Cha mẹ hành xử không đúng dễ khiến con mắc bệnh trầm cảm

Việc giáo dục con cái không phải là đặt chúng vào một cái khuôn đã có sẵn và ép chúng trưởng thành như cách nhiều người vẫn nghĩ. Lối hành xử sai lầm này còn có thể đẩy con vào một trạng thái tâm lý tiêu cực – trầm cảm.

banner ads

Ngay từ khi sinh ra, mỗi một con người đã có sẵn “cái tôi” trong mình. Cái tôi đó phát triển như thế nào sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống, cách giáo dục và sự nỗ lực của bản thân cá nhân đó. Do vậy, mọi sự ép buộc, áp đặt vào một khuôn khổ nhất định hoặc ngược lại nuông chiều quá mức đều có thể khiến trẻ nảy sinh những hành vi tiêu cực và làm gián đoạn sự phát triển nhân cách.

Những phản ứng tiêu cực của trẻ

8203-tram-cam-2.jpg

Trẻ có xu hướng tự tử và phản ứng tiêu cực nhiều hơn.

Ngày nay, trẻ có xu hướng tự tử và phản ứng tiêu cực nhiều hơn. Hầu hết, đó đều là những hành động mang tính bộc phát khi trẻ nhận phải một sự đả kích từ trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Chính vì vậy, mức độ nguy hiểm của những hành vi, hành động này càng tăng cao, rất đáng để những người làm giáo dục phải lưu tâm.

Những phản ứng tiêu cực ở trẻ thường không do nhận thức quyết định. Đến khi trẻ hiểu được tính chất nghiêm trọng mà những hành vi mình gây ra thì mọi chuyện đã rồi. Từ sự tiếp nhận bị động này sẽ khiến trẻ dễ rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực và có những hành vi cũng mang tính tiêu cực như tự làm tổn thương bản thân, dễ xúc động, hay cáu kỉnh, mất lòng tin, ăn ngủ bất thường…

Thay đổi nhận thức ở cha mẹ

Tất cả những phản ứng tiêu cực ở trẻ có thể xuất phát từ chính môi trường trưởng thành của trẻ mà ra. Nếu trẻ được giáo dục nhiều hơn về sự tự tin, cách lựa chọn và thái độ sống tích cực thì có thể hành vi của trẻ sẽ hướng theo điều tích cực khi đối diện với những vấn đề của chính mình.

8208-tram-cam-1.jpg

Để mặc con tự đối phó với những biến đổi tâm sinh lý là đã đẩy con vào trạng thái trầm cảm.

Đối với trẻ trong độ tuổi dậy thì, chúng luôn tìm mọi cách để thể hiện và khẳng định cho người khác thấy về cái tôi của mình. Chúng có nhu cầu được người khác lắng nghe khi chúng trình bày, được quyền thương thảo như một người trưởng thành. Thế nhưng, không ít bố mẹ thường bỏ qua điều này.

Phần lớn cha mẹ đều nghĩ rằng họ nghĩ cho con cái học hành đầy đủ, được ăn mặc đẹp sánh không kém chúng bạn… đã là quá đủ. Trong khi đó, chúng cần có những buổi nói chuyện cởi mở và sẻ chia từ chính những đấng sinh thành hơn là những gì có trong suy nghĩ của bố mẹ. Hãy nghĩ xem, bạn sẽ dạy con thế nào khi bạn không thể hiểu chúng đang làm gì và thực sự cần gì? Chính khi bạn để mặc con ngụp lặn trong những vấn đề của lứa tuổi có quá nhiều biến đổi tâm sinh lý như vậy là lúc bạn đẩy con đến gần hơn trạng thái trầm cảm. Đây là một căn bệnh tâm lý nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu họa khôn lường.

Trao cho con hành trang cuộc sống

Bạn không thể lúc nào cũng có mặt bên cạnh con 24/24h trong suốt hành trình cuộc sống của chúng. Vậy cách tốt nhất, hãy trao cho chúng hành trang để chúng tự đi con đường của mình.

8206-tram-cam-5.jpg

Cha mẹ nên tập cho trẻ sống tự lập ngay từ nhỏ.

Để có được điều này, cha mẹ nên tập cho trẻ sống tự lập ngay từ nhỏ. Bạn có thể giúp con làm một số điều mà chúng chưa biết từ một đến hai lần tùy tính chất mỗi việc. Sau đó, hãy để chúng tự thực hành lại những gì bạn đã dạy và dần tập cho mình một thói quen khi đã thành thạo một công việc nào đó. Một khi tính tự lập được hình thành cũng là lúc con đã biết tự tổ chức cuộc sống của riêng mình, biết chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của mình, biết khi nào cần đến lựa chọn gì và biết hành xử ra sao với các xúc cảm của bản thân. Có như vậy, những hành vi tiêu cực sẽ không còn là nỗi ám ảnh của cha mẹ khi con đến tuổi lớn khôn.

8204-tram-cam-3.jpg

Hướng trẻ khám phá những năng lực mang tính tiềm năng ngoài chuyện học hành.

Mặt khác, ngoài những giá trị tạo nên phẩm chất con người, bạn cũng cần hướng trẻ khám phá những năng lực mang tính tiềm năng. Trên thế giới hiện nay, phát triển một con người toàn diện phải hướng đến 8 loại hình trí tuệ bao gồm: ngôn ngữ; tư duy - suy luận; không gian – thị giác; thính giác – âm nhạc; xúc giác – vận động; tương tác; tự nhiên và nội tâm.

Vì nhiều lý do, hiện nay ở nước ta vẫn chỉ phổ biến giáo dục về loại hình trí tuệ ngôn ngữ và tư duy – suy luận. Điều này là một thiệt thòi rất lớn cho các trẻ. Vì trên mặt bằng kiến thức chung của xã hội, cha mẹ chỉ hướng con phát triển những năng lực mà xã hội cần. Vì thế, những gì trẻ thể hiện khác đi, thuộc những bản năng khác sẽ được coi là “không giống ai”. Chính vì đã có “sự chụp mũ” ngay từ đầu này, nhiều trẻ rơi vào sự ức chế vô hình giữa một bên là niềm đam mê và một bên là khuôn khổ.

Do đó, bố mẹ là những người trước tiên cần thay đổi từ nhận thức đến phương pháp giáo dục để giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng cũng như giúp trẻ tránh khỏi những hoang mang không đáng có dẫn đến chứng trầm cảm khi ở vào lứa tuổi đầy những biến đổi này.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Đã có 1 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI