừng quên quét dọn cái ban công phía sau… chẳng hạn. Ta cũng không nhớ ra, thời gian chẳng chờ đợi con, và cái tuổi nó đuổi xuân đi, con không có được hạnh phúc riêng, những năm tháng đẹp nhất con đã hết lòng dành cho ta và lũ em vốn chẳng ruột thịt. Để giờ, ta tự lấy làm hổ thẹn, cảm giác như má Tư đã lợi dụng con, đã đối xử thiếu công bằng với con mất rồi.

Con bỏ đi đã mấy ngày, sau một lần ta nóng giận vì những nguyên nhân ngoài đường, ta trút lên đầu con. Có lẽ, sự chịu đựng của con cũng đã quá nhiều để có thể chịu đựng thêm. Giờ đây má Tư biết phải làm sao đây để nói được lời xin lỗi và chuộc lại tuổi xuân mà con đã uổng phí…

Theo PNO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI