Chi tiết thủ tục nhập viện và chi phí sinh con tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Những bà bầu đang chờ sinh hẳn sẽ rất nóng lòng muốn biết thông tin về các bệnh viện phụ sản uy tín. Dưới đây là chi tiết thủ tục, chi phí sinh con... tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội để bạn tham khảo.

banner ads

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Ngày càng nhiều thai phụ chọn bệnh viện Phụ sản Hà Nội để đăng ký dịch vụ sinh. Năm 2012, tổng số lượt khám bệnh tại bệnh viện này là 637.192 người, lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 80.541 người, số ca sinh là 45.905 ca với 23.051 ca sinh mổ. Những con số này phần nào đã nói lên được niềm tin của các mẹ là hoàn toàn có cơ sở. Để giải đáp những thắc mắc xoay quanh chuyện đi đẻ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, yeutre.vn xin tổng hợp các thông tin liên quan để các mẹ tiện theo dõi.

Đi đẻ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội chọn sinh dịch vụ hay sinh bảo hiểm?

Sinh dịch vụ

Năm 2013, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã sửa sang lại khu sinh dịch vụ D3 với các phòng ốc khang trang, sạch đẹp, tiện nghi và vệ sinh khép kín. Do vậy chi phí có tăng thêm khoảng 12 triệu đồng. Trước khi nhập viện, mẹ sẽ phải đóng trước 10 triệu, trong đó phí sinh đẻ khoảng 6 triệu (cho phép người nhà ở cùng phòng đẻ khi sản phụ sinh). Số tiền 4 triệu đồng còn lại bao gồm tiền ứng trước cho chi phí phòng ở, thuốc, tắm bé, vệ sinh cho mẹ, nước nóng, khăn, tã... Chi phí phòng dịch vụ cụ thể:

  • Phòng 2 giường (vệ sinh khép kín): 500.000 đồng
  • Phòng 4 giường (vệ sinh khép kín): 400.000 đồng
  • Phòng 6-8 giường (vệ sinh không khép kín): 300.000 đồng

Hiện nay, các bà mẹ khi sinh nở có nhiều sự lựa chọn hơn về dịch vụ, nơi sinh con cũng như bác sĩ đỡ đẻ. Những người nhiều tiền sẽ chọn các bệnh viện quốc tế có tiếng như Vinmec, Việt Pháp... Thấp hơn một chút là đẻ dịch vụ tại Phụ sản Hà Nội hoặc Việt Nhật.

Sinh thường có bảo hiểm

Khu sinh thường tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội nằm ở viện C hoặc khu A. Bằng cách chọn sinh thường có bảo hiểm, các sản phụ sẽ được bảo hiểm thanh toán đến 80% nên chi phí sinh chỉ vào khoảng 500 nghìn. Tại đây các phòng ốc đủ loại: 3 người/phòng, 5 người/phòng, 12 người/phòng. Chính vì giá cả thấp hơn rất nhiều nên chuyện sinh hoạt, phòng ở tại khu này sẽ không tiện nghi như mong muốn.

Thủ tục nhập viện khi chọn sinh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội

- Khi làm thủ tục nhập viện, tùy vào thể trạng hiện tại, các bác sĩ sẽ quyết định chuyển mẹ đến phòng sinh hay phòng chờ sinh. Bên ngoài, người nhà sẽ làm thủ tục nhập viện. Trước hết xuất trình các loại giấy tờ:

  • Chứng minh nhân dân (bản gốc và bản photo) của sản phụ
  • Sổ hộ khẩu (bản gốc và bản photo) hoặc KT3 của sản phụ
  • Thẻ bảo hiểm (có hình) của sản phụ
  • Khám thai và các phiếu xét nghiệm có liên quan

- Sau khi đầy đủ giấy tờ, bạn sẽ đăng ký dịch vụ sinh: sinh thường hay sinh mổ, chọn bác sĩ hay tùy nghi và đóng tiền nhập viện. Nếu chọn khu D3, dù sinh thường hay sinh mổ đều phải đóng tạm ứng 10 triệu.

- Cùng lúc này, sản phụ sẽ được các bác sỹ sản khoa thăm khám cổ tử cung và xem xét các yếu tố khác.

- Sau khi nhập viện, sản phụ sẽ được thay một chiếc váy rộng (như váy bầu), mang bỉm và đi dép trong bệnh viện.

Trường hợp bạn đặt phòng trước, khi đủ 37 tuần, bạn có thể đến bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để khám tổng quát và đăng ký sinh dịch vụ, bác sĩ đỡ đẻ tại phòng 340 nhà D3. Sau đó trở về nhà, khi thấy dấu hiệu chuyển dạ thì nhập viện.

Lưu ý khi vào phòng đẻ

Nếu sinh thường:

  • Tuân theo tất cả hướng dẫn của ê kíp đỡ đẻ
  • Áp dụng bài tập thở và kỹ thuật thư giãn để vượt qua cơn co
  • Khi cổ tử cung mở hoàn toàn (10 phân), các bác sĩ và ê kíp trực sẽ đỡ đẻ cho bạn. Để em bé dễ lọt lòng, bác sĩ sẽ có thể tiến hành rạch tầng sinh môn. Sau khi sinh, tầng sinh môn sẽ được khâu lại và liền sẹo sau khoảng 2 tuần sinh.
  • Chuẩn bị trước tên sẽ đặt cho bé để bác sĩ làm giấy chứng sinh.

Nếu sinh mổ:

Tùy tình trạng hiện tại, các bác sĩ sẽ quyết định mổ hay không. Khi sinh mổ, bạn lưu ý:

  • Liên hệ với người nhà để làm thủ tục chuyển mổ.
  • Trước khi chuyển vào phòng mổ, bác sỹ sẽ yêu cầu bạn đọc tên cho bé (cả tên nam và tên nữ) để làm giấy chứng sinh.
  • Khi vào đến phòng mổ, bạn sẽ được gây tê màng cứng để các bác sĩ mổ lấy thai.
  • Khoảng 3-5 phút sau, bạn sẽ có cảm giác tê tê ở chân. Lúc này bác sỹ tiến hành mổ lấy thai.
  • Sau sinh, em bé được đưa ra ngoài để gặp người thân. Sau đó bé được chuyển vào phòng chăm sóc riêng và mẹ chuyển lên phòng hậu phẫu, nằm khoảng 6 tiếng để theo dõi biến chứng sau sinh mổ.

Kinh nghiệm đi đẻ của các mẹ từng sinh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội

- Vì ca sinh đã bao gồm đầy đủ chi phí cần thiết nên bạn không cần biếu thêm phong bì cho êkip đỡ đẻ

- Dịch vụ sinh tại khu D3 đã bao gồm tã, quần áo và dép nên không cần chuẩn bị quá nhiều những vật dụng này.

- Cơm nhà sẽ ngon và bổ, rẻ hơn so với cơm mua tại căn-tin bệnh viện

- Khi bụng đã lớn, nên nhờ người làm hồ sơ giúp hoặc theo khám một bác sĩ duy nhất tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội để không mất công đợi chờ.

- Nếu sinh thường, thời gian nằm viện chỉ khoảng 2-3 ngày nên không cần đồ đạc lỉnh kỉnh

- Người nhà chờ sản phụ sẽ sốt ruột nên có thể mang theo sách, báo, điện thoại, ipad… để giải trí.

- Sau sinh, sản phụ sẽ rất mệt và cần hồi sức ngay nên chuẩn bị sẵn sữa và thức ăn dặm.

Bảng giá một số chi phí khám và điều trị tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong năm 2015

Liên hệ bệnh viện Phụ sản Hà Nội

  • Địa chỉ: La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Điện thoại: +84 4 3834 3181

Mong rằng những thông tin liên quan đến chuyện đăng ký sinh tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội sẽ giúp bạn có thêm nguồn tham khảo cho lựa chọn của mình sắp tới nhé! Chúc bạn mẹ tròn con vuông!

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI