Mình ly hôn chồng nhé!

Em yêu chồng, và em biết chồng yêu em, chúng ta yêu thương nhau, yêu thương các con của chúng mình, yêu thương đến từng cái áo, cái nồi, cái chảo, cái cây trong tổ ấm bé bỏng. Nhưng chồng ơi, em nghĩ chúng mình ly hôn thôi.

banner ads

3736-1.jpg

Chồng ơi, em nghĩ chúng mình nên ly hôn thôi. Ảnh minh họa

Em lấy chồng năm em hai mươi tuổi. Thời ấy con gái chẳng mấy ai học đại học, chẳng mấy ai đòi nữ quyền, đến mười tám đôi mươi là lên xe hoa. Họ hàng bảo em dại, con gái thành phố đi lấy chồng ngoại ô, lại là một đứa công nhân thấp cổ bé họng chỉ biết dùng tay chân. Em lại thấy mình may mắn, bởi em kết hôn vì tình, vì chồng thương em lắm. Ngày ấy, em không đi làm, cả ngày đối diện với mẹ chồng. Chồng không bảo vệ em, để mẹ mắng em, bắt em làm lụng giặt giũ cả ngày nhưng rồi đêm đêm, chồng lại ngẩn ngơ chạm nhẹ những vết chai trên tay em, thổi thổi như muốn làm đôi tay em trở về trắng trẻo không tì vết như trước, chồng lại nhẹ nhàng bóp vai cho em, em thoải mái em ngủ quên từ bao giờ không biết. Dăm bữa nửa tháng chồng giấu mẹ giấm giúi cho em lọ phấn nhỏ, thỏi son nhỏ. Khi ấy mặt chồng đỏ lựng, rồi lại vồi vội đi làm. Em nắm chặt cái thỏi son bé tí trong tay, tần ngần nhìn dáng chồng đi xa, thấy sống mũi cay cay, rồi lại vội khịt mũi, giấu kĩ thỏi son, đi chợ nấu cơm.

Nhà khấm khá hơn một tí, chồng vun vén tiền bạc ra ở riêng. Mẹ biết chuyện mẹ chì chiết ghê lắm, nhưng chồng bỏ ngoài tai hết, lần đầu chồng chống đối mẹ như thế - là vì em. Dọn về nhà rồi chồng lại nắm tay em nói rằng chồng xin lỗi, mua nhà vẫn cứ mua nhà gần nhà mẹ, bởi chồng làm con, có tách ra cũng không bỏ được cha mẹ mình. Em hiểu chồng là người con có hiếu, và lúc ấy, em tin em chọn đúng chồng.

Hai đứa con là con gái, nhà nội nói em không biết đẻ, nói em là cái giống ăn hại, ăn bám chồng chưa đủ, còn rước thêm cục nợ vào nhà. Bố chồng Tết đi xin chữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” treo ngay giữa phòng khách. Mẹ chồng sáng mùng một đuổi khéo em, nói là sinh đôi đã độc, lại còn là con gái, vào nhà chỉ tổ đeo tai họa cả năm. Em rơm rớm nước mắt quay lưng, chồng giữ chặt em lại. Nhưng rồi các cô các chú các dì cũng đổ ra, dì Ba còn nựng nựng thằng cu Tụn ngày trước mặt ông bà và chồng. Em thấy vòng tay ôm em cứng dần, nhưng chồng nhất quyết mang em vào nhà, mặc kệ cái nguýt dài của “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” và sự phớt lờ của bố mẹ. Từ ấy năm hết Tết đến, em sắm đồ cho hai bên nội ngoại từ sớm, sang mùng một cũng chỉ ở nhà, để chồng về nhà nội một mình. Em không muốn làm khó chồng, em cũng không muốn chồng phải cân đong đo đếm “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?”. Tình cảm là điều thiêng liêng, đâu dễ đem ra tính toán, đã tính toán đòi hỏi thì tình cảm ấy sẽ mất hết giá trị của nó.

Chồng mở xưởng to, em giúp chồng trông hàng, ghi giấy tờ. Cái bằng cấp 3 loại giỏi của em thời em đi học là hiếm, giờ lại có ích. Em gửi bé Tích Tích và bé Tích Bông đi nhà trẻ. Chiều mát mát chồng dọn xưởng em đi đón con, rồi cả nhà bốn người nắm tay nhau về trong ráng chiều đỏ ối và trong tiếng nói cười ríu rít, em thấy trên đời mình đích thực tìm thấy hạnh phúc rồi.

y nhà mình xây nhà, bố chồng mất giữa năm, cuối năm chồng thành lập công ty. Nhà mình có tang không tết. Sáng mùng một cả nhà bốn người về đằng nội. Bà nội mỉa mai từ cổng “Bố nó mới chết nó đã vượt mặt, dẫn cái thứ kia về”. Nói rồi bà lấy chổi đi quét nhà. Em bước chân vào sân vừa kịp lúc bà soàn soạt quét tới cửa, bao nhiêu rác bà hất toẹt vào người em và con. Em chịu được, nhưng các con ngây thơ, vả chăng chúng có làm gì nên tội, chúng thấy mẹ nó bị hất rác liền kêu :”Sao bà bẩn thế? Hất rác vào mẹ cháu. Bà chẳng hiền như mẹ kể gì cả” . Mẹ kêu ầm lên gọi các anh chị em nói em đã đẻ ra thứ phế vật còn không biết dạy dỗ cho cẩn thận, bơm vào đầu chúng ý nghĩ bẩn thỉu về bà nội. Chồng thẹn quá hóa giận hùng hổ nắm tay em, em nắm tay con, lôi về.

Bà giậm chân bành bạch, kêu tướng lên :”Phản rồi, con tao nó vì đĩ mà phản tao rồi. Thằng Hùng, mày nghe cho rõ đây, nếu con vợ mày không biết đẻ, thì li dị đi. Tao không có thứ con dâu đĩ thõa là nó, cũng không có hai đứa cháu hỗn láo kia. Con gà mái mà không biết đẻ thì chỉ có giết thịt, mày không li dị nó thì tao từ mày”. Chẳng biết trơn trượt làm sao bà ngã rầm xuống đất. Chồng giật mình, chạy phắt lại, bế xốc mẹ đi viện.

Vốn là rạn xương nhưng mẹ già rồi, phải nằm viện điều dưỡng. Chồng chăm mẹ, mấy đêm liền không ngủ, quàn áo luộm thuộm, râu ria xuồm xoàm. Em mang cháo vào thay ca với chồng. Mẹ hất cả tô cháo nóng vào em, đuổi em đi “Đến viện mà không để đẻ thì cút!”.

Chỉ là lần này chồng vẫn ngồi bên mẹ, không ai dẫn em ra về. Em cúi đầu đi khỏi bệnh viện.

Mẹ ở viện một tháng là một tháng chồng vắng nhà, thi thoảng nửa đêm mới về lấy quần áo lại đi ngay, đến các con cũng không nhìn mặt một lần. Rồi mẹ về nhà chồng ở luôn bên nội, em rón rén sang nhắc khéo, chồng gắt em, nói rằng mẹ già rồi, sức khỏe không như xưa, chồng phải chăm mẹ. Chồng bảo em không thương mẹ, coi mẹ là người ngoài, ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân mình. Em nghe chồng nói , lồng ngực có cái gì vỡ tan, cúi đầu thật thấp che đi giọt nước mắt mà lủi thủi ra về.

Em chồng qua nhà đánh tiếng, nói là con người trên đời phải đặt chữ Hiếu lên hàng đầu, không có cha mẹ thì làm sao có mình ngày hôm nay. Rồi em chồng lại nói hôn nhân phải tương xứng, không môn đăng hộ đối sẽ chỉ mang lại điềm gở. Em hiểu cô ấy ám chỉ em sinh đôi gái gái, nhưng em nhịn. Em đã nhịn bao nhiêu năm, giờ chỉ là vài câu nói, vì chồng, em nhẫn nhịn được. “Em đã giới thiệu anh Hùng với cái Hà Linh xóm bên cạnh. Con bé ấy vừa ra trường, mới hai mấy tuổi đầu đã được ngay công ty người ta mời về làm. Nhưng nó chối, nó nhận lời mời về làm kế toán cho anh Hùng rồi. Con bé xinh đẹp khéo léo, mông lại tròn căng, rất dễ đẻ, mẹ thích, anh Hùng cũng rất thích. Mấy tối nay anh ấy đều ở nhà nó chứ chẳng ở bên nội đâu. Chị xem thế nào, cái gì của mình, không giữ cũng còn, mà đã không phải ấy gì... ”

Bốp!

Em đứng phắt dậy, vung tay tát mạnh. Em cái gì cũng nhịn được, em cái gì cũng nhẫn được, hi sinh cả bản thân em cũng hi sinh được. Nhưng chồng em, con em, em không mất được.

“Chị , chị, sao chị lại tát em? Em sang đây chỉ muốn gọi chị về bên nội. Bố mới mất, mẹ lại như thế, anh Hùng vất vả đến xơ xác, em... em... em chỉ muốn gọi chị về cho gia đình đoàn tụ, cho chị nhận mẹ, các cháu nhận bà, sao chị lại tát em. Sao chị có thể nói những lời đại nghịch bất đạo về mẹ như thế? Chẳng lẽ trước mặt anh Hùng, mười mấy năm nay chỉ là chị diễn kịch thôi sao?” Em chồng ôm má, mắt rưng rưng rồi òa khóc, vừa khóc vừa nói một tràng.

6639-3.jpg

Chồng đã về, đã kịp nghe hết lời em chồng nghẹn ngào. Ảnh minh họa

Bốp!

Lại một cái tát nữa. Cho em. Chồng đã về, đã kịp nghe hết lời em chồng nghẹn ngào. Chồng tức giận tát em. Em chồng ôm mặt khóc hu hu chạy về nhà nội. CHồng chạy đuổi theo, trước khi đi không quên vứt lại cho em một câu “Hóa ra cô thực sư là loại người như mẹ nói”... Em thẫn thờ cả người, ngồi phịch xuống nên đất, tay sờ lên má bỏng rát. Chồng không nhẹ tay. Mắt em hoa lên rồi nhòe nhoẹt dần.

Em nhớ chồng với em yêu nhau từ ngày cấp 3 rồi cưới.

Em nhớ chồng chạm nhẹ vào vết chai hồng hồng trên tay em, thổi thổi.

Em nhớ chồng bóp vai cho em mỗi tối sau khi em giặt bao nhiêu là quần áo.

Em nhớ nhà chúng ta bốn người, cùng về trong ánh hoàng hôn đỏ ối đẹp nồng nàn hạnh phúc.

Em nhẫn bao nhiêu năm, ngoài giấy đăng kí kết hôn, em không được họ hàng nhà nội công nhận một danh phận nào hết. Em nhẫn bao nhiêu năm, các con em không có ông bà, không có họ hàng nhà nội, bị người ta gọi là “phế vật”. Em nhẫn bao nhiêu năm, lại nhận được từ người em yêu nhất một cái tát không khoan nhượng, không lí do, không có chỗ cho lời giải thích. “Nhất nam viết hữu, thập nữa viết vô” – dòng chữ đâm nhói vào mắt em.

Em còn nhẫn làm gì nữa?

Hai năm sau

Em nghỉ làm một buổi, ngây ngốc ngồi trong khoảng sân nhỏ, nhìn Tích Tích và Tích Bông chơi đùa cùng bà ngoại. Người ấy ngồi bên, vừa nói chuyện với ông ngoại vừa đóng cho Tích Tích cái chuồng gỗ cho con cún Milo. Thời gian qua, nghĩ lại hệt như một giấc mơ – một cơn ác mộng mà em cứ tự thuyết phục mình rằng “khổ tận cam lai’ mà gần như quên rằng em có quyền chọn cho mình hạnh phúc. Ly hôn ở cái tuổi đầu ba, làm bà mẹ đơn thân một nách hai con với em không dễ. Nhưng đến giờ thực sự em đã có công việc văn phòng ổn định, có một nhà vui vầy, có một người vẫn đang theo đuổi em, một người không giấm giúi cho em thỏi son hộp phấn, mà đứng vững chãi ở một nơi, giơ tay chống cả bầu trời, kiên nhẫn chờ đợi trái tim em lành sẹo, chờ tâm hồn em sẵn sàng cho một hạnh phúc mới…

Yeutre.vn (Sưu tầm)

Đã có 2 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI