Bụng bầu to, bụng bầu nhỏ và những điều khiến mẹ bất ngờ

Một số mẹ bầu lo lắng khi bụng bầu trông khá nhỏ, trong khi một số mẹ khác lại tự hào vì kích thước bụng bầu của mình. Tất cả xuất phát từ quan niệm “bụng bầu càng to bé càng khỏe mạnh”. Thực tế điều này không chính xác.

banner ads

Kích thước bụng bầu không ảnh hưởng nhiều đến cân nặng của bé. Có nhiều lý do khiến bụng mẹ bầu có thể nhìn to hơn hoặc nhỏ hơn. Hãy khám phá những bí mật về chiếc bụng quá khổ của mình dưới đây mẹ nhé.

1. Chiều cao của mẹ bầu

Không nên so sánh kích cỡ bụng bầu để khẳng định bé nhẹ cân hay không.

Nếu mẹ bầu có chiều cao vượt trội và bụng dài thì em bé sẽ có không gian rộng rãi để phát triển. Lúc này, tử cung của mẹ cũng có xu hướng dài ra mà không đẩy về phía trước. Chính vì vậy, bụng mẹ bầu trông sẽ nhỏ hơn so với những mẹ bầu có chiều cao khiêm tốn.

Ngược lại như vậy, nếu mẹ bầu thấp, bé thì không gian giữa hông và xương sườn cũng nhỏ hơn khiến tử cung đẩy ra phía trước và nhìn bụng của mẹ sẽ bự hơn nhiều.

2. Mẹ mang thai lần đầu

Nếu đây là lần đầu mẹ mang thai thì xu hướng chung là bụng mẹ bầu trông thon gọn, săn chắc hơn. Nguyên nhân là vì các cơ bụng lúc này chưa được giãn nở hết mức. Chính vì vậy mẹ đừng nghĩ rằng bụng bầu to là con sẽ to khi so sánh với các lần mang thai thứ 2 hay 3 nhé.

3. Vị trí của em bé

Trong bụng mẹ thai nhi cũng thường xuyên di chuyển để thay đổi vị trí. Từ tuần thứ 32 bé có xu hướng quay đầu xuống dưới nhưng lại thường đưa lưng ra ngoài, điều này khiến cho bụng mẹ bầu trông có vẻ to lơn. Nhưng nếu bé úp lưng vào cơ thể mẹ thì bụng của mẹ lúc này lại trông nhỏ hơn hẳn.

Hình dáng và kích thước bụng bầu của mẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

4. Vị trí của ruột

Khi tử cung phát triển với em bé bên trong chúng sẽ lấn và chèn ép các cơ quan nội tạng khác. Lúc này nếu ruột của mẹ được đẩy ra phía sau thì trông bụng của mẹ bầu sẽ tròn và nhỏ gọn. Còn nếu ruột lúc này được đẩy sang hai bên tử cung thì bụng mẹ bầu trông sẽ lớn hơn rất nhiều nhé.

5. Cơ thể thay đổi do lần mang thai trước

Nếu mẹ bầu đã từng mang thai một lần trước đó thì các cơ bụng thường không thể hồi phục hoàn toàn sau khi mẹ sinh. Chính điều này khiến cho lần mang thai thứ 2 của mẹ bầu, bụng sẽ phình to sớm hơn, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc là bé lớn hơn trong lần mang thai này.

Để hạn chế điều này, việc tập thể dục để phục hồi cơ bắp và lấy lại vùng cơ bụng gọn gàng là cách mẹ có thể áp dụng.

6. Lượng nước ối

Lượng nước ối có trong bào thai cũng ảnh hưởng khá lớn đến kích thước bụng của mẹ bầu. Nếu mẹ có nhiều nước ối thì thường bụng của mẹ bầu cũng lớn hơn và ngược lại.

Bụng bầu cũng mỗi người mỗi vẻ nhé.

7. Di truyền

Một đặc điểm có tính quyết định đến kích cỡ bụng bầu của mẹ là tính di truyền. Tính di truyền quy định kích thước của thai nhi và chính vì vậy nếu bố mẹ cao lớn thì bé cũng cao lớn và ngược lại. Kích thước của bé cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến kích thước vòng bụng của mẹ trong chín tháng đấy.

Như vậy, mỗi mẹ bầu sẽ có kích thước và hình dáng bụng bầu khác nhau, tuy nhiên nếu sức khỏe thai kỳ tốt thì mẹ không cần lo lắng khi so sánh bụng mình với bụng các mẹ khác nhé.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI