10 cách rèn thói quen tự học cho con

Trẻ độ tuổi 6 đến 12 thường thích vui chơi, lơ là việc học. Điều này thực sự là nỗi lo lắng lớn của các bậc cha mẹ. Những mẹo nhỏ dưới đây của yeutre.vn sẽ giúp các mẹ rèn tính tự học cho con một cách hiệu quả.

banner ads

1. Giúp con xây dựng trách nhiệm học tập

Ba mẹ càng thúc giục, làm hộ bài hay ngồi cạnh giúp con học tập sẽ khiến con nghĩ rằng việc học là trách nhiệm của cha mẹ, không phải của chúng. Do đó, ba mẹ cần phải thiết lập một ranh giới rõ ràng về trách nhiệm của mình và của con đối với việc học.

Hãy giúp con hiểu rằng việc học là trách nhiệm của chúng

Trách nhiệm của ba mẹ bao gồm: cung cấp cho con một môi trường và một góc học tập thích hợp; Đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi ý khi con có câu hỏi hoặc cần giúp đỡ; Tuyệt đối không làm hộ, không ngồi sát cạnh, chỉ nên ngồi gần và đọc sách, hoặc làm việc; Sau khi con đã hoàn thành bài tập, cha mẹ kiểm tra lại xem đã chính xác hay chưa.

2. Tạo góc học tập hợp lý

Trẻ con thường rất hay mất tập trung vì vậy, cha mẹ nên sắp xếp góc học cho bé yên tĩnh và cố định, tránh xa các thiết bị như tivi, máy tính. Không nên đặt bàn học của chúng gần cửa chính, bé sẽ mất tập trung vì có nhiều người ra vào.

3. Cho trẻ tự xây dựng thời gian biểu

Bạn không nên ép con học theo thời gian biểu dày đặc của mình soạn ra, điều này sẽ làm bé cảm thấy mệt mỏi, chán chường và bé sẽ không chú tâm vào bài học. Bạn hãy tìm hiểu con bạn thích học môn gì và thời gian nào khiến bé hứng thú học tập, tốt nhất nên để bé tự xây dựng thời gian biểu cho mình. Điều này sẽ khiến bé tự giác và hứng thú hơn với việc học. Cha mẹ chỉ nên là người tư vấn, gợi ý thời gian biểu cho bé mà thôi.

4. Điều chỉnh theo năng lực của con

Cha mẹ cần là người hiểu rõ năng lực thực sự của con mình. Con mình cần hoàn thành hay thêm những bài tập nâng cao chưa? Trường hợp bé nhà bạn chưa đạt chuẩn kiến thức, bạn cũng đừng sốt ruột mà bắt bé học tập quá sức. Bạn nên kiên nhẫn để con không căng thẳng quá mức và chỉ tập trung vào những bài cơ bản nhất để trẻ tiếp thu kiến thức.

Cha mẹ cần hiểu rõ năng lực thực sự của con mình để có những điều chỉnh phù hợp trong việc học của con

5. Khuyến khích con dọn dẹp bàn học ngăn nắp

Bạn nên tập thói quen dọn dẹp bàn học sau mỗi bữa học xong. Điều này sẽ không làm mất hứng học tập của con vào ngày hôm sau. Bạn nên hướng dẫn cho con mỗi lần ngồi vào bàn học là để đồ dùng học tập để sẵn sàng trên bàn nhằm giúp bé không bị phân tán tư tưởng, đứng lên ngồi xuống tìm cái này cái kia.

6. Dành cho con lời khen

Bạn hãy khen ngợi bé kịp thời nếu con học tốt trong buổi học đó. Đó là nguồn động lực rất lớn khích lệ trẻ luôn có ý thức học tập và ham học hỏi. Thế nhưng, bạn nên nhớ bạn không nên khen trẻ một cách qua loa mà nên khen trẻ một cách cụ thể và đặc biệt là không khen con một cách bừa bãi, trẻ sẽ sinh ra tính tự phụ và không cố gắng.

7. Luôn đồng hành cùng con

Đồng hành cùng con tức là bạn luôn quan sát và dõi theo việc học của con. Nếu bé đang gặp khó khăn trong việc giải quyết một bài tập khó nhằn nào đó, ba mẹ có thể đưa ra những gợi ý giúp bé giải quyết. Bạn cũng có thể dành thời gian giúp bé kiểm tra lại kết quả và chỉ ra cho bé những chỗ bé làm sai. Bạn nên chỉ dẫn nhẹ nhàng không nên la mắng trẻ.

8. Làm gương cho con

Bạn hãy làm gương cho trẻ về tấm gương học tập. Bạn nên cho trẻ thấy hình ảnh đọc sách, nghiên cứu say mê của mình. Trẻ con sẽ bắt chước hình ảnh của bạn và cũng sẽ học tập say mê.

Hãy làm gương cho con trong việc học tập, nghiên cứu

9. Không thưởng phạt

Bạn không nên khuyến khích con trẻ học tập bằng cách đưa ra việc thưởng phạt. Điều này sẽ khiến trẻ không tự giác học tập, hoặc trẻ sẽ cảm thấy việc học là áp lực và làm mọi cách để được thưởng chứ việc học không phải là việc quan trọng với chúng nữa, và trẻ có có suy nghĩ lệch lạc về việc học.

10. Cho con tham gia các hoạt động xã hội

Việc này giúp trẻ có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với nhiều người và trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết. Bạn nên cho con tham gia các khóa dã ngoại với bạn bè, trường lớp, tham gia các hoạt động xã hội, các khóa kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đội nhóm… Những kỹ năng đó sẽ làm trẻ ngày càng tự lập và trưởng thành hơn, điều này cũng chính là liều thuốc bổ giúp khả năng tự học cao hơn rất nhiều.

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI