Em là “tập cuối” của anh?

Chúng mình đều là "tập tiếp theo" của nhau.

banner ads

Em phải nuôi cả 2 con. Anh không nuôi đứa con nào nhưng đã có 2 "tập" trước. Cứ nghĩ như vậy ta sẽ nâng niu lắm hạnh phúc mà mình có. Nhưng hình như với em là như thế, còn với anh thì... không hẳn vậy.

Anh từng tâm sự, với "tập đầu lòng" anh ngán nhất là bệnh ghen của chị ấy. Ghen không đầu không cuối, nghe không ngọn không ngành, ghen cả khi... không biết đối tượng cụ thể là ai. Anh mệt mỏi, hết phân bua thề thốt thì đi đâu cũng chở chị theo tò tò để chứng minh mình "trong sạch". Không bắt được gì thì chị xoay qua nói anh là chở theo là để lấy lòng chứ "đàn ông năm bảy lá gan".

Sau 6 năm căng mình chung sống anh phải "đầu hàng" vì tám giờ vàng ngọc đều chở chị theo, các giờ còn lại đều ở chung nhà, thì thời gian đâu mà anh hòng hoa kia bướm nọ. Chia tay vất vả lắm, vì chị đòi sống đòi chết, cũng một lần tự cắt cổ tay mình để "làm nư" anh rồi. Nhưng anh không đủ thần kinh thép để chiến đấu với chị nên... nhà ai nấy ở. Mỗi tháng anh chu cấp đủ tiền cho đứa con gái 5 tuổi ăn học đến 18 tuổi.

4414-104054447362934431182311620480546740710541n.jpg

Chúng mình đều là "tập tiếp theo" của nhau. Ảnh minh họa từ Internet

Ba năm sau anh "lên đò" với người vợ sau. Chị này không biết chữ ghen viết thế nào nhưng rất ư để ý vụn vặt chuyện trong nhà ngoài ngõ. Anh phải để dép nơi này, phải treo áo khoác nơi kia, phải máng nón nơi nọ... Nhất nhất không được sai chạy dù một milimet. Đi làm và đi chơi anh phải đúng giờ, sai dù năm phút thì cũng sẽ bị một trận đai nghiến đến lỗ tai phải tan thành... bột mà cũng chưa yên thân với chị. Anh phân bua ư? Chị sẽ không bao giờ chấp nhận. Chị kinh doanh tại nhà nên không phải chạy chợ hay bận bịu quá nhiều thời gian cho kẹt xe, sụp hố ga, nước ngập, cây ngã... như hàng ngày anh đi làm phải đối diện.

Anh bảo, bốn năm chung sống, đã rất nhiều lần anh chạy trối chết với thời gian vì chiều hôm ấy có thể là thôi nôi đứa cháu vợ, mừng thi đậu đứa em họ vợ... mà anh chị đã hứa sẽ về dự mừng. Về trễ ư, chị sẽ bỏ tiệc và đêm ấy anh sẽ "nhức xương" vì bao lời cằn nhằn, đai nghiến, khóc lóc, than vãn... của chị.

Chia tay. Chị nuôi đứa con trai ba tuổi. Anh chu cấp tất cả các khoản tiền cho đến khi thằng bé tròn 18 tuổi.

Về với nhau, em đã cố gắng bỏ những cái tôi vụn vặt đời thường không đáng có của mình để anh được vui vẻ thoải mái trong cuộc sống. Ví như em không ghen, không cằn nhằn khi anh về trễ giờ, cuối tuần em chủ động làm vài món để anh "hú" bạn bè tới lai rai. Em không như bao người vợ khác "cấm chỉ" chồng chè chén, mà em còn sắm sẳn một bình ruợu thuốc thật to. Hôm nào anh bảo "Anh đi nhậu đây" thì em vẫn vui vẻ đồng ý, còn hỏi tiệc mấy người, em sẽ rót ruợu cho anh mang theo, vừa an toàn sức khỏe, vừa đỡ tốn kém.

Quan hệ với nhà chồng, em không "siết ngặt" lương bổng của anh, mà rất thoải mái để anh tự hiếu hỉ, tang ma với bên nhà, chu cấp cho hai con. Hàng tháng anh chỉ cần đưa em một khoản gọi là "cho có" (khoản đó tính ra không đủ tiền ăn sáng của anh) vì thật ra lương em còn hơn cả lương anh. Mà nói thật, buột anh đưa nhiều thì cũng chả lấy đâu mà đưa, vì lương đã được gửi sang phần chu cấp cho hai đứa trẻ. Anh mà đưa trễ ư? Tháng trước thôi, tháng sau đã có lời nhắc của cơ quan thi hành án...

Em cảm thấy mình đã hết lòng đến không còn lòng nào để hết nữa với anh rồi. Vậy mà... chắc là vì hai người vợ trước "làm khó" anh nên giờ anh "làm khó" lại em để nếm cảm giác kẻ "trên cơ" chăng? Em cũng đi làm như anh, thậm chí thời gian làm còn nhiều hơn anh, công việc còn nặng đầu óc hơn anh. Nhưng với gia đình em vẫn cố gắng làm một người vợ "truyền thống" là không lên mặt với chồng, không ưa cãi lý với chồng và nhất là không buột chồng "đi thưa về trình" như bao người vợ khác.

Về món ăn, biết anh hay dị ứng với nhiều món làm sẳn của chợ nên em cố gắng tự tay chẻ củ cải làm dưa góp, dưa mặn. Tự tay xay sả ớt làm món sa tế, tự tay muối chanh... Nhưng ăn dưa muối thì anh nói "Sao không giòn, không trắng bằng hôm ăn cơm nhà anh Dũng hén em?". Em trả lời, ấy là do bán ở chợ, người ta phải bỏ chất làm giòn, làm trắng cho bắt mắt, dễ bán. Anh gật gù "Em làm thế này cũng được, nhưng giá mà... giống ngoài chợ chút nữa thì ngon". Em muốn cãi rằng, anh vốn dị ứng với món ăn làm sẳn, rằng anh từng bảo em là người vợ thông minh hẳn biết thức ăn nào bổ dưỡng và hợp lý cho gia đình. Sao giờ anh lại... ăn sa tế em làm, anh nói "Sao vàng ươm vậy, không ngập dầu và đen đen như ở tiệm ăn cho nó... bắt mắt?" Em bảo vàng vì em rang không quá lửa, ngập dầu làm chi khi anh đang cần giảm cân? Anh bảo "Biết vậy... nhưng giống người ta sẽ ngon hơn!".

Em gần bốn mươi, anh cũng ngoài năm mươi, lứa tuổi đã không còn chút nào có thể nói là trẻ con nông nổi. Em tự thấy mình cũng không phải là người phụ nữ quá đoản để chồng "cầm tay chỉ việc" nhưng cứ buồn cười khi anh bảo em phải lót ổ gà thế này, phải nấu ăn thế nọ, phải rửa chén thế kia... "mới hợp lý". Em không biết tại cuộc sống là một trường đời buộc người ta luôn tìm tòi học hỏi hay vì anh là người luôn muốn thể hiện mình. Chứ so với hai phiên bản trước mà anh quá sợ thì em đã cố tránh để cuộc sống của chúng mình được an vui. Nhưng anh luôn thể hiện rằng em vẫn chưa làm anh hài lòng. Vậy thì anh ơi, phiên bản nào trong tình yêu anh dành cho em?

Theo PNO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI