Phút trải lòng của một ông bố đơn thân

Lỗi là chúng tôi quá trẻ để biết cách xử lý các tình huống khác nhau. Tôi không hiểu cuộc sống của một người phụ nữ có chồng, nuôi con và làm việc nhà như thế nào. Và tôi mải kiếm tiền với suy nghĩ: Đàn ông cần chăm sóc kinh tế gia đình tốt là được.

banner ads

Là một ông bố đơn thân đúng nghĩa, anh Hoàng Mạnh Hưng (36 tuổi) đã nếm trải đủ mọi vất vả, cơ cực của người đàn ông phải nuôi con một mình. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh này, anh đã nhận ra vai trò thực sự của vợ trong gia đình. Mặc dù điều đó không giúp anh hàn gắn lại cuộc hôn nhân đã tan vỡ, nhưng nó giúp anh hiểu được mỗi người đều có những vai trò, vị trí riêng trong hôn nhân mà không thể thay thế cho nhau.

Anh sống cảnh gà trống nuôi con được bao nhiêu năm rồi?

Sắp được 6 năm rồi cô ạ!

Nói vui, tôi không hỏi anh để anh tâm sự và “lợi dụng” vai trò để chia sẻ và tiếp cận anh. Nhưng nói thật là thế này: Cảm giác của một người bố đơn thân nuôi con là thế nào? Những vất vả, chật vật mà anh phải chịu gần 6 năm qua thế nào?

Đàn ông đa số không nghĩ họ sẽ nuôi con một mình. Tôi cũng vậy. Hoàn cảnh bất đắc dĩ tôi mới phải nuôi con một mình. Xin cô đừng hiểu lầm mà tôi lại phải giải thích. Mọi ông bố đều rất yêu con nhưng những kỹ năng chăm sóc một đứa trẻ của đàn ông không tốt bằng phụ nữ.

Giống như phụ nữ nuôi con một mình sẽ phải làm vai trò của cả một người mẹ và một người bố, đàn ông cũng vậy. Trách nhiệm mới của người đàn ông trong vai trò của người mẹ khó khăn không kém gì trách nhiệm của người phụ nữ trong vai trò của một người bố. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi vợ để con lại cho tôi.

1327-trai-long-cua-ong-bo-don-than1-0135.jpg

Mọi ông bố đều rất yêu con nhưng kỹ năng chăm sóc một đứa trẻ của đàn ông không tốt bằng phụ nữ. Ảnh minh họa

Ban đầu là học cách gần gũi con. Lúc đó con tôi được 3 tuổi, cháu bắt đầu tuổi nhận thức và học hỏi mọi thứ rất nhanh. Tôi ngoài cú sốc không có vợ bên cạnh, còn phải ổn định tinh thần để làm việc lo kinh tế cho gia đình. Nói thật, lúc đó tôi mới ngượng nghịu học cách chăm con từng li từng tí một.

Từ việc lo cho cháu ăn, lo giấc ngủ, chơi với cháu, tắm táp cho cháu,… Tôi cứ xoay ra xoay vào với những việc đó. Đi làm mà đầu óc tôi lúc nào cũng lo ngay ngáy việc ở nhà, lo con đi học, lo đón con, lo cơm nước. Phải hơn 3 tháng tôi mới lập được một trật tự cho cuộc sống mới của mình và của con.

Có những việc tôi chưa bao giờ được rèn luyện thì giờ phải làm. Có những lúc, tôi nói thật, tôi cứ vừa làm vừa sợ gây những tai nạn nho nhỏ cho con. Đầu óc tôi tập trung cao độ. Tôi hỏi người này, hỏi người kia các việc đơn giản trong nhà, rồi tìm kiếm trên mạng những kiến thức liên quan. Nói chung là vừa khổ, vừa buồn cười.

Anh có buồn không?

Làm bố đơn thân không có thời gian mà buồn. Những mệt mỏi trong công việc không tránh khỏi. Tuy nhiên, về nhà, giải quyết những việc nho nhỏ, chăm con, dạy con những điều cơ bản trong cuộc sống khiến mình cũng hết thời gian để nghĩ những việc lung tung khác.

Có điều, tôi thấy cuộc sống thay đổi 360 độ. Trước đây, thanh niên và thời mình mới lập gia đình, vẫn còn vợ bên cạnh, lúc nào mệt mỏi mình có thể đi xả stress với bạn bè. Mình có những buổi la cà, café, chơi nhiều trò vì mình yên tâm ở nhà đã có vợ lo việc nhà rồi. Đến khi phải nuôi con một mình mới thấy giá trị của cuộc sống gia đình. Nhưng như thế đủ muộn nhiều thứ rồi…

Vậy việc chị ấy bỏ đi là có lỗi của anh?

Lỗi của cả hai người. Lỗi là chúng tôi quá trẻ để biết cách xử lý các tình huống khác nhau. Tôi không hiểu cuộc sống của một người phụ nữ có chồng, nuôi con và làm việc nhà như thế nào. Và tôi mải kiếm tiền với suy nghĩ: Đàn ông cần chăm sóc kinh tế gia đình tốt là được.

Đối với vợ tôi, cô ấy suốt ngày ca thán tôi không có trách nhiệm với gia đình. Cô ấy lôi tôi vào những cuộc cãi vã mà tôi không muốn và gây cho tôi những căng thẳng, mệt mỏi vô cùng sau những áp lực của công việc và các mối q uan hệ ngoài xã hội. Tôi cảm giác cô ấy đẩy tôi ra xa cuộc sống, suy nghĩ của cô ấy.

Chúng tôi không dung hòa được. Cô ấy cần người chăm sóc, tôi vẫn chăm sóc cô ấy nhưng không phải theo cách cô ấy muốn. Còn tôi muốn cô ấy là người phụ nữ biết điều và nhìn nhận đúng giá trị những cố gắng của tôi. Chúng tôi cứ thế ngấm ngầm những suy nghĩ riêng.

Một ngày, cô ấy tuyên bố với tôi: Cô ấy đã suy nghĩ rất kỹ và cô ấy muốn li hôn, cô ấy cần một cuộc sống mới. Trong quá trình chúng tôi mâu thuẫn, cô ấy đã tìm được người chia sẻ và cô ấy sẽ đến với người đó. Tôi giật mình, đau khổ. Nhưng với tự trọng của một người đàn ông, tôi không thể níu kéo một người phụ nữ đã muốn sống với một người đàn ông khác. Tôi hiểu rằng có giữ cũng không được.

Và cô ấy đi, để lại cho tôi đứa con gái 3 tuổi. Nói cô ấy để lại cũng hơi quá, là do tôi đề nghị được nuôi con. Vì dù sao tôi cũng chưa có ý định với người phụ nữ nào, còn cô ấy sẽ sống với một người đàn ông khác. Tôi tin cuộc sống mới của cô ấy sẽ gặp khó khăn, cản trở nếu có đứa con bên cạnh. Và tôi sợ con mình sẽ phải chịu thiệt thòi, đau khổ.

1326-trai-long-cua-ong-bo-don-than2-0135.jpg

Cả hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, kết quả mỗi người đi mỗi ngã. Ảnh minh họa

Anh có trách chị ấy không?

Nói thật, ban đầu tôi đã gồng mình lên để cố gắng giải quyết cuộc sống của mình thật tốt với ý nghĩ: Cô đi thì cuộc sống của tôi vẫn rất ổn, rồi cô sẽ thấy. Trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ cô ấy sẽ không tìm được người đàn ông nào hơn tôi, ý nghĩ của đàn ông mà.

Nhưng theo thời gian, tôi sống với con gái mình, yêu thương, chăm sóc và hai bố con tôi hạnh phúc bên nhau, tôi quên cảm giác đay nghiến vợ. Sống với vai trò thêm là vai trò làm mẹ, tôi hiểu hơn cuộc sống của người phụ nữ. Tôi hiểu vợ mình cần cái gì và vì sao cô ấy lại bỏ mình.

Chúng ta không thể đổi vai trò cho nhau khi mỗi người vẫn giữ vai trò của mình. Mọi thứ quá muộn để nói những điều tốt đẹp: Giá như… Dẫu sao, tôi cũng thấy hạnh phúc với cuộc sống bây giờ. Còn vợ mình như thế nào tôi cũng không muốn hỏi. Có thể cô ấy buồn hơn, vui hơn, đó là cuộc sống của cô ấy.

Anh có thể nói điều gì đó đúc kết cho vấn đề này không?

Vấn đề nằm trong việc hiểu biết về cuộc sống hôn nhân và vai trò của những thành viên trong gia đình. Thực tế là người vợ nghĩ người vợ đã làm rất tốt vai trò của mình; chồng cũng nghĩ như vậy mà không ai chịu nghĩ mỗi vai trò đều có những khó khăn riêng. Không chia sẻ được thì chúng ta sẽ phải đón nhận những đổ vỡ, những hậu quả đau lòng.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ rất cần thiết này! Chúc anh sẽ luôn hạnh phúc với cô con gái bé nhỏ, đồng thời, chúc anh tìm được một nửa còn lại mới. Tôi chắc anh sẽ làm tốt vai trò của người chồng hơn!

Theo afamily

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI