Bị bác sĩ mắng vì để thai quá 4 tuần mới đi đẻ

Nhìn thấy ống xi lanh to quá mẹ mới thốt lên sợ hãi. Làm các bác sĩ trong kíp mổ đó buộc phải quyết định chuyển từ gây tê sang gây mê.

banner ads

Còn nhớ ngày đó, ngày mà mẹ cầm que thử trên tay và trốn vào nhà vệ sinh. Vạch thứ nhất, rồi vạch thứ hai dần dần hồng lên báo cho mẹ biết mẹ đang mang trong mình giọt máu đầu tiên. Cảm giác lo lắng xen lẫn hạnh phúc bủa vây. Lo lắng vì ngày đó ba mẹ vẫn đang yêu nhau, có con là việc làm ngoài ý muốn. Yêu nhau đã hơn 3 năm nhưng cả ba và mẹ chưa sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống gia đình vì cả hai còn đang trẻ. Bao nhiêu tình huống đặt ra mong có một phương án khả thi. Bỏ đi cũng có, lấy nhau cũng có. Chưa bao giờ mẹ bị rơi vào một hoàn cảnh khó khăn như thế này. Nhưng nói bỏ con thì mẹ không bao giờ làm điều đó.

34069-thai-qua-4-tuan1.jpg

Ảnh minh họa

Con cứ lớn dần trong mẹ suốt 3 tháng đầu. Mang thai con, mẹ bị nghén ngủ nên chẳng ai biết. Hai người đồng nghiệp ở cùng phòng với mẹ cũng không hay. Mỗi lần cuối tuần được nghỉ về thăm ông bà cũng chẳng ai phát hiện hay mảy may nghi ngờ. Mẹ vẫn giày cao gót, quần bò bó và mang con. Mẹ có lỗi với con nhiều lắm khi đã không chăm lo cho con được từ những giây phút đầu tiên. Nhưng thật không may khi ông nội của mẹ (người mà con gọi là cụ) mất. Mẹ không thể không về chịu tang. Và mẹ lại có lỗi với con lần nữa khi mang con mà để con chịu hơi lạnh của người đã khuất. Nhưng mẹ tin rằng cụ mất sẽ phù hộ cho mẹ con ta.

Sau hơn 3 năm yêu nhau, ba mẹ đã quyết định về sống chung và chuẩn bị mọi thứ tốt đẹp nhất để đón con. 3 tháng sau đó, đám cưới diễn ra với niềm vui của người thân và bạn bè. Và mẹ biết ở trong bụng con đã chứng kiến và chúc phúc cho ba mẹ. Giây phút đó mẹ thật sự hạnh phúc khi đón nhận 2 niềm vui lớn là có ba và con theo mẹ suốt cuộc đời này.

Những ngày tháng sau đó, mẹ ăn uống thật lực để bù đắp lại quãng thời gian đầu. Trộm vía, kết quả của những lần siêu âm các chỉ số khoảng sáng, cân nặng … đều tốt. Và mẹ mong đợi đến ngày được gặp con, một nàng công chúa mà lần nào siêu âm cũng thấy con đang đặt cằm lên đôi tay nhỏ xinh ngủ ngon lành. Vì ba đi làm xa nên thỉnh thoảng mới về thăm. Mẹ cũng làm xa nhà nên chẳng được ông bà chăm. Một mình nhiều lúc tủi thân lắm, nhưng mẹ không được buồn. Như thế sẽ ảnh hưởng đến con. Có lẽ vì thế mà thời gian mang thai con là thời gian mẹ cười nhiều nhất. Hàng ngày ông bà và ba gọi điện. Như thế cũng ấm lòng lắm rồi.

Mẹ tạm gác công việc bận rộn hàng ngày trước 2 tuần để về ông bà ngoại nghỉ ngơi và gặp con. Đeo cái ba lô ngược giữa trời hè nóng bức quả không đơn giản chút nào. Mà lại với dáng người cao có 1m50 như mẹ thì quả là kì tích con nhỉ. Tất cả chỉ là chuyện nhỏ khi con vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường. Ngày dự sinh sắp đến gần mà chẳng thấy con ý kiến. Mẹ vẫn chăm chỉ ngày 2 bữa cơm trưa – tối đợi ông bà ngoại đi làm về. Ba thi thoảng tối lại chạy xe tranh thủ về thăm 2 mẹ con. Đơn giản chỉ là nghe tiếng con đạp lộp bộp, hay giúp mẹ hết chuột rút về đêm.

34070-thai-qua-4-tuan2.jpg

Ảnh minh họa

Mẹ đếm từng ngày để được nhìn thấy con, nhưng đáp lại là những lần con hù mẹ. Hôm đó, cả nhà ta có khách. Mẹ mệt, nằm nghỉ nên mọi người ăn xong mẹ mới cố gắng ăn được một chút. Đang ăn thì con cài dữ dội không thể ăn tiếp. Ông bà thấy vậy liền cuống quýt chuẩn bị đồ và gọi xe đưa mẹ vào viện. Nhưng một lúc sau thì mẹ hết đau, và con lại thử thách buộc mẹ chờ đợi. Ôi, sao quãng thời gian này mẹ thấy nó dài kinh khủng. Tâm trạng lúc nào cũng bất an. Mẹ lại lấy lại tinh thần bằng việc hít hà những đồ chuẩn bị cho con, giặt giũ, phơi phóng cẩn thận. Và lần siêu âm cuối cùng bác sĩ đã chỉ định cho mẹ con ta nhập viện vì đã quá mất 2 tuần thai mặc dù nước ối vẫn còn rất nhiều, chẳng có dấu hiệu chuyển dạ.

Hôm đó trời mưa rất to, mẹ chỉ ngồi được 1 chỗ đợi ông làm thủ tục nhập viện vì quá mệt, không thể chạy theo ông. Sau đó là một loạt các xét nghiệm, kiểm tra. Khi bước vào phòng siêu âm, mẹ đã có một trận mắng té tát của các nữ y tá:

- Làm gì mà chẳng có kiến thức, để thai quá 4 tuần như thế này mà giờ mới đi sinh sao? Thế này mà cứ để ở nhà được.

Và sau đó mẹ được đưa lên bàn mổ dưới ánh đèn sáng choang, chói mắt. Nhìn thấy ống xi lanh to quá mẹ mới thốt lên sợ hãi. Làm các bác sĩ trong kíp mổ đó buộc phải quyết định chuyển từ gây tê sang gây mê. Xong công tác chuẩn bị, mẹ cảm nhận được vết dao mổ chạm vào da bụng và sau đó là không biết gì nữa. Từ bé cho tới giờ, chưa bao giờ mẹ biết ốm đau, vào viện và mổ là như thế nào. Lên cấp 3 đi tiêm mà bác sĩ cũng phải dỗ dành.

Lúc mở mắt ra, mẹ đang ở phòng hồi sức, bên cạnh mẹ là ông ngoại. Cảm giác khó thở, nước mắt cứ trào ra chẳng biết vì sao. Ú ớ hỏi ông được câu duy nhất là con đâu. Ông bảo con được đón xuống phòng rồi, khi nào mẹ tỉnh mẹ sẽ được gặp con và lau nước mắt cho mẹ. Nói mẹ đừng khóc. Nhưng không hiểu sao lúc đó nước mắt cứ chỉ trực trào ra không ngừng. Cái giây phút chờ đợi được gặp con cũng đã đến khi mẹ được chuyển xuống với con. Đôi mắt nhắm chặt, cái miệng đang ngáp, đôi bàn tay bụ bẫm, ngón tay dài, khuôn mặt bầu bĩnh đỏ au là ấn tượng ban đầu con tạo cho mẹ.

Mẹ không may mắn được nghe con cất tiếng khóc chào đời, nhưng sự xuất hiện của con đã thay đổi cuộc đời của mẹ kể từ đây. Ăn ngoan chóng lớn con yêu nhé. Và mẹ con ta cùng ba sẽ vượt qua những khó khăn hiện tại để có ngày đoàn tụ phải không con? Cảm ơn con đã đến bên cuộc đời của mẹ, để mẹ biết được làm mẹ là điều vĩ đại nhất.

Theo Ebe

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI