Nhận diện 10 thói quen xấu gây hại cho răng bé

Để giúp trẻ có hàm răng trắng, khỏe, đẹp ngoài việc thường xuyên cho trẻ đi khám nha sĩ theo định kỳ, cha mẹ cần chú ý loại bỏ những thói quen xấu gây hại cho răng trẻ dưới đây.

banner ads

1. Thói quen đẩy lưỡi về phía trước

Thói quen này tưởng chừng như vô hại nhưng lại vô cùng có hại cho hàm răng của bé. Nếu trẻ thường xuyên đẩy lưỡi ra sẽ làm răng bị xô lệch về phía trước và tạo khoảng cách rộng giữa các kẽ răng. Lâu dần răng sẽ chìa lên trên dẫn đến hiện tượng răng hô. Điều này làm mất đi tính thẩm mỹ của hàm răng bé.

15162-em-be-day-luoi.jpg

Hạn chế cho trẻ đẩy lưỡi về phía trước

Do vậy nếu cha mẹ phát hiện bé có thói quen xấu này, cần quan sát và hướng dẫn trẻ đặt lưỡi ở đúng vị trí.

2. Trẻ có thói quen ngậm khi ăn

Đây là một trong những thói quen xấu không chỉ gây hại cho răng miệng mà còn ảnh hưởng đến thể chất và cân nặng của trẻ. Vì khi thức ăn được ngậm trong miệng quá lâu, men tiêu hóa ở tuyến nước bọt sẽ chuyển hóa thức ăn thành dạng đường. Lượng đường có trong những thực phẩm này sẽ bám vào chân răng tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại xâm nhập gây viêm nhiễm, lở loét và sâu răng cho trẻ.

Không những thế khi trẻ ngậm quá lâu, không chịu nhai thì men tiêu hóa sẽ không đủ để hấp thu thức ăn. Từ đó dẫn đến việc trẻ biếng ăn, ăn hay ngậm làm ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ.

Cách tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ ăn từng ít một, chia nhỏ bữa ăn và thường xuyên thay đổi khẩu phần ăn để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Bên cạnh đó, không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi vì như thế bé sẽ ham chơi mà quên ăn.

Ngoài ra, để phòng tránh sâu răng mẹ nên vệ sinh răng miệng cho bé sạch sẽ bằng cách cho trẻ súc miệng bằng nước muối, đánh răng sau bữa ăn…

3. Uống nước ngọt trước khi đi ngủ

Nhiều bậc phụ huynh thường cho trẻ uống sữa, bú bình hay uống nước hoa quả trước khi đi ngủ vì nghĩ rằng, khi trẻ ăn no bụng sẽ ngủ ngon và ít quấy hơn. Nhưng trên thực tế, đây là thói quen không hề tốt cho dạ dày và hàm răng của trẻ. Những loại nước uống này có chứa nhiều đường, chúng sẽ bám vào chân răng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng bé, khiến bé dễ bị sâu răng.

15164-uong-nuoc.jpg

Không nên cho trẻ uống nước hoa quả hoặc sữa trước khi đi ngủ

Hơn nữa nếu cho trẻ ăn quá no trước khi đi ngủ, sẽ khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn. Điều này cũng gây hại cho dạ dày của bé. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị tăng cân béo phì.

4. Dùng tăm xỉa răng

Trẻ thường xuyên dùng tăm để xỉa răng sau bữa ăn cũng không tốt cho răng. Vì có thể làm nướu bị mòn, chảy máu chân răng, nhiễm trùng nướu khiến trẻ dễ bị sâu răng.

Cách tốt nhất nên hướng dẫn trẻ đánh răng sau bữa ăn hoặc dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn bám vào chân răng. Hạn chế việc sử dụng tăm để xỉa răng cho bé.

5. Ăn nhiều kẹo bánh

Các loại kẹo có nhiều như kẹo mút, kẹo trái cây hay các loại kẹo mềm như sô –cô – la, kẹo dẻo... có chứa nhiều đường và dễ bám vào chân răng. Khi trẻ ăn quá nhiều sẽ gây hại cho răng. Vì những loại thực phẩm này khi ăn thường tiết ra nhiều axit gây hại cho răng, khiến trẻ dễ bị sâu răng.

15161-chocolate.jpg

Ăn nhiều kẹo bánh sẽ gây hại cho răng bé

Vì thế cha mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều kẹo bánh đặc biệt là vào buổi tối. Sau khi ăn nên cho bé đánh răng và súc miệng để loại bỏ hết mảng bám để ngăn ngừa vi khuẩn gây hại xâm nhập làm hại răng bé.

6. Trẻ hay nghiến răng

Nghiến răng thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ cơ và các khớp thái dương của hàm răng, khiến cho hệ thống nhai bị suy yếu. Chưa kể đến một số bé có thói quen nghiến răng mạnh sẽ làm vỡ men răng sữa hoặc gây mòn răng.

Nghiêm trọng hơn nếu trẻ thường xuyên nghiến răng sẽ làm nướu và hàm răng thay đổi bất thường, xấu hơn có thể làm khuôn mặt biến dạng.

Nếu trẻ có tật nghiến răng cha mẹ nên giúp trẻ loại bỏ thói quen xấu này bằng cách khi trẻ nghiến răng nên cho bé nhai thứ gì đó thay thế. Hơn nữa cần đi khám bác sĩ để theo dõi tình trạng của các khớp, cơ, nướu và viêm nhiễm răng nếu có. Nếu hàm răng bị xô lệch các bác sĩ sẽ dùng phương pháp chỉnh hình. Và trong trường hợp cần thiết các bác sĩ sẽ dùng khí cụ cho trẻ đeo nhằm loại bỏ thói quen xấu này.

7. Ngậm núm vú giả

Nhiều bà mẹ nghĩ rằng việc cho trẻ ngậm núm vú giả hoàn toàn vô hại. Vì nó giúp em bé tránh được thói quen nghiến răng, mút tay và quấy khóc. Tuy nhiên nếu để trẻ ngậm trong một thời gian dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với các vấn đề bất thường về răng miệng khiến hàm, cơ mặt, cung răng và lưỡi phát triển bất thường.

15166-ngam.jpg

Thường xuyên cho trẻ ngậm núm vú giả cũng không tốt cho răng

Các chuyên gia tại Mỹ khuyến cáo, các bà mẹ chỉ nên cho trẻ ngậm núm vú giả khi trẻ đã tròn 1 tuổi. Và không nên để trẻ ngậm quá lâu.

8. Ngậm và mút tay

Đa phần các em bé đều có thói quen mút tay tuy nhiên nếu để tình trạng này kéo dài sẽ không tốt cho răng của bé. Đặc biệt là khi trẻ đã mọc răng vĩnh viễn, sẽ làm hàm răng bị lệch lạc, sai khớp cắn và làm hẹp cung hàm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của hàm răng bé.

Chưa kể đến mút tay cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng giun sán và các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp, nguy hại cho sức khỏe của bé. Vì thế cần sớm loại bỏ thói quen xấu này càng sớm càng tốt.

9. Thở bằng miệng

Trường hợp này thường xảy ra với những em bé đang gặp vấn đề về đường hô hấp trên, khó thở, viêm mũi, amidan…nên phải thở nhiều bằng miệng.

15167-tho.jpg

Em bé có thói quen thở bằng miệng không tốt cho hệ xương răng của bé

Việc phải thường xuyên phải thở bằng miệng sẽ khiến niêm mạc miệng khô, dẫn đến gây sâu răng, lệch lạc răng và khô hàm răng. Ngoài ra nếu thường xuyên thở bằng miệng sẽ khiến hệ thống xương mặt phát triển không cân đối, dễ làm rối loạn các khớp cắn.

Để loại trừ những nguy hiểm trên, khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên cần nhanh chóng điều trị dứt điểm cho bé. Nhưng nếu đây là thói quen của bé thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị sớm.

10. Tật chống cằm, cắn môi

Ở những trẻ lớn hơn thường có thói quen chống cằm, cắn môi thói quen này sẽ khiến hàm răng dưới của trẻ bị hô, dẫn đến hiện tượng mòn răng. Điều này làm mất đi tính thẩm mỹ của khuôn mặt và hàm răng của bé.

Cách khắc phục nên có hình thức phạt nặng nếu trẻ thường xuyên tái diễn thói quen xấu này.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI